Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 55/2000/QĐ-BTC | Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 2000 |
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Pháp lệnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí ngày 26/2/1998 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998 của Chính phủ về quản lý tài sản nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 25/10/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý công sản,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế quản lý việc xử lý tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp".
Điều 2. Quy chế này áp dụng cho việc xử lý thu hồi, điều chuyển, thanh lý tài sản nhà nước giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, Tổ chức chính trị, Tổ chức chính trị- xã hội, Tổ chức xã hội, Tổ chức xã hội- nghề nghiệp, các cơ quan ngoại giao của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là cơ quan HCSN) quản lý, sử dụng.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 1163 TC/QLCS ngày 21/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành "Quy chế xử lý tài sản không cần dùng và không còn sử dụng được trong các cơ quan HCSN".
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan khác chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| Nguyễn Sinh Hùng (Đã ký) |
QUẢN LÝ VIỆC XỬ LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 55 /2000/QĐ-BTC ngày 19 tháng 4 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
1- Tài sản được hình thành từ các nguồn Ngân sách Nhà nước, có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước hoặc được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật (gọi chung là tài sản nhà nước) giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, Tổ chức chính trị, Tổ chức chính trị - xã hội, Tổ chức xã hội, Tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các cơ quan đại diện của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là cơ quan HCSN) quản lý, sử dụng được xử lý theo các quy định tại Quy chế này gồm:
- Nhà, đất thuộc trụ sở làm việc và các công trình xây dựng khác gắn liền với đất (không kể nhà ở, đất ở);
- Phương tiện vận tải, đi lại phục vụ công tác;
- Máy móc, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác phục vụ nhu cầu công tác được xác định là tài sản cố định.
2- Tài sản nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định riêng.
Điều 2. Việc xử lý tài sản nhà nước tại các cơ quan HCSN trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản theo quy định tại Quy chế này bao gồm các trường hợp sau:
1- Thu hồi tài sản không còn nhu cầu sử dụng do sáp nhập, thay đổi chức năng, nhiệm vụ; tài sản mà các cơ quan HCSN trang bị vượt quá tiêu chuẩn, định mức được phép sử dụng; tài sản sử dụng sai mục đích, trái quy định của Nhà nước.
2- Điều chuyển tài sản nhà nước giữa các cơ quan HCSN theo nhu cầu sử dụng và theo đúng tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản do Nhà nước quy định.
3- Thanh lý tài sản đối với những tài sản hư hỏng không còn sử dụng được hoặc những tài sản nếu tiếp tục sử dụng phải chi phí sửa chữa quá lớn.
Điều 3. Số tiền thu được từ việc thu hồi, điều chuyển, thanh lý tài sản (nếu có) phải nộp toàn bộ vào Ngân sách Nhà nước, sau khi đã trừ đi các khoản chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản.
Mọi trường hợp thu hồi, điều chuyển, thanh lý tài sản nhà nước của các cơ quan HCSN đều phải thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai.
THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH XỬ LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CÁC CƠ QUAN HCSN
Điều 4. Bộ trưởng Bộ Tài chính căn cứ vào đề nghị xử lý tài sản nhà nước của Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, tổ chức đoàn thể thuộc Trung ương (gọi chung là Bộ, cơ quan, đoàn thể Trung ương) và chế độ quản lý tài sản nhà nước hiện hành để xử lý:
1-Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý thu hồi, điều chuyển các tài sản nhà nước là nhà, đất thuộc trụ sở làm việc và các công trình xây dựng khác gắn liền với đất giữa các Bộ, cơ quan, đoàn thể Trung ương với nhau, giữa các cơ quan HCSN Trung ương với các tổ chức khác ngoài khu vực HCSN.
2- Thu hồi, điều chuyển các tài sản nhà nước (trừ nhà, đất thuộc trụ sở làm việc và các công trình xây dựng khác gắn liền với đất đai) giữa các Bộ, cơ quan, đoàn thể Trung ương với nhau, giữa cơ quan HCSN Trung ương với các tổ chức khác ngoài khu vực HCSN.
3- Thanh lý các tài sản nhà nước là nhà và các công trình xây dựng khác thuộc trụ sở làm việc của các cơ quan HCSN do Trung ương quản lý.
Điều 5. Thủ trưởng các Bộ, cơ quan, đoàn thể Trung ương quyết định xử lý:
1- Thu hồi, điều chuyển các tài sản nhà nước trong phạm vi nội bộ của Bộ, cơ quan, đoàn thể mình quản lý.
2- Thanh lý hoặc uỷ quyền cho thủ trưởng các cơ quan HCSN thuộc phạm vi mình quản lý quyết định thanh lý các tài sản nhà nước hư hỏng không còn sử dụng được (trừ nhà, các công trình xây dựng khác gắn liền với đất).
Điều 6. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Chủ tịch UBND cấp tỉnh) quyết định xử lý thu hồi, điều chuyển, thanh lý các tài sản nhà nước là nhà thuộc trụ sở làm việc, các công trình xây dựng gắn liền với đất và phương tiện đi lại của các cơ quan HCSN do địa phương quản lý.
Điều 7. Giám đốc Sở Tài chính-Vật giá căn cứ vào đề nghị xử lý tài sản nhà nước của Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể thuộc cấp tỉnh và UBND các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) và chế độ quản lý tài sản nhà nước hiện hành để xử lý:
1- Thu hồi, điều chuyển những tài sản nhà nước (trừ nhà, đất thuộc trụ sở làm việc, các công trình xây dựng khác gắn liền với đất và phương tiện đi lại) giữa các Sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể thuộc cấp tỉnh và cấp huyện trong địa phương với nhau.
2- Thanh lý các tài sản nhà nước (trừ nhà thuộc trụ sở làm việc, các công trình xây dựng khác gắn liền với đất và phương tiện đi lại) có giá mua ban đầu từ 100 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản của các cơ quan HCSN thuộc địa phương quản lý.
Điều 8. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể thuộc cấp tỉnh và UBND cấp huyện quyết định xử lý:
1- Thu hồi, điều chuyển các tài sản nhà nước của các cơ quan HCSN trong phạm vi nội bộ của Sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể thuộc cấp tỉnh và cấp huyện.
2- Thanh lý các tài sản nhà nước có giá trị mua ban đầu dưới 100 triệu đồng/1 đơn vị tài sản (trừ nhà đất thuộc trụ sở làm việc, các công trình xây dựng khác gắn liền với đất và phương tiện đi lại) của các cơ quan HCSN trực thuộc.
MỤC I TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XỬ LÝ THU HỒI TÀI SẢN NHÀ NƯỚC
Điều 9. Việc thu hồi các tài sản nhà nước không còn nhu cầu sử dụng do sáp nhập, hợp nhất, thay đổi chức năng, nhiệm vụ; tài sản nhà nước dôi thừa so với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản do Nhà nước quy định; tài sản nhà nước sử dụng sai mục đích, trái quy định của Nhà nước được thực hiện như sau:
1- Đối với tài sản nhà nước không còn nhu cầu sử dụng do sáp nhập, hợp nhất, thay đổi chức năng nhiệm vụ, các cơ quan HCSN có trách nhiệm tiến hành kiểm kê, đánh giá lại toàn bộ tài sản hiện có để bàn giao cho cơ quan HCSN mới quản lý, sử dụng số lượng tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức. Đồng thời lập danh sách số tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức (theo mẫu biểu số 1 đính kèm Quy chế này) và biên bản đánh giá lại tài sản cần thu hồi của Hội đồng đánh giá lại tài sản của cơ quan HCSN báo cáo cơ quan quản lý cấp trên ra quyết định thu hồi theo thẩm quyền quy định tại Chương II của Quy chế này.
2- Đối với trường hợp kiểm tra phát hiện cơ quan HCSN sử dụng tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức, sai mục đích, trái quy định của Nhà nước, các cơ quan kiểm tra lập biên bản và kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Chương II của Quy chế này ra quyết định thu hồi.
Điều 10. Cơ quan HCSN có tài sản nhà nước bị thu hồi phải chuyển giao đầy đủ tài sản hoặc bảo quản các tài sản bị thu hồi theo quyết định thu hồi cho đến khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định xử lý tài sản thu hồi và thực hiện ghi giảm tài sản và giá trị tài sản theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 11. Cơ quan quyết định thu hồi tài sản nhà nước của các cơ quan HCSN có trách nhiệm quyết định xử lý tài sản thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Chương II của Quy chế này quyết định điều chuyển cho các cơ quan HCSN có nhu cầu sử dụng tài sản này theo đúng tiêu chuẩn, định mức do Nhà nước quy định hoặc giao lại cho cơ quan quản lý tài sản nhà nước xử lý theo thẩm quyền hoặc thanh lý đối với những tài sản không còn sử dụng được thu tiền vào Ngân sách Nhà nước.
Điều 12. Cơ quan Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính và Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm lập phương án xử lý đối với số tài sản nhà nước được giao quản lý theo quyết định thu hồi để trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Trong thời gian chưa có quyết định xử lý số tài sản thu hồi, cơ quan Tài chính nhà nước có thể cho thuê để tận thu cho Ngân sách Nhà nước; Số tiền tận thu từ cho thuê tài sản thu hồi được nộp vào Ngân sách Nhà nước theo quy định tại Điều 3 Quy chế này.
MỤC II TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XỬ LÝ ĐIỀU CHUYỂN TÀI SẢN NHÀ NƯỚC
Điều 13. Việc điều chuyển tài sản nhà nước từ cơ quan HCSN này cho cơ quan HCSN khác hoặc tổ chức khác ngoài khu vực HCSN phải có Quyết định điều chuyển tài sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Chương II của Quy chế này.
Điều 14. Thủ trưởng các Bộ, cơ quan, đoàn thể Trung ương và Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào số lượng, chất lượng của tài sản thu hồi và công văn đề nghị trang cấp tài sản của các cơ quan HCSN thuộc ngành, cấp mình quản lý để quyết định điều chuyển tài sản nhà nước cho các cơ quan HCSN trong Bộ, cơ quan, đoàn thể Trung ương và địa phương đối với những tài sản thuộc thẩm quyền và theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý tài sản hiện hành.
Điều 15. Hồ sơ đề nghị điều chuyển tài sản nhà nước của các cơ quan HCSN gửi cơ quan có thẩm quyền quyết định xử lý tài sản quy định tại Chương II của Quy chế này bao gồm:
- Công văn đề nghị điều chuyển tài sản nhà nước của cơ quan HCSN trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản;
- Bảng tổng hợp danh mục tài sản nhà nước đề nghị điều chuyển (theo mẫu biểu số 1 đính kèm Quy chế này) kèm theo biên bản đánh giá lại giá trị những tài sản điều chuyển và các hồ sơ của tài sản như: giấy cấp đất, bản vẽ khuôn viên nhà đất, giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng tài sản (đối với những tài sản phải đăng ký theo quy định của Bộ Tài chính)... do cơ quan HCSN trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản lập;
- Công văn của cơ quan HCSN đề nghị được tiếp nhận tài sản.
Điều 16. Việc bàn giao tài sản điều chuyển được thực hiện như sau:
1- Cơ quan HCSN có tài sản điều chuyển bàn giao tài sản cho cơ quan HCSN được tiếp nhận tài sản theo đúng quyết định của cấp có thẩm quyền và thực hiện ghi giảm tài sản và giá trị tài sản theo quy định hiện hành của Nhà nước.
2- Cơ quan HCSN tiếp nhận tài sản thực hiện việc ghi tăng tài sản và giá trị tài sản theo quy định hiện hành của Nhà nước.
MỤC III TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XỬ LÝ THANH LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC
Điều 17. Khi có tài sản nhà nước cần thanh lý, Thủ trưởng các cơ quan, HCSN trực tiếp quản lý, sử dụng các tài sản đó ra quyết định hoặc báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Chương II của Quy chế này ra quyết định thanh lý tài sản.
Điều 18. Hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản nhà nước của các cơ quan HCSN gửi cơ quan có thẩm quyền quyết định xử lý tài sản quy định tại Chương II của Quy chế này bao gồm:
- Công văn đề nghị thanh lý tài sản nhà nước của cơ quan HCSN trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản;
- Tổng hợp danh mục các tài sản nhà nước xin thanh lý (theo mẫu biểu số 1 đính kèm Quy chế này) kèm theo các hồ sơ có liên quan như: Giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng tài sản thuộc sở hữu Nhà nước tại các cơ quan HCSN (đối với các tài sản phải đăng ký theo quy định của Bộ Tài chính) và các hồ sơ giấy tờ khác;
- Biên bản đánh giá lại tài sản nhà nước cần thanh lý của Hội đồng thanh lý tài sản nhà nước của cơ quan HCSN trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản hoặc biên bản thẩm định chất lượng tài sản của các cơ quan chức năng đối với các tài sản là nhà làm việc, xe ô tô và các thiết bị đồng bộ.
Điều 19. Khi tài sản nhà nước có quyết định thanh lý của cơ quan có thẩm quyền, Thủ trưởng cơ quan HCSN trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản đó tổ chức thanh lý theo quy định sau:
1- Thành lập Hội đồng thanh lý tài sản nhà nước do Thủ trưởng cơ quan HCSN trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản làm Chủ tịch Hội đồng cùng với các thành viên sau:
- Đại diện bộ phận kế toán, tài vụ của cơ quan;
- Đại diện bộ phận trực tiếp quản lý tài sản thanh lý;
- Cán bộ có hiểu biết về đặc điểm, tính năng kỹ thuật của tài sản thanh lý.
2- Tổ chức việc bán tài sản thanh lý hoặc huỷ tài sản, ghi giảm tài sản và giá trị tài sản theo quy định hiện hành của Nhà nước.
3- Các cơ quan HCSN khi bán tài sản thanh lý phải lập và cấp hoá đơn bán tài sản thanh lý (theo mẫu HĐ/TSTL-3L đính kèm Quy chế này).
Điều 20. Cơ quan Tài chính Nhà nước các cấp thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị HCSN trong cả nước thực hiện xử lý thu hồi, điều chuyển, thanh lý tài sản nhà nước và quản lý các nguồn thu phát sinh từ việc xử lý các tài sản này.
Điều 21. Thủ trưởng các cơ quan HCSN được Nhà nước giao trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phải thực hiện việc xử lý thu hồi, điều chuyển, thanh lý tài sản nhà nước theo quyết định xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Chương II của Quy chế này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xử lý thu hồi, điều chuyển, thanh lý tài sản nhà nước của cơ quan mình.
Người ra quyết định xử lý tài sản nhà nước không đúng quy định tại Quy chế này gây ra hư hỏng, thất thoát, mất mát tài sản đều phải bồi thường về mặt vật chất và tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 22. Hàng năm, vào cuối tháng 1 các Bộ, cơ quan, đoàn thể Trung ương và Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp kết quả xử lý việc thu hồi, điều chuyển, thanh lý tài sản nhà nước năm trước của các cơ quan HCSN thuộc Bộ, ngành hoặc địa phương mình quản lý (theo mẫu biểu số 2 đính kèm Quy chế này) báo cáo Bộ Tài chính.
Điều 23. Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Giám đốc Sở Tài chính-Vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch UBND cấp tỉnh hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Quy chế này.
- 1Thông tư 35/2007/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 137/2006/NĐ-CP về việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 1163-TC/QLCS năm 1996 về Quy chế xử lý tài sản không cần dùng và không còn sử dụng được trong các cơ quan hành chính sự nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3Nghị định 14/1998/NĐ-CP về quản lý tài sản Nhà nước
- 4Quyết định 82/2007/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành và liên tịch ban hành đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 nay đã hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1Thông tư 35/2007/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 137/2006/NĐ-CP về việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 1163-TC/QLCS năm 1996 về Quy chế xử lý tài sản không cần dùng và không còn sử dụng được trong các cơ quan hành chính sự nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3Quyết định 82/2007/QĐ-BTC công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành và liên tịch ban hành đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 nay đã hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Quyết định 55/2000/QĐ-BTC về quy chế quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 55/2000/QĐ-BTC
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 19/04/2000
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 23
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra