Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 358/QĐ-UBND

Đắk Nông, ngày 17 tháng 3 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH QUẢN LÝ, GIÁM SÁT CHẤT THẢI RẮN TẠI CÁC LƯU VỰC SÔNG, CÁC KHU, ĐIỂM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tổng hợp quản lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050;

Căn cứ Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa;

Căn cứ Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 59/TTr-STNMT ngày 05 tháng 3 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch quản lý, giám sát chất thải rắn sinh hoạt tại các lưu vực sông, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- TT. Tỉnh ủy (b/c);
- TT. HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, KTTH, CTTĐT, KTN(LVT).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Trọng Yên

 

KẾ HOẠCH

QUẢN LÝ, GIÁM SÁT CHẤT THẢI RẮN TẠI CÁC LƯU VỰC SÔNG, CÁC KHU, ĐIỂM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
(Kèm theo Quyết định số 358/QĐ-UBND ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông)

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Quản lý tốt việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt để ngăn ngừa việc xả chất thải rắn sinh hoạt ra các lưu vực sông, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

- Bảo vệ nguồn nước các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

2. Yêu cầu

- Bảo vệ nguồn nước, đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan.

- Triển khai kế hoạch đúng nội dung, thời gian, tiến độ và hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường tỉnh Đắk Nông.

II. Nội dung

1. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân về trách nhiệm, cách thức giảm thiểu phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển chất thải đến điểm tập kết đúng quy định, tái sử dụng, tái chế, hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần; các hành vi bị nghiêm cấm; chế tài xử phạt; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; trả phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt;

2. Có các phương án giảm thiểu, phân loại, thiết bị phương tiện, địa điểm thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy, tập trung chất thải rắn phù hợp với khối lượng, chủng loại chất thải và đủ khả năng tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các hộ gia đình trong đô thị, các khu dân cư, các khu, điểm du lịch;

3. Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường, xây dựng hương ước về bảo vệ môi trường phù hợp với từng địa phương;

4. Tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát thường xuyên và xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm về: san lấp, lấn chiếm sông, suối, kênh, mương; xây dựng nhà ở, công trình trái phép, không phép trong phạm vi hành lang bảo vệ sông, kênh, mương; thải rác xuống sông, suối, kênh, mương và cống thoát nước. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng theo quy định pháp luật (như thải rác ra sông, suối hoặc các lưu vực nguồn nước khác...). Khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có những việc làm, mô hình hay về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.

5. Quản lý, giám sát kết quả thực hiện giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy chất thải rắn của các đơn vị thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, các chủ đầu tư dự án khu dân cư tập trung, các khu, các điểm du lịch. Chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt.

6. Ban hành, thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (khuyến khích xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường, hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp), theo quy định của pháp luật để thu hút các tổ chức có đủ tư cách pháp nhân về phân loại, thu gom, lưu trữ, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải, thu hồi năng lượng từ quá trình xử lý chất thải, sử dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường; Khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tạo điều kiện thuận lợi để cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổ chức việc thu hồi sản phẩm thải bỏ; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại;

7. Xây dựng kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

8. Quy định việc giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy chất thải rắn sinh hoạt và quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu trữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hệ thống công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

9. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy chất thải rắn phù hợp với quy hoạch xây dựng, tổ chức vận hành công trình công cộng phục vụ quản lý chất thải trên địa bàn.

10. Định kỳ tổ chức khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh, mương; dọn dẹp vệ sinh, vớt rác thải tại các khu vực sông, suối và các lưu vực nguồn nước khác ở địa phương.

11. Xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt do nhà nước quản lý và bãi chôn lấp chất thải rắn tự phát trên địa bàn.

III. Kinh phí thực hiện

Hàng năm, các đơn vị chủ động lập đề cương, dự toán theo nhiệm vụ được phân công và kinh phí chi thường xuyên được bố trí; UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa lồng ghép thực hiện trong chương trình mục tiêu và các Đề án, dự án để triển khai thực hiện.

Nguồn kinh phí: Ngân sách địa phương theo phân cấp hiện hành và nguồn kinh phí huy động, đóng góp hợp pháp khác (nếu có).

IV. Phân công nhiệm vụ và tổ chức thực hiện

(Chi tiết như phụ lục đính kèm)

Trên đây là Kế hoạch quản lý, giám sát chất thải rắn tại các lưu vực sông, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện. Định kỳ, trước ngày 10 tháng 12 hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện và khó khăn, vướng mắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 

PHỤ LỤC:

PHÂN CÔNG THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ, GIÁM SÁT VỀ RÁC THẢI SINH HOẠT TẠI CÁC LƯU VỰC SÔNG, CÁC KHU, ĐIỂM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 358/QĐ-UBND ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông)

TT

Nội dung thực hiện

Thời gian thực hiện

Cơ quan thực hiện

Cơ quan phối hợp

Căn cứ

Dự kiến kết quả thực hiện

1

Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cá nhân, tổ chức, hộ gia đình về trách nhiệm, cách thức giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển chất thải đến điểm tập kết đúng quy định, tái sử dụng, tái chế, hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần; các hành vi bị nghiêm cấm; chế tài xử phạt; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; trả phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt.

2020 - 2025

UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa (theo địa giới hành chính)

- Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp;

- Hội nông dân;

- Đoàn thanh niên;

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Sở Thông tin và Truyền thông.

- Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

- Điều 16 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015 của Chính phủ;

- Khoản 1, Điều 9 Luật Tài nguyên nước năm 2012;

- Điều 20, Điều 28, Điều 48 đến Điều 51 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ

- Các tổ chức, cá nhân nắm rõ về trách nhiệm, cách thức phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt, hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần; các hành vi bị nghiêm cấm; chế tài xử phạt; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; trả phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật.

- Nghiêm chỉnh chấp hành phân loại rác, thu gom chất thải rắn đúng nơi quy định.

- Triển khai thí điểm một số địa phương, các khu, điểm du lịch các mô hình thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

- Tổ chức, cá nhân nắm rõ số điện thoại đường dây nóng từng địa phương và tỉnh để kịp thời cung cấp thông tin về các vi phạm giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế chất thải sinh hoạt.

2

Có các phương án giảm thiểu, phân loại, thiết bị phương tiện, địa điểm thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy, tập trung chất thải rắn phù hợp với khối lượng, chủng loại chất thải và đủ khả năng tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các hộ gia đình trong đô thị, các khu dân cư, các khu, điểm du lịch.

2022 - 2024

UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa (theo địa giới hành chính)

- Sở Xây dựng hướng dẫn quy hoạch các điểm tập kết chất thải rắn để thuận tiện thu gom, xử lý;

- Sở Giao thông vận tải phối hợp về tuyến đường thu gom, vận chuyển chất thải rắn;

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa nội dung “hạn chế phát sinh chất thải nhựa, thu gom, phân loại và chuyển giao chất thải phát sinh cho các đơn vị có tư cách pháp nhân” vào kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch;

- Ban quản lý Công viên địa chất Đắk Nông.

- Khoản 3 Điều 80 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

- Điều 15, Điều 17 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ

- Mỗi xã, phường đều có trạm trung chuyển thu gom chất thải rắn đã phân loại.

- Ít nhất 3 huyện có 1 Khu liên hợp tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn theo định hướng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, quy mô tương ứng với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

- Sau khi kết thúc các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, nơi diễn ra sự kiện đảm bảo cảnh quan môi trường trong sạch, không có hiện tượng thải chất thải bừa bãi gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Các khu, điểm du lịch có các phương án giảm thiểu, phân loại, phương tiện, thiết bị để thu gom chất thải đã phân loại tại nguồn và hợp đồng chuyển giao chất thải rắn cho đơn vị đủ tư cách pháp nhân.

3

Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường, xây dựng hương ước về bảo vệ môi trường phù hợp với từng địa phương.

Hàng năm

UBND các xã, phường, thị trấn (theo địa giới hành chính)

- Hội liên hiệp phụ nữ các cấp, Đoàn thanh niên, hội nông dân;

- Sở Tư Pháp;

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- Sở Tài nguyên và Môi trường

- Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014

- Bản quy ước, hương ước Bảo vệ môi trường.

- Số xã, phường, thị trấn đã xây dựng Bản quy ước, hương ước Bảo vệ môi trường.

Hàng năm đánh giá kết quả thực hiện sau khi ban hành quy ước, hương ước.

4

Tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát thường xuyên và xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm về: san lấp, lấn chiếm sông, suối, kênh, mương; xây dựng nhà ở, công trình trái phép, không phép trong phạm vi hành lang bảo vệ sông, kênh, mương; thải rác bừa bãi xuống sông, suối, kênh, mương và cống thoát nước. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng theo quy định pháp luật (như thải rác bừa bãi ra sông, suối hoặc các lưu vực nguồn nước khác...). Khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có những việc làm, mô hình hay về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.

Hàng năm

UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa (theo địa giới hành chính)

- Công an tỉnh;

- Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- UBND các xã, phường, thị trấn (theo địa giới hành chính)

- Điều 71 Luật Tài nguyên nước năm 2012;

- Khoản 1, Điều 9 Luật Tài nguyên nước năm 2012;

- Điều 48 đến Điều 51 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ.

- Không còn tình trạng xả rác bừa bãi. Chất thải rắn phát sinh được phân loại, thu gom xử lý 100% vào năm 2025.

- Khen thưởng các tổ chức, cá nhân có các hoạt động góp phần hạn chế phát sinh chất thải rắn, bảo vệ môi trường lưu vực sông, các điểm du lịch.

5

Quản lý, giám sát kết quả thực hiện giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy chất thải rắn của các đơn vị thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, các chủ đầu tư dự án khu dân cư tập trung, các khu, các điểm du lịch. Chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt.

Hàng năm

Sở Tài nguyên và Môi trường

- Sở Xây dựng;

- Sở Giao thông và Vận tải;

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- UBND các huyện, thành phố.

- Khoản 5, Điều 80 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

- Điều 21, Điều 28 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015 của Chính phủ;

- Khoản 4, Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ.

- Không xảy ra tình trạng chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn. Thu gom không triệt để.

- Các đơn vị thu gom, xử lý chất thải rắn: nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải.

6

Ban hành, thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (khuyến khích xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường, hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp), theo quy định của pháp luật để thu hút các tổ chức có đủ tư cách pháp nhân về phân loại, thu gom, lưu trữ, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải, thu hồi năng lượng từ quá trình xử lý chất thải, sử dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường; Khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tạo điều kiện thuận lợi để cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổ chức việc thu hồi sản phẩm thải bỏ; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

2021 - 2024

Sở Tài nguyên và Môi trường

- Sở Tư pháp;

- Các Sở, Ban, ngành liên quan

- Khoản 3, Điều 88 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

- Khoản 3, Điều 87 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

- Điều 28 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015 của Chính phủ.

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động quản lý chất thải theo quy định của pháp luật.

- Bộ đơn giá thu gom, xử lý chất thải rắn.

7

Xây dựng kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu trữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

2021 - 2025

Sở Tài nguyên và Môi trường

- Sở Xây dựng;

- UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa

- Điều 86, Điều 87 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

- Điều 28 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015 của Chính phủ

Kế hoạch quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

8

Quy định việc giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy chất thải rắn sinh hoạt và quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu trữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hệ thống công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

Hàng năm

Sở Tài nguyên và Môi trường

- Sở Xây dựng;

- Sở Khoa học và Công nghệ;

- Sở Tài chính.

- Khoản 2, Điều 88 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014

- Kế hoạch bố trí vị trí thu gom, trạm trung chuyển chất thải trên các tuyến đường. Khu liên hợp xử lý chất thải.

9

Xây dựng cơ sở hạ tầng giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy chất thải rắn phù hợp với quy hoạch xây dựng, tổ chức vận hành công trình công cộng phục vụ quản lý chất thải trên địa bàn.

2021 - 2025

UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa (theo địa giới hành chính)

- Sở Xây dựng;

- Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- UBND các xã, phường, thị trấn (theo địa giới hành chính)

 

 

10

Định kỳ tổ chức khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh, mương; dọn dẹp vệ sinh, vớt rác thải tại các khu vực sông, suối và các lưu vực nguồn nước khác.

Hàng năm

UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa (theo địa giới hành chính)

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- UBND các xã, phường, thị trấn

 

 

11

Xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt do nhà nước quản lý và bãi chôn lấp chất thải rắn tự phát trên địa bàn.

Hàng năm

UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa (theo địa giới hành chính)

- Sở Tài chính;

- Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Sở Kế hoạch và Đầu tư

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 358/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch quản lý, giám sát chất thải rắn sinh hoạt tại các lưu vực sông, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

  • Số hiệu: 358/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/03/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
  • Người ký: Lê Trọng Yên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản