Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 612/QĐ-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 11 năm 1977 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH “BẢN QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ PHÂN CÔNG QUẢN LÝ GIỮA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH CỦA THÀNH PHỐ VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ GIỮA CẤP THÀNH PHỐ VÀ CẤP QUẬN, HUYỆN”
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chánh các cấp ngày 27-10-1962 ;
- Căn cứ Bản Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh trong lĩnh vực quản lý kinh tế, ban hành kèm theo nghị định số 24-CP, ngày 2-2-1976 của Hội đồng Chính phủ ;
- Căn cứ nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ nhất, đã đề ra phương hướng phân công, phân cấp quản lý ở thành phố ;
- Để ổn định dần từng bước việc phân công và phân cấp quản lý các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội, song song với việc triển khai công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa và cải tiến, xây dựng ổn định dần tổ chức và quản lý kinh tế của Thành phố,
Ủy ban nhân dân các quận, huyện phải quán triệt và cụ thể hóa những điều quy định này trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các phòng chuyên môn trực thuộc Ủy ban và trong công tác thực tiễn.
Ban Tổ chức chánh quyền giúp Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp nghiêm chỉnh thực hiện Bản Quy định tạm thời này và kịp thời sơ kết, tổng kết báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố bổ sung cho hoàn chỉnh.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
VỀ PHÂN CÔNG QUẢN LÝ GIỮA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH CỦA THÀNH PHỐ VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ GIỮA CẤP THÀNH PHỐ VÀ CẤP QUẬN, HUYỆN
(Ban hành kèm theo quyết định số 612/QĐ-UB ngày 16-11-77 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)
I.- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ NGUYÊN TẮC VÀ YÊU CẦU CỦA VIỆC PHÂN CÔNG VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ
1) Tăng cường sự lãnh đạo tập trung và quản lý thống nhất của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đối với toàn bộ nền kinh tế và các mặt công tác chính trị, văn hóa, xã hội của Thành phố.
Đồng thời phân cấp quản lý rộng rãi cho cấp quận, huyện, phường, xã đi đôi với việc củng cố, tăng cường nhằm bảo đảm điều kiện cho quận, huyện, phường, xã phát huy tính chủ động sáng tạo, tích cực quản lý, khai thác, sử dụng tốt mọi khả năng tiềm tàng, để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, đẩy mạnh sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân tốt nhất và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng góp của quận, huyện đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, đời sống của toàn thành phố.
2) Các sở, ban, ngành của thành phố là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân Thành phố, có chức năng quản lý Nhà nước (quản lý hành chánh – kinh tế) đối với ngành hoặc lĩnh vực công tác trong phạm vi toàn thành phố, từ cấp thành phố đến quận, huyện, phường, xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp đồng thời có trực tiếp quản lý các cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh lớn, quan trọng.
Nội dung chính về quản lý hành chính – kinh tế của sở, ban, ngành thành phố gồm :
- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành hay lĩnh vực công tác trong phạm vi thành phố.
- Nghiên cứu cụ thể hóa các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức của Trung ương vận dụng vào thành phố, đồng thời xây dựng các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức của ngành mà Trung ương chưa ban hành để áp dụng trong thành phố.
- Thực hiện đường lối, chính sách kinh tế - kỹ thuật thống nhất trong ngành, chỉ đạo công tác nghiên cứu phát triển khoa học - kỹ thuật trong ngành.
- Quyết định các biện pháp thực hiện, điều hoà phối hợp công tác của các đơn vị trong ngành, của các quận, huyện để bảo đảm hoàn thành kế hoạch Nhà nước và các nhiệm vụ công tác của ngành.
- Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật và nghiệp vụ lành nghề cho ngành.
- Kiểm tra, thanh tra các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở về những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm được giao.
3) Quản lý bao gồm cải tạo và xây dựng, vì vậy các ngành, các cấp phải có trách nhiệm cải tạo xã hội chủ nghĩa đồng thời với việc tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, phân công lại lao động một cách hợp lý đối với phạm vi và đối tượng thuộc quyền quản lý của mình.
4) Chính quyền quận, huyện là một cấp chính quyền Nhà nước vừa thực hiện chức năng quản ý hành chính Nhà nước, vừa thực hiện quản lý kinh tế (có mức độ khác nhau giữa huyện ngoại thành và quận nội thành) và tổ chức quản lý đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân trong địa bàn quận huyện.
Huyện ngoại thành là một cấp kế hoạch toàn diện, sẽ có ngân sách thu chi theo chính sách, chế độ của Nhà nước. Huyện ngoại thành trực tiếp tổ chức và quản lý nông nghiệp, cải tạo, xây dựng, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, đưa nông dân theo con đường làm ăn tập thể đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Đi theo sản xuất nông nghiệp cần có những ngành, những cơ sở phục vụ nông nghiệp, để tạo thành một cơ cấu nông – công nghiệp của huyện. Các cơ sở này có quy mô hợp lý, gồm: hệ thống thủy nông, trạm máy kéo, xưởng cơ khí sửa chữa máy móc và nông cụ, trại nhân giống cây, giống con, trạm thú y, cơ sở chế biến nông sản, trạm cung ứng vật tư, màng lưới thu mua, hệ thống giao thông vận tải, lực lượng xây dựng cơ bản, màng lưới cơ sở phục vụ đời sống vật chất, văn hóa và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong huyện… (tùy theo điều kiện, tính chất và quy mô mà phân cấp cho cấp huyện trực tiếp quản lý đối với các cơ sở này ; nói chung, các cơ sở này chủ yếu là do huyện quản lý).
Quận nội thành không thực hiện hoàn toàn chức năng của một cấp quản lý kế hoạch toàn diện và có ngân sách như huyện ngoại thành, nhưng nó cũng là một cấp quản lý hành chính- kinh tế, được phân cấp quản lý kinh tế với mức độ nhất định, cũng có phần quản lý sản xuất kinh doanh theo kế hoạch của Thành phố và được sử dụng ngân sách do Thành phố phân phối. Quận nội thành trực tiếp tổ chức và quản lý tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, cải tạo, xây dựng và tổ chức lại sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp theo con đường hợp tác hóa xã hội chủ nghĩa ; tổ chức và quản lý màng lưới phân phối. Đồng thời, có trách nhiệm hợp tác giúp cho các ngành, sở cấp trên quản lý tốt các cơ sở do ngành, sở đó chủ quản nằm trong địa phương mình.
5) Việc phân công và phân cấp quản lý nhằm tăng cường trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp, nó không tách rời với việc thực hiện nguyên tắc quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo địa phương trong toàn bộ hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của Thành phố. Các sở, ban, ngành của Thành phố có trách nhiệm quản lý ngành theo chức năng của mình, đồng thời có trách nhiệm và biện pháp giúp đỡ tích cực các quận, huyện, thực hiện tốt từng mặt quản lý của ngành mình, hoàn thành kế hoạch Nhà nước và nhiệm vụ được giao. Mặt khác, các quận, huyện cũng có trách nhiệm và biện pháp hợp tác chặt chẽ với sở, ban, ngành giúp các bộ phận này thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý ngành.
Toàn bộ tổ chức và hoạt động của cơ quan chính quyền cấp Thành phố và cấp quận, huyện phải tập trung vào việc chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ, phục vụ thiết thực cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh và các đơn vị sự nghiệp, xây dựng và phát triên cơ sở mình theo đúng đường lối cải tạo và xây dựng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước.
B.- Tiến hành việc phân công và phân cấp quản lý phải đạt được các yêu cầu sau đây :
1) Phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để bảo đảm các đơn vị cơ sở hoạt động liên tục, đạt hiệu suất công tác cao và hiệu quả kinh tế lớn.
2) Kiên quyết khắc phục tình trạng quản lý tập trung quan liêu, đồng thời cũng phải khắc phục cho được tình trạng phân tán, tản mạn, cục bộ, chồng chéo, trùng lắp, bỏ sót, buông lỏng, thiếu sự hợp tác xã hội chủ nghĩa. Mọi sự phân công, phân cấp không rõ ràng hợp lý cũng như mọi hoạt động đơn độc, không đồng bộ, thiếu hợp tác xã hội chủ nghĩa đều đã và sẽ gây trở ngại và làm hạn chế rất lớn cho kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo kẽ hở cho giai cấp tư sản lợi dụng đầu cơ tích trữ lũng đoạn thị trường, phá hoại công cuộc cải tạo và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.
3) Bảo đảm toàn bộ hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thành phố, xuyên suốt từ trên xuống dưới, nhịp nhàng, đồng bộ, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Thành ủy và dưới sự chỉ đạo quản lý tập trung, thống nhất của Ủy ban nhân dân Thành phố.
C.- Phân công quản lý giữa các sở, ban, ngành của Thành phố và phân cấp quản lý giữa cấp Thành và cấp quận, huyện trong điều kiện thành phố mới giải phóng, chưa qua cải tạo xã hội chủ nghĩa là việc làm mới mẻ và phức tạp. Hai năm qua chúng ta đã làm từng phần, lần này thực hiện việc phân công và phân cấp một cách đồng bộ và toàn diện hơn. Chúng ta vẫn phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để bổ sung, sửa đổi cho thích hợp với bước đi lên trong quá trình cải tạo và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở thành phố. Vì vậy phải tổ chức thực hiện việc phân công, phân cấp quản lý theo phương châm :
1) Thận trọng, vững chắc, nhưng phải nhanh, gọn và bảo đảm tính liên tục hoạt động của mọi tổ chức, tránh buông lỏng, gượng ép, máy móc, thoát ly điều kiện và khả năng thực tế của các ngành và các quận, huyện. Cần làm dứt điểm nhanh, trước hết ở các trọng điểm, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo xã hội chủ nghĩa và tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, phân bố lại lao động trong toàn thành phố.
2) Trên cơ sở thực trạng cơ cấu tổ chức quản lý của ta hiện nay mà cải tiến, sửa đổi sự phân công cho hợp lý hơn và chấn chỉnh dần bộ máy tổ chức quản lý phù hợp với đặc điểm tình hình và chức năng nhiệm vụ của từng ngành.
3)Vừa tiến hành phân công, phân cấp quản lý, đồng thời, vừa phải tích cực phát huy đúng mức tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa.
4) Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện cần xác định rõ vai trò, vị trí của mình trong hệ thống tổ chức quản lý của Thành phố để quy định sự phân cấp quản lý cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trên cơ sở nguyên tắc và hướng phân cấp quy định trong văn bản này.
5) Trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình, quận, huyện sẽ phân công một số mặt quản lý cụ thể cho phường, xã phụ trách, nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của hệ htống chính quyền chuyên chính vô sản, trên cơ sở tổ chức thực hiện đầy đủ chủ tương, chính sách của cấp trên, bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động.
1/ QUẢN LÝ NGÀNH CÔNG NGHIỆP :
a/ Sở Công nghiệp, thông qua các công ty, các phòng công nghiệp quận, huyện, có trách nhiệm quản lý hành chính – kinh tế các ngành công nghiệp (bao gồm công nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp) sau đây : chế tạo cơ khí và các sản phẩm bằng kim loại ; hóa chất hữu cơ, vô cơ, cao su, chất dẻo ; sành sứ, thủy tinh ; chế biến thực phẩm ; dệt, da, may mặc và các loại hàng công nghệ phẩm khác.
Sở thông qua các công ty, trực tiếp quản lý các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh và một số xí nghiệp tư doanh thuộc đối tượng trong diện cải tạo, sau đây :
- Các xí nghiệp chế tạo cơ khí và chế tạo các sản phẩm bằng kim loại, gồm : thiết bị, máy móc sản xuất và linh kiện ; thiết bị máy móc về điện, điện tử và thông tin ; tàu cá, tàu hút bùn ; thiết bị máy móc đông lạnh ; sản xuất và lắp ráp radio, tivi, đồng hồ, máy may, quạt điện và các loại dụng cụ đồ điện ; môtô, xe đạp ; các loại phụ tùng ô tô, mô tô, xe đạp và phụ tùng máy móc thiết bị khác.
(Trừ một số xí nghiệp cơ khí sản xuất và sửa chữa chuyên dùng của các ngành giao thông vận tải, nông nghiệp, xây dựng, thủy sản, thủy lợi … và các xưởng cơ khí huyện ngoại thành).
- Các xí nghiệp sản xuất hóa chất hữu cơ, vô cơ (trừ phân bón do Sở Nông nghiệp quản lý), cao su, nhựa, chất dẻo.
- Các xí nghiệp sản xuất sành sứ, gốm, thủy tinh (trừ xí nghiệp chuyên sản xuất kính phục vụ xây dựng do Sở Xây dựng quản lý).
- Các xí nghiệp chế biến thực phẩm : đường, sữa, bột ngọt, đồ hộp, rượu, bia, nước ngọt, dầu ăn, tinh dầu cho công nghiệp, bột trẻ em (loại quy mô lớn).
(Trừ các xưởng chế biến nước mắm và các loại hải sản khác và chế biến các loại thực phẩm đem tiêu thụ ngay không để lâu dược do Sở Thương nghiệp quản lý).
- Các xí nghiệp dệt, hồ, nhuộm, in hoa, thuộc da và sản xuất giầy da, đồ dùng bằng da ; các xí nghiệp may mặc lớn (chuyên may sẵn hàng loạt cho xuất khẩu, quần áo bảo hộ lao động, may cho lực lượng vũ trang) và các xí nghiệp sản xuất phụ tùng, phụ kiện cho ngành dệt, da, may mặc.
- Các xí nghiệp sản xuất các loại hàng công nghệ phẩm khác : dụng cụ y tế bằng kim loại, cao su, chất dẻo và thủy tinh ; dụng cụ đồ dùng cho học sinh và giảng dạy ; dụng cụ đồ dùng thể dục thể thao ; đồ chơi trẻ em, hàng trang sức, mỹ phẩm và các loại hàng công nghệ phẩm tiêu dùng khác thuộc cỡ lớn.
- Các xí nghiệp đại tu máy công cụ cắt gọt, máy động lực, máy bơm nước ; các xưởng sửa chữa, tân trang các loại máy đông lạnh.
b/ Quận, huyện :
Quận nội thành quản lý tất cả các cơ sở sản xuất của hợp tác xã, tổ sản xuất, cá thể tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, cải tạo, xây dựng và tổ chức lại sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp theo con đường hợp tác hóa xã hội chủ nghĩa.
- Được Ủy ban nhân dân Thành phố phân cấp quản lý một số xưởng quốc doanh và công tư hợp daonh quy mô nhỏ, có quy trình công nghệ đơn giản, hoặc cơ sở quốc doanh sản xuất các mặt hàng phục vụ trong phạm vi không lớn lắm (như may mặc, đường, bánh, mứt, kẹo, nước ngọt, bột trẻ em..).
Huyện ngoại thành quản lý các việc như quận nội thành, còn quản lý thêm các xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh chế biến nông sản (các xưởng đường, dầu ăn, chế biến rau quả,…) và xưởng cơ khí huyện.
2/ QUẢN LÝ NGÀNH NÔNG NGHIỆP :
a/ Sở Nông nghiệp có trách nhiệm quản lý hành chính – kinh tế toàn bộ sản xuất nông nghiệp của Thành phố và một số mặt sản xuất, kinh doanh trực tiếp phục vụ nông nghiệp.
Sở Nông nghiệp trực tiếp quản lý các mặt cụ thể như sau :
- Quản lý toàn bộ ruộng đất canh tác của Thành phố.
- Tổ chức khai hoang, phục hóa, xây dựng và quản lý các nông trường quốc doanh của Thành phố.
- Quản lý các trạm trại giống cây, giống con cấp I. Tổ chức thu mua và ươm tạo các loại giống nông nghiệp để cung cấp cho các huyện và quận.
- Quản lý các cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh lớn chăn nuôi gia sức, gia cầm, ong, cá nưóc ngọt ở các vùng sông, đầm rộng, hồ lớn.
- Quản lý trạm máy cày, máy kéo phục vụ cho các nông trường quốc doanh lớn ; các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh sửa chữa lớn máy móc nông nghiệp.
- Quản lý phân phối vật tư nông nghiệp thiết yếu theo nhu cầu kế hoạch sản xuất nông nghiệp, gồm : phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thức ăn gia súc, máy móc, công cụ nông nghiệp và các thứ nguyên vật liệu chuyên dùng cho nông nghiệp.
- Quản lý các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh sản xuất phân hữu cơ, phân rác, nghiền đá vôi, vỏ sò ốc và apatit, pha trộn phân hóa học.
- Quản lý các cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh sản xuất thuốc trừ sâu, thuốc thú y.
- Quản lý các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh chế biến thức ăn gia súc. Quản lý và điều hòa phân phối các phụ phẩm, phế phẩm công nghiệp để làm thức ăn cho gia súc như : cám, tấm, lúa mì, bột cá, bã mía, bã hèm, khô dầu dừa, khô dầu phộng, khô dầu đậu nành…
- Phối hợp với Sở Quản lý và phân phối điện quản lý và sử dụng các trạm biến thế, hạ thế phục vụ nông nghiệp ở thành phố.,
- Phối hợp với Ty Lâm nghiệp Thành phố trong việc nghiên cứu và tổ chức trồng cây bảo vệ đồng ruộng.
- Phối hợp với Ban Nông thôn Thành phố trong việc nghiên cứu các chính sách, chế độ, thể lệ về tổ chức hoạt động của các tổ vần đổi công, tập đoàn sản xuất và hợp tác xã nông nghiệp.
b/ Huyện ngoại thành và quận (có sản xuất nông nghiệp) quản lý các mặt công tác sau đây :
- Quản lý và điều độ kế hoạch gieo trồng và chăn nôi trong quận, huyện.
- Quản lý các trạm trại giống cây, giống con cấp II.
- Quản lý các trạm máy cày, máy kéo và xưởng sửa chữa nông cụ và máy móc nông nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh của huyện. Quản lý, huy động toàn bộ sức kéo như trâu, bò, máy cày, máy kéo của hợp tác xã và cá thể trong quận, huyện vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.
- Quản lý các cơ sở kinh doanh chăn nuôi gia súc, gia cầm, ong, cá của hợp tác xã, tổ hợp và cá thể trong quận, huyện. Quản lý một số cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh chăn nuôi gia súc, gia cầm, ong, cá do huyện xây dựng, hoặc do Thành phố phân cấp.
- Quản lý tất cả cơ sở sản xuất phân hữu cơ, phân rác của hợp tác xã, tổ hợp và tư nhân, và một số cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh thuộc loại nhỏ, hoặc bán cơ giới.
- Huyện chịu trách nhiệm tổ chức quản lý các tổ vần đổi công, tập đoàn sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp theo sự chỉ đạo của Ban Nông thôn Thành phố và Sở Nông nghiệp.
3/ QUẢN LÝ NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI :
a/ Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm quản lý hành chính – kinh tế toàn bộ ngành giao thông vận tải của Thành phố và quản lý một số mặt sản xuất, xây dựng chuyên dùng phục vụ giao thông vận tải.
Sở trực tiếp quản lý :
Về giao thông :
- Tổ chức và quản lý toàn bộ việc duy tu, bảo dưỡng, mở rộng, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cầu, đường, cảng, bến, bãi của thành phố (bao gồm nội và ngoại thành).
- Quản lý toàn bộ hệ thống thoát nước ra sông rạch ; tu bổ, nạo vét sông rạch và thông sửa những đường ống nước bị tắt nghẽn.
- Trong việc nạo vét sông rạch, Sở Giao thông vận tải phải kết hợp với Sở Thủy lợi để thống nhất kế hoạch, biện pháp thực hiện, nhằm bảo đảm phục vụ vừa cho giao thông vận tải thủy vừa cho công tác tướI tiêu phục vụ nông nghiệp.
- Tổ chức thực hiện các biện pháp tiêu nước ở các khu vực trũng thấp trong thành phố khi trời mưa nước bị ứ đọng, và quy hoạch, cải tạo, xây dựng lại hệ thống thoát nước trong thành phố.
Về vận tải :
- Quản lý, cải tạo, tổ chức lại, điều hành sử dụng toàn bộ càc loại phương tiện vận tải thủy, bộ cho hợp lý và có hiệu quả kinh tế (trừ các phương tiện vận tải thủy, bộ chuyên dùng đã phân công cho các ngành khác quản lý, và lực lượng vận tải phân cấp cho quận, huyện quản lý ; khi cần thiết huy động, Sở phải bàn bạc nhất trí với cơ quan chủ quản và quận, huyện).
- Quản lý các đơn vị quốc doanh, công tư hợp doanh xây dựng giao thông (duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và thi công xây dựng mới cầu, đường, cảng, bến, bãi).
- Quản lý các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh thuộc đốI tượng trong diện cải tạo; sản xuất và sửa chữa các phương tiện vận tải thủy bộ như tàu, thuyền, ca nô, sà lan, cầu phao, phao nổi, phà, tàu kéo, xe khách, xe vận tải…(trừ các cơ sở sửa chữa phương tiện vận tảI chuyên dùng của các ngành khác, được Ủy ban nhân dân Thành phố cho phép thành lập).
- Quản lý các xí nghiệp cơ khí quốc doanh, công tư hợp doanh phục hồi phụ tùng, sửa chữa phương tiện vận tải. Tùy khả năng, các xí nghiệp này được sản xuất một số loại phụ tùng theo kế hoạch trên giao.
- Quản lý một số xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh khai thác đá, cát, sỏi, sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn phục vụ ngành giao thông vận tải.
b/ Quận huyện :
Quận nội thành :
Về giao thông :
- Quản lý duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các đường đá (nhỏ), đường đất, đường hẽm trong địa bàn quận. Quy hoạch, cải tạo xây dựng mới một số đường đất, đường hẽm trong quận (đường trong phường, liên phường), huy động ngày công lao động nghĩa vụ của nhân dân để thực hiện, một phần kinh phí do Ủy ban nhân dân quận cùng Sở Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố xét cấp.
- Nhận vốn ủy thác của Sở Giao thông vận tải, thuê lao động để tổ chức thực hiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng (các công việc đơn giản không yêu cầu kỹ thuật cao) đường, cầu, cống (thuộc diện quản lý của Sở) trong quận.
- Tổ chức bảo vệ hệ thống cầu, đường, bến, cảng do Sở quản lý nằm trên địa bàn quận.
Về vận tải :
- Quản lý một đội xe vận tải do Sở Giao thông vận tải phân cấp để phục vụ yêu cầu vận tải của quận.
- Quản lý tất cả các loại phưong tiện có động cơ nhỏ (xe lam, tắc xi, xích lô máy, ghe) và các loại phương tiện thô sơ trong phạm vi quận.
Huyện ngoại thành : quản lý các việc như quận nội thành, còn thêm :
- Quản lý các đường liên xã, đường mới xây dựng vào các khu kinh tế mới, đường vào khu giải phóng cũ, các sông rạch nhỏ cho giao thông vận tải thủy trong phạm vi huyện. Tùy tình hình, điều kiện thực tế, huyện thành lập 1 đội công trình giao thông để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, nạo vét sông rạch do huyện quản lý. Kinh phí do Ủy ban nhân dân huyện cùng với Sở Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố xét cấp.
- Quản lý lực lượng vận tải hàng hóa, vận tải hành khách, đi các tuyến đường từ huyện lỵ vào thành phố và về các xã, khu kinh tế mới do Sở Giao thông vận tải phân cấp, cân đối với nhu cầu càng ngày càng tăng của huyện trong quá trình xây dựng phát triển thành một huyện nông-công nghiệp toàn diện.
4) QUẢN LÝ NGÀNH THƯƠNG NGHIỆP (bao gồm cả ăn uống, khách sạn nội địa và dịch vụ) :
a) Sở Thương nghiệp có trách nhiệm quản lý hành chính – kinh tế toàn bộ công tác lưu thông phân phối hàng hóa của thành phố, gồm : thu mua, bán buôn, bán lẻ và một số mặt sửa chữa, dịch vụ, và quản lý một số mặt sản xuất gắn liền với lưu thông phân phối.
Sở Thương nghiệp trực tiếp quản lý :
- Quản lý nguồn hàng, tổ chức thu mua, gia công phân phối (bán buôn, bán lẻ) phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong toàn thành phố đối với các ngành hàng : bách hóa, kim khí điện máy; vải sợi-may mặc ; chất đốt (than, củi, dầu hỏa, hơi đốt cho tiêu dùng) ; vật liệu xây dựng (bán lẻ cho nhân dân) ; thực phẩm tươi sống (thịt, cá…) ; rau, quả ; thực phẩm công nghệ (đường, sữa, bột ngọt, bánh mứt kẹo, nước mắm, muối, nước chấm…) ; mua bán đồ cũ.
- Thông qua các công ty chuyên doanh, hoặc trực tiếp (đối với các cửa hàng lớn), Sở tổ chức và quản lý màng lưới các trạm thu mua, các cửa hàng quốc doanh bán buôn, bán lẻ, các đại lý (nếu có) thuộc các ngành hàng nêu trên (trừ các cửa hàng ở huyện ngoại thành do huyện trực tiếp quản lý).
- Quản lý các cơ sở quốc doanh giết mổ thịt, và cơ sở đông lạnh cần thiết để dự trữ thịt và hàng tươi sống.
- Quản lý các cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh may đo và may sẵn (may sẵn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho cán bộ và nhân dân).
- Quản lý các cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh đóng tập, vở…(những cái quy mô lớn).
- Quản lý các cửa hàng (hoặc xí nghiệp) quốc doanh, công tư hợp doanh sửa chữa (thuộc loại lớn) : tivi, radio, xe gắn máy, xe đạp, đồng hồ, máy may, mắt kính, các loại đồ điện…
- Quản lý các cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh sản xuất : bánh mứt kẹo (loại đem tiêu thụ ngay không để lâu được), kem, nước đá (một số xí nghiệp để trực tiếp phục vụ cho thu mua và phân phối hải sản, tương chao, đậu phụ, nước mắm và chế biến thủy sản, nước chấm và các loại thực phẩm khác để đem tiêu thụ ngay không để lâu được (trừ các xưởng quốc doanh, công tư hợp doanh chế biến thực phẩm quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu của địa phương giao cho quận, huyện quản lý).
- Sở Thương nghiệp có trách nhiệm tổ chức thực hiện cải tạo thương nghiệp tư bản tư doanh song song với xây dựng, phát triển màng lưới thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã. Chỉ đạo các quận, huyện thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tiểu thương.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ nghiệp vụ và rót hàng hóa theo kế hoạch cho các cửa hàng thương nghiệp ở huyện ngoại thành và các hợp tác xã tiêu thụ, mua bán (việc chỉ đạo hợp tác xã tiêu thụ, mua bán thông qua Ban quản lý hợp tác xã tiêu thụ và mua bán).
- Sở Thương nghiệp cùng với Ủy ban Vật giá Thành phố xây dựng và đề nghị xét duyệt giá cả theo quy định của Ủy ban nhân dân Thành phố. Sở Thương nghiệp, phối hợp với Ban Quản lý thị trường thành phố, Sở Thuế, Sở Tài chánh, Sở Công an, quản lý điều hành một số chợ lớn có tính chất điển hình, quản lý thị trường, đấu tranh chống đầu cơ tích trữ, buôn lậu, nhằm bình ổn vật giá trong thành phố.
b) Sở Ăn uống và khách sạn có trách nhiệm quản lý hành chính – kinh tế ngành kinh doanh ăn uống công cộng, khách sạn nội địa và một số mặt dịch vụ trong toàn thành phố.
Sở Ăn uống và khách sạn trực tiếp quản lý :
- Quy hoạch xây dựng, phát triển, tổ chức lại và quản lý màng lưới khách sạn nội địa, nhà ngủ, cửa hàng ăn uống, giải khát và một số cơ sở dịch vụ lớn về cắt tóc, uốn tóc, giặt ủi trong toàn thành phố.
- Quản lý lưu thông phân phối rượu, bia, nước ngọt, nước đá.
- Tổ chức sản xuất và phân phối bánh mì ăn sáng và phân phối cho khách sạn, ăn uống vãng lai (ngoài tiêu chuẩn định lượng lương thực hàng tháng).
- Thông qua các công ty chuyên doanh quản lý khách sạn nội địa, các cửa hàng ăn uống giải khát quốc doanh, các cơ sở quốc doanh lớn về cắt tóc, giặt ủi, các cửa hàng bán rượu, bia, nước ngọt, một số lò bánh mì và một số xí nghiệp nước đá.
c) Quận huyện:
Quận nội thành : hướng chủ yếu là phân cấp cho quận quản lý toàn diện màng lưới các cửa hàng thương nghiệp, ăn uống công cộng, dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn quận. Hiện nay ở thành phố đang vừa cải tạo, vừa xây dựng, quận đang tập trung vào tổ chức thực hiện công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa. Trước mắt, cửa hàng nào quận có khả năng tiếp nhận thì giao cho quận, còn cửa hàng nào quận chưa tiếp nhận thì Sở Thương nhgiệp tạm thời quản lý. Ngoài ra, quận quản lý các mặt công tác sau đây :
- Quản lý tất cả hợp tác xã tiêu thụ, mua bán trong quận.
- Quản lý, tổ chức thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa toàn bộ tiểu thương trong quận.
- Ủy ban nhân dân quận (Phòng Thương nghiệp giúp) lãnh đạo, quản lý các cửa hàng thương nghiệp, ăn uống công cộng mà các công ty chuyên doanh của Sở Thương nghiệp, Sở Ăn uống khách sạn còn tạm thời quản lý, để phục vụ sản xuất, đời sống trên địa bàn quận. Các cửa hàng và cơ sở kinh doanh này phải chịu sự lãnh đạo và quản lý của Ủy ban nhân dân quận về các mặt chính trị, tư tưởng, bảo vệ, đời sống ; chịu sự kiểm tra, giám sát của Ủy ban nhân dân quận về qũy hàng hóa và hoạt động kinh doanh, nhằm bảo đảm thực hiện đúng phương hướng chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, chấp hành đúng chính sách, chế độ, thể lệ quy định, phân phối đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, đúng định lượng, đúng phương thức, bảo đảm sự dễ dàng thuận tiện cho nhân dân. Ủy ban nhân dân quận cùng với Sở Thương nghiệp thoả thuận chọn bố trí trưởng và phó các cửa hàng và tiến hành quản lý cán bộ theo quy định phân cấp quản lý cán bộ của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố.
- Quản lý các cơ sở của hợp tác xã, cá thể kinh doanh ăn uống, giải khát, phòng ngủ trong quận.
- Quản lý các cơ sở hợp tác xã, cá thể và một số cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh quy mô nhỏ (phục vụ nhu cầu của địa phương) sản xuất chế biến các loại thực phẩm, kể cả chế biến thủy sản, thuộc ngành thương nghiệp quản lý (bánh mứt kẹo, kem, nước đá, tương chao, đậu phụ, mắm, nước mắm, magi, xì dầu và các loại thực phẩm khác phải đem tiêu thụ ngay không để lâu được…).
- Quản lý các cơ sở dịch vụ của hợp tác xã, cá thể trong quận : giặt ủi ; cắt tóc, uốn tóc ; sửa chữa tivi, radio, máy khâu, xe gắn máy, xe đạp, đồng hồ, mắt kính, các loại đồ điện ; đánh máy chữ thuê và dạy nghề đánh máy chữ.
- Quản lý các hợp tác xã, tổ hợp và cá thể may đo, các cơ sở tư nhân dạy may cắt quần áo trong quận.
- Quản lý các chợ trong quận, trừ một số chợ lớn do Sở Thương nghiệp quản lý.
Huyện ngoại thành quản lý các việc như quận nội thành, còn thêm:
- Tổ chức thu mua thực phẩm, rau quả theo hợp đồng hai chiều để cung cấp cho nội thành và được để lại một phần phân phối cho nhân dân địa phương theo kế hoạch đã được xét duyệt.
- Theo nhu cầu cần thiết và điều kiện về nguồn hàng, tổ chức và quản lý các cửa hàng quốc doanh bán lẻ, các cửa hàng ăn uống, giải khát phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong huyện. Qũy hàng hoá do các công ty chuyên doanh Sở Thương nghiệp phân bổ về theo kế hoạch lưu chuyển hàng hóa đã được xét duyệt.
Nói chung, huyện ngoại thành trực tiếp tổ chức và quản lý màng lưới thương nghiệp, ăn uống công cộng và dịch vụ quốc doanh, hợp tác xã của địa phương, dưới sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Thương nghiệp và Sở Ăn uống và khách sạn.
5) QUẢN LÝ NGÀNH XÂY DỰNG CƠ BẢN :
a) Sở Xây dựng có trách nhiệm quản lý hành chính – kinh tế ngành xây dựng cơ bản, sản xuất và phân phối sử dụng vật liệu xây dựng của thành phố. Sở trực tiếp quản lý :
- Quản lý công tác quy hoạch và thiết kế các công trình công nghiệp và dân dụng trong thành phố.
- Quản lý và giám sát tất cả các đơn vị thi công xây lắp các công trình công nghiệp, dân dụng và công trình công cộng. Riêng về công trình dân dụng, Sở quản lý các công trình có vốn đầu tư từ 500.000đ trở lên.
Việc quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng các công trình chuyên ngành : giao thông, nông nghiệp, thủy lợi, bưu điện… do các ngành ấy phụ trách.
- Quản lý tất cả các cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, gạch, ngói, đá, vôi, cát, sỏi, bê tông đúc sẵn, sành sứ vệ sinh, kính xây dựng, các loại phụ tùng, phụ kiện và chế biến gỗ chuyên dùng phục vụ ngành xây dựng.
- Cải tạo, quản lý và xét cấp giấy phép hành nghề cho các nhà thầu xây dựng tư nhân, các cơ sở thiết kế xây dựng tư nhân.
- Quản lý công tác cung ứng vật liệu xây dựng cho các ngành, các cấp theo kế hoạch xây dựng được duyệt và cho ngành thương nghiệp theo kế hoạch được duyệt, để phân phối lại cho nhân dân, cán bộ xây cất và sửa chữa nhà cửa.
- Xét và cấp giấy phép cho sửa chữa lớn khi có thay đổI kết cấu công trình.
b) Viện Quy hoạch tổng hợp Thành phố quản lý công tác quy hoạch, cải tạo và xây dựng phát triển toàn diện thành phố. Nghiên cứu giúp Ủy ban nhân dân Thành phố xét duyệt, hoặc đề nghị Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt cấp đất cho xây dựng cơ bản trong toàn thành phố.
c) Quận nội thành :
- Quản lý công tác thi công xây dựng của quận và phụ trách xây dựng các công trình dân dụng có vốn đầu tư từ 500.000đ trở xuống.
- Kết hợp với Viện Quy hoạch tổng hợp Thành phố, nghiên cứu quy hoạch cải tạo, xây dựng nhà cửa và các công trình phúc lợi công cộng khác trong quận. Quản lý và thực hiện quy hoạch đã được duyệt, kịp thời phát hiện, đề nghị xử lý những trường hợp xây dựng trái phép, hoặc vi phạm những quy tắc xây dựng đã được ban hành.
- Lập kế hoạch xây dựng cơ bản và sản xuất vật liệu xây dựng của quận. Tổ chức chỉ đạo và quản lý các đội xây dựng, hợp tác xã xây dựng, hợp tác xã, tổ sản xuất và tư nhân sản xuất vật liệu xây dựng.
- Quản lý và hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ giá cả do Nhà nước quy định trong xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, cho các hợp tác xã xây dựng, các hợp tác xã, tổ sản xuất và cá thể sản xuất vật liệu xây dựng trong quận.
d) Huyện ngoại thành :
Huyện cũng quản lý các việc như quận nội thành, còn thêm những việc cụ thể như sau :
- Kết hợp với Viện Quy hoạch tổng hợp Thành phố, nghiên cứu quy hoạch xây dựng toàn huyện, quản lý quy hoạch của huyện, hướng dẫn nhân dân xây dựng theo quy hoạch và kiểm tra ngăn chặn các trường hợp xây dựng trái phép trong huyện.
Thiết kế quy hoạch xã và thiết kế các công trình phục vụ sinh hoạt cho các xã như trạm xá, cửa hàng phục vụ, sân kho hợp tác xã, trường học, …
- Tổ chức và quản lý đội xây dựng của huyện để thi công xây dựng các công trình của huyện và tham gia thi công một số công trình của Sở hoặc nhận thi công một số công trình đơn giản do Sở giao.
- Tổ chức và quản lý các cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh sản xuất vật liệu xây dựng của huyện.
a/ Sở Lương thực chịu trách nhiệm thống nhất quản lý toàn bộ các công tác thu mua, phân phối lương thực trong thành phố (kể các lương thực được Trung ương chi viện), cụ thể là :
- Quản lý toàn bộ hoạt động thu mua, tiếp nhận của Trung ương chi viện, vận chuyển, bảo quản, chế biến và phân phối lương thực trong thành phố, bao gồm lúa, gạo, tấm, bắp, bột mì, hoa màu và các chất bột khác.
- Nghiên cứu và tổ chức thực hiện tiêu chuẩn, phương thức phân phối lương thực trong thành phố một cách hợp lý và chặt chẽ (nội dung : tiêu chuẩn định lượng cho từng đối tượng lao động, thủ tục, thể lệ, tổ chức màng lưới phân phối..).
- Sở quản lý toàn bộ hoạt động kinh doanh, sự nghiệp của ngành lương thực từ thành phố đến các Phòng Lương thực quận, huyện, các cửa hàng lương thực theo hệ thống ngành dọc (bao gồm : chỉ tiêu kế hoạch huy động, bảo quản, vận tải, chế biến, phân phối lương thực, vốn và kinh phí, tổ chức biên chế lao động, tiền lương, tài sản, vật tư ..).
- Sở quản lý các cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh xay xát lúa gạo, các lò bánh mì lớn, các cơ sở chế biến mì sợi và chế biến lương thực khác cỡ lớn cần thiết cho cấp thành phố. Chỉ đạo màng lưới các tổ phục vụ phân phối lương thực.
b/ Quận, huyện :
- Phòng lương thực quận, huyện thực hiện kế hoạch phân phối lương thực vả thực hiện các chủ trương, chính sách và chế độ quản lý thống nhất lương thực ở địa phương, chịu sự lãnh đạo, kiểm tra quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân quận, huyện.
- Tổ chức và quản lý màng lưới phân phối lương thực trong quận, huyện. Màng lưới này phải hợp lý, thuận tiện cho nhân dân và cán bộ, công nhân viên chức nhà nước. Tổ chức theo hướng : các cửa hàng quốc doanh theo khu vực, phân phối cho cán bộ, công nhân viên chức thông qua tổ căng tin của cơ quan, xí nghiệp, v.v.., duy trì, củng cố các tổ phục vụ phân phối gạo ở phường để trực tiếp phân phối gạo cho nhân dân, hưởng hoa hồng, do Ủy bn nhân dân phường lãnh đạo.
- Các đơn vị kinh doanh lương thực ở quận, huyện hoạt động theo chế độ hạch toàn kinh tế thông qua các chỉ tiêu kế hoạch do Sở Lương thực Thành phố giao.
- Phòng lương thực quận, huyện chịu trách nhiệm cấp sổ lương thực theo tiêu chuẩn định lượng do Ủy ban nhân dân Thành phố quy định (Phòng Lương thực, các cửa hàng, các tổ phục vụ phân phối lương thực không được tự ý cắt giảm lương thực trái với tiêu chuẩn định lượng đã quy định). Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các cửa hàng lương thực, các tổ phục vụ phân phối lương thực chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ về quản lý và phân phối lương thực trong quận, huyện.
- Phòng Lương thực quận quản lý các cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh (loại vừa và nhỏ) và các cơ sở tư nhân sản xuất bánh mì, chế biến mì sợi và chế biến các loại lương thực khác để phục vụ trong địa phương.
- Phòng Lương thực các huyện ngoại thành, ngoài những nhiệm vụ đã quy định trên, còn phải thực hiện việc thu mua lương thực theo chỉ tiêu kế hoạch do Ủy ban nhân dân Thành phố đề ra. Lập bảng cân đối lương thực để điều hòa lương thực trong huyện, báo cáo số lương thực thừa hoặc thiếu để thành phố có kế hoạch điều động hoặc chi viện.
a/ Sở Thủy sản chịu trách nhiệm quản lý hành chính – kinh tế ngành thủy sản toàn thành phố. Nhiệm vụ chủ yếu của Sở là tổ chức và quản lý việc đánh cá, tôm và các loại hải sản khác ở biễn và trên sông lớn.
Việc nuôi cá nước ngọt do Sở Nông nghiệp phụ trách, việc chế biến thủy sản giao cho Sở Thương nghiệp phụ trách.
- Sở Thủy sản trực tiếp quản lý :
- Quản lý toàn bộ tàu thuyền đánh cá, tôm quốc doanh, công tư hợp doanh của Thành phố.
- Quản lý việc cung cấp nguyên liệu và ngư cụ cho ngành đánh bắt và nuôi trồng hải sản của Thành phố.
- Tổ chức thu mua các loại hải sản ở trên biển, cộng với hải sản đánh bắt được đem phân phối cho các khâu chế biến xuất khẩu, chế biến dùng trong nội địa và cho ngành thương nghiệp để bán lẻ cho tiêu dùng.
- Còn việc thu mua các loại hải sản và thủy sản của hợp tác xã, cá thể đánh bắt, nuôi trồng và của các địa phương khác do ngành thương nghiệp tổ chức thực hiện. Ngành ngoại thương thu mua các loại hải sản xuất khẩu.
- Tổ chức, quản lý các sơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh nuôi trồng hải sản ở các vùng nước mặn ven biển.
- Tổ chức, quản lý các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh sửa chữa tàu thuyền đánh cá.
- Sở Thủy sản được giao quản lý một số bến, cảng để tàu cá ra vào.
b/ Quận, huyện (có đánh bắt, nuôi trồng hải sản).
- Quản lý các tàu thuyền đánh cá của hợp tác xã, tổ hợp, cá thể và các bến cảng cá nhỏ trong địa phương.
- Quản lý các hợp tác xã, tổ hợp và cá thể sản xuất, sửa chữa ngư cụ và phương tiện phục vụ ngành thủy sản.
a/ Sở Thủy lợi chịu trách nhiệm quản lý hành chính – kinh tế các mặt công tác thủy lợi của Thành phố, bao gồm việc xây dựng và quản lý nguồn nước phục vụ sản xuất và tiêu dùng, thủy nông (tưới, tiêu phục vụ nông nghiệp). Sở trực tiếp quản lý ;
- Xây dựng và quản lý quy hoạch thủy lợi và thủy năng của Thành phố. Trực tiếp quản lý việc thực hiện quy hoạch thuỷ lợi và thủy năng đối với các công trình có tính chất liên huyện trở lên. Kiểm tra, giúp đỡ các quận, huyện làm tốt công tác thủy lợi nhỏ ở địa phương. Thiết kế các công trình thủy lợi nhỏ cho các quận, huyện chưa đảm nhiệm lấy được.
- Quản lý nguồn nước mặt, nước ngầm, khai thác sử dụng hợp lý để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
- Quản lý, cải tạo, khai thác, sử dụng và bảo vệ các công trình thủy lợI đã có, để phục vụ sản xuát và đời sống.
- Quản lý vốn đầu tư, tổ chức khảo sát, thiết kế và thi công những công trình thủy lợi, thủy điện của Thành phố có vốn đầu tư từ 500.000đ trở lên. Thi công một số hạng mục công trình hay công trình của trung ương do Bộ Thủy lợi phân công cho Thành phố.
- Quản lý các công trình thủy nông phục vụ chung cho nhiều quận, huyện.
- Quản lý các đơn vị thi công thủy lợi quốc doanh, công tư hợp doanh. Xét cho hành nghề các tổ chức hợp tác hoặc cá thể có thiết bị máy móc chuyên phục vụ xây dựng các công trình thủy lợi.
- Xét duyệt thiết kế kỹ thuật công trình và dự toán thiết kế công trình thủy lợi do Thành phố quản lý và công trình do quận, huyện quản lý.
- Quản lý các cơ sở quốc doanh, công tư hợp donah sản xuất và sửa chữa cơ khí chuyên dủng phục vụ cho ngành thủy lợi.
- Chỉ đạo, giúp đỡ các quận, huyện xây dựng kế hoạch thủy lợi dài hạn, hàng năm của quận, huyện và hoàn thành các thủ tục về trình tự xây dựng cơ bản.
- Tổ chức và quản lý các trạm thủy văn dùng riêng, các trạm thí nghiệm tưới nước để phục vụ cho nhu cầu xây dựng thủy lợi, cho việc chống lũ lụt và quản lý sử dụng nước.
Ngành thủy lợi khi xây dựng quy hoạch và đào kinh, đắp đập phải kết hợp chặt chẽ với ngành giao thông vận tải.
b/ Huyện ngoại thành và quận (có sản xuất nông nghiệp)
- Quản lý quy hoạch thủy lợi của quận, huyện (trong đó có quy hoạch thủy lợi nhỏ). Quản lý vốn xây dựng và tổ chức thi công các công trình thủy lợi nhỏ thuộc vốn trợ cấp theo kế hoạch đã được duyệt, hoặc một số công trình thủy lợi loại vừa do Thành phố phân cấp cho quận, huyện.
- Quản lý các nguồn nước ngọt trong địa phương và có biện pháp ngăn ngừa chống ô nhiễm các dòng sông do nước thải của các xí nghiệp, chống nước mặn tràn vào ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp.
- Quản lý các đội công trình thủy lợi của quận, huyện. Tổ chức, chỉ đạo các độI thủy lợi quận, huyện phối hợp chặt chẽ với các đội thủy lợi xã.
- Quản lý các công trình thủy nông phục vụ trong quận, huyện.
9/ QUẢN LÝ NHÀ ĐẤT VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG :
a/ Sở Quản lý nhà đất chịu trách nhiệm quản lý hành chính – kinh tế các mặt công tác về quản lý nhà đất trong toàn thành phố. Sở trực tiếp quản lý:
- Quản lý toàn bộ nhà ở trong thành phố, lập quy hoạch theo phân phối, điều chỉnh, cho thuê theo quy hoạch và theo đúng tiêu chuẩn, chế độ, chính sách nhà nước quy định.
- Quản lý toàn bộ đất thổ cư trong nội thành (bao gồm đất thổ cư thuộc Nhà nước quản lý và của tư nhân được quyền sử dụng.
Đất thổ cư gắn liền với đất canh tác ở các huyện ngoại thành do Sở Nông nghiệp quản lý.
- Tổ chức thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa về quan hệ sở hữu nhà và đất của tư nhân.
- Quản lý và chịu trách nhiệm sửa chữa nhà cửa công thuộc thành phố quản lý. Đồng thời có biện pháp hướng dẫn, giúp đỡ nghiệp vụ về quản lý và sửa chữa cho quận, huyện.
- Xem xét, giải quyết các vụ tranh chấp về nhà đất ngoài phạm vi quyền hạn của Tòa án và ngoài phạm vi quyền hạn giải quyết của quận, huyện.
- Xác định quyền được sử dụng đất thổ cư để giúp Viện Quy hoạch tổng hợp nghiên cứu đề xuất với Ủy ban nhân dân Thành phố xét cho phép xây dựng nhà mới trong thành phố.
b/ Sở quản lý công trình công cộng chịu trách nhiệm quản lý hành chính – kinh tế các mặt công tác về quản lý công trình công cộng trong toàn thành phố. Sở trực tiếp quản lý :
- Quản lý các công trình công cộng lớn và hệ thống cây xanh trong thành phố (công viên, vườn hoa, vườn thú, vườn ươm cây, hoa, kiểng, cây xanh hai bên đường giao thông..).
- Quản lý các nhà máy nước và phân phối nước máy phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong thành phố.
- Quản lý hệ thống đèn điện thắp sáng trên đường giao thông, cầu, các ngõ hẻm, công viên và các nơi công cộng khác.
Đèn báo hiệu giao thông (đèn xanh, đỏ) ở các ngả tư đường do Sở Công an quản lý.
- Quản lý công tác vệ sinh (phân, rác) trong toàn thành phố.
- Quản lý công tác phục vụ mai táng (mai táng và nghĩa trang).
- Tổ chức thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các cơ sở tư nhân kinh doanh rút hầm cầu, mai táng, nghĩa trang.
c/ Quận, huyện giúp Sở Quản lý nhà đất và Sở Quản lý công trình công cộng quản lý toàn bộ nhà đất và công trình công cộng trong phạm vi quận, huyện.
- Quản lý nhà và đất công (gồm nhà ở, nhà làm việc) của các cơ quan cấp quận, huyện và phường, xã. Thu tiền cho thuê nhà và sửa chữa theo sự phân cấp của Sở.
- Đối với nhà tư nhân cho thuê, quận quản lý, kiểm tra việc ký hợp đồng cho thuê nhà theo chế độ, giá cả do Nhà nước quy định. Trên cơ sở chứng nhận của phường, xã, quận, huyện, xét cấp giấy mua vật liệu sửa chữa nhà cho tư nhân (Thành phố phải có kế hoạch dành phần vật liệu xây dựng thích đáng cho việc sửa chữa nhà tư nhân). Chứng nhận bán, nhượng, đổi nhà theo sự phân cấp của sở.
- Xem xét giải quyết các vụ tranh chấp về nhà đất trong phạm vi quận, huyện. Các vụ vi phạm hình sự về chiếm đoạt nhà đất, hoặc xét công nhận quyền thừa tự nhà đất chuyển cho Tòa án nhân dân giải quyết.
- Quản lý một đội sửa chữa nhỏ nhà cửa trong phạm vi quận, huyện.
- Kiểm tra nắm tình hình thực tế nhà ở và nhu cầu nhà ở trong quận, huyện để báo cáo và đề xuất với Sở việc phân phối, điều chỉnh và quản lý nhà ở cho hợp lý hơn.
- Quản lý các vườn hoa nhỏ trong quận, huyện do Sở Quản lý công ttrình công cộng phân cấp, hoặc do quận, huyện tổ chức xây dựng.
10/ QUẢN LÝ CÔNG TÁC TÀI CHÍNH :
a/ Sở Tài chính có trách nhiệm quản lý ngân sách thành phố và toàn bộ các chế độ tài chính của Nhà nước. Sở Tài chính trực tiếp quản lý :
- Tổng hợp kế hoạch ngân sách, quản lý việc thực hiện ngân sách thành phố.
- Thanh tra và giám sát các hoạt động kinh tế đốI với các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở của Thành phố.
- Quản lý toàn bộ tài sản công của Thành phố.
- Chỉ đạo các quận, huyện về công tác thu thuế nông nghiệp, thu lệ phí và các khoản tạp thu khác.
- Quản lý các khoản thu chi của các ngành cấp Thành và dự toán thu chi cho các quận, huyện.
b/ Quận, huyện :
- Chịu trách nhiệm tổng hợp kế hoạch và chỉ đạo thực hiện các khoản thu chi thuộc quận, huyện quản lý, theo sự phân cấp quản lý kinh tế. Chịu trách nhiệm thu thuế nông nghiệp, thu các lệ phí và số tạp thu theo kế hoạch chung của Thành phố.
- Thu nhận và quản lý tài sản công thuộc quận, huyện quản lý và thực hiện việc điều phối theo kế hoạch chung của Thành phố.
- Đối với các huyện ngoại thành, Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn lập dự toán thu chi có tính cách tập sự cho việc quản lý ngân sách sau khi hoàn thành việc phân cấp quản lý kinh tế.
+Về ngân sách phường, xã :
- Theo quy định hiện hành, xã là một cấp ngân sách ; Sở Tài chính có trách nhiệm nghiên cứu chế độ quản lý ngân sách xã, bảo đảm cho các xã có đầy đủ điểu kiện hoàn thành nhiệm vụ ở cấp cơ sở.
- Đối với phường, Sở Tài chính nghiên cứu bảo đảm kinh phí cho phường hoạt động.
11/ QUẢN LÝ CÔNG TÁC THUỂ VỤ :
a/ Sở Thuế có trách nhiệm quản lý toàn diện công tác thuế vụ ở thành phố.
- Căn cứ chính sách, chế độ, luật lệ thuế hiện hành và tình hình hoạt động kinh doanh dịch vụ của Thành phố, Sở lập kế hoạch thu thuế ở các khu vực quốc doanh, công tư hợp doanh, hợp tác xã và cá thể.
- Tổ chức thực hiện kế hoạch thu thuế theo các đốI tượng quốc doanh, công tư hợp doanh, hợp tác xã và cá thể. Thường xuyên tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các Phòng Thuế ở quận, huyện thực hiện kế hoạch thu thuế cho kịp thời và đầy đủ.
- Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ thu thuế đã được quy định.
- Xét và giải quyết các đơn khiếu nại về việc chấp hành chính sách thuế trong phạm vi Thành phố.
- Cùng với các ngành, các cơ quan quản lý hợp tác xã, các đoàn thể có liên quan, nghiên cứu đề xuất bổ sung chính sách, chế độ thuế trong thành phố cho hợp lý.
b/ Quận, huyện :
Phòng Thuế ở quận là đơn vị trực thuộc của Sở Thuế chịu sự quản lý, chỉ đạo của Sở, đồng thời chịu sự lãnh đạo và kiểm tra của Ủy ban nhân dân quận, huyện, nhằm bảo đảm thực hiện đúng đắn chế độ thuế của Nhà nước. Phòng Thuế có nhiệm vụ :
- Tổ chức trực tiếp thu tiền thuế tại Phòng thuế quận, huyện và nộp số thuế đã thu vào ngân hàng. Thường xuyên kiểm tra nghiệp vụ thu và nộp thuế ở phạm vi quận, huyện phụ trách.
- Tổ chức công tác kế toán, thống kê số thu nộp được chính xác, kịp thời bảo đảm yêu cầu chỉ đạo thu.
- Quản lý chặt chẽ các loại ấn chỉ thuế do Bộ Tài chính và Sở Thuế ấn hành, tránh để mất mát, nhầm lẫn tiền thuế và các hiện tượng sai trái khác.
- Xem xét và giải quyết các đơn khiếu nại về thuế trong phạm vi quận, huyện.
a/ Sở Y tế có trách nhiệm quản lý theo ngành toàn bộ công tác y và dược của Thành phố. Sở trực tiếp quản lý :
- Quản lý toàn bộ nộI dung chuyên môn của ngành y tế thành phố (gồm vệ sinh phòng bệnh, khám trị bệnh, hộ sinh, cấp cứu, ngăn ngừa và trị các bệnh dịch).
- Quản lý toàn diện các bệnh viện, phòng khám bệnh công trực thuộc Sở và quản lý sự hoạt động các bệnh viện tư.
- Quản lý tất cả các cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh bán thuốc đông, tây y, trồng và bào chế thuốc đông, tây y, trồng răng và nhổ răng.
- Quản lý các cơ sở vệ sinh phòng dịch của Thành phố.
b/ Quận, huyện :
- Quản lý các bệnh viện, phòng khám bệnh của quận, huyện và quản lý tất cả các trạm xá, nhà hộ sinh dân lập và các tổ chức y tế xí nghiệp, cơ quan, trường học đóng trong quận, huyện.
- Quản lý các cửa hàng bán thuốc đông, tây y của các bệnh viện quận, huyện.
- Quản lý các cơ sở nhổ và trồng răng của tổ hợp tác và cá thể.
- Quản lý các vườn thuốc đông, tây y và các trạm điều chế thuốc đông, tây y trong quận, huyện theo sự phân cấp cụ thể của Sở Y tế.
a/ Sở Giáo dục chịu trách nhiệm quản lý theo ngành toàn bộ công tác giáo dục của Thành phố (gồm giáo dục phổ thông, mẫu giáo, bình dân học vụ, bổ túc văn hóa, sư phạm). Sở trực tiếp quản lý :
- Quản lý toàn bộ nội dung chương trình giáo dục từ cấp III trở xuống đến mẫu giáo, chương trình sư phạm trung sơ cấp.
- Quy hoạch xây dựng và phát triển ngành giáo dục của Thành phố theo từng năm trên các mặt phát triển trường phồ thông, sư phạm, bồi dưỡng, đào tạo xây dựng đội ngũ giáo viên các cấp, chỉ tiêu phát triển học sinh để cung cấp cho các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.
- Nghiên cứu chương trình giáo dục cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của Thành phố và phù hợp với yêu cầu cải cách giáo dục.
- Quản lý trực tiếp các trường phổ thông cấp III, trường văn hóa Lý Tự Trọng, trường bổ túc công nông, trường phổ thông lao động, các trường sư phạm.
- Quản lý công tác xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa ở các sở, ban, ngành thành phố.
b/ Quận, huyện :
- Quản lý trực tiếp các trường phổ thông cấp I và II, trường mẫu giáo, các lớp bổ túc văn hóa trong quận, huyện.
- Quản lý, chỉ đạo trực tiếp toàn bộ công tác chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng cơ bản, bảo quản cơ sở vật chất, thiết bị trường học cho các trường mẫu giáo, trường phổ thông cấp I, II và chịu trách nhiệm phong trào bình dân học vụ ở quận, huyện theo chủ tương, kế hoạch, nội dung của Thành phố.
(Về công tác quản lý cán bộ, giáo viên sẽ có quy định sau).
14/ QUẢN LÝ CÔNG TÁC THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI :
a/ Sở Thương binh và xã hội có trách nhiệm quản lý thống nhất sự nghiệp thương binh và xã hội trong toàn thành phố. Sở trực tiếp quản lý các mặt công tác sau đây :
- Quản lý về mặt hành chính các thương binh, bệnh binh khi đã làm xong thủ tục giấy tờ và tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, con liệt sĩ, cán bộ về hưu và gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.
- Quản lý các trại nuôi dưỡng người già, tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, và các trường, trại xã hội khác.
- Quản lý tất cả các cơ sở sản xuất tập thể của thương binh, bệnh binh, có sự chỉ đạo, giúp đỡ về chuyên môn kỹ thuật của các sở chuyên ngành.
- Kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các sở, ban, ngành và quận, huyện thi hành tốt công tác thương binh và xã hội ở từng cơ sở và từng địa phương.
b/ Quận, huyện :
- Chịu trách nhiệm thống kê, lập hồ sơ và quản lý việc thực hiện các chính sách, chế độ, đối với thương binh, bệnh binh, cán bộ về hưu, con liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng ở trong quận, huyện ; cấp phát các khoản phụ cấp lương hưu, tuất, phụ cấp thương tật.. theo sự quy định của Sở Thương binh và xã hội.
- Chỉ đạo các phường, xã tổ chức sắp xếp công việc làm cho thương binh, bệnh binh.
- Quản lý các cơ sở sản xuất của thương binh, bệnh binh.
- Chỉ đạo tốt việc nuôi dưỡng tập trung các cháu mồ côi và con thương binh, liệt sĩ của quận, huyện.
- Lập dự toán thu chi các loại kinh phí về công tác thương binh và xã hội trong quận, tổ chức chỉ đạo các Ban Thương binh và xã hội xã, phường thực hiện dự toán đúng chính sách, chế độ Nhà nước quy định.
- Chịu trách nhiệm hướng dẫn, giáo dục, tuyên truyền phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách, chế độ, thể lệ của Đảng và Nhà nước về thương binh và xã hội trong các ngành, các cấp trong quận, huyện.
- Nắm chắc các đối tượng tệ nạn xã hội trong quận, huyện. Phối hợp với công an, các đoàn thể tổ chức thực hiện các biện pháp giáo dục và cải tạo các nhóm xì ke, gái mãi dâm và những phần tử tệ nạn xã hội khác và có biện pháp tuyên truyền vận động quần chúng tham gia phong trào chống các tệ nạn xã hội.
15/ QUẢN LÝ CÔNG TÁC VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN :
a/ Sở Văn hóa và thông tin có trách nhiệm quản lý mọi hoạt động thông tin, tuyên truyền và văn hóa của Thành phố. Sở trực tiếp quản lý :
- Quản lý công tác thông tin tuyên truyền trong toàn thành phố (hệ thống truyền thanh do đài phát thanh thành phố quản lý theo quyết định của Hội đồng Chính phủ).
- Tổ chức, xây dựng, phát triển và quản lý phong trào chung về văn hóa, văn nghệ quần chúng toàn thành phố.
- Quản lý tất cả các rạp hát và chiếu bóng quốc doanh, công tư hợp doanh và cá thể. Quản lý các đội quốc doanh chiếu bóng lưu động, các đoàn hát quốc doanh và tư nhân trong thành phố.
- Quản lý các đoàn văn nghệ quốc doanh, công tư hợp doanh và tư nhân.
- Quản lý toàn bộ công tác xuất bản (sáng tác, dịch thuật, in và phát hành).
- Quản lý toàn bộ công tác phát hành phim.
- Quản lý các cửa hàng văn hóa phẩm tổng hợp quy mô lớn ở các điểm trung tâm quan trọng trong thành phố.
- Quản lý các nhà in quốc doanh, công tư hợp doanh và cá thể.
- Quản lý các đài, tượng ở các nơi công cộng và di tích lịch sử, bảo tồn bảo tàng, các thư viện, các khu triển lãm trong thành phố.
- Quản lý, đào tạo bồi dưỡng văn nghệ sĩ của thành phố.
b/ Quận, huyện :
- Chịu trách nhiệm quản lý công tác thông tin tuyên truyền và văn hóa của địa phương, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và thông tin.
- Tổ chức, xây dựng, phát triển và quản lý phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trong quận, huyện.
- Quản lý các đoàn văn nghệ quốc doanh, công tư hợp doanh và tư nhân được phân cấp quản lý.
- Quản lý các phòng thông tin và các phòng đọc sách, các câu lạc bộ,các thư viện của quận, huyện. Quản lý các tiệm chụp hình, các cửa hàng văn hóa phẩm, các đại lý bán sách của tư nhân và hợp tác xã.
- Quản lý các bãi chiếu bóng ngoài trời, các mạng lưới thông tin trong quận, huyện.
- Riêng các huyện ngoại thành được quản lý một số rạp hát, rạp chiếu bóng quốc doanh, các đội chiếu bóng lưu động của huyện.
16/ QUẢN LÝ CÔNGTÁC THỂ DỤC THỂ THAO :
a/ Sở Thể dục thể thao chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ công tác thể dục thể thao trong Thành phố. Sở trực tiếp quản lý :
- Chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo phong trào thể dục thể thao quần chúng trong thành phố.
- Quản lý các sân bóng đá, bóng chuyền, bóng rỗ, quần vợt, cầu lông có quy mô lớn.
- Quản lý các hồ bơi,
- Quản lý các thao trường luyện tập thể dục thể thao, các cơ sở luyện tập võ thuật trong thành phố và Trường thể dục thể thao của Thành phố.
- Quản lý các đội bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, đua xe đạp, bơi lội chuyên nghiệp, v.v.. của Thành phố.
- Quản lý các câu lạc bộ thể dục thể thao lớn ở trong thành phố.
- Quản lý một số cơ sở sản xuất dụng cụ thể dục thể thao chuyên dùng phục vụ phong trào rèn luyện thân thể trong thành phố (các xưởng sản xuất dụng cụ thể dục thể thao thông dụng, sản xuất hàng loạt do Sở Công nghiệp quản lý).
b/ Quận, huyện :
- Tổ chức, xây dựng, phát triển và quản lý phong trào thể dục thể thao quần chúng trong địa phương.
- Quản lý các cơ sở thể dục thể thao loại nhỏ để luyện tập, phục vụ phong tào thể dục thể thao quần chúng. quản lý các độI thể dục thể thao nghiệp dư trong quận, huyện.
- Quản lý, tổ chức và chỉ đạo, kiểm tra nội dung hoạt động của các cơ sở thể dục thể thao tư nhân trong quận, huyện.
- Quản lý các cơ sở luyện tập võ thuật của tư nhân (các cơ sở này hiện nay tạm thời cho ngưng hoạt động, chờ chủ trương của thành phố).
- Xét cấp giấy phép hành nghề cho các cơ sở thể dục thể thao tư nhân trong quận, huyện, đồng thời có biện pháp kiểm tra nội dung hoạt động của các sơ sở này.
1/ Các sở, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện cần tổ chức nghiên cứu Bản quy định tạm thời này để phân công và phân cấp quản lý, vạch kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện, nhất là bàn giao nhiệm vụ theo sự phân công mới phải được thực hiện nhanh, gọn, nhằm đạt được yêu cầu đề ra. Các sở, ban, ngành có trách nihệm tăng cường cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ cho các tổ chức của ngành mình ở cấp quận, huyện để đủ sức đảm trách nhiệm vụ được phân công, phân cấp quản lý.
2/ Việc phân công quản lý một số mặt công tác cụ thể cho phường, xã, các quận, huyện sẽ thực hiện theo sự hướng dẫn thống nhất của Thành phố.
3/ Qua việc thực hiện sự phân công phân cấp lần này, các sở, ban, ngành, các quận, huyện cần soát xét lại cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có để chấn chỉnh, tinh giản gọn nhẹ, giảm đầu mối trung gian và hoạt động có hiệu quả thiết thực.
4/ Bản Quy định tạm thời này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành. Các đã ban hành trong các văn bản trước của Ủy ban nhân dân Thành phố, của cảc sở, ban, ngành trái với Bản Quy định này nay bãi bỏ.
- 1Quyết định 5986/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2Quyết định 52/QĐ-UB năm 1981 Quy định về phân công, phân cấp quản lý cho Ủy ban nhân dân quận, huyện do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1Quyết định 5986/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2Quyết định 52/QĐ-UB năm 1981 Quy định về phân công, phân cấp quản lý cho Ủy ban nhân dân quận, huyện do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Quyết định 612/QĐ-UB năm 1977 ban hành Bản quy định tạm thời về phân công quản lý giữa các sở, ban, ngành của thành phố và phân cấp quản lý giữa cấp thành phố và cấp quận, huyện của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- Số hiệu: 612/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 16/11/1977
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Mai Chí Thọ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra