Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 450/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 3 năm 1993 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ GIÁ Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989 ;
Căn cứ Quyết định 137/HĐBT ngày 27 tháng 4 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng về quản lý giá;
Căn cứ các Thông tư của Ủy ban Vật giá Nhà nước số 03/VGNN-KHCS ngày 01 tháng 7 năm 1992 hướng dẫn nội dung quản lý Nhà nước về giá của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, số 05/VGNN-KHCS ngày 15 tháng 7 năm 1992 hướng dẫn việc quy định và quản lý giá chuẩn, giá giới hạn;
Theo đề nghị của Trưởng Ban Vật giá thành phố ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định này bản Quy định của Ủy ban nhân dân thành phố về quản lý giá ở thành phố.
Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế các quy định về quản lý trước đây do thành phố ban hành.
Điều 3.- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Vật giá thành phố, Giám đốc các sở ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các đơn vị, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố có trách nhiệm thi hành quyết định này.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ GIÁ Ở THÀNH PHỐ.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 450/QĐ-UB ngày 24/3/1993 của Ủy ban nhân dân thành phố).
I- TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA UBND THÀNH PHỐ :
Điều 1.- Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện quyền quản lý giá trên địa bàn thành phố theo Quyết định 137/HĐBT ngày 27/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về quản lý giá, hướng dẫn của Ủy ban Vật giá Nhà nước (nay là Ban Vật giá Chính phủ) tại Thông tư số 03/VGNN-KHCS ngày 01/7/1992 và các quy định khác có liên quan của Nhà nước.
Điều 2.- Căn cứ các quy định của Chính phủ và sự hướng dẫn của Ban Vật giá Chính phủ, quy định quyền hạn và trách nhiệm của các ngành, các cấp của thành phố, các chủ thể sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố trong việc thực hiện những quy định của Nhà nước về quản lý giá.
Điều 3.- Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ có liên quan và chủ động áp dụng các biện pháp cần thiết để bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tại thị trường thành phố.
Điều 4.- Chỉ đạo thực hiện các quyết định về giá hàng hóa, dịch vụ, do cấp có thẩm quyền của Trung ương quy định áp dụng tại địa phương. Chỉ đạo việc thanh tra giá, kiểm soát giá, xử lý các vụ vi phạm kỷ luật giá trên địa bàn thành phố theo quy định của Nhà nước.
Điều 5.- Quy định danh mục mặt hàng thuộc diện bình ổn giá trên thị trường thành phố trong từng thời kỳ theo chỉ đạo của Chính phủ và điều kiện cụ thể của địa phương. Trước mắt bao gồm các mặt hàng sau : vàng, đôla Mỹ, xăng dầu, gạo trắng thường, thịt heo, đường, một số thuốc trị bệnh thông dụng, học phí, lệ phí khám chữa bệnh.
Điều 6.- Quyết định giá một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng đến sản xuất và đời sống ở thành phố :
1- Giá nước máy.
2- Giá bán điện cho hộ tiêu dùng từ nguồn điện địa phương cung ứng và chỉ đạo việc tính giá bán điện ở khu vực nông thôn.
3- Giá chuẩn học phí, lệ phí khám chữa bệnh.
4- Giá bán lẻ dầu hỏa.
5- Giá hàng hóa thuộc quỹ dự trữ của thành phố.
6- Giá mua thóc tối thiểu và giá bán gạo tối đa khi có dấu hiệu đột biến giá trên thị trường gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất và tiêu dùng.
7- Cụ thể hóa giá cho thuê đất, giá tài nguyên nhượng bán hoặc cho thuê, giá bán hoặc cho thuê nhà ở, nhà làm việc, kho bãi thuộc tài sản Nhà nước trên địa bàn thành phố theo giá chuẩn và sự hướng dẫn của Trung ương.
Điều 7.- Công bố giá thóc tính thuế nông nghiệp và giá tính thuế hàng hóa xuất nhập khẩu tại thành phố.
Điều 8.- Thực hiện chánh sách trợ giá thuốc phòng chống dịch bệnh, giá sách báo, phim chính trị chi bằng nguồn ngân sách thành phố theo chủ trương của Trung ương.
Điều 9.- Quy định chính sách giá đền bù tài sản hoa màu giải phóng mặt bằng theo hướng dẫn của Trung ương.
Điều 10.- Chỉ đạo việc định giá tài sản của phía Việt Nam đưa vào góp vốn liên doanh với nước ngoài và việc thẩm định giá tài sản của phía nước ngoài đưa vào góp vốn liên doanh với Việt Nam trong các doanh nghiệp trực thuộc thành phố quản lý theo sự hướng dẫn của Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư.
Điều 11.- Quy định danh mục hàng phải thực hiện chế độ đăng ký giá tại thành phố trong từng thời kỳ. Trước mắt bao gồm các mặt hàng như sau :
1. Gạo, thịt heo, đường.
2. Một số loại thuốc trị bệnh thông dụng.
Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải nghiêm túc thực hiện việc đăng ký giá theo hướng dẫn của Ban Vật giá thành phố. Nếu vi phạm tùy mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 12.- Quy định danh mục mặt hàng phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ tình hình sản xuất kinh doanh và giá với cơ quan quản lý Nhà nước về giá của thành phố trong từng thời kỳ. Trước mắt gồm các mặt hàng sau :
A- Mặt hàng phải báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh và yếu tố hình thành giá :
1- Các mặt hàng thuộc diện đăng ký giá.
2- Vàng, kim loại, xi măng, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng, dầu, vật liệu xây dựng.
B- Mặt hàng phải báo cáo yếu tố hình thành giá :
1- Học phí, lệ phí khám chữa bệnh ngoài phần Nhà nước định giá.
2- Giá cho thuê phòng, khách sạn.
3- Mai táng phí.
4- Hàng hóa xuất nhập khẩu mậu dịch quan trọng theo danh mục do Ban Vật giá thành phố hướng dẫn.
Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải nghiêm túc thực hiện việc báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, giá cả theo hướng dẫn của Ban Vật giá thành phố. Nếu vi phạm tùy mức độ sẽ bị xử lý hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự.
II- TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN VẬT GIÁ TP :
Ban Vật giá thành phố là cơ quan tham mưu, trực tiếp giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá ở thành phố và là cơ quan giám định về giá có quyền hạn và trách nhiệm sau :
Điều 13.- Hướng dẫn thực hiện những quyết định, quy định quản lý giá của cấp có thẩm quyền của Trung ương và của thành phố.
Thông báo kịp thời các loại giá do Trung ương, thành phố quy định đến các ngành, các địa phương và cơ sở ở thành phố thực hiện.
Điều 14.- Tổ chức thu thập, xử lý thông tin, báo cáo kịp thời giá cả ở thị trường thành phố theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố và hướng dẫn của Ban Vật giá Chính phủ. Tổ chức điều tra nghiên cứu thông báo kịp thời về tình hình giá cả thị trường, chi phí sản xuất, lưu thông một số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tác động quan trọng đến sản xuất và đời sống ở thành phố.
Tham mưu và đề xuất những biện pháp cần thiết để bình ổn giá cả thị trường.
Cùng Cục Thống kê tính chỉ số giá cả thị trường ở thành phố.
Điều 15.- Tổ chức hiệp thương về giá theo hướng dẫn của Ban Vật giá Chính phủ.
Điều 16.- Thẩm định các phương án giá của các đơn vị và các ngành hữu quan ở thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 17.- Tổ chức thanh kiểm tra giá ; kiểm soát chi phí sản xuất và các yếu tố hình thành giá ; xử lý các vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá trên địa bàn thành phố.
Điều 18.- Định giá đền bù hoa màu và các loại tài sản bị thiệt hại trong giải phóng mặt bằng ở thành phố theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 19.- Quản lý giá các công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách địa phương :
1- Thông báo giá vật liệu xây dựng trong từng thời gian để làm căn cứ tính đơn giá trong phê duyệt, quyết toán kinh phí xây dựng công trình.
2- Tham gia tính đơn giá xây dựng cơ bản ở thành phố trong từng thời điểm.
3- Tham gia quản lý giá đấu thầu xây dựng cơ bản.
4- Kiểm soát giá thanh quyết toán giữa chủ đầu tư và tổ chức nhận thầu theo khối lượng hoàn thành.
5- Tham gia phê duyệt tổng dự toán và quyết toán công trình.
Điều 20.- Định giá tài sản (nhà xưởng, thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải...) thuộc phạm vi quản lý giá của Nhà nước ở thành phố :
1- Chủ trì định giá bán tài sản thuộc sở hữu Nhà nước của các doanh nghiệp quốc doanh khi thực hiện cổ phần hóa, khi giải thể, chuyển hướng sản xuất, trả nợ, tái đầu tư theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.
2- Chủ trì định giá thanh lý tài sản cố định thuộc sở hữu Nhà nước, tài sản trong cải tạo, tài sản dôi thừa của các doanh nghiệp Nhà nước gộp lại cho tài chính theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
3- Thẩm định giá mua sắm, sửa chữa lớn tài sản cố định bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
4- Tham gia cùng Sở Tài chánh trong xác định giá tài sản cố định khi giao vốn và bảo toàn vốn.
Điều 21.- Tham gia xác định giá trị tài sản của phía Việt Nam đưa vào góp vốn liên doanh với nước ngoài và thẩm định giá tài sản của phía nước ngoài đưa vào góp vốn liên doanh với phía Việt Nam trong các doanh nghiệp thuộc thành phố quản lý theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố và hướng dẫn của Ủy ban Nhà nước về Hợp tác đầu tư.
Điều 22.- Giám định giá tài sản, hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan điều tra, kiểm soát, xét xử, trọng tài, thanh tra hoặc tham gia giám định giá trị tài sản bằng hiện vật của doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần cá nhân và nhóm kinh doanh để làm thủ tục công chứng Nhà nước. Giám định giá tài sản để thế chấp.
Các cá nhân, đơn vị trưng cầu giám định giá phải chịu phí tổn về giám định giá.
Điều 23.- Hướng dẫn giá bán phân urê khi thị trường có dấu hiệu đột biến.
Điều 24.- Chủ trì cùng với các sở, ngành hữu quan ở thành phố quy định giá các dịch vụ thiết yếu hoặc mang tính chất độc quyền, lệ phí mang tính chất độc quyền.
1- Mức thu thủy lợi phí ở thành phố căn cứ vào mức tối đa và tối thiểu của Bộ Thủy lợi và Bộ Tài chính đối với việc sử dụng nước từ công trình thủy lợi đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
2- Giá cước xe khách công cộng ở thành phố.
3- Giá giữ xe 2 bánh, ô tô.
4- Lệ phí kiểm dịch động vật và kiểm soát sát sinh gia súc.
5- Lệ phí qua cầu, phà.
6- Dịch vụ cung ứng tàu biển và dịch vụ đối với người nước ngoài.
7- Giá sửa chữa lắp đặt điện thoại, đồng hồ điện, đồng hồ nước.
8- Các lệ phí mang tính chất độc quyền khác.
9- Cụ thể hóa mức học phí, lệ phí khám chữa bệnh ở thành phố theo mức chuẩn quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.
10- Quản lý giá thuê bao các loại công tác phục vụ của ngành giao thông công chánh hoạt động bằng nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước (quét rác, vận chuyển rác, bảo quản công viên cây xanh, duy tu cầu đường, chiếu sáng, vỉa hè thoát nước...).
Ban Vật giá thành phố trao đổi với các sở hữu quan công bố cụ thể danh mục mặt bằng thuộc liên sở định giá trong từng thời gian.
III- NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA SỞ, NGÀNH Ở THÀNH PHỐ :
Điều 25.- Tổ chức chỉ đạo thực hiện các quyết định, quy định giá của cấp có thẩm quyền quyết định trong phạm vi sở, ngành.
Điều 26.- Tham gia cùng Ban Vật giá thành phố : định giá các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu hoặc mang tính chất độc quyền thuộc ngành mình quản lý ; thẩm định phương án giá do doanh nghiệp thuộc mình quản lý, trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 27.- Chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc thực hiện chế độ đăng ký giá, niêm yết giá, chế độ báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh ; giá cả theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố và hướng dẫn của Ban Vật giá thành phố.
Điều 28.- Tổ chức thanh tra, kiểm tra giá trong nội bộ ngành. Tham gia các cuộc kiểm tra, thanh tra giá do thành phố tổ chức.
IV- NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA UBND QUẬN, HUYỆN :
Điều 29.- Tổ chức chỉ đạo thực hiện các quyết định, quy định giá của cấp có thẩm quyền quyết định trên địa bàn quận, huyện.
Điều 30.- Tổ chức việc thông tin giá cả và báo cáo giá cả thị trường trên địa bàn quận, huyện theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố và sự hướng dẫn của Ban Vật giá thành phố.
Điều 31.- Tổ chức điều tra nghiên cứu chi phí sản xuất, giá mua, giá bán một số sản phẩm chủ yếu ở quận, huyện để làm cơ sở kiến nghị với thành phố và Trung ương về bảo hộ sản xuất, tiêu dùng ở địa phương.
Điều 32.- Quản lý giá tài sản thuộc phạm vi quản lý giá của quận, huyện :
1- Chủ trì định giá bán máy móc thiết bị, phương tiện vận tải của các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước thuộc quận, huyện quản lý khi thanh lý, chuyển nhượng, giải thể, sắp xếp lại sản xuất.
2- Chỉ đạo tổ chức việc giám định giá hàng trong các vụ án hình sự, buôn lậu thuộc quận, huyện quản lý.
Điều 33.- Chỉ đạo tổ chức việc đăng ký giá, niêm yết giá, báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, giá cả trên địa bàn quận, huyện theo hướng dẫn của Ban Vật giá thành phố.
Điều 34.- Chỉ đạo tổ chức việc thanh kiểm tra giá, xử lý các vụ vi phạm kỷ luật giá trên địa bàn quận, huyện theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố và hướng dẫn của Ban Vật giá thành phố.
V- THỦ TỤC QUY ĐỊNH GIÁ :
Điều 35.- Cơ quan được quyền định giá theo sự phân cấp của Ủy ban nhân dân thành phố phải tuân thủ những quy định và hướng dẫn của Nhà nước về nguyên tắc thủ tục định giá. Chậm không quá 7 (bảy) ngày kể từ ngày nhận đủ tài liệu của doanh nghiệp trình duyệt giá phải phê duyệt xong giá. Trường hợp phải kéo dài thêm thời hạn thì phải thông báo cho doanh nghiệp đó biết. Quá thời hạn trên doanh nghiệp được thực hiện theo giá đề nghị trong phương án.
Điều 36.- Giá bán hàng hóa, dịch vụ do lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền quyết định và phải được ban hành bằng văn bản đồng thời gởi cho cơ quan quản lý giá cấp trên để báo cáo.
Phải bảo đảm bí mật trước khi thay đổi ban hành giá mới.
VI- TỔ CHỨC THỰC HIỆN :
Điều 37.- Ngành giá thành phố là lực lượng nòng cốt trong triển khai thực hiện quy định này. Do đó cần củng cố tăng cường Ban Vật giá thành phố, Tổ vật giá quận, huyện và cán bộ chuyên trách giá ở các ngành, sở thành phố, trao đổi với Ban Vật giá thành phố, Ban Tổ chức chánh quyền thành phố đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố việc kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ phụ trách quản lý giá trên địa bàn thành phố.
Điều 38.- Trưởng Ban Vật giá thành phố có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định này.-
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Quyết định 450/QĐ-UB năm 1993 về quản lý giá ở thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 450/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 24/03/1993
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Vương Hữu Nhơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra