Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 996/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XUẤT BẢN PHỤ TRƯƠNG TIẾNG HOA CỦA BÁO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Luật Báo chí năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999;
Căn cứ Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí;
Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Chỉ thị số 37/2006/CT-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí;
Xét đề nghị của Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xuất bản Phụ trương tiếng Hoa của Báo Pháp luật Việt Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, Báo PLVN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đinh Trung Tụng

 

ĐỀ ÁN

XUẤT BẢN PHỤ TRƯƠNG TIẾNG HOA CỦA BÁO PHÁP LUẬT VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 996/QĐ-BTP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

I. SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Cộng đồng người Hoa ở Việt Nam

Hiện nay ở Việt Nam, người Hoa sinh sống tập trung tại một số tỉnh thành như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Nam, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau…Cộng đồng người Hoa ở Việt Nam sống tại Việt Nam. Tính đến nay, cả nước đã có hơn 1 triệu người. Trong đó, cộng đồng người Hoa sống tập trung ở TP Hồ Chí Minh, chiếm 54% tổng số đồng bào người Hoa của cả nước. Hoạt động của đồng bào người Hoa thành phố Hồ Chí Minh sôi động, nhộn nhịp và phát triển theo chiều hướng đi lên. Nhiều năm qua, xuất phát từ tính năng động và nhạy bén, người Hoa đã có nhiều đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng kinh tế của thành phố, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động thành phố. Trên lĩnh vực văn hóa, nhiều hoạt động đã diễn ra sôi nổi nhằm đẩy mạnh giới thiệu những tinh hoa văn hóa của đồng bào Hoa và góp phần duy trì và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của tộc người mình.

Ngôn ngữ được sử dụng trong cộng đồng người Hoa tại Việt Nam, bao gồm: Tiếng Việt, tiếng Trung Quốc (tiếng Hoa), tiếng Anh… Trong đó, tiếng Hán là ngôn ngữ mẹ đẻ vẫn được đông đảo đồng bào trong cộng đồng người Hoa sử dụng trong cuộc sống và hoạt động kinh doanh.

Cộng đồng người Hoa ở Việt Nam nói chung và ở TP Hồ Chí Minh nói riêng là cộng đồng dân cư phát triển toàn diện cả về văn hoá và kinh tế. Về văn hoá, cộng đồng người Hoa sinh hoạt tập trung trong nhiều tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư. Hiện nay, cộng đồng người Hoa có khoảng 26 dòng họ và 18 tổ chức Hội, như:

- Các Hội quán người Hoa (Hội quán Nghĩa An, Hội quán Nhị Phủ, Hội quán Hải Nam…).

- Các dòng họ người Hoa (Trần, La, Quan, Lư…) với các hoạt động sinh hoạt dòng họ trong Đền thờ họ.

- Các tổ chức đoàn thể khác như: Hội nghề nghiệp, Hội sinh viên người Hoa…

- Ban công tác người Hoa tại TP. HCM

Về kinh tế, cộng đồng người Hoa cũng là cộng đồng có đời sống kinh tế khá giả, có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp thành đạt ở trong nước và khu vực. Hiện tại, cộng đồng người Hoa có khoảng 18.000 doanh nghiệp. Các tổ chức kinh tế của cộng đồng người Hoa ở Việt Nam, như: doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp… phát triển khá mạnh.

Đặc biệt là trong cộng đồng người Hoa đang sinh sống tại Việt Nam hiện nay, có một bộ phận rất đông các doanh nhân và người lao động gốc Hoa từ các quốc gia có vốn đầu từ nước ngoài ở Việt Nam sinh, như: Đài Loan, Singapore, Malaysia… Vì vậy, các sinh hoạt văn hoá, xã hội và kinh tế có sử dụng ngôn ngữ là tiếng Hoa Quốc ngày càng nhiều.

2. Nhu cầu tìm hiểu thông tin bằng tiếng Hoa trên các phương tiện truyền thông của cộng đồng người Hoa ở Việt Nam.

Tiếng Hoa là một trong 4 ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Ở Việt Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, tiếng Hoa được sử dụng khá phổ biến. Sinh hoạt xã hội và các giao dịch dân sự, kinh tế của cộng đồng người Hoa ở Việt Nam chủ yếu được sử dụng bằng tiếng Việt và tiếng Hoa Quốc.

Tuy nhiên, việc tiếp cận truyền thông hiện nay chủ yếu thông qua các phương tiện truyền thông bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Cộng đồng người Hoa, đặc biệt là các doanh nhân gốc Hoa đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam tìm hiểu các thông tin về kinh tế, chính sách, pháp luật thông qua phiên dịch hoặc tiếng Anh. Vì hiện nay, báo chí trong nước xuất bản bằng tiếng Hoa còn rất hạn chế. Hiện tại, cả nước có hàng trăm tờ báo trung ương và địa phương nhưng chỉ duy nhất tờ báo Sài Gòn giải phóng có Phụ trương bằng tiếng Hoa.

Hiện nay, nhu cầu tiếp cận thông tin bằng tiếng Hoa là nhu cầu thiết yếu của cộng đồng người Hoa ở Việt Nam, đặc biệt là giới doanh nhân Hoa kiều. Những thông tin về văn hoá, xã hội trong nước thực hiện bằng tiếng Hoa chưa nhiều. Kênh thông tin về chính sách và pháp luật bằng tiếng Hoa càng hạn chế. Vì vậy, nhu cầu về việc tìm hiểu thông tin về chính sách, pháp luật và kinh tế bằng tiếng Hoa của cộng đồng người Hoa nói chung và doanh nhân người Hoa nói riêng nhu cầu chưa có tổ chức truyền thông nào đáp ứng được.

Trước thực tế nhu cầu đọc và tìm hiểu chính sách, pháp luật bằng tiếng Hoa chưa có cơ quan báo chí, truyền thông nào đáp ứng, việc Báo Pháp luật Việt Nam xuất bản một Phụ trương tiếng Hoa sẽ giúp cho cộng đồng người Hoa, đặc biệt là những doanh nhân sử dụng tiếng Hoa, có thêm một sự lựa chọn nữa trong việc tiếp cận với thông tin về các vấn đề chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

3. Yêu cầu phát triển của Báo Pháp luật Việt Nam

Báo Pháp luật Việt Nam đang xây dựng và thực hiện đề án đổi mới về tổ chức và hoạt động của Báo trong giai đoạn 2008-2015. Việc đổi mới nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nâng cao giá trị thương hiệu và thực hiện tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, là cơ quan báo chí truyền thông có uy tín. Báo Pháp luật Việt Nam đang từng bước hướng đến đông đảo bạn đọc là các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh việc đa dạng hoá các ấn phẩm, phát triển tờ báo điện tử, cơ cấu lại nội dung thông tin, nâng cao chất lượng thông tin, Báo Pháp luật Việt Nam cần phát hành thêm Phụ trương nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của từng bộ phận bạn đọc. Việc xây dựng Phụ trương tiếng Hoa là một hoạt động cụ thể để hiện thức hoá chủ trương đổi mới về tổ chức và hoạt động của Báo theo khuynh hướng phát triển của các cơ quan báo chí, truyền thông trong thời kỳ đổi mới.

II. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu chung:

- Tăng cường cơ hội tiếp cận thông tin của cộng đồng người Hoa. Đây là mục tiêu mà Báo pháp luật Việt Nam hướng đến khi thực hiện đề án. Hiện nay, không có nhiều cơ hội lựa chọn cho công đồng người Hoa khi tiếp cận các phương tiện truyền thông bằng tiếng Hoa.

- Đối với công tác phổ biến - giáo dục pháp luật: Việc phát hành Phụ trương Báo pháp luật Việt Nam bằng tiếng Hoa sẽ tăng cường khả năng tiếp cận các thông tin về chính sách, pháp luật và các thông tin kinh tế, văn hoá, xã hội cho công đồng người Hoa tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc phát hành Phụ trương sẽ tăng cường kênh thông tin, tuyền truyền và phổ biến chính sách, pháp luật đến cộng đồng dân cư. Vì vậy, việc xuất bản và phát hành Phụ trương sẽ đẩy mạnh thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật mà Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp thực hiện.

- Hiện thực hoá các chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước về thông tin đối ngoại và báo chí. Bên cạnh đó, việc phát hành Phụ trương tiếng Hoa cũng là một hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, truyền thông. Tăng cường sự hiểu biết giữa các doanh nhân gốc Trung Quốc đối với chính sách, pháp luật và văn hoá của Việt Nam bằng ngôn ngữ của bạn.

2. Mục tiêu cụ thể

Việc xuất bản Phụ trương tiếng Hoa là một trong các hoạt động tăng cường năng lực và đổi mới tổ chức, hoạt động của Báo Pháp luật Việt Nam.Việc xuất bản Phụ trương tiếng Hoa sẽ giúp Báo pháp luật Việt Nam đạt được các mục tiêu:

- Tăng cường lượng báo phát hành hàng ngày, tăng cường hình ảnh của tờ báo trong cộng đồng dân cư nói chung và cộng đồng người Hoa, doanh nghiệp nói riêng. Qua đó, nâng cao chất lượng phục vụ cũng như nâng cao vị thế, hình ảnh của Báo Pháp luật Việt Nam trong cộng đồng.

- Tăng cường các hoạt động marketing, quảng cáo để tăng doanh thu cho toà soạn. Trong thời gian qua, các hoạt động quảng bá hình ảnh của Báo pháp luật Việt Nam trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp chưa tốt, chưa phát huy được các tiềm năng vốn có. Vì vậy, thông qua việc phát hành Phụ trương, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ hướng đến phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu tìm hiểu thông tin của nhân dân và doanh nghiệp. Qua đó, thu hút các doanh nghiệp đặt quảng cáo trên các ấn phẩm của Báo.

III. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Nội dung và hình thức của Phụ trương

Nội dung của Phụ trương: Phụ trương tập trung vào các vấn đề thông tin về chính sách, pháp luật, kinh doanh và hàng hoá dựa trên cơ sở mục tiêu là phục vụ đối tượng bạn đọc trong cộng đồng người Hoa, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp người Hoa. Nội dung của Phụ trương được xây dựng theo dự kiến như sau:

- Biên dịch vắn tắt nội dung thông tin, các bài viết quan trọng trên các số báo ngày phát hành có Phụ trương.

Báo Pháp luật Việt Nam phát hành các số thường từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần có nhiều bài viết, nhiều chuyên mục thông tin về các vấn đề thời sự pháp luật kinh tế, chính sách đầu tư và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao lưu kinh tế của các doanh nghiệp, các địa phương. Phụ trương tiếng Hoa sẽ có các bài viết được biên dịch từ những bài hay, đặc sắc trên các số báo thường, phát hành cùng ngày nhằm đảm bảo người đọc có đầy đủ các thông tin thời sự pháp luật và kinh tế song cũng không bị trùng lắp thông tin cùng với các bài viết đã đăng tải trên các số báo thường.

- Xây dựng các chuyên mục tư vấn pháp luật, thông tin chính sách.

- Việc xây dựng các chuyên mục tư vấn thông tin về chính sách và pháp luật sẽ được tổ chức thực hiện căn cứ vào nhu cầu thông tin của độc giả. Trong mỗi kỳ phát hành của Phụ trương, sẽ có các chuyên mục được duy trì thường xuyên. Bên cạnh đó, Ban biên tập sẽ xây dựng các chuyên mục “mềm”, không cố định để đảm bảo thông tin linh hoạt về các vấn đề mới, các vấn đề thời sự kinh tế.

- Xây dựng các chuyên đề căn cứ vào tình hình thời sự kinh tế, pháp luật và dựa trên cơ sở đánh giá các nhu cầu tìm hiểu thông tin thời sự kinh tế, pháp luật của độc giả.

- Các thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp người Hoa.

- Thông tin về hàng hoá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu và giao lưu thương mại trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

- Xây dựng chuyên mục thông tin cập nhật về tình hình phát triển kinh tế, pháp luật của nước bạn Trung Quốc.

Hình thức của Phụ trương: Phụ trương được xuất bản đình kèm với các số bào thường. Vì vậy, Phụ trương được in 2 mầu và 4 mầu trên khổ giấy A3.

2. Số lượng Phụ trương và phạm vi phát hành

Phụ trương tiếng Hoa được xem xét xuất bản theo từng giai đoạn cụ thể dựa trên cơ sở tính toán đến nhu cầu và khả năng đáp ứng nhu cầu về tiếp cận truyền thông bằng tiếng Hoa của cộng đồng. Số lượng Phụ trương giai đoạn đầu dự tính khoảng từ 7000 – 10.000 bản/kỳ.

Quy mô của Phụ trương được tính toán trên cơ sở cân đối doanh thu và chi phí sản xuất.Theo lộ trình phát hành Phụ trương, từ Quý 3 đến hết năm 2008, Phụ trương tiếng Hoa có thể tăng doanh thu cho Báo Pháp luật Việt Nam bằng các nguồn thu, cụ thể là:

- Nguồn thu từ phát hành: Với việc phát hành Phụ trương, dự kiến, số lượng phát hành của Báo Pháp luật có thể tăng từ 7000 bản trở lên. Doanh thu từ phát hành khoảng 1.4 tỷ trong 6 tháng cuối năm 2008.

- Doanh thu từ việc quảng cáo: Mỗi kỳ phát hành Phụ trương, dự kiến doanh thu từ quảng cáo khoảng 20.000.000/kỳ. Với số lượng phát hành 3 kỳ/ tuần, doanh thu từ quảng cáo trong năm 2008 dự kiến là:

Tuần: 20.000.000 x 3 = 60.000.000 (sáu mươi triệu đồng)

Tháng: 60.000.000 x 4 = 240.000.000 (hai trăm bốn mươi triệu đồng)

Năm 2008: 240.000.000 x 6 = 1.440.000.000 (một tỷ, bốn trăm, bốn mươi triệu đồng)

- Phạm vi phát hành Phụ trương: TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam

3. Quản lý và tổ chức xuất bản

3.1. Tổ chức nội dung.

Thực hiện đề án xuất bản Phụ trương tiếng Hoa, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ xây dựng Ban chuyên trách, trong đó:

- Chỉ đạo, giám sát và chịu trách nhiệm quản lý: Do 1 Phó tổng biên tập phụ trách.

- Tổ chức xây dựng nội dung, tổ chức bài viết và trình bày: 1 trưởng ban phụ trách.

- Thực hiện nội dung: Trưởng ban và các biên dịch viên

- Đội ngũ biên dịch viên: Tuyển dụng biên tập viên, phóng viên và sử dụng các cộng tác viên thành thạo tiếng Hoa

3.2. Tổ chức phát hành:

Theo quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong cộng đồng người Hoa để tiến hành công tác phát hành, quảng bá thương hiện, thu hút quảng cáo, tài trợ cho Phụ trương. Phụ trương được phát hành miễn phí, kèm theo các số báo thường. Vì vậy, việc phát hành sẽ được thực hiện theo kênh phát hành của các tờ báo thường. Đối tượng độc giả của Phụ trương là cộng đồng người Hoa ở các tỉnh phía Nam và Tp Hồ Chí Minh, việc phát hành Phụ trương sẽ do Báo pháp luật Việt Nam tổ chức kênh phát hành đến các doanh nghiệp Hoa kiều và các tổ chức xã hội của người Hoa.

3.3. Tài chính - trị sự:

Công tác quản lý tài chính, trị sự phục vụ cho việc xuất bản Phụ trương được thực hiện theo quy chế quản lý tài chính chung của Báo Pháp luật Việt Nam.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Lộ trình và các giai đoạn thực hiện :

Việc xuất bản Phụ trương tiếng Hoa sẽ được thực hiện từ Quý 3 năm 2008.

Giai đoạn 1: Từ Quý 3 năm 2008 đến Quý 1 năm 2009

- Phạm vi phát hành: TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam

- Số lượng Phụ trương: Từ 7 nghìn bản đến 10 nghìn bản

- Số lượng trang: 08 trang, khổ A3

- Thời lượng phát hành: Từ 2 đến 3 kỳ/tuần

- Nội dung thông tin: Các thông tin về chính sách, pháp luật về kinh tế, xã hội

Giai đoạn 2: Từ Quý 1 năm 2009

- Phạm vi phát hành: TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam

- Số lượng phát hành: Từ 10 nghìn bản trở lên

- Số trang: 08 trang, khổ A3

- Thời lượng phát hành: 6 kỳ/tuần

- Nội dung Phụ trương: các vấn đề về chính sách, pháp luật và thông tin kinh tế, xã hội.

2. Trách nhiệm thực hiện:

- Trách nhiệm của Báo Pháp luật Việt Nam: Tổ chức thực hiện nội dung Phụ trương, tổ chức công tác phát hành. Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp người Hoa để xây dựng kế hoạch phát hành báo đến cộng đồng doanh nghiệp người Hoa tại khu vực dự kiến phát hành.

- Trách nhiệm của các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp: Phối hợp cùng Báo Pháp luật Việt Nam thông qua hình thức cung cấp thông tin pháp luật về các vấn đề liên quan đến đời sống văn hoá, xã hội, và việc phát triển kinh tế của cộng đồng người Hoa và doanh nghiệp người Hoa.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 996/QĐ-BTP năm 2008 phê duyệt Đề án xuất bản Phụ trương tiếng Hoa của Báo Pháp luật Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 996/QĐ-BTP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/05/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Đinh Trung Tụng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản