Hệ thống pháp luật

BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN VÀ CHẤT ĐỘC HÓA HỌC SAU CHIẾN TRANH Ở VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 406/QĐ-BCĐKPBMHH

Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC GIAI ĐOẠN 2018 - 2020 CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN VÀ CHẤT ĐỘC HÓA HỌC SAU CHIẾN TRANH Ở VIỆT NAM

TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN VÀ CHẤT ĐỘC HÓA HỌC SAU CHIẾN TRANH Ở VIỆT NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 701/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam;

Thực hiện Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam được ban hành tại Quyết định số 730/QĐ-BCĐKPHQBMHH ngày 13 tháng 9 năm 2017;

Xét đề nghị của Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Chương trình công tác giai đoạn 2018 - 2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Thành viên Ban Chỉ đạo, Trưởng Cơ quan Thường trực chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Thành viên Ban Chỉ đạo;
- Ban Dân vận Trung ương;
- Hội nạn nhân CĐHH/dioxin Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ: KGVX, TH, NC;
- Lưu: VT, BCĐKPBMHH (2b).

TRƯỞNG BAN
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC

GIAI ĐOẠN 2018 - 2020 CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN VÀ CHẤT ĐỘC HÓA HỌC SAU CHIẾN TRANH Ở VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 406/QĐ-BCĐKPBMHH ngày 09 tháng 10 năm 2018 của Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Triển khai có hiệu quả các Chỉ thị của Ban Bí thư: số 43-CT/TW ngày 14 tháng 5 năm 2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; số 14-CT/TW ngày 19 tháng 7 năm 2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.

Tổ chức thực hiện Quyết định số 701/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 701); Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 (gọi tắt là Quyết định số 504/QĐ-TTg); Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 (gọi tắt là Quyết định số 651/QĐ-TTg).

2. Tăng cường công tác chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương, qua đó bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời giữa các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác tham mưu, đề xuất phương hướng, thực hiện các giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.

3. Phân công cụ thể trách nhiệm của các Thành viên Ban Chỉ đạo, bộ, ngành, địa phương trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.

II. MỤC TIÊU

Thúc đẩy công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, hoàn thành cơ bản các mục tiêu trong Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 (được phê duyệt tại Quyết định số 504/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 (được phê duyệt tại Quyết định 651/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Cụ thể như sau:

1. Tổ chức xử lý bom, mìn, phấn đấu xử lý được 50.000 ha đất/năm để giảm tỷ lệ ô nhiễm bom mìn trên toàn quốc xuống dưới 15%, nhất là các tỉnh bị ô nhiễm nặng; xử lý triệt để 35% khối lượng đất nhiễm dioxin ở khu vực sân bay Biên Hòa. Tăng cường năng lực làm chủ thiết kế, chế tạo thiết bị, công nghệ rà phá, xử lý bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh.

2. Tổ chức rà soát 100% số người tham gia kháng chiến và con cháu của họ có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin để lập hồ sơ xác định nạn nhân được hưởng chính sách của Nhà nước. Xây dựng thí điểm 01 Trung tâm xét nghiệm, hỗ trợ điều trị y tế cho nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin.

3. Tăng cường công tác tuyên truyền, hợp tác quốc tế, vận động tài trợ để thu hút tối đa các nguồn nhân lực, trang thiết bị, công nghệ phục vụ cho công tác khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.

III. NHIỆM VỤ

1. Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình, kế hoạch

- Hoàn thiện Nghị định của Chính phủ về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh phù hợp với pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế.

- Tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, bảo đảm đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ trong Quyết định số 504/QĐ-TTg , số 651/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến giải quyết chế độ chính sách nhằm bảo đảm quyền lợi cho nạn nhân chất độc hóa học, hỗ trợ nạn nhân bom mìn.

- Tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản về chương trình hành động, kế hoạch quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học: Quyết định 504/QĐ-TTg , Quyết định 651/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; rà soát, hoàn thiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường liên quan đến xử lý triệt để chất độc hóa học/dioxin.

2. Chỉ đạo công tác tuyên truyền, hợp tác quốc tế và vận động tài trợ, nghiên cứu khoa học và công nghệ

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về : i) Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và các đối tác trong hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học và bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam; ii) Tuyên truyền và nâng cao nhận thức về hậu quả của chất độc hóa học và bom mìn, từ đó thu hút sự quan tâm của các tổ chức trong và ngoài nước để cùng chung tay khắc phục hậu quả do bom mìn và chất độc hóa học gây ra (tờ rơi, xuất bản sách ảnh, các video, clip ngắn...); iii) Đẩy mạnh hơn nữa quan hệ với các đối tác quốc tế trong việc hỗ trợ nạn nhân bom mìn và nạn nhân chất độc hóa học thông qua việc khảo sát, đánh giá nhu cầu của các địa phương trong việc hỗ trợ nạn nhân bom mìn và đối tượng bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học sau chiến tranh; tổ chức hội nghị tăng cường quan hệ đối tác quốc tế để chia sẻ kế hoạch hỗ trợ nạn nhân bom mìn và bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học sau chiến tranh trong năm 2018; nghiên cứu, đề xuất khả năng ký kết các biên bản ghi nhớ với các đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong đó có đối tượng nạn nhân bom mìn và chịu ảnh hưởng bởi chất độc hóa học sau chiến tranh.

- Tổ chức thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế đã được ký kết (Bản ghi nhận ý định - MOI và Thỏa thuận viện trợ không hoàn lại - LSGA) với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ về xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa; Bản ghi nhớ giữa Ban Chỉ đạo 504 và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về khắc phục hậu quả bom mìn...); tổ chức các hoạt động hợp tác với các nước (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hungary, Đức, Thụy Sỹ và một số nước khác) và các cơ quan thuộc chính phủ các nước và tổ chức quốc tế (USAID, JICA, KOICA, UNDP...) để huy động các nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học. Tổ chức cung cấp thông tin về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, tai nạn bom, mìn, chất độc hóa học cho các cơ quan thông tấn báo chí phục vụ công tác thông tin tuyên truyền.

- Tổ chức thực hiện dự án hợp tác với hãng truyền thông Discovery để xây dựng bộ phim tài liệu về khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.

- Tổ chức hội thảo trong nước và quốc tế về khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh liên quan đến sức khỏe con người và môi trường; các khóa tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, hướng tới mục tiêu làm chủ công nghệ xử lý chất độc hóa học có nguồn gốc chiến tranh và nguồn gốc công nghiệp ở Việt Nam.

3. Chỉ đạo công tác xử lý bom, mìn và chất độc hóa học

a) Công tác xử lý bom mìn

- Tổ chức, triển khai thực hiện dự án hợp tác Việt Nam và Hàn Quốc khắc phục hậu quả bom mìn tại 2 tỉnh Quảng Bình, Bình Định từ vốn viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc.

- Lập và tổ chức thực hiện dự án khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn khắc phục hậu quả chiến tranh tại 5 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Nam, Quảng Trị) bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ các nước.

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nội dung trong Chương trình khoa học và công nghệ về khắc phục hậu quả bom, mìn, vật liệu nổ tồn lưu sau chiến tranh (Chương trình KC.BM).

b) Công tác xử lý chất độc hóa học

- Triển khai các dự án thử nghiệm công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin nhằm tìm kiếm công nghệ hiện đại, hiệu quả và phù hợp ở Việt Nam, tiến tới làm chủ công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin, chất thải công nghiệp nguy hại đối với môi trường.

- Tổ chức đánh giá và công bố kết quả thực hiện của dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Đà Nẵng.

- Xây dựng và thực hiện dự án xử lý môi trường bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ và các nguồn vốn hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

- Tổ chức công tác điều tra, đánh giá hiện trạng tồn lưu chất độc hóa học/dioxin ở các khu vực bị phun rải chất độc hóa học trong chiến tranh.

- Tăng cường năng lực nghiên cứu, đánh giá, quan trắc, làm chủ công nghệ xử lý chất độc hóa học.

4. Chỉ đạo công tác giải quyết chế độ chính sách cho nạn nhân

- Tổ chức rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xác định, giải quyết chính sách, hỗ trợ y tế đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hỗ trợ nạn nhân bom mìn bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

- Chỉ đạo và hỗ trợ địa phương thực hiện dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường năng lực cho địa phương trong công tác trợ giúp nạn nhân bom mìn; củng cố, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất và quy mô trợ giúp và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn tại bệnh viện hoặc trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng; xây dựng hệ thống và quản lý thông tin về nạn nhân bom mìn và người khuyết tật. Phát triển và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, cung cấp dụng cụ trợ giúp cho nạn nhân bom mìn, nhất là tuyến huyện và tuyến xã; cải thiện cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị y tế cho tuyến huyện, xã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho nạn nhân.

- Xây dựng trung tâm xét nghiệm, hỗ trợ điều trị y tế cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Tổ chức nghiên cứu ảnh hưởng của chất độc hóa học lên sức khỏe con người, biện pháp phòng ngừa, xử lý.

- Chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu cơ sở pháp lý, căn cứ khoa học, tình hình thực tiễn để tham mưu việc đấu tranh giành quyền lợi và công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, phù hợp với pháp luật Việt Nam, quốc tế.

(Chương trình công tác cụ thể có Phụ lục kèm theo).

IV. PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành viên Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình công tác theo Phụ lục kèm theo. Định kỳ hằng năm, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo - Thủ tướng Chính phủ (qua Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo).

2. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm bảo đảm các nguồn lực và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp, định kỳ báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo tình hình thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình công tác./.

 

PHỤ LỤC

CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC GIAI ĐOẠN 2018 - 2020 CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN VÀ CHẤT ĐỘC HÓA HỌC SAU CHIẾN TRANH Ở VIỆT NAM
(Kèm theo Chương trình công tác tại Quyết định số 406/QĐ-BCĐKPBMHH ngày 09 tháng 10 năm 2018 của Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam)

STT

Nội dung thực hiện

Cơ quan, đơn vị chủ trì

Cơ quan, đơn vị phối hợp

Thời gian

I

Công tác chỉ đạo, điều hành xây dựng các văn bản, chương trình, kế hoạch

 

1

Trình Chính phủ ban hành Nghị định quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn và Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện

Bộ Quốc phòng

Bộ, ngành, địa phương liên quan

2018-2020

2

Tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản về chương trình hành động, kế hoạch quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học: Quyết định 504/QĐ-TTg , Quyết định 651/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701

Bộ, ngành, địa phương liên quan

2018-2020

3

Tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia rà phá, xử lý bom mìn

Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC)

Bộ, ngành, địa phương liên quan

2018

4

Tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến giải quyết chế độ chính sách nhằm bảo đảm quyền lợi cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ nạn nhân bom mìn.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ Y tế và bộ, ngành, địa phương liên quan

2018-2020

5

Tổ chức rà soát, hoàn thiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường liên quan đến xử lý triệt để chất độc hóa học/dioxin

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ, ngành, địa phương liên quan

2018-2019

6

Đổi tên/bổ sung tên giao dịch cho Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường/BTL Hóa học thành Trung tâm Hành động quốc gia xử lý chất độc hóa học và môi trường trực thuộc Ban Chỉ đạo 701 để thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trao đổi, hợp tác quốc tế.

Bộ Quốc phòng

Bộ Nội vụ

2018

II

Chỉ đạo công tác xử lý chất độc hóa học và bom mìn

 

 

 

 

Rà phá, xử lý bom mìn

 

 

 

1

Tổ chức công bố bản đồ ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam (giai đoạn 1)

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701

Bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan

2017-2020

2

Tổ chức, triển khai thực hiện dự án hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc khắc phục hậu quả bom mìn tại 2 tỉnh Quảng Bình, Bình Định (vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc)

VNMAC

Bộ, ngành, địa phương liên quan; cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc; Chương trình phát triển Liên hợp quốc

2017-2020

3

Lập và xem xét khả năng triển khai dự án khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn khắc phục hậu quả chiến tranh tại 5 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Nam, Quảng Trị) bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ các nước

VNMAC

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan

2018-2020

4

Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ rà phá bom, mìn theo Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ)

Bộ Quốc phòng

Bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan

2016-2020

 

Chỉ đạo công tác xử lý chất độc hóa học/dioxin

 

 

 

5

Tổ chức đánh giá và công bố kết quả dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, bộ, ngành liên quan

Quý IV/2018

6

Tổ chức thực hiện dự án xây dựng hạ tầng tiền xử lý ô nhiễm dioxin ở khu vực sân bay Biên Hòa (ngân sách nhà nước, ngân sách quốc phòng)

Bộ Quốc phòng

Bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Đồng Nai

2017-2020

7

Thẩm định và trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa (Ngân sách nhà nước đối ứng, ODA không hoàn lại)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ Quốc phòng, bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan

2018

8

Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án xử lý ô nhiễm dioxin ở khu vực sân bay Biên Hòa

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Quốc phòng, bộ, ngành, địa phương liên quan

2018

9

Khởi động và tổ chức thực hiện dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa (giai đoạn 1) bằng nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ, ngân sách nhà nước.

Bộ Quốc phòng

Bộ, ngành, địa phương liên quan; cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, các nước, tổ chức quốc tế

2018-2023

10

Tổ chức lập và thực hiện dự án di dân, tái định cư khu vực ô nhiễm dioxin giáp sân bay Biên Hòa

UBND tỉnh Đồng Nai

Bộ, ngành liên quan

2018-2019

11

Tổ chức triển khai dự án thử nghiệm công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin tại sân bay Biên Hòa

Bộ Quốc phòng

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và bộ ngành liên quan

2018-2019

12

Tổ chức đánh giá công nghệ và khả năng áp dụng, chuyển giao, làm chủ công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin

Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường

2018-2019

13

Tổ chức điều tra, đánh giá các khu vực bị phun rải chất độc hóa học/dioxin trong chiến tranh

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ, ngành, địa phương liên quan

2018-2020

III

Chỉ đạo công tác giải quyết chế độ chính sách, hỗ trợ cho nạn nhân

 

 

 

1

Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án theo Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ):

- Phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ công tác xã hội hỗ trợ nạn nhân bom mìn

- Hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng

- Xây dựng các trung tâm chỉnh hình, trạm y tế cấp xã

Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan

2016 - 2020

2

Tổ chức triển khai thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2018 - 2021

Bộ Y tế

Bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan

2018-2020

3

Tổ chức rà soát số người tham gia kháng chiến và con cháu của họ có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin để lập hồ sơ xác định nạn nhân được hưởng chính sách

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ Y tế, bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan

2018-2020

4

Tổ chức lập và thực hiện dự án các Trung tâm xét nghiệm, hỗ trợ điều trị y tế cho nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin. Trước mắt, triển khai thí điểm tại Bệnh viện Quân y 103/Học viện Quân y.

Bộ Quốc phòng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bộ, ngành, địa phương liên quan

2018-2020

5

Tổ chức nghiên cứu ảnh hưởng của chất độc hóa học lên sức khỏe con người, biện pháp phòng ngừa, giải độc

Bộ Y tế

Bộ Quốc phòng và bộ, ngành, địa phương liên quan

2018-2020

IV

Chỉ đạo công tác tuyên truyền, hợp tác quốc tế và vận động tài trợ, nghiên cứu khoa học và công nghệ

 

 

 

1

Chỉ đạo việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền về khắc phục hậu quả chất độc hóa học và bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam

Bộ Thông tin và Truyền Thông

Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan

2018-2020

2

Tổ chức vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701

VAVA, các cơ quan, tổ chức liên quan

2018-2020

3

Tổ chức cung cấp thông tin về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, tai nạn bom, mìn, chất độc hóa học cho các cơ quan thông tấn báo chí phục vụ công tác thông tin tuyên truyền

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701

Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan

2018-2020

4

Tổ chức Hội nghị Nhóm đối tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam (MAPG)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan

2018-2020

5

Tổ chức xây dựng, trình phê duyệt cơ chế vận động tài trợ trong nước bằng nguồn huy động xã hội hóa trong khắc phục hậu quả bom mìn

VNMAC

Bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan

2018

6

Tổ chức giáo dục phòng trách tai nạn bom mìn

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan

2018-2020

7

Chỉ đạo tổ chức thực hiện các văn bản hợp tác đã ký kết về xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa; Bản ghi nhớ giữa Ban Chỉ đạo 504 và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về khắc phục hậu quả bom mìn...

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701

Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan

2018-2020

8

Tổ chức các hoạt động hợp tác để huy động nguồn lực của các nước (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hungary, Đức, Thụy Sỹ ...) và các tổ chức quốc tế (USAID, JICA, KOICA, UNDP ...)

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701

Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan

2018-2020

9

Tổ chức hợp tác với hãng truyền thông Discovery xây dựng bộ phim tài liệu khắc phục hậu quả bom, mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701

Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan

2018-2020

10

Tổ chức hội nghị, hội thảo trong nước, quốc tế về chủ đề khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh (tại New York với chủ đề “Việt Nam: Khắc phục hậu quả chiến tranh, nỗ lực vì hòa bình và phát triển bền vững”, tại Washington D.C với chủ đề “Thành tựu hợp tác trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh và tác động đối với quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ”, tại Đà Nẵng về kết quả hợp tác quốc tế xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng...)

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701

Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan

2018-2020

11

Tiếp tục triển khai các đợt tập huấn về xử lý vật nổ và xử lý y tế ban đầu theo chuẩn IMAS cấp độ II, III

VNMAC

Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan

2018

12

Tổ chức tuyên truyền ngày phòng chống tai nạn bom mìn cho nhân dân Hà Giang, Khánh Hòa, Kon Tum

VNMAC

Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan

2018

13

Tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện mục tiêu, nội dung trong Chương trình khoa học và công nghệ về khắc phục hậu quả bom, mìn tồn lưu sau chiến tranh (Chương trình KC.BM)

VNMAC

Bộ Khoa học và Công nghệ

2018-2020

14

Tổ chức khảo sát kỹ thuật, xác định khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ phục vụ cho xây dựng bản đồ giai đoạn 2

Bộ Quốc phòng

Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan

2018-2020

15

Tăng cường năng lực quản lý, điều hành; năng lực rà phá bom, mìn sau chiến tranh

Bộ Quốc phòng

Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan

2018-2020

16

Hoàn thành dự án xây dựng khu chứng tích chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh và hỗ trợ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xử lý chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh tại sân bay A So, huyện A Lưới

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

2018-2020

17

Tăng cường năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường

2018-2020

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 406/QĐ-BCĐKPBMHH năm 2018 về phê duyệt Chương trình công tác giai đoạn 2018-2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam

  • Số hiệu: 406/QĐ-BCĐKPBMHH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/10/2018
  • Nơi ban hành: Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/10/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản