Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 474/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 12 tháng 8 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2019;

Căn cứ Luật Giáo dục Đại học ngày 18/6/2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học năm 2012;

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27/11/2014;

Căn cứ Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 373/QĐ-TTg ngày 12/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Kết luận số 198-KL/TU ngày 23/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về kết luận Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 5 (khóa XVII) nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Kết luận số 223-KL/TU ngày 10/6/2021 của Tỉnh ủy về kết luận Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 13/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 18/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Kế hoạch số 31-KH/TU ngày 20/01/2021 của Tỉnh ủy về Kế hoạch thực hiện Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Chương trình số 03-CTr/TU ngày 21/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chương trình công tác năm 2021;

Căn cứ Quyết định số 688/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 75/TTr-SKH ngày 14/7/2021 về việc đề nghị ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ

1. Quan điểm, định hướng

1.1. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng tỉnh Tuyên Quang phát triển nhanh và bền vững.

1.2. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế -xã hội, phải dựa trên nhu cầu nhân lực của các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu; chuyển dịch cơ cấu nhân lực trong các ngành kinh tế theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

1.3. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực một cách toàn diện cả về thể lực, tri thức, kỹ năng lao động, hành vi và ý thức chính trị - xã hội nhằm phát huy vai trò quyết định của nhân tố con người trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

1.4. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có trọng tâm, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao; đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, nhất là nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội và yêu cầu của hội nhập quốc tế.

1.5. Phát triển nhân lực và nâng cao chất lượng là trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh nhằm huy động nguồn lực toàn xã hội để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó chú trọng sử dụng nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu thị trường góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu xây dựng tỉnh Tuyên Quang phát triển nhanh và bền vững.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ lệ lao động trong ngành dịch vụ, công nghiệp, giảm tỷ lệ lao động trong ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Tiếp tục xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp.

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng; quan tâm cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực nhằm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ, tạo môi trường, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch và công bằng trong việc quy hoạch, đào tạo cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị; coi trọng công tác nâng cao trình độ chuyên môn đối với đội ngũ cán bộ, công chức; quan tâm đến cán bộ, công chức trẻ, có năng lực, được đào tạo bài bản; đào tạo nâng cao trình độ đúng đối tượng, phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm đang đảm nhiệm.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 72%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ trên 30% lực lượng lao động; tạo việc làm cho trên 110.000 lao động.

- Cơ cấu nhân lực trong các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần lao động ngành nông lâm nghiệp, thủy sản, tăng dần lao động ngành công nghiệp, dịch vụ: Nông lâm nghiệp, thủy sản 42%; công nghiệp, xây dựng 26%; dịch vụ 32%;

- Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ phấn đấu đạt 50%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 100%. Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi: Tiểu học 100%; trung học cơ sở 99% và trung học phổ thông đạt 88%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) dưới 20%.

- Trình độ nhân lực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định và cụ thể hóa theo phân cấp quản lý; 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên (trừ chức danh Chủ tịch hội cựu chiến binh), trong đó 90% có trình độ cao đẳng, đại học; 97% đảng viên có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên; 100% đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu, nghiên cứu tổng hợp cấp tỉnh, cấp huyện khối chính quyền có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên1, trong đó trên 30% có trình độ trên đại học; 93,5% viên chức đạt chuẩn về trình độ, trong đó trên 30% đạt trên chuẩn.

- Đến năm 2025, thu hút 93 người, có trình độ cao về công tác tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; hỗ trợ đối với 396 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học.

b) Định hướng mục tiêu đến năm 2030

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ khoảng 40% lực lượng lao động2.

- Cơ cấu nhân lực trong các ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần lao động ngành nông lâm nghiệp, thủy sản, tăng dần lao động ngành công nghiệp, dịch vụ: Nông lâm nghiệp, thủy sản 35,5%; công nghiệp, xây dựng 29,7%; dịch vụ 34,8%.

- Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ đạt trên 50%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 100%. Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi: Tiểu học 100%; trung học cơ sở 100% và trung học phổ thông đạt 99%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) dưới 16%.

- Trình độ nhân lực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn Đại học trở lên (trừ chức danh Chủ tịch hội cựu chiến binh), trong đó 2% có trình độ trên đại học và trên 99% đảng viên có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên; 100% cán bộ, công chức tham mưu, nghiên cứu tổng hợp cấp tỉnh, cấp huyện khối chính quyền có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó 35,7% có trình độ trên đại học; 100% viên chức đạt chuẩn về trình độ chuyên môn.

- Thu hút 130 người có trình độ cao về công tác tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; hỗ trợ đối với 631 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học.

(Chi tiết có biểu kèm theo: từ Biểu 01 đến Biểu 14)

3. Nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực

3.1. Phát triển nhân lực theo bậc đào tạo

Đến năm 2025, duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, tổ chức dạy học các cấp học như sau: Cấp Mầm non trên 60 nghìn trẻ (gồm nhóm Nhà trẻ và mẫu giáo) với trên 2.300 nhóm, lớp; cấp Tiểu học trên 80 nghìn học sinh với trên 3.200 nhóm, lớp; cấp Trung học cơ sở trên 60 nghìn học sinh với trên 1.400 lớp; cấp Trung học phổ thông trên 29 nghìn học sinh với gần 700 lớp. Đến năm 2030, tổ chức dạy học: cấp Mầm non khoảng 49 nghìn trẻ (gồm nhóm Nhà trẻ và mẫu giáo) với trên 2.300 nhóm, lớp; cấp Tiểu học gần 78 nghìn học sinh với trên 3.100 lớp; cấp Trung học cơ sở trên 52 nghìn học sinh với 1.300 lớp; cấp Trung học phổ thông trên 30 nghìn học sinh với khoảng 715 lớp.

Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực tăng dần và đạt 72% năm 2025 và 80% năm 2030. Tổng số nhân lực qua đào tạo đến năm 2025 là 387.131 người, tăng 76.537 người; trong đó, nhân lực có bằng, chứng chỉ 161.305 người, chiếm 30% so với tổng nhân lực. Đến năm 2030 450.669 người, chiếm khoảng 80% so với tổng nhân lực; trong đó, nhân lực có bằng, chứng chỉ là 225.334 người, chiếm 40% so với tổng nhân lực.

Cơ cấu bậc đào tạo: Đến năm 2025, số người được đào tạo thường xuyên khoảng 225 nghìn người, chiếm 42% so với tổng số nhân lực; sơ cấp khoảng 47 nghìn người, chiếm 8,8%; trung cấp khoảng 36 nghìn người, chiếm 6,8%; cao đẳng khoảng 35 nghìn người, chiếm 6,5%; bậc đại học và trên đại học khoảng 42 nghìn người, chiếm 7,9%. Đến năm 2030, số người được đào tạo thường xuyên trên 225 nghìn người, chiếm 40% so với tổng số nhân lực; sơ cấp khoảng 56 nghìn người, chiếm 10,0%; trung cấp trên 50 nghìn người, chiếm 9%; cao đẳng khoảng 50 nghìn người, chiếm 9%; đại học và trên đại học khoảng 67 nghìn người, chiếm 12%.

3.2. Phát triển nhân lực theo lĩnh vực ngành

- Đến năm 2025, tổng số nhân lực qua đào tạo khoảng 387 nghìn người, chiếm tỷ lệ 72% tổng số nhân lực, trong đó: Nhân lực ngành sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp số nhân lực được đào tạo, bồi dưỡng khoảng 225,8 nghìn người, chiếm 42,0%; ngành Công nghiệp - Xây dựng khoảng 86 nghìn người, chiếm 16%; ngành Thương mại, Du lịch và Dịch vụ khoảng 75 nghìn người, chiếm 14%.

- Đến năm 2030, số nhân lực qua đào tạo khoảng 450 nghìn người, chiếm tỷ lệ 80% tổng số nhân lực toàn tỉnh, trong đó: Nhân lực ngành sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp số nhân lực được đào tạo, bồi dưỡng khoảng 253 nghìn người, chiếm 45%; ngành Công nghiệp - Xây dựng khoảng 101 nghìn người, chiếm 18%; ngành Thương mại, Du lịch và Dịch vụ khoảng 95 nghìn người, chiếm 17%.

3.3. Phát triển nhân lực một số ngành, lĩnh vực đặc thù

a) Nhân lực ngành công nghệ thông tin

Đến năm 2025, nhân lực được đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ công chức chuyên trách và phụ trách công nghệ thông tin toàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 là 210 người. Phấn đấu hằng năm 100% công chức chuyên trách và phụ trách về lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên sâu và thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do cơ quan có thẩm quyền tổ chức; 100% cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị có thể sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho nhu cầu công việc và tham gia vào các giai đoạn triển khai của chính quyền điện tử, ứng dụng tốt dịch vụ công trực tuyến.

b) Nhân lực ngành du lịch

Đến năm 2025: 100% công chức chuyên trách và phụ trách lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh có trình độ đại học trở lên và bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch, 100% lao động trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh du lịch được đào tạo chuyên ngành du lịch và bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ; 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn có hoạt động du lịch cộng đồng được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kiến thức làm du lịch.

Phấn đấu đến năm 2030: Duy trì 100% công chức chuyên trách và phụ trách lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh được đào tạo đúng chuyên ngành và tương đương, đồng thời được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch; 100% lao động trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh du lịch được được đào tạo chuyên ngành du lịch và bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ; 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn có hoạt động du lịch cộng đồng được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kiến thức làm du lịch.

c) Nhân lực ngành khoa học công nghệ

Phấn đấu đến năm 2025 nhân lực ngành khoa học và công nghệ (bao gồm nhân lực quản lý nhà nước và nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ) đạt 4,5% tổng nhân lực toàn tỉnh, trong đó 100% có trình độ chuyên môn đại học trở lên.

 Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu 90% nhân lực tham gia thực hiện các Đề tài/Dự án khoa học và công nghệ đều có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; 100% nhân lực tham gia các hoạt động tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp, tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả Đề tài/Dự án khoa học và công nghệ có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó có 30% có trình độ chuyên môn từ Thạc sỹ trở lên.

d) Nhân lực ngành giáo dục, đào tạo

Đến năm 2025, đội ngũ giảng viên, giáo viên, nhân viên theo cấp học như sau: Cấp Mầm non: Đạt chuẩn và trên chuẩn 98,26%; cấp Tiểu học: Đạt chuẩn và trên chuẩn, chiếm 80,5%; cấp Trung học cơ sở: Đạt chuẩn và trên chuẩn 89,42%; cấp Trung học phổ thông:100% đạt chuẩn và trên chuẩn.

Đến năm 2030, 100% đội ngũ giảng viên, giáo viên các cấp học đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn.

Duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục: Dự kiến từ năm 2021-2026 tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 95% trong đó, tỷ lệ thi đỗ đại học từ 28-42%; cao đẳng, trung cấp khoảng 8-10%.

đ) Nhân lực ngành y tế và hoạt động dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân

- Đến năm 2025: Đội ngũ nhân lực quản lý nhà nước về y tế là chiếm 1,5%, trong đó 100% có trình độ chuyên môn từ Đại học trở lên; đội ngũ viên chức ngành y tế đến năm 2025 chiếm 70,6%; đội ngũ nhân lực làm việc trong các cơ sở y tế tư nhân chiếm 27,9%, trong đó đạt trình độ đại học trở lên chiếm 40% và đạt 10 bác sỹ/10.000 dân.

- Đến năm 2030: Đội ngũ nhân lực quản lý nhà nước về y tế chiếm 1,4%, trong đó 100% có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; đội ngũ viên chức ngành y tế đến năm 2030 chiếm 72,5%; đội ngũ nhân lực làm việc trong các cơ sở y tế tư nhân chiếm 26,1 người trong đó đạt trình độ đại học trở lên chiếm 40%; và đạt 11 bác sỹ/10.000 dân.

3.4. Nhân lực theo một số chủ thể tham gia phát triển

a) Nhân lực là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Tỉnh

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 208-KH/TU ngày 01/8/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Đến năm 2030, xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng. Cơ bản xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của tỉnh ngang tầm nhiệm vụ; đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực, uy tín; ban hành cơ chế thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang làm khâu đột phá trong công tác cán bộ, đồng thời là một trong những giải pháp giúp các cơ quan, đơn vị tuyển chọn nhân sự đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa; phát hiện, lựa chọn, bổ nhiệm người thực sự có năng lực lãnh đạo, quản lý, am hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ; có phẩm chất chính trị, đạo đức, uy tín, xứng đáng với vị trí lãnh đạo, quản lý cần bổ nhiệm; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ, khép kín nội bộ cơ quan, đơn vị về công tác cán bộ; có từ 15% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi; phấn đấu có khoảng 25% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp huyện, các sở, ban, ngành của tỉnh đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

b) Nhân lực quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp

Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định và cụ thể hóa theo phân cấp quản lý. Đến năm 2025, tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh là 20.384 người, trong đó:

- Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đến năm 2025 là 2.807 người, trong đó 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên (có trình độ cao đẳng, đại học 90%) và 2.773 đảng viên, có 97% đảng viên có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên.

- Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, nghiên cứu, tổng hợp cấp tỉnh, huyện năm 2025 là 1.429 người, trong đó 100% có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên (có trình độ trên đại học 30%).

- Đội ngũ viên chức toàn tỉnh là 16.148 người; trong đó, 91,6% đạt chuẩn về trình độ (30% đạt trên chuẩn).

Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và kiến thức quản lý nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh đến năm 2025 là 5.786/20.384 người, chiếm 28,3% tổng số công chức, viên chức.

Thực hiện mục tiêu tại Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 31/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021-2025; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ công, chức, viên chức” phấn đấu đến năm 2025:

- Đào tạo sau đại học: Cử 496 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó nữ 304 người (chiếm 61,13%) đi đào tạo sau đại học, phải đảm bảo đúng nguyên tắc, đối tượng theo quy định; phải gắn với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp hoặc chức danh quy hoạch góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tự đào tạo sau đại học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

- Phấn đấu đến năm 2025: 100% công chức được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức hiện giữ và tiêu chuẩn ngạch công chức của chức danh, vị trí được quy hoạch; 100% viên chức được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định; 100% cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; 100% viên chức giữ chức vụ quản lý được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm.

Nâng cao năng lực cho nông dân trong việc tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm sản. Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với chuyển giao công nghệ mới, bồi dưỡng kiến thức về thị trường, thương mại nông sản, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn…cho các hợp tác xã, trang trại, nông dân tiếp cận được các công nghệ mới đưa vào sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đào tạo, nâng cao kiến thức về thương mại, thị trường, tiêu chuẩn và điều kiện xuất khẩu sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại; đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh cho thành viên hợp tác xã; thu hút đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ về làm việc ở hợp tác xã.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về phát triển nguồn nhân lực

Tiếp tục triển khai, quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Tăng cường tuyên truyền về phân luồng và định hướng nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Nâng cao hiệu quả liên kết giữa các cơ sở đào tạo, cơ sở sử dụng nhân lực, các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, cơ quan hỗ trợ và cung ứng nhân lực, các cấp chính quyền, ... các chủ trương, chính sách phát triển nhân lực của tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp trong việc hợp tác và tích cực tham gia vào quá trình tư vấn, hướng nghiệp và đào tạo nhân lực. Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có ý thức tự học, học tập suốt đời, gắn bó với nghề nghiệp, phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng tốt hơn công việc được giao.

Triển khai công tác hướng nghiệp cho học sinh trong các trường trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên định hướng cho học sinh chọn nghề phù hợp với khả năng và phù hợp với nhu cầu của địa phương.

Phổ biến, quán triệt, tuyên truyền về quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung phương thức tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường các kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin, xây dựng văn hóa số trên môi trường mạng.

2. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển, thu hút nguồn nhân lực

Rà soát, hoàn thiện các văn bản về công tác cán bộ nhằm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ, tạo môi trường, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Nghiên cứu, thành lập tổ tư vấn kinh tế - xã hội thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thành viên Tổ tư vấn phải là những chuyên gia có uy tín trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, ...; xem xét đề xuất thành viên Tổ tư vấn là người Tuyên Quang có những hiểu biết đặc thù về phong tục, tập quán, về cách sống, làm việc, sinh hoạt, hiểu rõ cách áp dụng chính sách để phù hợp với điều kiện từng địa phương, địa bàn cơ sở.

Thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích cán bộ chuyên tâm phấn đấu công tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm.

Triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của nhà nước gắn với đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm thu hút, sử dụng những nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động trong những ngành kinh tế trọng điểm đến 2025 và định hướng đến năm 2030. Thực hiện Nghị quyết số 09/2016/NQ-HĐND ngày 06/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao; chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ sau đại học, giai đoạn 2017-2021; Nghị quyết số 34/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách thu hút giảng viên có trình độ cao và khuyến khích sinh viên cho Trường Đại học Tân Trào; Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định một số chính sách ưu đãi đối với giáo viên, học sinh trường Trung học phổ thông Chuyên và hỗ trợ học sinh tham gia đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia; Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND ngày 13/11/2017 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; trách nhiệm của lãnh đạo, quản lý tham gia giảng dạy các chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Rà soát, đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo đi làm việc tại các doanh nghiệp và đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; huy động lồng ghép các nguồn lực, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Xem xét điều chỉnh, bổ sung cơ chế thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về công tác tại tỉnh: Năm 2021, tham mưu ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về tỉnh công tác giai đoạn 2022-2026 theo hướng: Có chính sách ưu đãi tốt hơn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh công tác, nhất là đối với cán bộ khoa học ở một số ngành nghề, lĩnh vực (giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ); tiếp tục thực hiện chính sách thu hút giáo viên, giảng viên trình độ cao.

Hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có nguyện vọng về địa phương xây dựng các mô hình phát triển kinh tế mới có ứng dụng khoa học - công nghệ đạt hiệu quả: Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp (về đối tượng, tiêu chuẩn điều kiện hỗ trợ, về nguồn kinh phí hỗ trợ và cơ chế phối hợp, trách nhiệm các cơ quan, đơn vị) đối với sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có nguyện vọng về địa phương xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có ứng dụng khoa học - công nghệ được cơ quan chuyên môn thẩm định đạt hiệu quả, ứng dụng, khả thi trong thực tế.

Hỗ trợ đào tạo nguồn giáo viên có chất lượng cao: Ban hành chính sách của tỉnh nhằm hỗ trợ thêm khoản tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia khi tham gia đào tạo các ngành sư phạm hệ chính quy trong và ngoài nước về tỉnh công tác (mức đề xuất bằng 60% mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP) và nằm ngoài chính sách hỗ trợ tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Trường Đại học Tân Trào, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục thực hiện tốt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” tại Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho nông dân: Hỗ trợ tập huấn cho các cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại về phát triển nông nghiệp hàng hóa và thực hiện chương trình OCOP; tập huấn kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tập huấn, nâng cao trình độ cho nông dân về liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị gia tăng; về kỹ thuật thâm canh, chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn; trồng cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ, nông lâm kết hợp. Hỗ trợ tập huấn cho người lao động, thành viên các doanh nghiệp, hợp tác xã về kỹ thuật sản xuất. Có chính sách khuyến khích, thu hút lao động trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại hợp tác xã nông nghiệp.

Tạo điều kiện thuận lợi trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có ý thức tự học, học tập suốt đời, nghiên cứu, gắn bó với nghề nghiệp phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc được giao. Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với những giáo viên, giảng viên tiếp tục cần đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để đạt chuẩn và đạt trên chuẩn; có chế tài xử lý đối với những trường hợp không đạt theo quy định. Nghiên cứu cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù trong trả lương bằng nguồn kinh phí của tỉnh, ngoài các quy định của pháp luật hiện hành.

3. Về tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực

3.1. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Duy trì, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non 100% xã, phường, thị trấn; phát triển cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn vững chắc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Chuẩn bị các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục cho trẻ em 4 tuổi; phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Củng cố, nâng cao tỷ lệ các trường đạt chuẩn quốc gia: cấp mầm non đạt trên 53%, tiểu học đạt trên 70%, trung học cơ sở đạt trên 70%, trung học phổ thông đạt trên 35%. Phấn đấu đạt tỷ lệ 35% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia đào tạo trung cấp nghề kết hợp với học văn hoá chương trình giáo dục thường xuyên trung học phổ thông; 40% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tham gia đào tạo trình độ cao đẳng nghề; 80% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có chương trình giáo dục nghề nghiệp gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh; 100% giáo viên các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông được bồi dưỡng làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 10/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 05-NQ/HĐND ngày 08/01/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách khuyến phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh3 và Đề án học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

Xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng học sinh giỏi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng đổi mới việc tổ chức bồi dưỡng các đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông nhằm hướng tới có học sinh tham gia kỳ thi lập đội tuyển dự thi học sinh giỏi khu vực và Quốc tế.

Phát triển, mở rộng các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện thành trường liên cấp phổ thông dân tộc nội trú - trung học cơ sở - trung học phổ thông; mở rộng hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trung học cơ sở đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực dân tộc thiểu số. Tăng cường củng cố đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục nhằm đạt trường chuẩn quốc gia đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Chú trọng xây dựng Trường Trung học phổ thông Chuyên thành trường đạt chuẩn quốc gia, từng bước trở thành nơi đào tạo học sinh giỏi toàn diện cho tỉnh. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, đặc biệt giáo viên ngoại ngữ; triển khai thực hiện tốt Chương trình sữa học đường để nâng cao tầm vóc, thể chất cho học sinh.

Xây dựng Đề án thí điểm chuyển một số trường công lập thành trường ngoài công lập ở những nơi có điều kiện (Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập).

3.2. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục Đại học và giáo dục nghề nghiệp

Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển trường Đại học Tân Trào
giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu xây dựng thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực, là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của khu vực miền núi phía bắc. Đến năm 2025, duy trì chuẩn Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học (năm 2022); đạt chuẩn Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học lần thứ 2, chu kỳ 2024-2029; kiểm định chất lượng ít nhất 5 chương trình đào tạo, phấn đấu từ 1-2 chương trình được kiểm định bằng các tổ chức kiểm định quốc tế.

Ban hành các Đề án, kế hoạch về Giảm nghèo, Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm, xây dựng xã, huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, chú trọng nội dung đổi mới công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển về quy mô đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề theo 3 cấp trình độ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và chuyển đổi cơ cấu lao động của tỉnh; ưu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giáo dục định hướng cho người lao động tham gia xuất khẩu lao động trong nước và nước ngoài, trong đó, tập trung hỗ trợ người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ giai đoạn 2020-2025, từng bước xây dựng trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang thành trường trọng điểm đào tạo công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề cao của tỉnh; tập trung xây dựng các mã ngành Cao đẳng, Trung cấp, sơ cấp mới, đào tạo thường xuyên, đào tạo lại phù hợp với nhu cầu của xã hội, năng lực đào tạo của nhà trường và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội gắn với đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

3.3. Đối với giáo dục thường xuyên

Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên, hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng và tiếp tục triển khai xây dựng xã hội học tập. Tăng cường tư vấn, phối hợp và hỗ trợ hoạt động của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên với các trung tâm học tập cộng đồng. Gắn kết, liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; xây dựng bộ tiêu chí mô hình xã hội học tập ở xã, phường, thị trấn góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.

4. Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiếp tục quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập

Xây dựng mô hình tổ chức, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ các cấp theo hướng giảm đầu mối các phòng, ban chuyên môn trong từng cơ quan, đơn vị, tránh chồng chéo, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Đẩy mạnh cải cách hành chính; chuẩn hóa văn bản pháp quy; tin học hóa, tự động hóa trong quản lý và điều hành.

Tiếp tục triển khai thực hiện mục tiêu tại Kế hoạch số 208-KH/TU ngày 01/8/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với rà soát, sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường lớp học nhằm xây dựng được đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ, năng lực, đủ về số lượng, chuẩn về trình độ, hợp lý về cơ cấu; rà soát, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhân lực ở một số ngành đặc thù như giáo dục, y tế, khoa học công nghệ,... Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Quan tâm đào tạo cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số; đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải gắn liền giữa đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị và kiến thức quản lý nhà nước.

Tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ ở trong nước và cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài để vừa kết hợp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ với nâng cao năng lực và kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, làm việc trong môi trường quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ, hợp tác, đầu tư, cung cấp các dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức.

Thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và các Kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 2020-2030 theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ.

Triển khai đồng bộ và kịp thời hệ thống các chính sách triển khai và phát triển các công nghệ mới, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh. Chủ động liên kết, hợp tác để tiếp nhận và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập, vị trí việc làm đối với các đơn vị chưa được phê duyệt; rà soát, điều chỉnh bổ sung vị trí việc làm, quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập đối với các đơn vị thực hiện sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tăng cường bồi dưỡng cập nhập kiến thức nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng thực thi nhiệm vụ, công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp. Huy động nguồn lực cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong nước và nước ngoài.

5. Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn, công nhân và người lao động từng bước đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Tăng cường công tác phối hợp giữa Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng,... nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn công nhân và người lao động. Nghiên cứu, thành lập các Hiệp hội ngành nghề nhằm nâng cao chất lượng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ngành nghề như: dịch vụ du lịch, vận tải và sản xuất nông lâm nghiệp.

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề cho đội ngũ nhân lực quản lý doanh nghiệp; phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ quản lý, chuyên môn của doanh nghiệp hội viên Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh có trình độ từ cao đẳng trở lên; mỗi năm thu hút từ 5-10% đội ngũ nhân lực có trình độ cao bổ sung cho các doanh nghiệp hội viên; hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đối với người lao động.

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nhằm tận dụng có hiệu quả cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực nguồn nhân lực công nghệ thông tin, an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số.

6. Về nâng cao sức khỏe và tầm vóc, thể lực nguồn nhân lực

Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học theo Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 17/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Tăng cường tuyên truyền Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Tuyên Quang đến năm 2030. Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục thể thao theo quy hoạch, đảm bảo tăng cường cơ sở vật chất tạo điều kiện phát triển phong trào văn hóa, thể dục thể thao.

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; thực hiện có hiệu quả các chương trình đầu tư y tế - dân số; nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống y tế; đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng. Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng chính sách xã hội. Thực hiện Đề án quản lý sức khỏe toàn dân theo mô hình bác sỹ gia đình, phấn đấu trên 90% dân số được quản lý sức khỏe bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế đạt trên 80%4. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế; khuyến khích phát triển hệ thống y tế ngoài công lập. Đổi mới và tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập.

7. Đẩy mạnh liên kết, mở rộng, hợp tác đào tạo phát triển nhân lực

Duy trì, thiết lập mối quan hệ với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức trong và ngoài nước về các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, xuất bản, trao đổi giảng viên, sinh viên đối với tất cả các ngành, lĩnh vực, việc hợp tác.

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tăng cường liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, các trường có uy tín và năng lực trong và ngoài tỉnh để tập trung đào tạo nghề từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Đẩy mạnh tư vấn đào tạo nghề, gắn với giới thiệu việc làm cho người lao động, đảm bảo sự tiếp cận thuận lợi nhất cho người dân đối với giáo dục nghề nghiệp có chất lượng. Nâng cao năng lực hoạt động kết nối công tác đào tạo gắn với giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước phù hợp cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh.

8. Giải pháp đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Doanh nghiệp tổ chức tự đánh giá năng lực của người lao động theo định kỳ ngoài trình độ chuyên môn, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, nhằm xem xét khả năng của người lao động; xây dựng kế hoạch đào tạo hoặc tái đào tạo với mục đích nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc của người lao động.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nhằm tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đào tạo nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đối với người lao động; phấn đấu đến năm 2025, 70% công nhân, người lao động có trình độ đào tạo từ sơ cấp trở lên.

Hàng năm cơ quan quản lý nhà nước về doanh nghiệp hỗ trợ tổ chức đào tạo, tập huấn bồi dưỡng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh theo quy định. Đẩy mạnh đào tạo có trọng tâm, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật cao; thúc đẩy sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, hướng đến đào tạo theo địa chỉ và nghề nhằm đào tạo đúng ngành, nghề để doanh nghiệp sử dụng ngay được lao động sau khi đào tạo. Tăng cường các hoạt động đào tạo rèn luyện kỹ năng mềm cho người lao động để nâng cao khả năng hội nhập và phối hợp làm việc có hiệu quả nhất.

III. NHU CẦU VỐN, NGUỒN VỐN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Huy động, lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình, Đề án, Dự án, Kế hoạch để triển khai thực hiện như: (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”; Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tuyên Quang; các Chương trình đề án, dự án khác).

Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn: 905.075 triệu đồng, trong đó:

 - Ngân sách Trung ương: 524.034 triệu đồng (vốn đầu tư: 500.034 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 24.000 triệu đồng).

 - Ngân sách tỉnh: 381.041 triệu đồng (vốn đầu tư: 332.203 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 48.838 triệu đồng).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Là cơ quan thường trực giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành mục tiêu Đề án. Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai, thực hiện Đề án.

Chủ trì phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất thành lập Tổ tư vấn về kinh tế - xã hội; đề xuất số lượng, thành phần tham gia Tổ tư vấn.

Phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp, huy động và lồng ghép các nguồn lực đảm bảo cân đối vốn đầu tư phát triển thực hiện Đề án.

Thực hiện kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư phát triển nhân lực theo kế hoạch, quy hoạch, đề án. Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch, đề án liên quan đến phát triển nguồn nhân lực và đề xuất, bổ sung đề án phù hợp nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm.

Lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án phát triển nguồn nhân lực trong xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, quy hoạch, đề án lĩnh vực thuộc ngành. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nghề nghiệp của tỉnh, nhằm tăng nhanh đội ngũ lao động qua đào tạo cả về số lượng và chất lượng, gắn với nhu cầu của thị trường lao động; ưu tiên phát triển đào tạo nghề và đào tạo kỹ năng đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tập trung đào tạo lao động các ngành nghề phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là đào tạo nghề trọng điểm của tỉnh, của quốc gia và khu vực; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số. Triển khai các chương trình cải thiện kỹ năng số, kỹ năng sáng tạo của lực lượng lao động trong tất cả các lĩnh vực với hình thức phù hợp.

Theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình tổ chức thực hiện và định kỳ báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện. Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.

3. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng cân đối ngân sách hằng năm, chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét, thẩm định, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí để thực hiện Đề án. Quản lý và cấp phát kinh phí kịp thời, theo dõi, kiểm tra, quyết toán kinh phí đúng quy định.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, rà soát sửa đổi, bổ sung các chế độ chính sách trong lĩnh vực tài chính - ngân sách về phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành giáo dục và đào tạo trong xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, quy hoạch, đề án thuộc lĩnh vực ngành.

Thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển. Đổi mới phương pháp giáo dục trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo trên nền tảng số.

Tham mưu chính sách hỗ trợ học sinh đạt giải, học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh đi học ngành sư phạm tạo nguồn giáo viên có trình độ, chất lượng cao.

Theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình tổ chức thực hiện và định kỳ báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện theo kế hoạch, quy hoạch, đề án.

5. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; tham mưu, đề xuất kế hoạch, các giải pháp tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức; chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị trong xây dựng, rà soát, điều chỉnh các cơ chế chính sách về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của tỉnh, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tuyển dụng, quản lý, sử dụng và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiếp tục thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về làm việc tại tỉnh đối với các ngành, lĩnh vực có nhu cầu. Thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh các nội dung liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng.

Tiếp tục hướng dẫn, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập, vị trí việc làm đối với các đơn vị chưa được phê duyệt; rà soát, điều chỉnh bổ sung vị trí việc làm, quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập đối với các đơn vị thực hiện sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình tổ chức thực hiện và định kỳ báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiến tới xây dựng chính quyền điện tử.

Lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành Thông tin và Truyền thông trong xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, quy hoạch, đề án thuộc lĩnh vực ngành.

Theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình tổ chức thực hiện và định kỳ báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện theo kế hoạch, quy hoạch, đề án.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, quy hoạch, đề án thuộc lĩnh vực ngành.

Theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình tổ chức thực hiện và định kỳ báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện theo kế hoạch, quy hoạch, đề án.

8. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng có nguyện vọng về địa phương xây dựng các mô hình phát triển kinh tế mới có ứng dụng khoa học - công nghệ.

9. Cục Thống kê tỉnh

Tổ chức các cuộc điều tra về thực trạng nhân lực của tỉnh hàng năm; phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố theo dõi, tổng hợp thông tin, số liệu về phát triển nguồn nhân lực theo kế hoạch, quy hoạch, đề án và định kỳ báo cáo, đánh giá kết quả điều tra định kỳ hằng năm.

10. Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh

Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án này chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực ngành trong xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, quy hoạch, đề án chi tiết, cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành, cấp.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh. Vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.

11. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

Xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương, đặc biệt là nguồn nhân lực làm việc trong các ngành mũi nhọn tiềm năng của tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tham gia lao động trong nước và ngoài nước; đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thị trường lao động và địa phương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị tổ chức thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực. Huy động, lồng ghép các nguồn lực đảm bảo cân đối vốn đầu tư phát triển thực hiện Đề án.

Thực hiện kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư phát triển nguồn nhân lực theo kế hoạch, quy hoạch, đề án. Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển nguồn nhân lực và đề xuất, bổ sung đề án phù hợp nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương.

Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện phát triển nguồn nhân lực theo quy định.

12. Trường Đại học Tân Trào, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên

Trường Đại học Tân Trào chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các huyện, thành phố thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng hoặc liên kết đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm. Tổ chức thực hiện tốt Chiến lược phát triển trường Đại học Tân Trào giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 đảm bảo mục tiêu phấn đấu xây dựng thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực, là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của khu vực miền núi phía Bắc.

Phát triển Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang thành trung tâm đào tạo công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề chất lượng cao của khu vực miền núi phía Bắc.

Nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường trang thiết bị đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp cận tốt yêu cầu lao động của doanh nghiệp; tăng cường đào tạo về các kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành. Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giáo dục, đào tạo. Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về dự báo cung cầu nguồn nhân lực; phối hợp với doanh nghiệp đào tạo lao động theo yêu cầu.

Liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Nâng cao năng lực hoạt động kết nối công tác đào tạo gắn với giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước phù hợp cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.

Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện phát triển nguồn nhân lực theo quy định.

13. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Phối hợp tuyển dụng lao động ở các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tìm kiếm các ứng viên có năng lực; có các chương trình liên kết đào tạo, hỗ trợ và tìm kiếm các ứng viên là những học viên, sinh viên có năng lực và tâm huyết ngay từ khi còn trên ghế nhà trường tại các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Đảm bảo công bằng và hợp lý trong chi trả lương cho người lao động, tạo tính cạnh tranh, có chính sách đãi ngộ phúc lợi, tiền lương hấp dẫn nhằm thu hút các nguồn nhân lực từ bên ngoài về làm việc và giữ chân nguồn lực bên trong; thực hiện các chính sách đãi ngộ, phúc lợi, khen thưởng hợp lý để tạo điều kiện gắn bó lâu dài của người lao động. Tạo ra môi trường làm việc năng động, tích cực, thân thiện thu hút người lao động.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Báo Tuyên Quang;
- Đài PTTH tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Phòng THCB;
- Lưu: VT, KGVX (Bắc).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn

 

Biểu số 01

BIỂU TỔNG HỢP

Cơ cấu nhân lực trong các ngành kinh tế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

(Kèm theo Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 12/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Năm

Tổng số nhân lực

Ngành Nông, Lâm nghiệp,
Thủy sản

Ngành Công nghiệp
- Xây dựng

Ngành Dịch vụ,
Thương mại

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

2021

518.261

247.210

47,70

117.127

22,60

153.924

29,70

2022

523.052

242.696

46,40

122.917

23,50

157.439

30,10

2023

527.882

238.075

45,10

127.747

24,20

162.060

30,70

2024

532.667

232.775

43,70

133.167

25,00

166.725

31,30

2025

537.682

225.826

42,00

138.722

25,80

173.134

32,20

Định hướng đến năm 2030

563.336

199.984

35,50

167.311

29,70

196.041

34,80

 

Biểu số 02

TỔNG HỢP TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN, TRÌNH ĐỘ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

(Kèm theo Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 12/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Năm

Trình độ chuyên môn

Trình độ lý luận chính trị

Tổng số cán bộ, công chức

Chưa qua đào tạo

Sơ cấp

Trung cấp

Cao đẳng

Đại học

Trên đại học

Tổng số đảng viên

Chưa qua đào tạo

Sơ cấp

Trung cấp

Cao cấp, cử nhân

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

1

2021

2.752

11

0,40

3

0,11

458

16,64

101

3,67

2.148

78,05

31

1,13

2.635

122

 4,63

74

2,81

2.409

91,423

30

1,14

2

2022

2.799

11

0,39

 

 

394

14,08

95

3,39

2.266

80,96

33

1,18

2.705

106

 3,92

78

2,88

2.488

91,978

33

1,22

3

2023

2.803

8

0,29

 

 

324

11,56

82

2,93

2.355

84,02

34

1,21

2.730

74

 2,71

76

2,78

2.542

93,114

38

1,39

4

2024

2.807

5

0,18

 

 

268

9,55

73

2,60

2.422

86,28

39

1,39

2.756

58

 2,10

64

2,32

2.589

93,94

45

1,63

5

2025

2.807

4

0,14

 

 

208

7,41

53

1,89

2.498

88,99

44

1,57

2.773

39

 1,41

43

1,55

2.640

95,204

51

1,84

6

Định hướng đến năm 2030

2.807

 

 

 

 

 

 

 

 

2.747

97,86

60

2,14

2.796

15

 0,54

5

0,18

2.715

97,103

61

2,18

 

Biểu số 03

TỔNG HỢP TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC THAM MƯU, NGHIÊN CỨU TỔNG HỢP GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

(Kèm theo Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 12/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Năm

Cán bộ công chức tham mưu, nghiên cứu tổng hợp toàn tỉnh

Cấp tỉnh (khối chính quyền)

Cấp huyện (khối chính quyền)

Tổng số

Trung cấp, cao đẳng

Đại học

Trên đại học

Tổng số

Trung cấp, cao đẳng

Đại học

Trên đại học

Tổng số

Trung cấp, cao đẳng

Đại học

Trên đại học

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

1

2021

1.382

1

 0,07

 1.073

 77,64

308

 22,29

839

 

 

601

 71,63

238

 28,37

543

1

 0,18

472

 86,92

70

 12,89

2

2022

1.417

1

 0,07

 1.073

 75,72

343

 24,21

856

 

 

596

 69,63

260

 30,37

561

1

 0,18

477

 85,03

83

 14,80

3

2023

1.420

 

 

 1.045

 73,59

375

 26,41

859

 

 

580

 67,52

279

 32,48

561

 

 

465

 82,89

96

 17,11

4

1.420

1.424

 

 

 1.014

 71,21

410

 28,79

863

 

 

568

 65,82

295

 34,18

561

 

 

446

 79,50

115

 20,50

5

2025

1.429

 

 

985

 68,93

444

 31,07

868

 

 

551

 63,48

317

 36,52

561

 

 

434

 77,36

127

 22,64

6

Định hướng đến năm 2030

1.444

 

 

928

 64,27

516

 35,73

883

 

 

512

 57,98

371

 42,02

561

 

 

416

 74,15

145

 25,85

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Biểu số 04

TỔNG HỢP TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN CỦA VIÊN CHỨC TOÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

(Kèm theo Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 12/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Năm

Viên chức toàn tỉnh

Ngành giáo dục và đào tạo

Ngành Y tế

Các ngành khác

Tổng số viên chức

Chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn

Đạt chuẩn về trình độ chuyên môn

Đạt trên chuẩn về trình độ chuyên môn

Tổng số viên chức

Chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn

Đạt chuẩn về trình độ chuyên môn

Đạt trên chuẩn về trình độ chuyên môn

Tổng số viên chức

Đạt chuẩn về trình độ chuyên môn

Đạt trên chuẩn về trình độ chuyên môn

Tổng số viên chức

Đạt chuẩn về trình độ chuyên môn

Đạt trên chuẩn về trình độ chuyên môn

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

1

2021

 14.969

 1.774

 11,85

 9.786

 65,38

3.409

 22,77

 12.054

1.774

 14,72

7.831

 64,97

2.449

 20,32

 1.859

 1.084

 58,31

775

 41,69

1.056

871

 82,48

185

 17,52

2

2022

 15.572

 1.670

 10,72

 10.079

 64,73

3.823

 24,55

 12.226

1.670

 13,66

7.822

 63,98

2.734

 22,36

 2.227

 1.337

 60,04

890

 39,96

1.119

920

 82,22

199

 17,78

3

2023

 15.823

 1.530

 9,67

 10.193

 64,42

4.100

 25,91

 12.341

1.530

 12,40

7.938

 64,32

2.873

 23,28

 2.351

 1.340

 57,00

1011

 43,00

1.131

915

 80,90

216

 19,10

4

2024

 15.912

 1.222

 7,68

 10.233

 64,31

4.457

 28,01

 12.222

1.222

 10,00

7.910

 64,72

3.090

 25,28

 2.555

1.419

 55,54

1.136

 44,46

1.135

904

 79,65

231

 20,35

5

2025

 16.148

 1.038

 6,43

 10.249

 63,47

4.861

 30,10

 12.225

1.038

 8,49

7.866

 64,34

3.321

 27,17

 2.785

1.495

 53,68

1.290

 46,32

1.138

888

 78,03

250

 21,97

6

Định hướng đến năm 2030

 17.624

 

 

 11.704

 66,41

5.920

 33,59

 13.043

 

 -

9.031

 69,24

4.012

 30,76

 3.424

1.840

 53,74

1.584

 46,26

1.157

833

 72,00

324

 28,00

 

Biểu số 05

BIỂU TỔNG HỢP

Tạo việc làm cho người lao động giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

(Kèm theo Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 12/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Năm

Tổng số nhân lực

Số lao động được tạo việc làm

Trong đó

Lao động làm việc trong các ngành kinh tế tại tỉnh

Lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố khác trong nước

Lao động đi làm việc ở nước ngoài

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

2021

518.261

21.000

14.640

69,7

6.000

28,6

360

1,7

2022

523.052

21.500

14.860

69,1

6.240

29,0

400

1,9

2023

527.882

22.000

15.170

69,0

6.420

29,2

410

1,9

2024

532.667

22.500

15.500

68,9

6.590

29,3

410

1,8

2025

537.682

23.000

15.780

68,6

6.800

29,6

420

1,8

Định hướng đến năm 2030

563.336

120.000

80.000

66,7

37.500

31,3

2.500

2,1

 

Biểu số 06

BIỂU TỔNG HỢP

Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong toàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

(Kèm theo Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 12/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Năm

Tổng số nhân lực

Số lao động đã qua đào tạo

Số lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ (*)

Cơ cấu đào tạo

Ngành nông, lâm, thủy sản

Ngành công nghiệp, xây dựng

Ngành Thương mại, Dịch vụ, Du lịch

Số lượng (người)

Tỷ lệ %

Số lượng (người)

Tỷ lệ %

Số lượng (người)

Tỷ lệ %

Số lượng (người)

Tỷ lệ %

Số lượng (người)

Tỷ lệ %

1

2

3

4=3/2

5

6=5/2

7

8=7/2

9

10=9/2

11

12=11/2

2021

518.261

323.913

62,5

114.017

22,0

 200.049

38,6

 65.301

12,6

 58.563

11,3

2022

523.052

339.984

65,0

125.532

24,0

 200.606

38,4

 70.612

13,5

 62.766

12,0

2023

527.882

353.681

67,0

137.249

26,0

 212.209

40,2

 74.959

14,2

 66.513

12,6

2024

532.667

370.203

69,5

149.147

28,0

 218.393

41,0

 80.965

15,2

 70.845

13,3

2025

537.682

387.131

72,0

161.305

30,0

 225.826

42,0

 86.029

16,0

 75.275

14,0

Định hướng đến năm 2030

563.336

450.669

80,0

225.334

40,0

 253.501

45,0

 101.400

18,0

 95.767

17,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(*) Chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025

 

Biểu số 07

BIỂU TỔNG HỢP

Duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

(Kèm theo Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 12/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. Huy động học sinh đi học

TT

Năm học

Trẻ em trong độ tuổi đi nhà trẻ

Trẻ em trong độ tuổi đi mẫu giáo

Học sinh phổ thông đi học đúng độ tuổi

Tổng số trẻ từ 3-36 tháng tuổi

Số trẻ đi nhà trẻ

Tổng số trẻ từ 37-72 tháng tuổi

Số trẻ đi mẫu giáo

Tiểu học

Trung học cơ sở

Trung học phổ thông

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số trẻ từ 6-11 tuổi

Số trẻ từ 6-11 tuổi thuộc diện phải phổ cập

Từ 6 đến 10 tuổi

Trong đó, số HS học tiểu học đúng độ tuổi

Số người từ 11-15 tuổi

Số người từ 11-15 tốt nghiệp Tiểu học

Từ 11 đến 14 tuổi

90% độ tuổi từ 11-14 tuổi

Trong đó, số HS học THCS đúng độ tuổi

Số người từ 15-18 tuổi

Số người từ 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS

Từ 15 - 17 tuổi

86% độ tuổi từ 15-17 tuổi

Trong đó, số HS học THPT đúng độ tuổi

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng HS tốt nghiệp các năm

Tỉ lệ %

1

2

3

4

5=4/3

6

7

8=7/6

9

10

11

12

13=12/11

14

15

16

17

18

19=18/17

20

21

22

23

24

25=24/23

26

27

1

2021-2022

37.525

13.803

36,8

44.085

 43.909

 99,6

100.070

100.070

84.191

82.507

98,0

69.558

68.862

58.134

52.321

51.274

98,0

46.615

45.217

34.481

29.654

24.316

82,0

7.998

98,0

2

2022-2023

37.774

14.449

38,3

42.910

 42.773

 99,7

100.511

100.511

84.674

82.981

98,0

73.261

72.528

60.443

54.399

53.311

98,0

48.240

46.793

34.961

30.066

24.654

82,0

8.075

98,0

3

2023-2024

37.697

15.000

39,8

42.315

 42.231

 99,8

99.048

99.048

83.617

81.945

98,0

79.632

78.836

66.693

60.024

59.423

99,0

49.974

48.475

36.811

31.657

25.959

82,0

8.587

98,0

4

2024-2025

37.930

16.083

42,4

43.066

 42.959

 99,8

97.527

97.527

81.772

80.137

98,0

83.859

83.020

67.150

60.435

59.831

99,0

53.679

52.069

38.576

33.175

27.204

82,0

9.245

98,0

5

2025-2026

38.210

16.210

42,4

43.450

 43.102

 99,2

93.985

93.985

82.054

80.413

98,0

86.680

85.813

67.613

60.852

60.852

99,0

57.424

56.276

41.353

35.564

29.162

82,0

 10.279

98,0

6

Định hướng đến năm 2030-2031

33.012

15.867

48,1

33.521

 33.250

 99,2

89.713

89.713

79.580

77.988

98,0

78.707

77.920

58.119

52.307

52.307

100,0

72.598

71.872

55.150

37.502

30.752

82,0

 10.495

99,0

 

Biểu số 08

BIỂU TỔNG HỢP

Duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

(Kèm theo Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 12/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

II. Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở

TT

Năm học

Tổng số học sinh tốt nghiệp THCS

Trong đó

 

Học sinh vào học trung học phổ thông

Học sinh vào học bổ túc trung học phổ thông

Học sinh tại các cơ sở đào tạo nghề

Học sinh tham gia lao động (bao gồm cả số đi làm trong cho tư nhân, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh)

 

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

 

 

1

2020-2021

 11.647

 9.310

79,93

586

5,03

770

6,61

 981

8,42

 

2

2021-2022

 11.630

 9.255

79,58

 591

5,08

770

6,62

 1.014

8,72

 

3

2022-2023

 11.425

 9.115

79,78

 582

5,09

770

6,74

 958

8,39

 

4

2023-2024

 11.500

 9.200

80,00

 620

5,39

770

6,70

 910

7,91

 

5

2024-2025

 11.900

 9.450

79,41

 645

5,42

770

6,47

 1.035

8,70

 

6

2025-2026

 11.250

 9.012

80,11

 565

5,02

770

6,84

 903

8,03

 

7

Định hướng đến năm
2030-2031

 11.541

 9.206

79,77

 582

5,04

1000

8,66

 753

6,52

 

Ghi chú: Số học sinh học bổ túc THPT bao gồm cả số học sinh học tại các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh

 

Biểu số 09

BIỂU TỔNG HỢP

Duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

(Kèm theo Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 12/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

III. Kết quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia

Đơn vị

Năm học

Tiểu học

Trung học cơ sở

Trung học phổ thông

Tổng số giải

Trong đó

Tổng số giải

Trong đó

Tổng số giải

Trong đó

Nhất

Nhì

Ba

Khuyến khích

Nhất

Nhì

Ba

Khuyến khích

Nhất

Nhì

Ba

Khuyến khích

1

2021-2022

Không tổ chức

Không tổ chức

34

1

6

10

17

2

2022-2023

35

1

7

13

14

3

2023-2024

38

2

6

13

17

4

2024-2025

41

2

7

14

18

5

2025-2026

44

2

7

15

20

6

Định hướng đến năm 2030-2031

44

2

7

15

20

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Biểu số 10

BIỂU TỔNG HỢP

 Dự báo duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

(Kèm theo Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 12/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

IV. Kết quả thi đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp

TT

Năm học

Kết quả thi đại học, cao đẳng

Tổng số học sinh tốt nghiệp THPT

Số học sinh vào học đại học

Số học sinh vào học
cao đẳng

Số học sinh vào học trung cấp

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

1

2021-2022

8.432

2.400

28,46

90

1,07

500

5,93

2

2022-2023

8.348

2.500

29,95

88

1,05

500

5,99

3

2023-2024

8.420

2.940

34,92

92

1,09

500

5,94

4

2024-2025

8.608

3.100

36,01

95

1,10

500

5,81

5

2025-2026

8.329

3.500

42,02

84

1,01

500

6,00

6

Định hướng đến năm 2030-2031

8.427

3.700

43,91

100

1,19

700

8,31

 

Biểu số 11

TỔNG HỢP ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

(Kèm theo Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 12/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Năm

Đào tạo trình độ chuyên môn

Đào tạo lý luận chính trị

Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước

Tổng số

Đại học

Thạc sĩ

Tiến sĩ

Bác sĩ CK I

Bác sĩ CK II

Tổng số

Trung cấp

Cao cấp

Cử nhân

Tổng số

Chuyên viên

Chuyên viên chính

Chuyên viên cao cấp

Trong nước

Ngoài nước

Trong nước

Ngoài nước

Trong nước

Ngoài nước

I

Cấp tỉnh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

2021

137

56

 

57

2

7

2

1

12

272

205

67

 

100

38

59

3

2

2022

299

140

 

98

5

7

3

33

13

227

169

58

 

121

53

60

8

3

2023

307

147

 

106

6

9

4

29

6

199

155

44

 

122

53

63

6

4

2024

262

118

 

98

10

12

5

14

5

150

106

44

 

120

46

69

5

5

2025

327

107

 

150

16

20

10

18

6

144

110

34

 

136

58

71

7

6

Định hướng đến năm 2030

500

239

 

249

4

8

 

 

 

 

 

 

 

190

81

93

16

II

Cấp huyện

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

2021

384

351

 

33

 

 

 

 

 

253

203

50

 

109

60

41

8

2

2022

375

341

 

34

 

 

 

 

 

190

146

44

 

167

105

53

9

3

2023

252

223

 

29

 

 

 

 

 

155

122

33

 

113

59

43

11

4

2024

216

195

 

21

 

 

 

 

 

121

93

28

 

119

61

48

10

5

2025

164

140

 

24

 

 

 

 

 

121

94

27

 

124

65

48

11

6

Định hướng đến năm 2030

926

851

 

75

 

 

 

 

 

 

 

 

 

269

141

100

28

 

Biểu số 12

TỔNG HỢP THU HÚT NGUỒN NHÂN LỰC CÓ TRÌNH ĐỘ CAO VÀ HỖ TRỢ ĐI ĐÀO TẠO NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

(Kèm theo Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 12/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Năm

Kết quả thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao

Kết quả hỗ trợ đi đào tạo nâng cao trình độ sau đại học

 

Tổng số

Trong đó

Kinh phí (triệu đồng)

Tổng số

Trong đó

Kinh phí hỗ trợ
(triệu đồng)

 

Người có trình độ chuyên môn thuộc các ngành nghề tỉnh có nhu cầu

Tiến sỹ

Thạc sỹ

Bác sỹ CKI

Bác sỹ CKII

 

Chuyên gia

Tiến sỹ

Thạc sỹ

Bác sỹ CKI

Bác sỹ CKII

Bác sỹ nội trú

Bác sỹ Đa khoa

Sinh viên TN đại học

Ngành y

Ngành khác

Ngành y

Ngành khác

 

Trong nước

Nước ngoài

Trong nước

Nước ngoài

Trong nước

Nước ngoài

Trong nước

Nước ngoài

 

 

Tổng

130

 

29

 

 

 

 

38

63

 

631

1

 

 

 

82

 

243

 

223

82

 

 

2021

25

 

2

 

 

 

 

8

15

2.160,5

115

1

 

 

 

15

 

59

 

29

11

8.379,2

 

2022

18

 

3

 

 

 

 

5

10

1.735,9

124

 

 

 

 

15

 

62

 

33

14

9.020,0

 

2023

16

 

3

 

 

 

 

5

8

1.586,9

75

 

 

 

 

6

 

34

 

29

6

5.438,7

 

2024

18

 

5

 

 

 

 

5

8

1.974,3

38

 

 

 

 

1

 

18

 

14

5

2.784,0

 

2025

16

 

4

 

 

 

 

5

7

1.706,1

44

 

 

 

 

5

 

15

 

18

6

3.270,8

 

Định hướng đến năm 2030

37

 

12

 

 

 

 

10

15

4261,4

235

 

 

 

 

40

 

55

 

100

40

17794,6

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú: Mức lương cơ bản tạm tính 1,49 triệu đồng

Mức hỗ trợ tạm tính theo định mức theo quy định tại Nghị quyết số 09/2016/NQ-HĐND tỉnh

 

Biểu số 13

BIỂU TỔNG HỢP

CHI NGÂN SÁCH CHO SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO  GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

(Kèm theo Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 12/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Năm

Tổng chi ngân sách của địa phương
(triệu đồng)

Chi ngân sách cho sự nghiệp giáo dục

Ghi chú

Kinh phí
(triệu đồng)

Tỷ lệ (%)

Trong đó chi cho đào tạo

Kinh phí
(triệu đồng)

Tỷ lệ (%)

1

2

3

4

5=4/3

6

7=6/4

8

1

2021

 8.371.545

 2.507.068

 29,9

 96.360

3,8

 

2

2022

 9.208.700

 2.646.413

 28,7

 109.816

4,1

 

3

2023

 10.232.207

 2.793.503

 27,3

 125.150

4,5

 

4

2024

 11.369.472

 3.103.989

 27,3

 142.626

4,6

 

5

2025

 12.633.140

 3.276.511

 25,9

 162.542

5

 

6

Định hướng đến năm 2030

 13.896.454

 3.458.623

 24,9

 185.240

5,4

 

 

Tổng

 65.711.521

 17.786.111

 27,1

 821.740

4,6

 

 

Biểu số 14

TỔNG HỢP NHU CẦU VỐN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

(Kèm theo Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 12/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Nội dung

Dự kiến nhu cầu kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025

 

Tổng số

Trong đó

 

Đầu tư

Sự nghiệp

 

 

 

Tổng

905.075

832.237

72.838

 

 

 Trong đó: - Ngân sách Trung ương

524.034

500.034

24.000

 

 

- Ngân sách tỉnh

381.041

332.203

48.838

 

1

Xây dựng, duy trì hệ thống thông tin về đề án

4.596

 

4.596

 

 

Trong đó: - Ngân sách trung ương

1.000

 

1.000

 

 

- Ngân sách tỉnh

3.596

 

3.596

 

2

Xây dựng cơ sở vật chất các cơ sở đào tạo

832.237

832.237

 

 

 

Trong đó: - Ngân sách Trung ương

500.034

500.034

 

 

 

- Ngân sách tỉnh

332.203

332.203

 

 

3

Đào tạo nhân lực

67.742

 

67.742

 

 

Trong đó: - Ngân sách Trung ương

23.000

 

23.000

 

 

- Ngân sách tỉnh

44.742

 

44.742

 

4

Kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện đề án

500

 

500

 

 

Trong đó: - Ngân sách tỉnh

500

 

500

 

 

 

 

 

 

 

 

Phụ lục 14.1

TỔNG HỢP NHU CẦU VỐN SỰ NGHIỆP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

(Kèm theo Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 12/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Nội dung

Kế hoạch vốn sự nghiệp giai đoạn 2021-2025

 

Tổng số

Trong đó

 

NSTW

Ngân sách tỉnh

 

 

 

 

Tổng

72.838

24.000

48.838

 

I

Xây dựng, duy trì hệ thống thông tin về đề án

4.596

1.000

3.596

 

II

Đào tạo nhân lực

67.742

23.000

44.742

 

II.1

Đào tạo nhân lực theo trình độ

31.821

23.000

8.821

 

II.2

Bồi dưỡng, đào tạo chuẩn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị

32.770

 

32.770

 

II.3

Thu hút nhân lực trình độ cao

3.151

 

3.151

 

III

Kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện đề án

500

 

500

 

 

Phụ lục 14.2

TỔNG HỢP NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

(Kèm theo Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 12/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Nội dung

Dự kiến nhu cầu kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025

 

Tổng số

Trong đó

 

NSTW

NSĐP

 

 

 

Tổng

832.237

500.034

332.203

 

I

Đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục đào tạo

772.882

485.034

287.848

 

*

Cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông

772.882

485.034

287.848

 

II

Nâng cấp, mở rộng, tăng cường cơ sở vật chất các cơ sở đào tạo

59.355

15.000

44.355

 

II.1

Các cơ sở đào tạo nghề

35.000

15.000

20.000

 

II.2

Đầu tư cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục đào tạo

24.355

 

24.355

 

 



1 Đến 30/12/2020 có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên 99,8%, trong đó 22% có trình độ trên đại học. Hiện nay còn 03 trường hợp công chức tham mưu, nghiên cứu, tổng hợp cấp huyện có trình độ cao đẳng, trung cấp:(02 công chức Phòng Y tế huyện Sơn Dương; 01 công chức Phòng Y tế huyện Lâm Bình).

2 Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng “Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%”

3 Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 31/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

4 Theo Quyết định 688/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 474/QĐ-UBND năm 2021 về Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 474/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/08/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Nguyễn Văn Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản