Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 143/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2025 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ LÀM VIỆC VỚI THÀNH PHỐ HÀ NỘI VỀ ĐÔN ĐỐC, THỰC HIỆN GIẢI NGÂN KẾ HOẠCH VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2025, CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ XỬ LÝ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ
Sáng ngày 26 tháng 3 năm 2025, tại trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025; công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và kiểm soát ô nhiễm môi trường của Hà Nội. Tham dự họp có đồng chí Nguyễn Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ, đại diện các Bộ, cơ quan: Công an, Tài chính, Tư pháp, Nông nghiệp và Môi trường, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công Thương; Đài Truyền hình Việt Nam, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và đại diện lãnh đạo một số Sở ngành, đơn vị liên quan của thành phố Hà Nội.
Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ý kiến phát biểu của đại diện các cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã kết luận như sau:
I. Về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư 03 tháng năm 2025:
Ghi nhận và biểu dương lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết tiến độ giải ngân, phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án để phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao là 87.130 tỷ đồng (gấp 1,13 lần so với kế hoạch năm 2024 và bằng 10,5% tổng số vốn của cả nước).
Tuy nhiên, đến ngày 24/3/2025 thành phố Hà Nội mới giải ngân được 5.052,29 tỷ đồng đạt 5,8% kế hoạch và thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (xác định nguồn gốc đất, giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường); một số dự án sử dụng vốn ODA chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, khác biệt về quy định pháp luật và hợp đồng quốc tế, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức....
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư trong thời gian tới và phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch được giao, Phó Thủ tướng cơ bản nhất trí với ý kiến của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các Bộ, cơ quan liên quan và đề nghị Thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
(1) Tập trung sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tổ chức, cá nhân để thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 18/02/2025 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
(2) Quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư, lựa chọn các nhà thầu các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.
(3) Xây dựng kế hoạch giải ngân đối với từng dự án; yêu cầu chủ đầu tư báo cáo tiến độ giải ngân của từng dự án theo từng tháng, quý, tuân thủ kế hoạch hoạch giải ngân theo từng tháng, quý, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại hiện trường; việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phải gắn với đảm bảo chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.
(4) Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm từng dự án, kiểm soát chặt quy mô, tiến độ, hiệu quả đầu tư; đưa kết quả giải ngân thành tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ để kiểm điểm, khen thưởng, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời. Nghiêm túc coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2025 của cá nhân người đứng đầu cơ quan, đơn vị và của tổ chức có liên quan.
(5) Chủ động rà soát, kịp thời điều chuyển vốn của các dự án giải ngân chậm để bổ sung cho các dự án khác có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ theo quy định, đặc biệt là các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược và các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia.
II. Về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông
Lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp cấp bách như khắc phục tình trạng lưu lượng giao thông lớn gây quá tải hạ tầng; khắc phục xung đột giao thông tại các nút có mật độ giao thông cao; khắc phục nhanh các sự cố giao thông, ảnh hưởng của thời tiết mưa bão gây ra tình trạng ngập úng cục bộ; giải quyết tình trạng ùn tắc tại các khu vực cổng trường học, bệnh viện tập trung mật độ giao thông cao vào giờ cao điểm; tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông ... Trong Quý I năm 2025, trên địa bàn Thành phố xảy ra 306 vụ tai nạn giao thông, làm 177 người chết, 199 người bị thương. So cùng kỳ năm 2024 giảm 81 vụ (-20,93%), tăng 01 người chết (+0,57%), giảm 115 người bị thương (-36,62%). Đã xử lý được 03/37 điểm ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong các thời điểm lễ, tết, khung giờ cao điểm tại các tuyến trục chính, vành đai ra vào nội đô khi nhu cầu đi lại tăng đột biến và lượng phương tiện quá tải so với kết cấu hạ tầng; còn có sự bất cập trong bố trí đèn tín hiệu giao thông và phân luồng giao thông tại một số nút giao có mật độ giao thông cao.
Trong thời gian tới, để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại Hà Nội, giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Xây dựng, Tư pháp, Nông nghiệp và Môi trường, Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai đồng bộ những giải pháp trọng tâm sau:
(1) Khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp thực hiện mô hình “Thành phố an toàn giao thông”.
(2) Tăng cường các biện pháp kiểm soát và giảm ùn tắc giao thông; quy hoạch hợp lý các bãi đỗ xe (bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe thông minh) để giảm tình trạng đỗ xe tràn lan trên vỉa hè, lòng đường. Xây dựng lộ trình giảm dần xe máy trong nội đô, thu phí ô tô vào khu vực trung tâm trong giờ cao điểm để hạn chế số lượng xe cá nhân trên một số tuyến đường. Điều chỉnh đèn tín hiệu, làn đường linh hoạt theo khung giờ cao điểm để giảm ùn tắc. Quy hoạch khu vực đón/trả khách hợp lý, nhất là quanh khu vực bệnh viện, trường học để tránh ùn tắc.
(3) Phát triển hệ thống giao thông công cộng. Tăng cường mở thêm các tuyến xe buýt điện, tuyến đường sắt đô thị, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút người dân sử dụng. Phát triển hệ thống giao thông thông minh, sử dụng AI để phân tích tình trạng giao thông và đề xuất phương án điều tiết hợp lý.
(4) Tăng cường, xử phạt vi phạm giao thông theo quy định của Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ. Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm như vượt đèn đỏ, đi sai làn, sử dụng rượu bia khi lái xe, đua xe lạng lách, đánh võng gây rối trật tự công cộng, xe ba bánh tự chế...
(5) Nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền đưa vào quy định bắt buộc kiểm tra định kỳ khí thải xe máy, loại bỏ xe cũ nát gây ô nhiễm và mất an toàn.
(6) Nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Tuyên truyền mạnh mẽ, xây dựng văn hóa giao thông, nhất là cho các đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên trong trường học. Sử dụng các kênh truyền thông như mạng xã hội, báo chí để nâng cao nhận thức cộng đồng về giao thông an toàn.
Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện Đề án kiện toàn mô hình Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/5/2025.
III. Về kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường không khí
Đề nghị Thành phố Hà Nội cần nghiên cứu, đánh giá chính xác các nguồn gây ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố để có giải pháp tổng thể kiểm soát, xử lý triệt để, chỉnh trang đô thị, góp phần dựa Hà Nội ngày càng xanh-sạch-đẹp hơn; trong đó lưu ý nếu nguyên nhân gây ô nhiễm là các nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông đường bộ thì cần hạn chế bằng các công cụ điều tiết kinh tế, không phải cấm bằng các biện pháp hành chính.
Giao Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ thành phố Hà Nội ban hành các quy chuẩn khí thải đối với ô tô, xe máy; sớm triển khai kiểm định khí thải xe máy; tiếp tục kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm từ các công trường xây dựng, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; xây dựng quy chế phối hợp liên tỉnh để quản lý chất lượng không khí của thành phố Hà Một và các địa phương lân cận.
Giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Đề án thành lập Ban Chỉ đạo về giải quyết ô nhiễm không khí cho Vùng Thủ đô, trong đó cần xác định rõ cơ chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương; xác định rõ các cơ chế, chính sách cần thiết và cấp có thẩm quyền phù hợp; nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm quốc tế; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 4/2025
IV. Về các kiến nghị của thành phố Hà Nội
1. Về kiến nghị sửa đổi đồng bộ các quy định các luật chuyên ngành, luật đầu tư công và luật ngân sách nhà nước theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương mới:
Giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu, tổng hợp các kiến nghị của Thành phố Hà Nội để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định,
2. Về nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư công năm 2024 theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho Ủy ban nhân dân các cấp; đổi mới cách thức điều hành kế hoạch vốn đầu tư:
Giao Bộ Tài chính nghiên cứu các kiến nghị của Thành phố trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, báo cáo cấp có thẩm quyền.
3. Về việc có ý kiến với nhà thầu gói thầu CP06 của Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.
Giao Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao cùng với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trao đổi với Đại sứ quán Pháp và nhà tài trợ AFD để tăng cường phối hợp hài hòa, sớm thống nhất và ký kết phụ lục hợp đồng triển khai hoàn thành Dự án.
4. Về Dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 - Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo:
Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội căn cứ theo nội dung thỏa thuận thống nhất với Nhà tài trợ vốn của Dự án để quyết định theo thẩm quyền việc ứng vốn ngân sách thành phố trong thời gian hoàn thiện thủ tục đàm phán, ký kết hiệp định vay ODA.
5. Về đề nghị bàn giao mặt bằng địa điểm hiện tại của Tiểu đoàn D10 - Bộ Tư lệnh pháo binh cho thành phố Hà Nội:
Đồng ý chủ trương di dời trụ sở doanh trại Tiểu đoàn D10 để thực hiện Dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 - Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Giao Bộ Quốc phòng làm việc thống nhất với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để tiếp nhận mặt bằng địa điểm mới cho Tiểu đoàn D10 và bàn giao mặt bằng hiện tại của Tiểu đoàn D10, bảo đảm đúng quy định pháp luật.
6. Về các kiến nghị đối với Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là cơ quan chủ trì, thống nhất điều chỉnh tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần; cho phép Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên phê duyệt điều chỉnh tăng, giảm tổng mức đầu tư các dự án thành phần):
Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội căn cứ Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 125/TB-VPCP ngày 19/3/2025 để thực hiện.
7. Về kiến nghị áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt ở 03 dự án cầu lớn (Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi) qua sông Hồng:
Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có văn bản làm rõ cơ sở pháp lý, tính cấp thiết và sự phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành có liên quan đối với từng dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
8. Về dự án cầu Ngọc Hồi kết nối thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên:
Đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2495/VPCP-CN ngày 26/3/2025.
9. Về cơ chế, phương thức đầu tư dự án tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với trung tâm Thủ đô Hà Nội:
Giao Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của thành phố Hà Nội để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật PPP về thực hiện dự án áp dụng hợp đồng BT, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
10. Về Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 21A Sơn Tây-Hòa Lạc-Xuân Mai:
Ủng hộ chủ trương giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là cơ quan chủ quản thực hiện Dự án. Đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội căn cứ Luật Đường bộ, Nghị định 165/2024/NĐ-CP, Luật Đầu tư công năm 2024, Luật số 56/2024/QH15 tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội làm chủ quản đầu tư để triển khai thực hiện theo quy định.
11. Về kiến nghị điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 nguồn ngân sách Trung ương đã giao cho Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc:
Giao Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 3/2025.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020
- 3Nghị quyết 56/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội do Quốc hội ban hành
- 4Luật Đường bộ 2024
- 5Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe
- 6Luật Đầu tư công 2024
- 7Luật sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2024
- 8Nghị định 165/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đường bộ và Điều 77 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ
- 9Công điện 16/CĐ-TTg đôn đốc các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ điện
- 10Chỉ thị 05/CT-TTg về Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng tưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Thông báo 125/TB-VPCP năm 2025 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 16 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 143/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm việc với Thành phố Hà Nội về đôn đốc, thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý ô nhiễm môi trường không khí do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 143/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 01/04/2025
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Sỹ Hiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/04/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra