Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 730/QĐ-UBND | Đà Nẵng, ngày 08 tháng 3 năm 2025 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20/11/2018;
Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045;
Căn cứ Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 10/06/2021 của UBND Thành phố về việc triển khai Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045;
Căn cứ Quyết định số 3177/QĐ-UBND ngày 12/12/2022 của UBND thành phố về việc phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Thông báo số 01/TB-HĐ ngày 03/01/2025 của Hội đồng tư vấn về kiến trúc thành phố Đà Nẵng Thông báo kết luận của Hội đồng tư vấn về kiến trúc thành phố Đà Nẵng tại cuộc họp nghe Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo đồ án Điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Thông báo số 14/TB-HĐTĐ ngày 24/01/2025 của Hội đồng thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị về Kết quả thẩm định đồ án Điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Tờ trình số 53/TTr-STNMT ngày 24/01/2025 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Theo kết quả thẩm định và đề nghị của Sở Xây dựng tại Báo cáo số 810/BC-SXD ngày 24/01/2025 và Tờ trình số 811/TTr-SXD ngày 24/01/2025.
QUYẾT ĐỊNH:
1. Phạm vi, đối tượng, giai đoạn lập Điều chỉnh Quy hoạch
a) Phạm vi, đối tượng:
- Bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Đà Nẵng có tổng diện tích khoảng 129.046 ha, trong đó diện tích phần đất liền khoảng 98.546 ha, diện tích huyện đảo Hoàng Sa 30.500 ha. Ranh giới phần đất liền như sau:
+ Phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế;
+ Phía Tây và Nam giáp tỉnh Quảng Nam;
+ Phía Đông giáp biển Đông.
- Quy mô dân số theo thời kỳ: Đến năm 2030 khoảng 1,79 triệu người, trong đó dân số thường trú, tạm trú khoảng 1,56 triệu người. Đến năm 2045: khoảng 2,56 triệu người, trong đó dân số thường trú, tạm trú khoảng 2,13 triệu người.
- Đối tượng nghiên cứu quy hoạch gồm: Hệ thống thu gom, vận chuyển, tập kết, xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
b) Giai đoạn Điều chỉnh Quy hoạch: Đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Quan điểm điều chỉnh quy hoạch
- Bảo đảm phù hợp và có tính kế thừa kết quả nghiên cứu của các quy hoạch đã được phê duyệt, cụ thể:
+ Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023;
+ Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021;
+ Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 393/QĐ-TTg ngày 18/3/2020;
+ Quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt tại Quyết định số 9019/QĐ-UBND ngày 28/12/2016;
+ Các quy hoạch chuyên ngành có liên quan khác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Phù hợp với Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030.
- Tăng cường giảm thiểu chất thải, tái sử dụng, tái chế và giảm thiểu lượng chất thải rắn chôn lấp.
- Thúc đẩy xã hội hóa trong hoạt động thu gom, trung chuyển, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải rắn; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng và tham gia hoạt động thu gom, lưu trữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.
- Đầu tư hệ thống quản lý chất thải rắn đồng bộ, bao gồm xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn; công tác thu gom, vận chuyển trên cơ sở công nghệ phù hợp. Thực hiện đầu tư cho quản lý chất thải rắn có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên cho từng giai đoạn cụ thể, tránh dàn trải, kém hiệu quả.
- Rà soát, áp dụng các công nghệ xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng, phù hợp với điều kiện phát triển của thành phố Đà Nẵng nhằm hạn chế chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả sử dụng đất.
- Phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn và khả năng khai thác quỹ đất của thành phố Đà Nẵng.
- Thúc đẩy sự tham gia của các thành phần kinh tế, cộng đồng vào công tác quản lý chất thải rắn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, góp phần bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm, hướng tới phát triển bền vững và xây dựng thành phố môi trường, thành phố sinh thái.
- Khuyến khích áp dụng mô hình xử lý chất thải rắn theo xu hướng “Kinh tế tuần hoàn” với các công nghệ xử lý phải đáp ứng tỷ lệ chất thải đem chôn lấp không quá 20% tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đưa đến nhà máy xử lý.
- Từng bước phát triển hệ thống quản lý, giám sát chất thải thông minh.
- Bảo đảm các mục tiêu về an ninh trong xử lý chất thải rắn và ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu.
3. Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch
- Nhằm cụ thể hóa định hướng quy hoạch xử lý chất thải rắn trong Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021.
- Xác định các cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ cho công tác quản lý chất thải rắn và xây dựng quy định quản lý chất thải trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn hiện nay trên địa bàn thành phố; đồng thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo bước chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý chất thải rắn, trong đó chú trọng công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn.
- Tăng cường năng lực quản lý tổng hợp chất thải rắn, nâng cao chất lượng công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn; đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.
- Làm cơ sở cho việc lập các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình trung chuyển, xử lý chất thải rắn đã được đầu tư; khuyến khích các thành phần kinh tế và huy động các nguồn lực tham gia đầu tư và quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố.
- Bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm, góp phần xây dựng thành phố môi trường sinh thái, xanh sạch hướng tới phát triển đô thị bền vững.
a) Đến năm 2030
- 100% hộ dân, trường học triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn.
- Trên 97% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom, xử lý đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
- Đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%.
- 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làng nghề phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường.
- Tối thiểu 70% lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường.
- 100% lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
b) Tầm nhìn đến năm 2045
- 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom, xử lý đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
- 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làng nghề phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường
- 100% lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh được thu gom, tái chế và xử lý đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường.
- 100% lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
5. Dự báo khối lượng chất thải rắn phát sinh
TT | Loại chất thải rắn | Đơn vị | Đến năm 2030 | Đến năm 2045 |
1 | Chất thải rắn sinh hoạt | tấn/ngày | 1.911,5 | 2.998,3 |
2 | Chất thải rắn công nghiệp | tấn/ngày | 723,6 | 791,1 |
3 | Chất thải rắn xây dựng | tấn/ngày | 2.087,5 | 5.026,9 |
4 | Chất thải rắn y tế | tấn/ngày | 20,2 | 31 |
5 | Bùn thải | tấn/ngày | 409 | 579 |
a) Phân loại, thu gom, vận chuyển:
- Đối với chất thải rắn sinh hoạt được phân loại, thu gom, vận chuyển theo các đối tượng sau: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác: chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt; chất thải cồng kềnh; chất thải rắn sinh hoạt khác còn lại.
- Đối với chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn xây dựng, chất thải y tế, bùn thải được phân loại, thu gom, vận chuyển theo quy định hiện hành.
b) Tập kết, trung chuyển:
- Thiết lập mạng lưới các điểm thu gom, phân loại, tập kết chất thải rắn sinh hoạt theo kế hoạch phân loại tại nguồn trên địa bàn các quận, huyện, phường, xã.
- Xây dựng mạng lưới trạm trung chuyển đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, diện tích, quy mô, vệ sinh môi trường và mỗi quận, huyện có ít nhất 01 trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu về môi trường, công nghệ khép kín kết hợp công năng trung tâm phân loại để chuẩn bị cho hoạt động phân loại triệt để.
- Tiếp tục duy trì hoạt động, rà soát hệ thống các trang thiết bị, công suất, công năng trạm trung chuyển tại khu vực đường Lê Thanh Nghị, trạm trung chuyển khu vực Sơn Trà để đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
- Hoàn thiện và đưa vào sử dụng trạm trung chuyển khu vực Cẩm Lệ.
- Đầu tư và xây dựng các trạm trung chuyển khu vực Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Hòa Vang.
- Thiết lập mạng lưới các điểm thu gom, phân loại, tái chế chất thải rắn xây dựng và phá dỡ trên địa bàn các quận, huyện theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vị trí các điểm tập kết chất thải rắn xây dựng được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế theo từng thời kỳ và phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của thành phố.
c) Quy hoạch khu liên hợp xử lý chất thải rắn:
- Đến năm 2030, hoàn thiện Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại Khánh Sơn:
+ Vị trí: phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu.
+ Tổng diện tích: khoảng 70 ha.
+ Chức năng: Tập kết, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, y tế, xây dựng, bùn thải; khu chôn lấp tro xỉ (bao gồm chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại).
+ Công nghệ: công nghệ xử lý có thu hồi năng lượng; xử lý sinh học; chôn lấp hợp vệ sinh.
- Sau năm 2030, tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu liên hợp xử lý chất thải rắn phía Tây thành phố với quy mô khoảng 100 ha bao gồm các công năng, hạng mục công trình đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn của thành phố và mục tiêu hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.
Xác định khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường đối với từng khu, nhà máy xử lý chất thải rắn theo đúng quy chuẩn hiện hành.
d) Công nghệ xử lý chất thải rắn:
- Công nghệ xử lý chất thải rắn được lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng phân loại, tính chất, thành phần chất thải rắn.
- Ưu tiên công nghệ đã được ứng dụng thành công, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường về thiết bị xử lý, tái chế chất thải và phù hợp với điều kiện của Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, pháp luật về chuyển giao công nghệ; công nghệ thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
- Ưu tiên lựa chọn công nghệ không đốt, thân thiện môi trường và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trong xử lý chất thải y tế lây nhiễm.
- Sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, có khả năng thu hồi năng lượng trong quá trình xử lý; kiểm soát chất thải thứ cấp phát sinh, hạn chế tối đa lượng chất thải chôn lấp trực tiếp.
- Công nghệ tái chế có sản phẩm phù hợp với thị trường tiêu thụ.
- Tăng cường đồng xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích hợp tác, liên kết xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm thức ăn gia súc, gia cầm và phân bón hữu cơ.
- Ưu tiên áp dụng công nghệ tiết kiệm diện tích sử dụng đất.
7. Danh mục chương trình, dự án đầu tư ưu tiên
a) Giai đoạn đến năm 2030:
- Chương trình, nhiệm vụ:
+ Phân loại chất thải rắn tại nguồn:
++ Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức phân loại tại nguồn; tái chế, tái sử dụng chất thải rắn; giảm thiểu, hạn chế sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
++ Thực hiện chương trình giáo dục về phân loại tại nguồn và tái chế; tái sử dụng chất thải rắn; hạn chế sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
++ Xây dựng chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.
++ Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định của pháp luật về môi trường và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
++ Đào tạo nâng cao năng lực giám sát hệ thống phân loại tại nguồn.
+ Thu gom, vận chuyển:
++ Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom vận chuyển, xử lý chất thải rắn sau phân loại theo quy định, phù hợp với thực tế, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
++ Nghiên cứu đề xuất hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích chất thải sau phân loại, có lộ trình tăng dần giá dịch vụ nhằm giảm dần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
++ Điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu số, hệ thống quản lý dữ liệu số về chất thải rắn; đào tạo nguồn nhân lực sử dụng và quản lý dữ liệu số trong quản lý chất thải rắn.
++ Nghiên cứu xây dựng, phát triển hệ thống quản lý, giám sát chất thải thông minh.
+ Xử lý chất thải rắn:
++ Khuyến khích áp dụng công nghệ xử lý phổ biến, tiên tiến, phù hợp, thân thiện với môi trường, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng.
++ Xây dựng phát triển ngành công nghiệp tái chế, thu hồi tài nguyên và năng lượng từ chất thải; khuyến khích đầu tư, xây dựng các cơ sở tái chế hiện đại, từng bước hạn chế tái chế thủ công quy mô nhỏ, gây ô nhiễm môi trường.
++ Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và đề xuất cải thiện hệ thống thu gom và xử lý phân bùn bể phốt.
- Dự án đầu tư ưu tiên:
+ Phân loại chất thải rắn tại nguồn:
++ Thiết lập mạng lưới, đầu tư xây dựng các điểm thu gom, phân loại, tập kết chất thải rắn sinh hoạt theo kế hoạch phân loại tại nguồn trên địa bàn các quận, huyện, phường, xã.
++ Thiết lập mạng lưới, đầu tư xây dựng các điểm thu gom, phân loại, tái chế chất thải rắn xây dựng và phá dỡ trên địa bàn các quận, huyện, phường, xã.
+ Thu gom, vận chuyển chất thải rắn:
++ Đầu tư thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển phù hợp đối với từng loại chất thải rắn đã được phân loại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định.
++ Hoàn thành đầu tư, vận hành các Trạm trung chuyển chất thải rắn tại khu vực các quận: Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Hòa Vang.
++ Nâng cấp, cải tạo các trạm trung chuyển đã xây dựng để phù hợp với nhu cầu thực tế và hoạt động tái chế chất thải.
+ Xử lý chất thải rắn:
++ Đầu tư, xây dựng Dự án Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn - giai đoạn 2 (hộc rác số 7).
++ Đầu tư xây dựng Khu xử lý chất thải rắn phía Đông hộc rác số 6.
++ Đầu tư, xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt có tổng công suất khoảng 2.000 tấn/ngày, kết hợp đường ống cấp nước phục vụ cho các nhà máy theo quy hoạch được duyệt.
++ Đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý, tái chế chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp, chất thải y tế,... có tổng công suất khoảng 500 tấn/ngày.
++ Đầu tư xây dựng các nhà máy tái chế chất thải rắn xây dựng và phá dỡ, tổng công suất khoảng 2.000 tấn/ngày.
++ Đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý bùn thải, chất thải thực phẩm có tống công suất khoảng 500 tấn/ngày.
++ Thực hiện các giải pháp thu khí tại Khu liên hợp xử lý nhằm mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính.
b) Sau năm 2030:
- Phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn định hướng tái chế:
+ Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức phân loại tại nguồn; tái chế, tái sử dụng chất thải rắn; giảm thiểu, hạn chế sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
+ Đào tạo, nâng cao năng lực quản lý số cho quản lý chất thải rắn.
+ Ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, cập nhật cơ sở dữ liệu về không gian địa lý công tác phân loại, thu gom, xử lý sau phân loại.
+ Đầu tư xây dựng Trạm trung chuyển chất thải rắn khu vực Liên Chiểu.
+ Nâng cấp, cải tạo các trạm trung chuyển đã quy hoạch, xây dựng để phù hợp với nhu cầu thực tế và hoạt động tái chế chất thải.
- Xử lý chất thải rắn hướng tới nâng cao tỷ lệ tái chế và giảm tỷ lệ chôn lấp:
+ Đầu tư xây dựng hạ tầng khu liên hợp xử lý chất thải rắn phía Tây thành phố.
+ Đầu tư xây dựng các nhà máy tái chế, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn sinh hoạt, công suất khoảng 2.000 tấn/ngày.
8. Sơ bộ tổng mức đầu tư, dự kiến nguồn vốn và kế hoạch thực hiện
a) Sơ bộ tổng mức đầu tư:
Tổng mức đầu tư để thực hiện các dự án ưu tiên theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ước tính khoảng 15.200 tỷ đồng.
b) Nguồn vốn:
Các dạng nguồn vốn đầu tư:
- Nguồn vốn xã hội hóa.
- Nguồn vốn viện trợ không hoàn lại từ các nước, các tổ chức tín dụng quốc tế.
- Nguồn vốn ngân sách (bao gồm vốn ngân sách trung ương và địa phương).
9. Đánh giá môi trường chiến lược
a) Đánh giá, dự báo xu hướng các vấn đề môi trường chính trong trường hợp không thực hiện quy hoạch:
- Các nguồn tác động lên vấn đề môi trường chính gồm các loại chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, y tế, xây dựng và phá dỡ, bùn thải.
- Việc tiếp tục triển khai nội dung quy hoạch chuyên ngành xử lý chất thải rắn đã phê duyệt sẽ không bảo đảm tính khả thi, vì vậy cần thiết phải điều chỉnh để có những giải pháp và lộ trình phù hợp nhằm quản lý, kiểm soát chất thải rắn một cách hiệu quả, an toàn và bền vững.
b) Đánh giá, dự báo xu hướng các vấn đề môi trường chính trong trường hợp thực hiện quy hoạch:
- Các nguồn tác động lên vấn đề môi trường chính: Các tác động trong giai đoạn thu gom và tại trạm trung chuyển; Các tác động trong giai đoạn xử lý chất thải.
- Dự báo xu hướng ô nhiễm môi trường từ hoạt động của quy hoạch: Các tác động trong giai đoạn vận chuyển; các tác động trong giai đoạn xử lý chất thải.
c) Các biện pháp giảm thiểu:
- Biện pháp giảm thiểu các tác động trong quá trình thu gom và vận chuyển.
- Biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực trong giai đoạn trước khi xây dựng.
- Biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực trong giai đoạn xây dựng.
- Biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực trong giai đoạn quản lý, vận hành.
d) Biện pháp giảm thiểu, ứng phó với biến đổi khí hậu
- Các giải pháp giảm nhẹ.
- Các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
1. Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường
- Chậm nhất 15 ngày kể từ khi có quyết định phê duyệt phải tổ chức công bố công khai toàn bộ nội dung đồ án quy hoạch theo quy định; gửi hồ sơ quy hoạch cho các cơ quan liên quan để lưu trữ, quản lý quy hoạch.
- Cùng với đơn vị tư vấn chịu trách nhiệm về pháp lý và tính chính xác của các số liệu, tài liệu, dữ liệu làm căn cứ lập đồ án và kết quả tính toán nêu trong đồ án quy hoạch.
- Tổ chức triển khai thực hiện và quản lý hiệu quả đồ án. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch phát triển đồng bộ hệ thống phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn cho từng giai đoạn; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư, các chương trình, nhiệm vụ theo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.
- Tham mưu thực hiện thu gom các bao bì đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón sau sử dụng trong nông nghiệp theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường áp dụng, triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc xử lý, tái chế các phụ phẩm nông nghiệp, đặc biệt là việc xử lý, tái chế rơm, rạ sau thu hoạch.
- Tham mưu thực hiện quản lý nhà nước về quản lý chất thải rắn trên địa bàn theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Giao Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện
- Chịu trách nhiệm về quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tổ chức hướng dẫn thực hiện.
- Tham mưu giúp UBND thành phố quy hoạch vị trí các trạm trung chuyển, khu liên hợp xử lý chất thải rắn đã được phê duyệt tại Quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Quy hoạch các khu đô thị, cụm dân cư phải đảm bảo hạ tầng thu gom, tập kết chất thải rắn theo quy định.
3. Giao Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công gắn liền với quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Tham mưu trình UBND thành phố cân đối vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các công trình, dự án liên quan đến phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan xây dựng cơ chế, chính sách để huy động các nguồn vốn triển khai quy hoạch; xây dựng, hướng dẫn áp dụng các cơ chế, chính sách, hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi thu hút đầu tư cho các hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.
- Ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường hỗ trợ cho các hoạt động phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trong kế hoạch ngân sách hàng năm.
4. Giao Sở Khoa học và Công nghệ
- Tổ chức triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án nghiên cứu khoa học công nghệ; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về xử lý chất thải rắn.
- Tổ chức nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ xử lý chất thải hữu cơ tại chỗ để áp dụng tại các hộ gia đình và khu vực nông thôn.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Tài nguyên tiếp tục thực hiện tuyên truyền, giáo dục phổ biến các quy định pháp luật về quản lý chất thải rắn, đặc biệt là công tác phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng thông qua các phương tiện phát thanh, truyền hình, cơ quan báo chí và hệ thống thông tin thành phố nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của tổ chức, cộng đồng dân cư.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân sống gần các dự án, cơ sở trung chuyển, tập kết, xử lý chất thải rắn ủng hộ, đồng thuận trong việc xây dựng, vận hành các dự án, cơ sở này.
5. Giao Sở Y tế
Tham mưu thực hiện công tác quản lý chất thải rắn y tế trên địa bàn thành phố, chú trọng phân loại chất thải rắn tại nguồn, thực hiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn theo đúng quy định của pháp luật.
6. Giao Sở Công Thương, BQL Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp
Hoạch định các chính sách, giám sát hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, làng nghề. Giám sát và hỗ trợ các cơ sở sản xuất công để quản lý chất thải. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với sản xuất, nhập khẩu nguyên vật liệu, chất thải trong công nghiệp.
7. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan đưa nội dung giáo dục và bảo vệ môi trường vào các chương trình giáo dục và đào tạo theo thẩm quyền dưới nhiều hình thức khác nhau, chú trọng nội dung quản lý tổng hợp chất thải rắn, thu gom, phân loại chất thải rắn tại nguồn.
8. Giao Công an thành phố
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất các giải pháp tăng cường hoạt động đấu tranh, phòng chống tội phạm về môi trường trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc đấu tranh, phòng ngừa và ngăn chặn việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ sản xuất lạc hậu, không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Quyết định 730/QĐ-UBND năm 2025 phê duyệt Đồ án Điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
- Số hiệu: 730/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/03/2025
- Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
- Người ký: Lê Quang Nam
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/03/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra