Hệ thống pháp luật

SẮC LỆNH

CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 42 NGÀY 7 THÁNG 4 NĂM 1947

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ

Chiểu theo những thể lệ kế toán hiện hành;

Xét tình thế hiện thời;

Sau khi ban Thường trực Quốc hội và Hội đồng Chính phủ đã thoả thuận;

RA SẮC LỆNH:

Điều 1

Bắt đầu từ mồng 1 tháng 1 năm 1947 và đến khi có lệnh mới, các ngân sách các cấp Kỳ, tỉnh, thành phố, thị xã, tự trị và phụ thuộc của ngân sách toàn quốc đều bãi bỏ và sát nhập vào quỹ toàn quốc.

Quỹ đặc biệt quốc phòng vẫn giữ nguyên như cũ.

Công việc thanh toán các ngân sách cũ kể tại đoạn 1 điều này vẫn thi hành theo các luật lệ đã ban hành.

Các số tiền thừa đều sung vào mục "Dự chi, thu" nói tại Điều thứ 2 Sắc lệnh này. Các số tiền thiết hụt cũng đều do mục "Dự chi, thu" ấy chịu.

Điều 2

Nay lập cho quỹ toàn quốc nói trên một mục gọi là: "Mục Dự chi thu".

Các khoản thu thuộc ngân sách toàn quốc, ngân sách các cấp Kỳ, tỉnh, thành phố, thị xã, tự trị và phụ thuộc của ngân sách toàn quốc đều xung vào phần "Thu" của mục đó.

Các khoản chi thuộc các ngân sách kể trên cũng đều do phần "Chi" của mục đó chịu.

Điều 3

Các khoản thu vào mục "Dự chi thu" nói tại Điều thứ 2 kể trên đều do lệnh thu tiền của ông Bộ trưởng Bộ Tài chính hay các cơ quan được luật pháp cho phép thay quyền phát hành xung vào mục đó.

Điều 4

Các khoản chi đều trả bằng lệnh trả tiền của Bộ trưởng bộ Tài chính hay các cơ quan được pháp luật cho phép thay quyền phát hành.

Các khoản chi về Quốc hội sẽ do ban Thường trực đề nghị và Bộ Tài chính ấn định cấp.

Các khoản chi thuộc các Bộ đều do vị Bộ trưởng đề nghị và Bộ Tài chính ấn định cấp.

Các khoản chi này gồm có các khoản chi về các Nha, Sở thuộc quyền: nhân viên và vật liệu.

Bộ Nội vụ phải trù liệu các khoản chi của Chủ tịch phủ và của các vị Bộ trưởng không giữ Bộ nào.

Các khoản chi các Uỷ ban kháng chiến khu đều do Bộ Quốc phòng thoả hiệp với Bộ Nội vụ đề nghị và Bộ Tài chính ấn định cấp.

Các khoản chi các tỉnh đều do Uỷ ban kháng chiến khu tập trung xét trước rồi đề nghị như trường hợp trên.

Điều 5

Việc chứng minh các khoản chi thuộc "Mục dự chi thu" nói tại Điều 2 kể trên sẽ thi hành về ba phương diện sau đây :

a) Về phương diện chính trị, Chủ tịch Ban Thường trực Quốc hội, các vị Bộ trưởng và các Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến khu đều chịu trách nhiệm về việc chi tiền trước Chính phủ.

b) Về phương diện kế toán, Chủ tịch Ban Thường trực Quốc hội, các vị Bộ trưởng sở quan và các Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến khu phải gửi giấy tờ bằng chứng lên Bộ Tài chính để kiểm soát và lập tờ trình thành toán mục "Dự chi thu" lên Quốc hội và Chính phủ.

c) Về phương diện kiểm soát, Bộ Tài chính sẽ tổ chức một Ban Thanh tra lưu động. Một nghị định sau sẽ ấn định quyền hạn của ban đó.

Điều 6

Nha Ngân khố Việt Nam trông Nom việc giữ tiền công và các sổ sách kế toán.

Việc vận chuyển tiền tệ sẽ do Nha Ngân khố Việt Nam phụ trách theo lệnh của Bộ trưởng bộ Tài chính và do Bộ Quốc phòng hay các Uỷ ban kháng chiến giúp về việc canh phòng.

Điều 7

Các ông Bộ Trưởng các Bộ chiểu Sắc lệnh thi hành.

 

Hồ Chí Minh

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Sắc lệnh số 42/SL về việc bãi bỏ ngân sách các cấp kỳ, tỉnh, thành phố, thị xã tự trị và sáp nhập vào quỹ toàn quốc do Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà ban hành

  • Số hiệu: 42/SL
  • Loại văn bản: Sắc lệnh
  • Ngày ban hành: 07/04/1947
  • Nơi ban hành: Chủ tịch nước
  • Người ký: Hồ Chí Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản