Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 448 BXD/KTQH | Ngày 03 Tháng 8 Năm 1996 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT KHU VỰC HỒ GƯƠM VÀ PHỤ CẬN, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
- Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ và Nghị định số 15/CP ngày 02 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ và cơ quan ngang Bộ;
- Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 3-4-1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
- Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 3750/KTN ngày 5-7-1994 về việc uỷ nhiệm Bộ trưởng Bộ xây dựng phê duyệt quy hoạch chi tiết một số khu vực quan trọng của Thủ đô Hà Nội;
- Theo đề nghị của UBND thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 17/TTUB ngày 11-6-1994 và công văn số 1732/CV-UB ngày 26-7-1996 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm và phụ cận.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1
Phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm và phụ cận, thành phố Hà Nội với nội dung chủ yếu sau đây:
1. Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch chi tiết:
1.1. Khu vực Hồ Gươm và phụ cận trong phạm vi lập quy hoạch chi tiết có tổng diện tích khoảng 63,72 ha.
1.2. Ranh giới khu vực lập quy hoạch chi tiết:
a. Phía Bắc: Các phố Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng;
b. Phía Nam: Đường Hai Bà Trưng
c. Phía Tây: Đường Quang Trung và các phố Nhà Chung, Nhà Thờ, Hàng Trống;
d. Phía Đông: Các đường Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Nhà Ngân hàng, Quảng trường Cách mạng Tháng 8, Phan Chu Trinh.
2. Tính chất:
- Khu vực Hồ Gươm và phụ cận là một trong các khu trung tâm quan trọng của Thủ đô Hà Nội;
- Tại đây ưu tiên dành để xây dựng các trụ sở sở quan thành phố, các công trình Ngân hàng, thương mại, dịch vụ, khách sạn du lịch, nhà khách cao cấp và các công trình văn hoá công cộng thành phố; ngoài ra, đối với các nhà ở hiện có, phù hợp với quy hoạch được phép giữ lại, thì được cải tạo, chỉnh tranh, nâng cấp theo quy hoạch được duyệt. 3. Quy hoạch sử dụng đất đai.
3.1. Cơ cấu sử dụng đất đai.
a. Đất xây dựng, công trình các loại: 27,30 ha 43%
b. Đất cây xanh, công trình các loại: 17,745 ha 27,7%
c. Đất giao thông: 18,672 ha 29,3%
Cộng: 63,717 ha 100%
3.2. Các chỉ tiêu sử dụng đất chung toàn khu vực:
a. Mật độ xây dựng tối đa không quá 43%;
b. Hệ số sử dụng đất là 0,86 lần;
c. Chiều cao trung bình là 2 tầng;
3.3. Phân vùng chức năng:
a. Khu vực dành để xây dựng các công trình theo chức năng với tổng diện tích khoảng 273.000 m_2_, chiếm 40% diện tích toàn khu quy hoạch, trong đó:
- Đất công trình di tích lịch sử văn hoá và kiến trúc có giá trị cần bảo vệ có diện tích khoảng 58.460 m_2_;
- Đất hiện có không thay đổi mục đích sử dụng, phù hợp với quy hoạch được giữ lại cải tạo, chỉnh trang và nâng cấp theo quy hoạch được duyệt với diện tích khoảng 165.540 m_2_;
- Đất phát triển, tại đó các công trình hiện có được phép phá dỡ để cải tạo, sửa chữa, mở rộng hoặc xây dựng mới theo các dự án đầu tư, phù hợp với quy hoạch, có diện tích khoảng 49.000 m_2_;
b. Đất cây xanh và mặt nước, gồm: Hồ Gươm và công viên ven hồ; các vườn hoa Indira Gandi, Con Cóc, Bà Kiệu, Lê Lợi, góc đường Quang Trun, Tràng Thi và vườn hoa khu vực cây xăng cũ tại Quảng trường 19 tháng 8 với tổng diện tích là 177.450 m_2_, chiếm 27,7% diện tích tại khu quy hoạch;
c. Đất xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật công cộng, gồm: đường, quảng trường, ga ra, cây xanh ven đường và các công trình cơ sở hạ tầng khác có diện tích khoảng 186.720 m_2_.
4. Định hướng kiến trúc và cành quan đô thị.
4.1. Các công trình di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh đã được công nhận và xếp hạng phải được bảo vệ và sử dụng theo đúng quy định của Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh;
4.2. Các công trình kiến trúc có giá trị cần được giữ gìn, bảo vệ chặt chẽ. Khi có yêu cầu cải tạo và xây dựng lại thì phải có giấy phép phá dỡ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Dự án cải tạo và xây dựng lại các công trình này phải được tổ chức xin ý kiến Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thành phố, trước khi trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định;
4.3. Đối với các công trình hiện có, phù hợp với quy hoạch được phép giữ lại, khi có yêu cầu chỉnh trang, cải tạo hoặc xây lại mới thì chủ đầu tư phải xin phép xây dựng. Khi giấy phép xây dựng các công trình này cần lưu ý các giải pháp kiến trúc, quy hoạch đảm bảo không làm biến dạng các mặt phố, cảnh quan, huỷ hoại giá trị kiến trúc, văn hoá vốn có của các công trình đó và khu vực có liên quan;
4.4. Các công trình phát triển mới phải xây dựng theo dự án, phù hợp với chức năng, yêu cầu sử dụng đất, các quy định về kiến trúc đô thị như: lộ giới, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, hạn tuyến, kích thước các phần phụ công trình được nhô ra lộ giới; vạt góc, chỗ đỗ xe, hình khối, trang trí bề mặt công trình và các thông số quản lý quy hoạch xây dựng đối với từng lô phố được quy định trong đồ án Quy hoạch chi tiết và Điều lệ quản lý quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm và phụ cận.
Kiến trúc sư trưởng thành phố cấp chứng chỉ Quy hoạch theo yêu cầu của chủ đầu tư để hướng dẫn triển khai các dự án theo đúng quy hoạch được duyệt.
5. Quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Thống nhất với các chỉ tiêu, giải pháp quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật nêu trong đồ án Quy hoạch chi tiết. Trên cơ sở giữ nguyên mạng lưới đường và mặt cắt đường hiện có, tiến hành lập các dự án cải tạo và xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng như cấp nước, cấp điện, thông tin bưu điện, thoát nước và vệ sinh môi trường theo hướng đồng bộ và hiện đại, đảm bảo mỹ quan đô thị.
6. Các nội dung đầu tư ưu tiên.
6.1. Đối với các công trình đang xây dựng hoặc đã được cấp giấy phép xay dựng nhưng chưa khởi công, nếu có những mặt quá bất hợp lý so với Quy hoạch chi tiết này, thì UBND thành phố chỉ đạo rà soát và điều chỉnh lại.
6.2. Những nhiệm vụ cấp bách cần tập trung giải quyết:
a. Triển khai các dự án đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe công cộng;
b. Đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật kết hợp với việc chỉnh trang hoàn thiện các sân, vườn;
c. Giải toả các công trình xây dựng vi phạm các di tích văn hoá lịch sử, lộ giới và các nơi trái phép, trước hết là sân khấu ngoài trời khu câu lạc bộ phương pháp và trạm điện 6/0,4 KW, trả lại đất cho di tích lịch sử văn hoá khu tượng Vua Lê, khu vực Đền Bà Kiệu v.v...
d. Có kế hoạch tu bổ, tôn tạo các công trình di tích văn hoá, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và các công trình kiến trúc có giá trị;
e. Xem xét lại các công trình kiến trúc mới xây dựng, có ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, bố cục không gian như: nhà Bưu điện Trung ương, Trụ sở UBND thành phố, nhà số 1, 3, 5 Đinh Tiên Hoàng, Khách sạn Vàng v.v... để có biện pháp khắc phục phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố;
g. Chuẩn bị các dự án đầu tư xây dựng các công trình mới phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt.
Điều 2
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội:
1. Tổ chức công bố quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm và phụ cận cho nhân dân biết, thực hiện;
2. Ban hành Điều lệ quản lý Quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm và phụ cận;
3. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan, xây dựng các chính sách và cơ chế huy động vốn triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo cải tạo và xây dựng mới các công trình theo đúng quy hoạch và quy định pháp luật.
Điều 3
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ;
2. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, các Bộ, ngành có liên quan và Kiến trúc sư trưởng thành phố có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG |
- 1Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh năm 1984 do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Luật Tổ chức Chính phủ 1992
- 3Nghị định 15-CP năm 1993 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ
- 4Nghị định 15-CP năm 1994 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng
- 5Công văn 854/VPCP-KTN năm 2014 phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở sinh thái tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Thành phố Hà Nội do Văn phòng Chính phủ ban hành
Quyết định 448 BXD/KTQH năm 1996 về phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm và phụ cận, thành phố Hà Nội
- Số hiệu: 448BXD/KTQH
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 03/08/1996
- Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
- Người ký: Ngô Xuân Lộc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra