Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 644/QĐ-BXD

Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 2025

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ THIÊN TAI NĂM 2025 THEO CÁC CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA BỘ XÂY DỰNG

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai 2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

Căn cứ Nghị định số 33/2025/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Theo đề nghị của Vụ Vận tải và An toàn giao thông - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Xây dựng.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án ứng phó thiên tai năm 2025 theo các cấp độ rủi ro thiên tai thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1215/QĐ-BXD ngày 14/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Điều 3. Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ, Chánh Văn phòng Bộ, các Vụ trưởng: Vụ Vận tải và An toàn giao thông; Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng; các Cục trưởng Quản lý nhà nước chuyên ngành; Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin; Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; Tổng giám đốc, Giám đốc các Tổng công ty trực thuộc Bộ và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng;
- Bộ Nông nghiệp và Môi trường (để tổng hợp);
- Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia (để b/c);
- Báo Xây dựng;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng;
- Lưu: VT, VT&ATGT (Bình).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Anh Tuấn

 

PHƯƠNG ÁN

ỨNG PHÓ THIÊN TAI THEO CÁC CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 644/QĐ-BXD ngày 22/5/2025 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai 2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

- Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

- Căn cứ Quyết định số 18/2021/QD-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai;

- Căn cứ Kế hoạch số 227- KH/BCSĐ ngày 05/8/2020 của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng);

- Căn cứ các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) quy định về công tác phòng, chống thiên tai (PCTT): số 40/2024/TT - BGTVT ngày 15/11/2024 quy định về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn trong lĩnh vực đường bộ; số 10/2019/TT-BGTVT ngày 11/3/2019 quy định về PCTT trong lĩnh vực hàng hải; số 12/2018/TT-BGTVT ngày 28/3/2018 quy định về công tác PCTT trong lĩnh vực đường thủy nội địa; số 17/2021/TT-BGTVT ngày 25/8/2021 quy định về PCTT, ứng phó sự cố và cứu nạn trong lĩnh vực đường sắt;

- Căn cứ Quyết định số 02/QĐ-TWPCTT ngày 18/02/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT ban hành Sổ tay hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó thiên tai tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai; và các văn bản hướng dẫn có liên quan;

- Căn cứ dự báo tình hình thiên tai của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia năm 2025[1];

Để chủ động, phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó có hiệu quả trong công tác phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra đối với kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng, đảm bảo giao thông luôn thông suốt trong mọi tình huống thiên tai, Bộ Xây dựng ban hành Phương án PCTT của Bộ Xây dựng như sau:

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

1.1. Chủ động, tích cực, triển khai hiệu quả công tác PCTT tại các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng; kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra;

1.2. Nâng cao năng lực xử lý, ứng phó tình huống, sự cố; chỉ huy, điều hành tại chỗ để công tác PCTT đạt hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Kịp thời di dời, sơ tán dân ở khu vực xung yếu, có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai đến nơi tạm cư kiên cố, chắc chắn. Bảo đảm giao thông luôn thông suốt trong mọi tình huống thiên tai. Đảm bảo an toàn cho người, phương tiện giao thông, nhà cửa, các công trình xây dựng;

1.3. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến các cơ quan, đơn vị và người dân;

1.4. Thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác PCTT; Quyết định số 379/QĐ -TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 20/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

2. Yêu cầu

2.1. Phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả công tác PCTT của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải do thiên tai có thể gây ra; góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước;

2.2. Nâng cao năng lực, kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ huy) bảo đảm tập trung, thống nhất, đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu trong tình hình thiên tai diễn biến cực đoan, dị thường; nâng cao năng lực PCTT, thích ứng với biến đổi khí hậu để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra;

2.3. Luôn quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm ''4 tại chỗ'' gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư và phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Và các nguyên tắc: phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả. Ứng phó các tình huống thiên tai phải bảo đảm nguyên tắc chỉ huy thống nhất, phân công cụ thể, chủ động, kịp thời và phù hợp với diễn biến thực tế tình huống thiên tai;

2.4. Phòng, chống thiên tai thực hiện theo hướng quản lý rủi ro của từng tuyến đường, từng luồng lạch, từng công trình dân dụng, công nghiệp, phải đánh giá đầy đủ các tác động làm gia tăng rủi ro thiên tai. Khi thiên tai xảy ra các đơn vị phải có phương án, biện pháp đảm bảo không để xảy ra thiệt hại về người, giảm nhẹ thiệt hại về tài sản, cơ sở vật chất đến mức thấp nhất; việc khôi phục, tái thiết sau thiên tai phải đảm bảo tính bền vững và yêu cầu xây dựng lại tốt hơn;

2.5. Các cơ quan, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai, nghiêm chỉnh chấp hành các chỉ đạo, hướng dẫn, cảnh báo của chính quyền, cơ quan chức năng trong suốt thời gian từ trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai; chủ động, nâng cao ý thức trách nhiệm khi tham gia cùng chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra;

2.6. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải và xây dựng phải coi công tác PCTT là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật và cũng là nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị, với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc xây dựng phương án. Xây dựng phương án phải thật cụ thể, chặt chẽ, dự tính các tình huống thiên tai có thể xảy ra.

III. NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

- Xây dựng phương án PCTT theo cấp độ rủi ro thiên tai chi tiết, cụ thể; phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng quản lý, nhằm chủ động trong công tác PCTT;

- Nâng cao năng lực, tính chủ động trong xử lý các tình huống, sự cố do thiên tai gây ra; thực hiện phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai một cách có hiệu quả nhằm giảm đến mức thấp nhất các thiệt hại do lụt, bão gây ra đối với kết cấu hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng xây dựng; đảm bảo an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông và các công trình đang xây dựng, cơ sở hạ tầng, nhà cửa trong mọi tình huống thiên tai;

- Chủ động, sẵn sàng lực lượng, phương tiện và nguồn lực cho nhiệm vụ PCTT theo từng lĩnh vực. Đặc biệt là đảm bảo giao thông luôn thông suốt, an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.

1.2. Mục tiêu cụ thể

Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng phương án đảm bảo an toàn giao thông, cơ sở hạ tầng xây dựng, nhà cửa và các công trình thuộc phạm vi quản lý của ngành Xây dựng.

- Phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt

Trên nguyên tắc thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ: các đơn vị quản lý bảo trì đường bộ, đường sắt chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu đảm bảo giao thông khi có tình huống thiên tai; trực tiếp nắm bắt hiện trường, chủ động chỉ đạo xử lý khắc phục sự cố đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất; phối hợp với các lực lượng có liên quan ở địa phương tổ chức phân làn, phân tuyến, điều tiết hướng dẫn giao thông; cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu vào ban ngày, dăng dây đèn báo hiệu vào ban đêm ở những vị trí bị ngập nước, bị đứt đường, đoạn đường bị sạt lở nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông.

- Phương án đảm bảo an toàn giao thông hàng hải, đường thủy

Các Cảng vụ Hàng hải và Đường thủy nắm chắc số liệu tàu thuyền và các phương tiện thủy ra vào cảng, số lượng tàu thuyền đang hành trình hoặc neo đậu tại vùng nước cảng biển hoặc vùng thủy nội địa tại các khu vực dự kiến bị ảnh hưởng của thiên tai; phối hợp Ban Chỉ huy địa phương để điều động, hướng dẫn tàu, thuyền vào nơi neo đậu an toàn khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới; các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì tuyến, luồng đường thủy nội địa bố trí phương tiện, nhân lực để tổ chức điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông, chống va trôi cho các cầu ở những vị trí trọng yếu trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia trong mùa lũ bão.

Phối hợp và hướng dẫn địa phương phân luồng, phân tuyến khi thi công trục vớt, thanh thải chướng ngại vật trên các tuyến luồng hàng hải, đường thủy.

- Phương án đảm bảo an toàn đối với công trình đang thi công xây dựng

Chỉ đạo, hướng dẫn lập và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận, đặc biệt đảm bảo an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị làm việc trên cao trong mùa mưa bão.

- Phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình tháp (trụ) viễn thông, truyền hình

Yêu cầu các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng báo cáo chi tiết số lượng công trình đang quản lý, khai thác, sử dụng theo phân cấp công trình, thời gian đưa vào sử dụng và vị trí xây dựng, đặc biệt đối với các công trình đặt tại các vị trí xung yếu như: ven biển, hải đảo, khu vực thường xuyên chịu tác động của bão, lũ, xâm thực, khu vực đông dân cư… thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình theo chu kỳ, bảo trì, sửa chữa khắc phục các tồn tại (nếu có); lập kế hoạch và khẩn trương tổ chức thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình sớm phát hiện các nguy cơ, hàng năm thực hiện tốt công tác bảo trì, kết quả báo cáo về Sở Xây dựng địa phương để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các công việc nêu trên.

- Phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật

Kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị; kiểm soát quy trình cắt tỉa cây xanh đô thị đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão; đảm bảo an toàn điện và cung cấp nước sạch cho các vùng bị úng ngập.

- Phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình đang khai thác, sử dụng

Yêu cầu người dân, chủ sở hữu thực hiện gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn nhà ở trước mùa mưa bão; đối với các công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, tràn nhựa, cửa kính, công trình gắn panô, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao phải được kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cường; các công trình xây dựng tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất như bờ sông, bờ suối, lũ ống, lũ quét phải có đánh giá, cảnh báo cho nhân dân.

- Phương án đảm bảo tiêu thoát nước đô thị, chống ngập úng

Hướng dẫn địa phương rà soát, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của khu vực đô thị nhằm đảm bảo việc chống ngập úng khi mưa, lũ;

Triển khai các giải pháp chống ngập úng đô thị do mưa lũ kết hợp triều cường tại miền Nam (TP.HCM, Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long), tập trung vào nâng cấp, bảo trì hệ thống tiêu thoát nước.”.

2. Phương châm ứng phó với thiên tai

Thực hiện nghiêm túc phương châm “04 tại chỗ” gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Sẵn sàng chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả. Thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người, cơ sở vật chất và tài sản của nhân dân, nhà nước do thiên tai gây ra trên cơ sở dựa vào nguồn lực tại chỗ.

3. Yêu cầu về công tác thông tin, truyền thông

Ngay sau khi cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hình thành và có hướng đổ bộ vào khu vực địa bàn hoạt động, Ban Chỉ huy các cấp thông qua hình thức trực tuyến tổ chức họp, lên kế hoạch triển khai theo dõi sát sao diễn biến đường đi của cơn bão hoặc ATNĐ, thông báo bằng văn bản trên hệ thống văn phòng điện tử và các hình thức thông tin liên lạc trực tiếp đến các đơn vị thành viên, các Cảng vụ, các Khu quản lý đường bộ, các đơn vị quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, các nhà hạt, các Khu gian, các trạm đèn, trạm luồng, phương tiện phục vụ sản xuất trong địa bàn quản lý. Theo dõi thường xuyên diễn biến thiên tai để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai trên phạm vi trách nhiệm.

4. Yêu cầu về đảm bảo thông tin liên lạc, báo cáo trong ứng phó thiên tai

- Thông tin liên lạc phục vụ công tác PCTT được thiết lập gồm 3 hệ thống độc lập là thông tin vô tuyến điện, thông tin hữu tuyến và thông tin di động, đảm bảo thông suốt trong quá trình chỉ đạo, điều hành ứng phó. Trong quá trình thiên tai diễn ra, mọi thông tin về tình hình, diễn biến của bão, ATNĐ hoặc mưa lũ phải được báo về Ban Chỉ huy các cấp trong 3 hệ thống thông tin liên lạc;

- Công tác báo cáo phải thực hiện theo các quy định tại các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về công tác phòng, chống thiên tai.

5. Công tác tổng kết, rút kinh nghiệm

- Sau khi hoàn thành công tác phòng chống và cơ bản khắc phục các hậu quả do thiên tai gây ra, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp tổ chức họp tổng kết công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra nhằm phân tích đánh giá các mặt tồn tại hạn chế, chỉ ra các điểm cần khắc phục, qua đó rút ra được bài học kinh nghiệm để trong công tác ứng phó thiên tai có thể xảy ra trong tương lai;

- Tổ chức khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời xem xét, phê bình hoặc xử lý kỷ luật đối với những tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, lơ là trong công tác ứng phó, gây ảnh hưởng đến kết quả chung của công tác PCTT.

6. Phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai

6.1. Đối với thiên tai cấp độ 1, 2

- Chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ, cảnh báo, dự báo sớm, sát diễn biến các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm; chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện công tác dự báo, cảnh báo theo điều kiện địa phương; phối hợp, liên hệ chặt chẽ với Ban Chỉ huy các địa phương, các cơ quan có liên quan trên địa bàn để đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến các địa chỉ theo quy định, phục vụ tốt công tác chỉ đạo ứng phó với các tình huống thiên tai;

- Tùy thuộc vào các tình huống thiên tai thực tế: chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đối với các công trình đang thi công xây dựng; công trình tháp (trụ) viễn thông, truyền hình; công trình hạ tầng kỹ thuật; công trình đang khai thác, sử dụng;

- Hướng dẫn các địa phương lập phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật và có giải pháp bảo vệ, phòng ngừa, khắc phục sự cố khi xảy ra thiên tai;

- Kiểm kê tổng hợp số lượng phương tiện, vật tư, thết bị dự phòng phục vụ PCTT, nhất là những vật tư, thiết bị chuyên dùng như dầm cầu, rọ thép, phao, phà… sắp xếp, điều chỉnh lại vị trí để dự phòng cho phù hợp, sửa chữa những hư hỏng, mua sắm, sản xuất bổ sung cho đủ số cần thiết;

- Rà soát, triển khai xử lý các vị trí xung yếu có nguy cơ sụt lở, lũ quét, ngập úng thường xảy ra nhiều năm gây ách tắc giao thông, xây dựng phương án đảm bảo giao thông của một số tuyến đường huyết mạch đặc biệt là tuyến đường sắt Bắc-Nam, các tuyến quốc lộ khu vực miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên, Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh;

- Chủ trì, phối hợp địa phương rà soát quy hoạch, xây dựng kế hoạch nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, chủ động triển khai các phương án, giải pháp khắc phục ngập úng khi mưa lớn, nhất là tại các đô thị;

- Phối hợp địa phương tổ chức, triển khai Phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện để xử lý các điểm ngập úng cục bộ, các điểm bị sạt trượt khi có mưa lớn gây ách tắc giao thông;

- Hỗ trợ các địa phương ứng phó với thiên tai theo nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

6.2. Đối với thiên tai cấp độ 3 trở lên

- Quyết định các biện pháp cấp bách, huy động theo thẩm quyền các nguồn lực của Bộ để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi quản lý của Bộ và hỗ trợ các địa phương;

- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc theo chức năng nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ; xác định rõ vai trò chỉ huy thích hợp theo từng tình huống cụ thể;

- Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan của các bộ, ngành và địa phương, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai nhằm thực hiện hiệu quả công tác PCTT&TKCN trong phạm vi cả nước trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về PCTT và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia (Ban Chỉ đạo);

- Chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ, cảnh báo, dự báo sớm, chính xác, bám sát diễn biến thiên tai. Khi có sự cố lớn xảy ra gây ách tách giao thông chỉ đạo các đơn vị thực hiện phân luồng giao thông ngay, phối hợp với Cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương trong việc phân luồng, phân tuyến, đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn giao thông; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện chủ động trong hành trình; triển khai kế hoạch đảm bảo vận tải, sẵn sàng tăng bo người và hàng hóa trên các tuyến giao thông bị ách tắc;

- Chỉ đạo các đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao và tình huống thiên tai thực tế xây dựng phương án đảm bảo an toàn đối với kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng, nhà cửa và các công trình thuộc phạm vi quản lý của ngành Xây dựng;

- Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân sự để tổ chức họp, và tham gia họp trực tuyến với Trung tâm điều hành tại Văn phòng Chính phủ để triển khai các biện pháp ứng phó khi có tình huống thiên tai nghiêm trọng;

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chuẩn bị báo cáo kịp thời theo quy định phối hợp ứng phó với tình huống sự cố, thiên tai để phục vụ lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Ban Chỉ huy Bộ chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

6.3. Đối với trường hợp bão mạnh, lũ lớn (Siêu bão và mưa lũ trên diện rộng, trầm trọng) xảy ra, Ban Chỉ huy triển khai các nội dung ứng phó khẩn cấp như sau:

- Kích hoạt tình trạng báo động (trực 24/24h) tới toàn bộ Ban Chỉ huy các đơn vị, lực lượng thường xuyên, lực lượng xung kích các đơn vị, các Công ty quản lý bảo trì đường bộ, đường sắt, hàng hải nơi chịu tác động trực tiếp của cơn bão.

- Thành lập Ban chỉ huy tiền phương qua nhóm cộng đồng giữa Ban Chỉ huy các cấp, Ban chỉ huy các đơn vị quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, các cảng vụ… qua mạng xã hội Zalo; qua hệ thống thông tin liên lạc nhằm chỉ đạo kịp thời tới các đơn vị chịu tác động trực tiếp của siêu bão trong việc xử lý kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả các tình huống cấp bách, kịp thời gia cố các vị trí trọng yếu nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người, giảm nhẹ thiệt hại cho phương tiện và trang thiết bị của các cơ quan, đơn vị với phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng (sẵn sàng phòng ngừa chủ động; sẵn sàng ứng phó kịp thời; sẵn sàng khắc phục khẩn trương, hiệu quả) nhằm ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả nhất.

- Trường hợp khẩn cấp thực hiện chỉ đạo công tác di chuyển người lao động và phương tiện đến nơi tránh trú kiên cố, an toàn; phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương sẵn sàng phong tỏa tạm thời các tuyến đường, tuyến luồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng; huy động lực lượng, phương tiện tham gia công tác phối hợp với các lực lượng Bộ đội, Biên phòng và các lực lượng chức năng địa phương.

IV. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy (Vụ Vận tải và An toàn giao thông)

- Theo dõi sát tình hình, diễn biến của thiên tai và sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo để tham mưu kịp thời cho Trưởng Ban Chỉ hỦy ban hành Công điện hoặc Quyết định các biện pháp cấp bách, huy động theo thẩm quyền; tham mưu sử dụng các nguồn lực của Bộ để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng và hỗ trợ các địa phương khi cần;

- Tổng hợp, báo cáo đột xuất, định kỳ về tình hình diễn biến và thiệt hại do thiên tai gây ra với Bộ Xây dựng. Tổ chức tổng kết công tác PCTT&TKCN;

- Đề xuất thành lập các đoàn công tác của Bộ đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó sự cố thiên tai tại các địa phương;

- Chủ trì rà soát, điều chỉnh Phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai của Bộ Xây dựng phù hợp với tình hình thực tế.

2. Văn phòng Bộ

Chủ trì, phối hợp với Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy bảo đảm công tác tiếp nhận, ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động PCTT&TKCN của Bộ được triển khai kịp thời, hiệu quả, thông suốt; bố trí phương tiện, phòng họp, địa điểm làm việc và thiết bị phục vụ công tác chỉ đạo, kiểm tra hoạt động PCTT&TKCN của Lãnh đạo Bộ.

3. Trung tâm Công nghệ Thông tin

Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ và Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy đảm bảo cơ sở hạ tầng thông tin kết nối thông suốt giữa Bộ với Trung tâm Điều hành tại Văn phòng Chính phủ, các đầu mối của các cơ quan, đơn vị có liên quan về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ Xây dựng (thực hiện Văn bản số: 12160/BGTVT-KCHT ngày 11/11/2024 yêu cầu triển khai thực hiện các Thông báo Kết luận số 480/TB-VPCP ngày 22/10/2024; số 483/TB-VPCP ngày 23/10/2024 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về nội dung kiểm tra hệ thống phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn).

4. Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng

- Phối hợp xây dựng Phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình đang thi công xây dựng; công trình tháp (trụ) viễn thông, truyền hình; công trình hạ tầng kỹ thuật; công trình đang khai thác, sử dụng;

- Phối hợp rà soát, điều chỉnh Phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai của Bộ Xây dựng.

5. Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng

- Chủ trì xây dựng các phương án đảm bảo an toàn đối với cơ sở hạ tầng, nhà cửa và các công trình thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng;

- Phối hợp rà soát, điều chỉnh Phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai của Bộ Xây dựng.

6. Cục Phát triển đô thị

- Chủ trì hướng dẫn và phối hợp với các địa phương khi xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo yêu cầu tại Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với Biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 (cụ thể là: (i) Lồng ghép các yếu tố thích ứng với biến đổi khí hậu trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch đô thị ven biển do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; (ii) Thực hiện các Dự án nâng cấp và phát triển đô thị tại các đô thị được cảnh báo rủi ro cao bởi tác động của biến đổi khí hậu; (iii) Thực hiện Chương trình, Dự án liên quan đến cấp nước cho các vùng thường xuyên bị hạn hán, nhiễm mặn: Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải Nam Trung Bộ; Chương trình, Dự án liên quan đến thoát nước và chống ngập; đặc biệt quan tâm đến các vùng chịu ảnh hưởng của nước biển dâng và thường xuyên xảy ra lũ lụt như duyên hải miền Trung, vùng đồng bằng sông Cửu Long;

- Phối hợp xây dựng các phương án đảm bảo an toàn đối với cơ sở hạ tầng, nhà cửa và các công trình thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng.

7. Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng

- Chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả do thiên tai, xây dựng phương án thi công phù hợp, khôi phục thi công các công trình trong thời gian sớm nhất để bảo đảm tiến độ xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm; chuẩn bị các điều kiện để kịp thời khắc phục các sự cố công trình; phối hợp đảm bảo giao thông trên các tuyến đang thi công, xây dựng;

- Phối hợp xây dựng các phương án đảm bảo an toàn đối với cơ sở hạ tầng, nhà cửa và các công trình thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng.

8. Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản

Phối hợp xây dựng Phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình đang khai thác, sử dụng; phối hợp rà soát, điều chỉnh Phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai của Bộ Xây dựng.

9. Cục Hạ tầng kỹ thuật

- Chủ trì hướng dẫn, chỉ đạo địa phương lập phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật và có giải pháp bảo vệ, phòng ngừa, khắc phục sự cố khi xảy ra thiên tai;

- Chủ trì, phối hợp địa phương rà soát quy hoạch, xây dựng kế hoạch nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, chủ động triển khai các phương án, giải pháp khắc phục ngập úng khi mưa lớn, nhất là tại các đô thị;

- Phối hợp rà soát, điều chỉnh Phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai của Bộ Xây dựng.

10. Cục Đường bộ Việt Nam

- Chủ trì xây dựng Phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường cao tốc khi có tình huống thiên tai, đảm bảo giao thông đường bộ luôn thông suốt;

- Phối hợp xây dựng Phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện để xử lý các điểm ngập úng cục bộ, điểm sạt trượt, trôi cầu, đứt đường gây ách tắc giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn các địa phương;

- Phối hợp rà soát, điều chỉnh Phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai của Bộ Xây dựng.

11. Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt việt Nam

- Chủ trì xây dựng Phương án đảm bảo an toàn giao thông đường sắt khi có tình huống thiên tai, đảm bảo giao thông đường sắt luôn thông suốt;

- Phối hợp xây dựng Phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện để xử lý các điểm ách tắc giao thông đường bộ tại các địa phương có đường sắt đi qua;

- Phối hợp rà soát, điều chỉnh Phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai của Bộ Xây dựng.

12. Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam

- Chủ trì xây dựng Phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu trong vùng nước, cảng biển và phương án đảm bảo an toàn cho phương tiện thủy neo đậu trong khu vực có các công trình vượt sông khi có bão, áp thấp nhiệt đới;

- Phối hợp rà soát, điều chỉnh Phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai của Bộ Xây dựng.

13. Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam

- Tăng cường công tác kiểm tra sân bay, nhà ga, hệ thống thông tin tín hiệu, công tác điều hành, chỉ huy để đảm bảo tuyệt đối an toàn (đặc biệt chú ý trong tình huống thời tiết xấu, mưa, bão…) và công tác ứng trực để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra;

- Chỉ đạo các Hãng hàng không, Công ty Bay dịch vụ hàng không theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của bão để điều chỉnh hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối hoạt động bay;

- Tăng cường công tác đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng; liên tục theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực trách nhiệm, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin quan trắc, dự báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan;

- Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống thông tin tín hiệu, công tác điều hành chỉ huy để đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc thông suốt, trang thiết bị kỹ thuật ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khai thác phục vụ công tác PCTT&TKCN hàng không;

- Phối hợp hiệp đồng với các tỉnh, thành phố và các quốc gia lân cận trong công tác PCTT&TKCN hàng không.

14. Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam

- Công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai phải được chuẩn bị hoàn tất trước mùa mưa bão, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực đê kè, khu vực xung yếu nơi có các công trình đảm bảo hàng hải trong suốt mùa mưa bão;

- Tăng cường công tác kiểm tra tuyến luồng hàng hải, kịp thời có biện pháp thu hồi, đưa báo hiệu bị trôi dạt về đúng vị trí, khôi phục báo hiệu hư hỏng; nhanh chóng khắc phục các sự cố liên quan đến phao trôi, đèn tắt, phương tiện bị chìm đắm trên vùng nước do Tổng công ty quản lý, đảm bảo an toàn an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

15. Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam

- Theo dõi sát diễn biến của thời tiết xấu trên biển kịp thời thông báo cho tàu, thuyền hoạt động trên biển chủ động phòng tránh;

- Tăng cường thời lượng phát sóng khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

16. Trách nhiệm của các Tổng Công ty, Công ty trực thuộc Bộ Xây dựng: Lắp máy Việt Nam, Xi măng Việt Nam, Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD)

- Chủ động các phương tiện, thiết bị tham gia công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu của Lãnh đạo Bộ hoặc đề nghị của địa phương;

- Phối hợp xây dựng Phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện để xử lý các điểm ngập úng cục bộ khi có mưa lớn;

- Phối hợp rà soát, điều chỉnh Phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai của Bộ Xây dựng phù hợp với tình hình thực tế.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ căn cứ nội dung Phương án này và các văn bản khác có liên quan theo lĩnh vực phụ trách, chỉ đạo xây dựng Phương án thực hiện của đơn vị; chủ động, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai các hoạt động PCTT; báo cáo kết quả tổ chức và thực hiện việc xây dựng Phương án của cơ quan, đơn vị mình cho Ban Chỉ huy và gửi Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy (Vụ Vận tải và An toàn giao thông) để tổng hợp, theo dõi.

2. Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy chịu trách nhiệm

- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, tổng hợp báo cáo cho Trưởng Ban Ban Chỉ huy và Lãnh đạo Bộ Xây dựng để chỉ đạo, giải quyết kịp thời công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ;

- Tham mưu cho Trưởng ban Ban Chỉ huy và Lãnh đạo Bộ Xây dựng ưu tiên, bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của pháp luật về PCTT và quản lý sử dụng ngân sách nhà nước;

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc Phương án này;

- Phổ biến Phương án này đến các cấp, các ngành, thông tin rộng rãi đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cho đăng tải trên trang web của Bộ Xây dựng./.

 



[1] Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo 2025 mưa bão trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình nhiều năm (TBNN) (khoảng tháng 6), số lượng bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền có khả năng ở mức xấp xỉ TBNN (TBNN trên Biển Đông khoảng 11-13 cơn, ảnh hưởng đến đất liền khoảng 5-6 cơn); trong năm 2025, số đợt mưa lớn diện rộng xảy ra trên toàn quốc và ở mức xấp xỉ với TBNN (khoảng 20 đợt). Các đợt mưa lớn diện rộng có khả năng bắt đầu từ tháng 6 ở Bắc Bộ, sau đó chuyển dần về phía Nam và kết thúc vào khoảng tháng 12 ở các tỉnh Trung Bộ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 644/QĐ-BXD về Phương án ứng phó thiên tai năm 2025 theo các cấp độ rủi ro thiên tai thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng

  • Số hiệu: 644/QĐ-BXD
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/05/2025
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: Lê Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/05/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản