Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/2005/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 10 tháng 10 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 37-CT/TU NGÀY 14/6/2005 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH UỶ “VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN SỐ, KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH VÀ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC”

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình ngày 09/6/2000;

- Căn cứ Pháp lệnh Dân số ngày 09/01/2003 và Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Dân số;

- Căn cứ Chỉ thị số 37- CT/TU ngày 14/6/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình và xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”;

- Theo đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 14/6/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình và xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ; - Uỷ ban DS-GĐ&TE VN;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh uỷ, TTHĐND, UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ;
- Ban Pháp chế, Ban VHXH- HĐND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Báo QB, Đài PT-TH tỉnh;
- Lưu VT, NCVX.

TM/UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Công Thuật

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHỈ THỊ 37-CT/TU NGÀY 14/6/2005 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY “VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN SỐ, KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH VÀ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 50 /2005/QĐ-UBND ngày 10 /10 /2005 của UBND tỉnh Quảng Bình)

Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 37-CT/TU ngày 14/6/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành Chương trình hành động với những nội dung sau:

I. CÁC MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện gia đình có 1 đến 2 con khỏe mạnh. Ổn định, củng cố và xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng tiến bộ và hạnh phúc, tiến tới ổn định quy mô dân số, từng bước nâng cao chất lượng dân số và phát triển nguồn nhân lực.

2. Các mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu 1: Duy trì vững chắc mức giảm sinh để phấn đấu đến năm 2010 đạt mức sinh thay thế. Từng bước ổn định quy mô dân số và chất lượng dân số, giải quyết đồng bộ các vấn đề về cơ cấu dân số và phân bố dân cư; trước mắt tập trung giải quyết để hạ nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên.

Chỉ tiêu 1: Giảm tỷ suất sinh vững chắc bình quân hàng năm đến năm 2010 mỗi năm 0,5 - 0,6%o, giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên bình quân mỗi năm 2 - 3%.

Chỉ tiêu 2: Tăng tỷ lệ các cặp phụ nữ áp dụng BPTT hiện đại 1,5 - 2% để đến năm 2010 đạt tỷ lệ 75 - 80%.

Chỉ tiêu 3: Khống chế tỷ lệ nạo phá thai bình quân hàng năm xuống 5%

b) Mục tiêu 2: Củng cố, ổn định gia đình từ cơ sở, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của Gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển. Thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trách nhiệm đối với trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi.

Chỉ tiêu 1: Tăng tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa lên 75 - 80%.

Chỉ tiêu 2: Tăng tỷ lệ người cao tuổi trong gia đình được con cháu chăm sóc, phụng dưỡng theo quy định của pháp luật lên 90-100%.

Chỉ tiêu 3: Tăng tỷ lệ gia đình thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em lên 90 - 100%.

c) Mục tiêu 3: Nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần, phấn đấu đạt chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức trung bình của cả nước.

Chỉ tiêu 1: Nâng tuổi thọ bình quân lên 73 - 74 tuổi vào năm 2010; Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi dưới 20% vào năm 2010.

Chỉ tiêu 2: Tăng số năm học bình quân từ 6 năm (2004) lên 8 năm vào năm 2010.

Chỉ tiêu 3: Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đến năm 2010 khoảng 670-700 USD.

d) Mục tiêu 4: Nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách DS - KHHGĐ, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Chỉ tiêu 1: Tăng tỷ lệ các đối tượng và gia đình được tuyên truyền giáo dục về nâng cao ý thức vai trò vị trí và trách nhiệm của cá nhân, gia đình thực hiện công tác Dân số - Gia đình và Trẻ em lên 90 - 100%.

Chỉ tiêu 2: Giảm tỷ lệ tảo hôn thuộc các dân tộc thiểu số đang sống ở vùng sâu, vùng xa bình quân hàng năm từ 10 - 15%.

Chỉ tiêu 3: Giảm tỷ lệ bạo lực trong gia đình bình quân hàng năm từ 10 -15%.

Chỉ tiêu 4: Giảm tỷ lệ gia đình bị các tệ nạn xã hội thâm nhập bình quân 10 - 15%.

e) Mục tiêu 5: Nâng cao mức sống hộ gia đình trên cơ sở phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm và tăng thu nhập phúc lợi, đặc biệt đối với các gia đình chính sách, gia đình là nạn nhân chất độc da cam, gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn

Chỉ tiêu 1: Tăng tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn dùng nước hợp vệ sinh đến năm 2010 là 75-80%.

Chỉ tiêu 2: 100% gia đình chính sách được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước và gia đình là nạn nhân chất độc da cam được chăm sóc giúp đỡ.

II. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Lãnh đạo, tổ chức và quản lý

a) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền đối với công tác Dân số và Gia đình.

- Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp phải xác định công tác Dân số - Gia đình và Trẻ em là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đưa nội dung thực hiện chính sách DS - KHHGĐ, công tác Gia đình vào kế hoạch, chương trình của ngành, địa phương. Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể giải quyết những thách thức, khó khăn về công tác DS - KHHGĐ, về gia đình và công tác gia đình nhằm xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong sinh đẻ, trong hôn nhân và gia đình, phòng chống các tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình, nêu cao bình đẳng giới và quyền trẻ em.

- Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, các tổ chức phải đưa tiêu chí thực hiện chính sách DS - KHHGĐ, xây dựng gia đình làm tiêu chuẩn đánh giá, bình xét đơn vị địa phương và cá nhân hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá chi bộ trong sạch vững mạnh, làng xã thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.

b) Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác Dân số - Gia đình và Trẻ em các cấp

Chính quyền các cấp cần có kế hoạch, quy hoạch cán bộ, đảm bảo đủ về số lượng, đào tạo bồi dưỡng và hỗ trợ cán bộ có năng lực phụ trách công tác Dân số - Gia đình và Trẻ em. Chú ý đảm bảo tính ổn định lâu dài đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách xã, phường, thị trấn và CTV thôn, bản. Đảm bảo chính sách hỗ trợ cán bộ chuyên trách theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Các địa phương cần huy động nguồn ngân sách để hỗ trợ cho đội ngũ CTV nhằm đảm bảo yêu cầu, hoàn thành nhiệm vụ.

Lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác DS - KHHGĐ và cán bộ làm công tác gia đình ở các cấp huyện, tỉnh đảm bảo theo yêu cầu nhiệm vụ của ngành. Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác Dân số - Gia đình và Trẻ em trong toàn tỉnh.

c) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác Dân số và Gia đình

- Tiếp tục thực hiện quản lý, điều hành chương trình DS - KHHGĐ theo Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch về công tác Dân số - Gia đình và Trẻ em. Phân bổ công khai nguồn lực tập trung cho cơ sở, tạo điều kiện tốt cho các hoạt động Dân số và Gia đình có đủ năng lực thực hiện các chức năng cơ bản của gia đình.

- Thiết lập và thực hiện việc đăng ký dân số, cơ sở dữ liệu về gia đình, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu dân cư kịp thời, đầy đủ, chính xác đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành Chương trình. Quản lý và phổ biến thông tin, số liệu về dân số và gia đình theo các quy định của Nhà nước, phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

- Thực hiện việc kiểm tra, giám sát thường xuyên và đánh giá định kỳ trên cơ sở kế hoạch hoạt động giữa các ngành, các cấp, các đoàn thể, các tổ chức xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác DS - KHHGĐ và công tác Gia đình.

d) Đẩy mạnh xã hội hóa công tác DS - KHHGĐ và công tác Gia đình

- Tăng cường sự tham gia tích cực để thực hiện Chiến lược dân số và chiến lược gia đình của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các gia đình, cộng đồng và toàn thể người dân. Khuyến khích và tạo điều kiện để họ tình nguyện tham gia nhằm thực hiện tốt chính sách DS - KHHGĐ và củng cố, phát triển gia đình.

- Xây dựng các phong trào nhằm nhân rộng các mô hình về dân số, về gia đình phát triển bền vững như: Mô hình câu lạc bộ không sinh con thứ 3+; mô hình câu lạc bộ tiền hôn nhân; mô hình gia đình làm kinh tế giỏi; mô hình gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, gia đình hiếu học…

- Các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, các thôn, xóm, tiểu khu xây dựng các quy chế, quy ước, hương ước gắn trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân và gia đình thực hiện chính sách DS - KHHGĐ và thực hiện tốt vai trò, chức năng của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS - KHHGĐ, các cá nhân, gia đình và tổ chức vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và giáo dục trẻ em, Pháp lệnh Dân số.

2. Tuyên truyền, giáo dục, vận động thay đổi hành vi

a) Nội dung của tuyên truyền, giáo dục

- Giáo dục và tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến từng cá nhân và hộ gia đình, đặc biệt là Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Pháp lệnh Dân số, Nghị định số 104/2003/NĐ-CP của Chính phủ và các chỉ thị, nghị quyết khác có liên quan của Chính phủ, của tỉnh.

- Tuyên truyền, giáo dục làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán sinh đẻ trong hôn nhân gia đình đến mọi tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội.

- Cụ thể hóa công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và trách nhiệm của gia đình, quyền và nghĩa vụ của các cặp vợ chồng, của thành viên trong gia đình đối với trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi.

- Tuyên truyền giáo dục nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng nuôi dạy con, kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử trong các mối quan hệ xã hội và gia đình, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình văn minh, tiến bộ. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội…

- Kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.

b) Đa dạng hóa các loại hình truyền thông, giáo dục, vận động phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng địa phương, từng nhóm đối tượng và từng loại hình gia đình

- Sử dụng sức mạnh tổng hợp các loại hình truyền thông đại chúng: Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo, Tạp chí, Tờ tin, tranh cổ động, áp phích, văn nghệ dân gian… Khuyến khích việc sáng tạo các loại hình truyền thông giáo dục, đồng thời hình thành các chương trình truyền thông, tư vấn qua Internet.

- Mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục dân số SKSS/KHHGĐ, phối hợp đồng bộ giáo dục ở nhà trường, gia đình và xã hội nhằm nâng cao thể chất, đạo đức và trí tuệ cho trẻ em.

- Tăng cường truyền thông tư vấn trực tiếp đến từng đối tượng, từng hộ gia đình về các kỹ năng chăm sóc SKSS/KHHGĐ, kỹ năng nuôi dạy con cái, kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử và các kỹ năng nuôi trồng cây, con để phát triển kinh tế gia đình.

- Xây dựng và nhân rộng các mô hình, các điển hình tiên tiến phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương, đơn vị, trong cộng đồng dân cư, phù hợp với phong tục tập quán tích cực của các vùng dân cư.

3. Mạng lưới dịch vụ KHHGĐ, dịch vụ gia đình và công cộng

a) Củng cố và nâng cao hiệu quả hệ thống dịch vụ tư vấn KHHGĐ, dịch vụ tư vấn về gia đình

- Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế Nhà nước từ tỉnh đến huyện, xã và thôn, bản; nâng cấp và hoàn thiện trang thiết bị các cơ sở dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, kết hợp đào tạo bồi dưỡng các kỹ năng tư vấn, kỹ năng thực hành cho đội ngũ thực hiện các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân, của các cặp vợ chồng và của từng gia đình tại cộng đồng dân cư.

- Xây dựng và mở rộng các Trung tâm tư vấn về pháp luật hôn nhân và gia đình, các trung tâm tư vấn về chuyên môn, kỹ thuật, tâm lý thuộc các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục - thể thao, phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ở các khu vực dân cư.

b) Xây dựng và phát triển các loại hình dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ và dịch vụ gia đình

- Đa dạng hóa các dịch vụ cung ứng phương tiện tránh thai và KHHGĐ như: Cơ sở y tế công, tiếp thị xã hội, phân phối dựa vào cộng đồng, đội dịch vụ KHHGĐ lưu động, hệ thống dịch vụ KHHGĐ tư nhân…

- Xây dựng các loại hình gia đình và cộng đồng như: Giáo dục gia đình, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, dịch vụ khoa học kỹ thuật, thể dục - thể thao, văn hóa văn nghệ và các loại hình có tính chất an sinh gia đình, cứu trợ nhân đạo, cứu trợ nạn nhân của bạo lực gia đình.

- Củng cố và nâng cao hiệu quả của hệ thống các trường mầm non, quan tâm các loại hình dân lập và tư thục; xây dựng và thực hiện các mô hình chăm sóc người tàn tật, người có hoàn cảnh khó khăn, người cô đơn không nơi nương tựa.

- Củng cố và hoàn thiện các nhà văn hóa thôn, bản, tiểu khu, nhà văn hóa xã, phường, thị trấn. Thường xuyên đưa các nội dung hoạt động của nhà văn hóa gắn với việc tuyên truyền, giáo dục, vận động về dân số và gia đình.

 

4. Lồng ghép chính sách dân số và phát triển kinh tế gia đình, cải thiện mức sống dân cư góp phần nâng cao chất lượng dân số

a) Xây dựng và hoàn thiện các chính sách về dân số với phát triển kinh tế gia đình, chính sách ưu đãi, ưu tiên và trợ giúp xã hội cho gia đình.

- Ngoài các chính sách khuyến khích của nhà nước đối với công tác DS - KHHGĐ như: Chính sách cho người đình sản, chính sách khen thưởng cộng đồng. Các địa phương cần bố trí kinh phí để khuyến khích cho những gia đình thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ như: Ưu đãi về thuế để hỗ trợ cho các gia đình phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình vay vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn thông qua hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhằm giảm nhanh các hộ đói nghèo.

- Lồng ghép các mô hình phát triển kinh tế phục gia đình với các hoạt động: Dân số sức khỏe gia đình, nhóm tín dụng - tiết kiệm và phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện để các hộ gia đình tiếp cận với kỹ thuật nuôi trồng và sản xuất kinh doanh.

- Thực hiện các chính sách ưu đãi đối với các gia đình liệt sỹ, gia đình thương binh, gia đình bệnh binh. Chính sách ưu tiên đối với gia đình thiểu số, gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Chính sách trợ giúp đối với gia đình gặp rủi ro, tai nạn, gia đình neo đơn, gia đình có người là nạn nhân chất độc da cam.

b) Tăng cường trách nhiệm các cấp, các ngành trong việc lồng ghép các chương trình nhằm thực hiện tốt chính sách DS - KHHGĐ và phát triển gia đình bền vững

- Các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội cần lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia DS - KHHGĐ, Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo và tăng các hộ giàu, hộ khá.

- Các cấp, các ngành có trách nhiệm cung cấp các thông tin thị trường và chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ mới cho các gia đình. Mở rộng các hoạt động khuyến lâm, khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công. Khôi phục và mở rộng các làng nghề truyền thống, khuyến khích phát triển ngành nghề mới, tạo sự gắn kết và hỗ trợ giữa kinh tế hộ gia đình và kinh tế tập thể.

- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông, các trung tâm xúc tiến việc làm, các hội nghề nghiệp nhằm giải quyết hài hòa giữa số lượng và chất lượng lao động góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và hộ gia đình.

5. Đầu tư ngân sách

- Ngân sách thực hiện chính sách DS - KHHGĐ thực hiện theo từng chương trình mục tiêu quốc gia, theo kế hoạch Trung ương bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các chương trình mục tiêu. Ngoài ra, ngân sách cho các hoạt động về công tác gia đình được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của tỉnh.

Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, các ngành, địa phương, các đoàn thể, tổ chức xã hội có liên quan chủ động tạo mọi điều kiện nhằm huy động sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đảm bảo thực hiện tốt công tác Dân số và Gia đình. Việc quản lý và sử dụng kinh phí cho các hoạt động của Chương trình thực hiện theo các quy định của Luật Ngân sách.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thực hiện chính sách DS - KHHGĐ và xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa là trách nhiệm của mỗi một cá nhân, công dân, mỗi gia đình, tổ chức và toàn xã hội.

1. Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh: Là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác Dân số - Gia đình và Trẻ em. Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động hàng năm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng thời kỳ.

2. Sở Y tế: Chủ trì phối hợp với Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh lập kế hoạch và thực hiện các dịch vụ y tế chăm sóc SKSS/KHHGĐ, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời về số lượng và chất lượng các phương tiện tránh thai, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện KHHGĐ.

3. Sở Kế hoạch - Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan đưa nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia DS -KHHGĐ và một số mục tiêu của gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.

4. Sở Tài chính: Có trách nhiệm tham mưu đảm bảo nguồn tài chính hàng năm được duyệt cho các hoạt động về chính sách DS -KHHGĐ và các hoạt động về gia đình, đồng thời hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn kinh phí theo quy định hiện hành.

5. Sở Văn hóa - Thông tin và các cơ quan thông tin đại chúng: Chủ trì và phối hợp với Sở Tư pháp - Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Pháp lệnh Dân số và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác Dân số - Gia đình và Trẻ em. Tuyên truyền, giáo dục phong tục, tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về lĩnh vực hôn nhân và gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

6. Sở Tư pháp: Chủ trì phối hợp với Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em trong việc tuyên truyền, giáo dục và thực hiện các văn bản pháp luật về Dân số và Gia đình; nắm tình hình biến động dân số (sinh, tử, kết hôn). Hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở liên quan đến hoạt động về Gia đình.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Có trách nhiệm thực hiện có hiệu quả Chương trình xóa đói giảm nghèo, chính sách, chế độ ưu đãi đối với gia đình liệt sỹ, chính sách bảo trợ xã hội, phối hợp với Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện đề án “Phòng chống bạo lực trong gia đình, phòng chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội và gia đình”.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo: Có trách nhiệm xây dựng và cụ thể hóa giáo dục pháp luật trong nhà trường, giáo dục và đào tạo về Dân số - KHHGĐ như: Giáo dục SKSS vị thành niên, phòng tránh HIV/AIDS, ma túy học đường… giáo dục về đạo đức, thể chất và trí tuệ để góp phần ngân cao chất lượng dân số.

9. Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn: Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường các hoạt động phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật nuôi trồng, các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, xây dựng hệ thống dịch vụ ở nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, chế biến sản phẩm để hỗ trợ các gia đình phát triển kinh tế.

10. Sở Khoa học - Công nghệ: Chủ trì và phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu và các ứng dụng các tiến bộ khoa học liên quan đến dân số và phát triển, chăm sóc SKSS/KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số.

11. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh tỉnh và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận trong phạm vi hoạt động của mình, phối hợp triển khai thực hiện Chương trình hành động này và tiếp đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống ở khu dân cư ”.

Trên đây là Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 14/6/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Các sở, ngành, cơ quan liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Chương trình này để triển khai thực hiện./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 50/2005/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 37-CT/TU “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình và xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" do tỉnh Quảng Bình ban hành

  • Số hiệu: 50/2005/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/10/2005
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Trần Công Thuật
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/10/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản