Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 70/2002/QĐ-UB | ngày 25 tháng 06 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT (ĐIỀU CHỈNH) QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH THỦY SẢN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2001 - 2010
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21-6-1994;
Căn cứ Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg ngày 23-9-1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 và Văn bản số 7689/BKHĐT/CLPT ngày 06-01-1998 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nội dung quy trình xây dựng và tổ chức phê duyệt các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành;
Xét Tờ trình số 165/TTr- QH-TS ngày 24-4-2002 của Sở Thủy sản về việc đề nghị phê duyệt (điều chỉnh) quy hoạch phát triển ngành Thủy sản giai đoạn 2001 - 2010;
Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 507/SKHĐT ngày 18 tháng 6 năm 2002,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt (điều chỉnh) quy hoạch phát triển ngành Thủy sản giai đoạn 2001 - 2010 với những nội dung như sau:
I - Mục tiêu:
1. Mục tiêu tổng quát: Xây dựng ngành Thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có tác động thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể:
Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Thủy sản cả giai đoạn 11,8% trong đó giai đoạn đến năm 2005: 13 - 14%. Giá trị GDP tăng gấp 1,62 lần so với năm 2000.
Chuyển đổi cơ cấu trong ngành Thủy sản theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng. Phấn đấu đến năm 2005 giá trị ngành nuôi trồng chiếm 60 - 60,5%, khai thác chiếm 40 - 40,5% và đến năm 2010 nuôi trồng chiếm 76%, khai thác chiếm 24% trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành Thủy sản.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu 40 - 42 triệu USD năm 2010, trong đó đến năm 2005 đạt 20 triệu USD tăng bình quân hàng năm 28%.
Tổng sản lượng khai thác thủy sản đến năm 2005: 46.000 tấn, trong đó khai thác 40.000 tấn, tăng bình quân năm 6,6%, nuôi trống 6.000 tấn tăng bình quân 26,8%. Giai đoạn đến 2010 tổng sản lượng thủy sản: 57.000 tấn, trong đó khai thác 45.000 tấn, tăng bình quân 4,49%, nuôi trồng 12.000 tấn, tăng bình quân 20,6%.
Sản lượng tôm giống đến năm 2005: 3,5 tỷ con, tăng bình quân 21,9%. Đến năm 2010: 4,5 - 5 tỷ con, tăng bình quân 13,2%.
II - Nội dung quy hoạch:
1. Khai thác hải sản:
a) Mục tiêu: Sản lượng khai thác hải sản đến năm 2005 đạt 40.000 tấn và đến năm 2010 đạt 45.000 tấn tăng bình quân 4,49%.
b) Nhiệm vụ:
Chuyển đổi cơ cấu tàu thuyền: Tập trung chuyển dịch cơ cấu thuyền nghề để vươn khơi theo hướng CNH - HĐH. Khuyến khích ngư dân đóng mới tàu cá công suất lớn tăng khả năng đánh bắt quanh năm trên ngư trường cả nước.
Chuyển đổi cơ cấu nghề: Hạn chế nghề khai thác ven bờ, khuyến khích phát triển các nghề đánh bắt xa bờ. Đồng thời trang bị nhiều nghề trên một đơn vị thuyền để tăng hiệu quả khai thác, gắn với chuyển đổi cơ cấu sản phẩm tạo nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
Thực hiện cơ giới hóa từng bước HĐH khâu khai thác để sản xuất, bảo quản sản phẩm, trang bị an toàn trên biển.
Tổ chức sản xuất: Phải gắn với việc bảo vệ nguồn lợi hải sản nhất là các hải đặc sản có giá trị kinh tế cao như các bãi tôm sú giống, tôm hùm giống, các rạn san hô...
2. Nuôi trồng thủy sản:
a) Mục tiêu: Tập trung phát triển ổn định, bền vững. Phấn đấu đến năm 2005 sản lượng nuôi đạt 6.000 tấn trong đó tôm sú 5.200 tấn, tôm giống 3 tỷ con, cá nước ngọt 100 tấn. Năm 2010 sản lượng nuôi 12.000 tấn có 10.000 tấn tôm sú, sản lượng tôm giống 4,5 - 5 tỷ con, cá nước ngọt khoảng 250 tấn.
b) Nhiệm vụ: Thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nội bộ ngành Thủy sản theo hướng tăng nuôi trồng. Tập trung phát triển nuôi tôm thịt và sản xuất tôm giống, đưa tỷ trọng nuôi trồng thủy sản lên 60% năm 2005 và 76% vào năm 2010. Cụ thể:
Nuôi tôm thịt: Tập trung đầu tư hạ tầng, hình thành vùng sản xuất tôm thịt tập trung có quy mô lớn ở các vùng Sơn Hải, Từ Thiện, Phú Thọ, Đầm Nại, Thái An. Hạn chế mở rộng diện tích nuôi xung quanh Đầm Nại để đảm bảo vấn đề môi trường. Phấn đấu đưa diện tích nuôi tôm đến năm 2005: 2.200 ha và đến năm 2010: 3.000 - 3.500 ha.
Sản xuất tôm giống: Đầu tư xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước. Trước hết là đầu tư hạ tầng các vùng nuôi tôm giống hiện có như An Hải, Tri Hải, Khánh Nhơn, Mỹ Hòa để đảm bảo sản xuất đủ giống phục vụ nuôi tôm sú cho nhân dân trong và ngoài tỉnh, tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống.
Riêng khu vực sản xuất tôm giống Bình Sơn đã được quy hoạch phát triển du lịch. Vì vậy trước hết là ổn định sản xuất như hiện trạng, nhưng khi có nhu cầu phát triển du lịch và có các dự án đầu tư cụ thể được UBND tỉnh có chủ trương cho xây dựng thì Nhà nước sẽ thu hồi và giải tỏa.
Phát triển nuôi nước ngọt: Chủ yếu phát triển nuôi cá tại các hồ chứa nước được xây dựng gắn với phát triển du lịch sinh thái đáp ứng nhu cầu thực phẩm tại chổ cho nhân dân địa phương nhất là ở vùng miền núi.
3. Chế biến và thương mại thủy sản:
Chế biến xuất khẩu là động lực cho phát triển ngành Thủy sản, đồng thời thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và là cầu nối giữa khai thác, nuôi trồng với thị trường tiêu thụ.
a) Mục tiêu: Đẩy mạnh công nghiệp chế biến thủy sản nhất là chế biến thủy sản xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2005 chế biến xuất khẩu đạt 4 - 5 ngàn tấn, nước mắm 8 - 10 triệu lít, chế biến nội tiêu 1.800 tấn. Đến năm 2010 chế biến xuất khẩu 10 - 11 ngàn tấn, nước mắm 12 triệu lít, trong đó có 3 - 3,5 triệu lít chất lượng cao.
b) Nhiệm vụ: Từng bước đầu tư hình thành các cụm công nghiệp chế biến thủy sản ở các trung tâm nghề cá để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư các cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ để tham gia xuất khẩu và từng bước đầu tư các cơ sở chế biến ở các cụm công nghiệp.
4. Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng và khai thác hải sản:
Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng và hệ thống dịch vụ hậu cần cho khai thác và nuôi trồng là yếu tố trọng tâm để phát triển thủy sản một cách bền vững, giải quyết việc làm và góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng biển trong tỉnh.
a) Khai thác:
Xây dựng hệ thống cảng, bến cá, hình thành các trung tâm nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá tại các cảng cá và bến cá. Đến năm 2010 tập trung đầu tư các dự án sau:
Tập trung đầu tư hoàn thiện đưa vào sử dụng cảng Ninh Chữ, bến cá Mỹ Tân, mở rộng cảng cá Cà Ná, Đông Hải đảm bảo cho loại thuyền lớn ra vào thuận lợi.
Sau năm 2005 xây dựng bến cá Sơn Hải, đồng thời khảo sát xây dựng cảng Vĩnh Hy.
b) Về nuôi trồng:
Giai đoạn 2002 - 2005 đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm công nghiệp Sơn Hải, An Hải, Từ Thiện, Vĩnh Trường, Thái An, Phương Hải nâng diện tích nuôi tôm lên 2.200 ha.
Tiếp tục đầu tư hạ tầng tại khu vực tôm giống Khánh Nhơn, Mỹ Hòa, chú trọng chất lượng nguồn tôm giống bố mẹ đảm bảo cung cấp con giống tốt cho nuôi trồng trong và ngoài tỉnh.
Sau năm 2005: Đầu tư các dự án nuôi tôm Phương Hải, Tri Hải... để nâng diện tích nuôi tôm lên 3.000 - 3.500 ha vào năm 2010.
Thực hiện kiên cố hóa hệ thống kênh cấp thoát nước, điện khí hóa các vùng nuôi tôm nâng cao năng suất tôm, sản lượng tôm nuôi.
Hình thành trại giống quốc gia tại tỉnh Ninh Thuận để thực hiện chức năng ứng dụng công nghệ, sản xuất thử nghiệm và nhân rộng các loại giống mới vào nuôi trồng tại địa phương và cho cả nước.
c) Dịch vụ hậu cần:
Nâng cao hiệu quả sử dụng mặt bằng các cảng cá, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dịch vụ hậu cần trên các cảng cá thật sự trở thành là nơi cung ứng hậu cần tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân trong và ngoài tỉnh.
Xây dựng cảng cá văn minh, đảm bảo trật tự an ninh và vệ sinh môi trường tại các bến cá và cảng cá.
Cơ khí sửa chữa: Đầu tư các cơ sở cơ khí tại các trung tâm nghề cá, cảng cá nhằm đảm bảo khả năng đóng mới và sửa chữa 100% tàu thuyền trong tỉnh để phục vụ cho khai thác hải sản. Nghiên cứu và áp dụng công nghệ và vật liệu tiên tiến trong đóng mới và sửa chữa tàu thuyền để thay thế vật liệu gỗ.
d) Về chế biến và thương mại thủy sản:
Đầu tư nâng cấp các cơ sở chế biến hiện có ở Phan Rang, Đông Hải, Cà Ná, nhất là các cơ sở xuất khẩu ở Phan Rang đạt tiêu chuẩn xuất khẩu của HACCP, chế biến được mặt hàng chủ lực là con tôm xuất khẩu
Giai đoạn 2006 - 2010 đầu tư xây dựng thêm 1 - 2 nhà máy mới, chuyển một số cơ sở chế biến hải sản hiện có về các cụm công nghiệp để thuận lợi trong sản xuất và tránh ô nhiễm môi trường.
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các cơ sở chế biến hàng thủy sản xuất khẩu và tiêu thụ nội địa như chế biến cá khô, nước mắm trong tỉnh.
5. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản phải được quan tâm đúng mức, ngành Thủy sản phải tiến hành quy hoạch, khoanh nuôi các hải sản đặc sản quý hiếm như các bãi san hô, bãi giống tôm hùm, tôm bố mẹ, rau câu, xây dựng một số khu bảo tồn.... Đồng thời phải quy hoạch khai thác hợp lý và ngăn chặn những phương tiện khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi hải sản, đảm bảo nguồn hải sản ngày càng phong phú, góp phần cho ngành Thủy sản phát triển bền vững.
III - Giải pháp thực hiện:
1. Quy hoạch và hoàn thiện quy hoạch:
Các vùng quy hoạch phải được tuyên truyền kịp thời, rộng rãi và phổ biến công khai đến tận người dân, để nhân dân biết và thực hiện quy hoạch.
Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước của các ngành, các cấp trong việc quản lý và thực hiện quy hoạch.
2. Giải pháp vốn:
Căn cứ vào quy hoạch xây dựng các dự án, chương trình đầu tư như: Đầu tư cơ sở hạ tầng, chương trình đánh bắt hải sản, chương trình giống nuôi trồng thủy sản, chương trình đầu tư nơi trú ẩn tàu cá của Chính phủ để có cơ sở thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh và kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Xây dựng cơ chế về huy động vốn theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm để đầu tư phát triển sản xuất nhất là nhân dân tham gia đầu tư hạ tầng các dự án nuôi trồng thủy sản.
Sở Thủy sản xây dựng các đề án vay vốn tín dụng, tín dụng ưu đãi, tín dụng giải quyết việc làm cho các hộ nghèo để đầu tư phát triển ngành Thủy sản phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực (khai thác, nuôi trồng, chế biến), từng địa bàn.
3. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực:
Xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ cho toàn ngành Thủy sản, chú ý đào tạo công nhân kỹ thuật cho người lao động, cơ cấu đào tạo phải hợp lý đảm bảo phù hợp với việc phát triển ngành Thủy sản.
Xây dựng chương trình đào tạo và chính sách đào tạo nhất là chính sách thu hút đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, các chuyên gia về phục vụ lâu dài tại ngành Thủy sản của tỉnh.
4. Giải pháp khoa học kỹ thuật:
Khoa học kỹ thuật phải phù hợp với năng lực cán bộ và nguồn kinh phí đầu tư của địa phương. Đồng thời tranh thủ nguồn vốn khoa học của Bộ Thủy sản, cụ thể:
Xây dựng chương trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và khoa học kỹ thuật phải đi vào thực tiễn sản xuất của ngư dân.
Ngân sách tỉnh dành thêm kinh phí cho ngành Thủy sản thực hiện các chương trình ứng dụng khoa học kỹ thuật, chương trình khuyến ngư phục vụ ngành Thủy sản của tỉnh.
5. Xây dựng quan hệ sản xuất mới trong nghề cá:
Xây dựng các hình thức hợp tác trong ngành Thủy sản, trong các lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng, chế biến. Ngành Thủy sản phải xây dựng đề án tổ chức hợp tác trong nghề cá theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả là yêu cầu cấp bách để phát triển ngành Thủy sản.
6. Ban hành chính sách:
Thực hiện đầy đủ kịp thời các chính sách của Nhà nước, ngành Thủy sản phối hợp với các ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách hết sức thông thoáng ưu đãi để thu hút vốn đầu tư, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, chuyên gia và các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đến đầu tư vốn phát triển ngành Thủy sản.
Điều 2. Căn cứ vào nội dung quy hoạch đã được duyệt, Sở Thủy sản, UBND các huyện, thị xã và các ngành có liên quan có trách nhiệm thông báo công khai các quy hoạch. Cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu quy hoạch vào kế hoạch 5 năm, hàng năm của tỉnh và của ngành. Xây dựng các dự án cụ thể để tổ chức thực hiện. Thường xuyên rà soát, cập nhật số liệu để bổ sung quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Các ông Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thủy sản, Tài chính - Vật giá, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| UBND TỈNH NINH THUẬN |
- 1Quyết định 3476/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”
- 2Quyết định 698/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề cương Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn 2030
- 3Quyết định 2298/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp - TTCN tỉnh Quảng Nam đến 2020, xét đến 2025
- 1Chỉ thị 32 /1998/CT-TTg về công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đến 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 3Quyết định 3476/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”
- 4Quyết định 698/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề cương Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn 2030
- 5Quyết định 2298/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp - TTCN tỉnh Quảng Nam đến 2020, xét đến 2025
Quyết định 70/2002/QĐ-UB về phê duyệt (điều chỉnh) quy hoạch phát triển ngành Thủy sản giai đoạn 2001 - 2010 do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- Số hiệu: 70/2002/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 25/06/2002
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra