Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 928/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 06 tháng 06 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA KHẮC PHỤC Ô NHIỄM VÀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2014-2015

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Quyết định số 1206/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015;

Căn cứ Công văn số 1168/BTNMT-TCMT ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc sơ kết 2 năm thực hiện và xây dựng kế hoạch giai đoạn 2014-2015 triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 815/TTr-STNMT ngày 30 tháng 5 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2014-2015, bao gồm các nội dung chính như sau:

1. Tên cơ quan quản lý: Sở Tài nguyên và Môi trường.

2. Mục tiêu:

2.1. Mục tiêu tổng quát:

Khắc phục ô nhiễm, cải thiện và phục hồi chất lượng môi trường tại khu vực bị ô nhiễm, suy thoái, ngăn chặn sự phát sinh của các khu vực bị ô nhiễm; đề xuất các phương án giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường; triển khai xây dựng hệ thống khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường điển hình đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề Bình Thắng đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

Cải thiện môi trường các khu vực bị ô nhiễm trong làng nghề được xử lý đạt tiêu chuẩn; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia môi trường.

3. Đối tượng và phạm vi thực hiện:

- Đối tượng: Làng nghề Bình Thắng, xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

- Phạm vi giới hạn: 307 hộ.

- Quy mô xử lý: Nước thải sản xuất và sinh hoạt: 9.000m3/tháng; chất thải rắn.

4. Nội dung dự án thành phần thuộc kế hoạch:

4.1. Tên dự án: Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề Bình Thắng, xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

4.2. Cơ quan chủ quản đầu tư: Uỷ ban nhân dân tỉnh. Chủ đầu tư: Uỷ ban nhân dân huyện Bình Đại.

4.3. Sự cần thiết phải thực hiện dự án:

Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng có diện tích khoảng 120ha thuộc xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, nằm cách thành phố Bến Tre 50km về phía Đông và cách Biển Đông khoảng 5km, thuộc khu vực cửa sông Tiền có giới hạn như sau:

- Phía Đông giáp sông Tiền;

- Phía Tây giáp thị trấn Bình Đại;

- Phía Nam giáp rạch Bình Châu, xã Bình Thắng;

- Phía Bắc giáp xã Bình Thới.

Làng nghề Bình Thắng là một làng nghề truyền thống khai thác thuỷ - hải sản và chế biến cá khô. Làng nghề đã hoạt động trên 50 năm, có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hàng tháng các tàu đánh bắt đã mang về hàng ngàn tấn thuỷ sản các loại, một phần tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, phần lớn còn lại cung cấp nguyên liệu cho làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn người lao động tại địa phương và tăng thu nhập khá cao so với các ngành nghề khác.

Nguyên liệu sản xuất là các loại cá đù đù, cá ngác, cá đuối, khô mực, tôm khô, cá khoai, cá chỉ vàng,… Sản phẩm đầu ra: Khô cá đù 1 nắng, cá đuối, tôm khô, cá chỉ vàng, cá nục, cá khoai; số lượng 15 tấn/ngày. Quy mô hoạt động chủ yếu là theo hộ gia đình.

Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành nghề chế biến thuỷ - hải sản, quy mô, công suất hoạt động ngày càng tăng, môi trường lưu vực làng nghề đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Rác thải sản xuất, sinh hoạt, nước thải từ sản xuất làng nghề làm tắc nghẽn dòng chảy; các hệ thống thu gom và xử lý chất thải tại làng nghề và các khu vực sản xuất chưa được đầu tư xây dựng theo quy mô sản xuất.

Mỗi ngày hoạt động sản xuất từ làng nghề thải vào môi trường khoảng 300m3 nước thải (bao gồm nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt) chủ yếu từ các hoạt động chế biến thuỷ sản, rác thải trong sinh hoạt từ cảng cá, khu vực chợ cá Bình Đại, các hộ thu mua chế biến thuỷ sản và các hộ sinh sống tại khu vực ấp 1, ấp 2, ấp 3, ấp

4. Chất thải này không được thu gom xử lý mà thải trực tiếp xuống kênh rạch gây ô nhiễm cục hộ khu vực làng nghề ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.

Nhằm góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường và khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh nên việc thực hiện Dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề Bình Thắng, xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre là rất cần thiết và cấp bách.

4.4. Các thông tin liên quan đến dự án:

Đây là dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường và là dự án hoàn toàn mới, vẫn chưa được hỗ trợ về nguồn vốn để tổ chức thực hiện, đề xuất Chính phủ cân đối và bố trí nguồn vốn hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương và địa phương đối ứng để tỉnh có thể giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề Bình Thắng.

4.5. Mục tiêu của dự án:

Xây dựng hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải sản xuất và sinh hoạt của làng nghề bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại và đồng bộ, đảm bảo thu gom và xử lý nước thải triệt để đạt các tiêu chuẩn và quy định về môi trường.

Xây dựng bãi chôn lắp rác thải từ hoạt động thu mua và chế biến thuỷ - hải sản và rác thải sinh hoạt từ các hộ dân trong làng nghề.

Xây dựng hệ thống cống thoát nước để cải tạo rạch Bà Khoai đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Hoàn thiện quy trình vận hành, tiến hành chuyển giao công nghệ xử lý để đảm bảo sự hoạt động ổn định lâu dài của công trình sau khi đưa vào sử dụng.

Nâng cao hiệu quả công tác ngành quản lý môi trường và ý thức của người dân.

4.6. Địa điểm và phạm vi thực hiện:

- Địa điểm: Xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

- Phạm vi giới hạn: 307 hộ.

- Quy mô xử lý:

+ Nước thải sản xuất: 9.000m3/tháng.

+ Chất thải rắn.

4.7. Nội dung và quy mô dự án:

a) Khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề Bình Thắng:

Cải tạo, nạo vét hệ thống thu gom nước thải làng nghề; nạo vét kênh Bà Khoai là kênh cấp thoát nước tự nhiên nằm ở trung tâm của làng nghề; xây dựng mới hệ thống thu gom.

b) Xây dựng hệ thống hạ tầng:

- Xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất của làng nghề.

- Xây dựng trạm xử lý nước thải công suất 300m3/ngày đêm: Trạm xử lý nước tập trung (gồm các bể xử lý, hồ điều hoà, thiết bị ...), nhà điều hành trạm, đường xung quanh trạm (đường bê tông, hệ thống chiếu sáng …), trồng cây xanh tạo cảnh quan khu xử lý, hệ thống trạm điện cung cấp cho trạm xử lý.

- Xây dựng hệ thống cống thoát nước rạch Bà Khoai.

- Xây dựng bãi chôn lấp rác thải.

- Xây dựng hệ thống đường sá đến kho trung chuyển và đến hệ thống xử lý nước để phục vụ công tác thi công và công tác vận hành sau khi xử lý.

c) Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đến từng hộ sản xuất và đến từng người lao động trong làng nghề; vận hành khu xử lý đảm bảo hiệu quả và an toàn cao.

4.8. Giải pháp và phương án thực hiện dự án:

a) Phương án giải phóng mặt bằng - chuẩn bị hạ tầng:

- Kết quả điều tra khảo sát cho thấy: Tổng diện tích đất và nhà cửa phải di dời, thu hồi cho dự án: Đất ở nông thôn là 1.500m2, đất nông nghiệp: 1.000m2, tháo dỡ 1 phần nhà cửa do lấn chiếm rạch Bà Khoai (diện tích tháo dỡ từ 2.5-:-75m2) với diện tích là 2.951m2/121 nhà, hỗ trợ di dời 14 hộ.

- Công tác đền bù: Chỉ đền bù trong phạm vi ranh giới chiếm đất của dự án; vận dụng hệ số K ưu tiên cho các đối tượng chính sách (gia đình có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng ...); vận dụng mức cao cho việc hỗ trợ, di dời; cho phép áp dụng mức đền bù cao nhất cho các trường hợp phức tạp, không có tiêu chí đánh giá.

b) Phương án thiết kế:

- Thiết kế hệ thống xử lý nước thải công suất 300m3/ngày để xử thải phát sinh từ làng nghề.

- Phương án kiến trúc tổng mặt bằng: Các công trình xây dựng bố trí trong phạm vi đất phù hợp với quy hoạch của xã, hình thức kiến trúc phù hợp với cảnh quan khu vực; các công trình trong dây chuyền xử lý nước thải được thiết kế theo kiểu hợp khớp với một khối công trình thực hiện nhiều chức năng.

- Phương án xây dựng công trình: Xây dựng hệ thống rãnh thu nước thải, thoát nước mưa, bằng cống BTCT, xây dựng tường bao quanh khu xử lý bằng gạch, trát vữa; xây dựng nhà điều hành bằng tường gạch đổ bê tông mái bằng. Xử lý nền đất yếu bằng cọc bê tông, xây dựng kho trung chuyển bằng kết cấu nhà thép; xây dựng đường vào trạm và vận chuyển chất thải bằng bê tông B=6m; khối bể xử lý bằng bê tông cốt thép. Trong và ngoài xử lý chống thấm và chống ăn mòn, hệ thống đường ống kỹ thuật trong khối xử lý bằng các loại vật liệu phù hợp lắp đặt trên hệ thống giá đỡ và gối đỡ, đường ống qua thành bể sử dụng các tấm chắn nước; hệ thống cáp điện và cáp điều khiển lắp đặt trong các hộp bảo vệ trên các giá đỡ, các thiết bị điện và điều khiển được lắp đặt trong các hộp bảo vệ tại những vị trí thích hợp; xây dựng hệ thống khí thải bằng Inox.

- Phương án lắp đặt thiết bị: Các thiết bị loại chìm đặt ngay trong các công trình trong dây chuyền xử lý, các thiết bị này kèm theo phụ kiện nâng hạ để thuận tiện cho công tác bảo trì bảo dưỡng sau này; các thiết bị loại khô được lắp đặt trong các gian đặt thiết bị riêng và trong hành lang công tác.

c) Phương án vận hành thử nghiệm và chuyển giao công nghệ:

- Vận hành thử hệ thống để kiểm tra hoạt động của các thiết bị trong điều kiện có tải.

- Vận hành trong điều kiện có tải và điều chỉnh các thông số để đưa các quá trình diễn ra trong công trình xử lý đạt đến trạng thái hoạt động tối ưu.

- Hoàn thiện quy trình vận hành để cài đặt chế độ điều khiển vận hành và đưa vào sử dụng.

- Thực hiện công tác lấy mẫu và phân tích mẫu thường xuyên phục vụ cho quá trình vận hành thử.

- Cung cấp tài liệu và tổ chức đào tạo tại lớp học và hiện trường cho cán bộ vận hành. Thời gian hướng dẫn đào tạo thực hiện trước và trong giai đoạn chuyển giao công nghệ.

4.9. Thời gian và tổ chức thực hiện:

- Giai đoạn chuẩn bị thực hiện: 5/2013-12/2013.

- Giai đoạn thực hiện dự án: 2014-2015.

4.10. Tổng kinh phí thực hiện và cơ cấu nguồn vốn:

Tổng kinh phí thực hiện: 69.013.000.000 đồng (sáu mươi chín tỷ, không trăm mười ba triệu đồng). Trong đó:

- Chi phí xây dựng: 43.105.000.000 đồng.

- Chi phí mua sắm thiết bị: 3.000.000.000 đồng.

- Chi phí đào tạo, tuyên truyền: 1.000.000.000 đồng.

- Chi phí quản lý: 750.000.000 đồng.

- Chi phí tư vấn: 3.100.000.000 đồng.

- Chi phí khác: 13.058.000.000 đồng.

- Chi phí dự phòng: 5.000.000.000 đồng.

Đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ 49.250.000.000 đồng (bốn mươi chín tỷ, hai trăm năm mươi triệu đồng).

Ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác 19.763.000.000 đồng (mười chín tỷ, bảy trăm sáu mươi ba triệu đồng) (trong đó có chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến 10 tỷ đồng).

4.11. Hiệu quả đầu tư của dự án:

Sản phẩm đầu ra của phương án đầu tư là nước thải từ sản xuất và sinh hoạt của làng nghề sau khi qua xử lý đạt theo tiêu chuẩn xả thải trước khi được xả vào nguồn tiếp nhận.

Dự án thực hiện góp phần phát triển và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho làng nghề Bình Thắng, nâng cao sức khoẻ cộng đồng, tạo cảnh quan môi trường trong sạch cho làng nghề và khu vực.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần làm sạch đẹp môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng dân cư và nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường.

Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Bình Đại chịu trách nhiệm thi hành, Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Cao Văn Trọng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 928/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2014-2015

  • Số hiệu: 928/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/06/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Cao Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản