Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 104/TB-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 9 năm 1990

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC LÀM KINH TẾ DO CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÁNH SỰ NGHIỆP VÀ CÁC ĐOÀN THỂ THÀNH LẬP.

Căn cứ quyết định số 268/CT ngày 30 tháng 7 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng và thông tư số 39/TC.CTN ngày 27 tháng 8 năm 1990 của Bộ Tài chính về việc đăng ký và hoạt động của các tổ chức làm kinh tế do các cơ quan hành chánh sự nghiệp và các đoàn thể thành lập :

Ủy ban nhân dân thành phồ Hồ Chí Minh thông báo:

I.- ĐỐI TƯỢNG PHẢI ĐĂNG KÝ VÀ ĐĂNG KÝ LẠI :

1/ Các tổ chức làm kinh tế do các cơ quan hành chánh sự nghiệp, các Viện nghiên cứu khoa học xã hội, các trường học, các bệnh viện, các trạm trại của các cơ quan sự nghiệp kinh tế, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng theo nghề nghiệp, các cơ quan Đảng… lập ra; không phân biệt về hình thức tổ chức và tính chất kinh doanh.

2/ Các đơn vị thanh niên xung phong làm kinh tế theo chỉ thị 259/CT ngày 12 tháng 7 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng vẫn phải xin cấp giấy phép kinh doanh và đăng ký nộp thuế theo quyết định 268/CT của Hội đồng Bộ trưởng.

3/ Các tổ chức làm kinh tế nhằm mục đích cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên của các đơn vị quân đội, công an.

Các tổ chức kinh tế nói trên do các cơ quan hành chánh, đoàn thể… từ cấp trung ương, thành phố, quận, huyện, phường xã thành lập trú đóng và đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đều phải đăng ký lại theo thông báo này.

II.- ĐỊA ĐIỂM ĐĂNG KÝ VÀ ĐĂNG KÝ LẠI :

Tại Chi cục thế quận huyện sở tại, nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở.

III.- THỜI GIAN ĐĂNG KÝ:

Kể từ ngày ra thông báo đến hết ngày 31 tháng 10 năm 1990.

IV.- HỒ SƠ ĐĂNG KÝ:

1.Mẫu đơn xin thành lập : mua tại Chi cục thuế quận, huyện.

2. Quyết định thành lập tổ chức làm kinh tế do thủ trưởng cơ quan chủ quản ký duyệt.

3. Riêng đối với ngành nghề, mặt hàng kinh doanh cần có giấy phép đặc biệt, giấy phép riêng theo quy chế do các Bộ chủ quản ban hành đã được đề cập tại nghị định 28/HĐ ngày 9 tháng 3 năm 1988 và quyết định 193/HĐBT ngày 23 tháng 12 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng, phải có ý kiến “xác nhận tay nghề và điều kiện hoạt động” của cơ quan chủ quản ngành kinh tế kỹ thuật liên quan.

4. Giấy đăng ký nộp thuế tại Chi cục thuế quận huyện sở tại (theo mẫu do cơ quan thuế phát hành).

Riêng đối với những đơn vị mới thành lập đang làm thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh hoặc đã thành lập nhưng chưa được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh thì phải bổ sung thêm phương án hoạt động và điều lệ tổ chức hoạt động.

V.- XÉT CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH

1. Ủy ban nhân dân quận huyện làm cơ quan quyết định cấp giấy phép kinh doanh cho tất cả các tổ chức làm kinh tế, dịch vụ nói trên.

Chi cục thuế quận huyện làm thường trực, các ngành chủ quản là thành viên giúp Ủy ban nhân dân quận huyện xét. Sau khi được Ủy ban nhân dân quận huyện duyệt, cơ quan thuế trực tiếp cấp giấy phép kinh doanh cho từng tổ chức làm kinh tế.

2. Cục thuế Nhà nước thành phố xét cấp giấy phép kinh doanh cho :

- Cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu.

- Cơ sở có các địa điểm kinh doanh (cửa hàng, xưởng sản xuất, chế biến…) ở các tỉnh, thành phố khác.

- Cơ sở kinh doanh có tổng số vốn (cố định và lưu động) từ 100 triệu đồng trở lên.

Các đơn vị trên nộp hồ sơ đăng ký tại Chi cục thuế quận huyện, Chi cục thuế sẽ trình cho Cục thuế Nhà nước thành phố xét cấp giấy phép kinh doanh, Chi cục thuế sẽ nhận giấy phép trao lại cho đơn vị và vào sổ đăng ký nộp thuế tại Chi cục thuế quận huyện.

3. Thời hạn cấp giấy phép: Không quá 20 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ.

4. Căn cứ giấy phép kinh doanh đã được cấp, cơ quan công an sẽ cấp con dấu và mở tài khoản tại ngân hàng.

5. Mỗi khi có sự thay đổi về ngành nghề, mặt hàng, địa điểm kinh doanh …phải khai báo và xin cấp giấy phép kinh doanh mới.

Nghiêm cấm mọi hành vi cho mượn, cho thuê hoặc làm giả giấy phép kinh doanh.

6. Các tổ chức làm kinh tế chỉ được phép hoạt động sau khi có đủ thủ tục gồm : giấy phép kinh doanh, giấy đăng ký nộp thuế và con dấu của ngành nội vụ. Nếu thiếu một trong những điều kiện nêu trên thì coi như phạm pháp và sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.

Trong thời gian đang làm lại hoặc làm bổ sung các thủ tục về đăng ký kinh doanh, các tổ chức này vẫn được tiếp tục hoạt động.

Sau ngày 31 tháng 10 năm 1990 các tổ chức làm kinh tế nêu trên không đăng ký lại thì sẽ bị xử lý và mọi khiếu nại không được cứu xét.

7. Các tổ chức làm kinh tế theo quyết định 268/CT được xác định là tổ chức kinh tế tập thể, do đó phải giữ đầy đủ các loại sổ sách kế toán, chứng từ, hóa đơn theo chế độ quy định, chịu sự quản lý và nộp thuế với cơ quan thuế sở tại.

Thông báo này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với quyết định 268/CT ngày 30 tháng 7 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng đều bị bãi bỏ.

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Hữu Nhơn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 104/TB-UB về việc đăng ký và hoạt động của các tổ chức làm kinh tế do các cơ quan hành chánh sự nghiệp và các đoàn thể thành lập do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 104/TB-UB
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 25/09/1990
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Vương Hữu Nhơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản