Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 808-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 1995

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP QUỸ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ QUỐC GIA

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 12 tháng 5 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia để huy động vốn và cho vay đối với các dự án đầu tư phát triển các ngành, nghề thuộc diện ưu đãi và các vùng có khó khăn theo quy định của Chính phủ.

Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia là một tổ chức tài chính Nhà nước hoạt động trên phạm vi cả nước, có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có bảng cân đối, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, các Ngân hàng trong nước và nước ngoài. Trụ sở chính của Quỹ đặt tại thành phố Hà Nội.

Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia hoạt động theo Điều lệ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính.

Điều 2. Nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia bao gồm:

1. Vốn điều lệ 1.100.000.000.000 đồng (một nghìn một trăm tỷ đồng) được hình thành từ các nguồn sau đây:

a. Vốn góp của Ngân sách Nhà nước: 50% tổng số vốn điều lệ.

b. Vốn góp của các tổ chức bảo hiểm, tín dụng quốc doanh, các doanh nghiệp Nhà nước. Danh sách tổ chức góp vốn và mức vốn góp do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

c. Vốn góp tự nguyện của các cá nhân, các tổ chức trong và ngoài nước.

2. Vốn huy động: Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia được huy động các nguồn vốn trung và dài hạn của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước, tiếp nhận các nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước và các nguồn vốn khác theo quy định của Chính phủ.

Điều 3. Hoạt động của Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia không vì mục đích lợi nhuận, nhưng phải bảo đảm hoàn vốn và bù đắp chi phí quản lý.

Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia được miễn thuế để giảm lãi suất cho vay đối với các dự án đầu tư phát triển các ngành nghề thuộc diện ưu đãi và các vùng khó khăn.

Các rủi ro bất khả kháng được bù đắp bằng quỹ bù đắp rủi ro và theo quy chế tài chính của Bộ Tài chính.

Điều 4. Quản lý và điều hành Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia gồm: Hội đồng quản lý và cơ quan điều hành tác nghiệp:

1. Hội đồng quản lý là cơ quan quản lý Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia gồm các thành viên là đại diện có thẩm quyền của: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban dân tộc và miền núi, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Đầu tư phát triển và đại diện một số tổ chức trong nước góp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ định. Hội đồng quản lý có Chủ tịch và Phó Chủ tịch.

Thành viên Hội đồng quản lý do Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị, Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Nhiệm vụ chính của Hội đồng quản lý là:

+ Xem xét và phê duyệt phương hướng hoạt động, kế hoạch tài chính, thẩm tra báo cáo quyết toán của Quỹ.

+ Giám sát, kiểm tra cơ quan điều hành Quỹ trong việc thực hiện các quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ.

+ Trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung, sửa đổi điều lệ, chính sách, cơ chế hoạt động của Quỹ.

2. Cơ quan điều hành tác nghiệp Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia do Tổng cục trưởng Tổng cục Đầu tư phát triển làm Tổng Giám đốc. Tổng giám đốc sử dụng bộ máy của hệ thống Tổng cục đầu tư phát triển để tổ chức điều hành hoạt động của Quỹ. Giúp việc Tổng giám đốc có các Phó Tổng Giám đốc và một số bộ phận chuyên môn. Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm các Phó Tổng Giám đốc theo đề nghị của Tổng Giám đốc.

Tổng Giám đốc là đại diện Pháp nhân của Quỹ, Tổng Giám đốc có trách nhiệm điều hành và quản lý hoạt động của Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia theo đúng Điều lệ, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản lý, Bộ trưởng Bộ Tài chính và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản lý, Tổng cục trưởng Tổng cục Đầu tư phát triển có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)