Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 344/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “HƯỚNG DẪN CÁCH LY Y TẾ TẠI CƠ SỞ CÁCH LY TẬP TRUNG ĐỂ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT CORONA (NCOV)”

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 01/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV)”

Điều 2. Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV)” được áp dụng tại cơ sở cách ly tập trung do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của đối tượng phải cách ly y tế.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế; Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- PTTg. Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Thành viên BCĐ QGPCDB do nCoV;
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế;
- Lưu: VT, DP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Xuân Tuyên

 

HƯỚNG DẪN

VỀ VIỆC BAN HÀNH “HƯỚNG DẪN CÁCH LY Y TẾ TẠI CƠ SỞ CÁCH LY TẬP TRUNG ĐỂ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT CORONA (NCOV)”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 344/QĐ-BYT ngày 07 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

I. Mục đích:

Ngăn chặn sự lây lan của bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

II. Hình thức cách ly:

Cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

III. Đối tượng cách ly:

1. Người đến từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

2. Người Việt Nam đến từ hoặc đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) trở về Việt Nam trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

IV. Bố trí khu vực cách ly:

Khu vực cách ly của người đến từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam phải được bố trí riêng biệt với nơi cách ly của các đối tượng khác.

V. Thời gian cách ly:

Cách ly 14 ngày tính từ ngày nhập cảnh.

VI. Tổ chức thực hiện cách ly:

1. Tại cửa khẩu

Đơn vị Kiểm dịch y tế quốc tế và các đơn vị có liên quan:

a) Thực hiện khai báo y tế và kiểm dịch y tế đối với người nhập cảnh.

b) Báo cáo người đứng đầu cơ quan phụ trách cửa khẩu quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế.

c) Thông báo với người liên hệ của người được cách ly theo quy định.

d) Gửi văn bản thông báo về việc áp dụng biện pháp cách ly y tế đối với người nước ngoài đến Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao để tiến hành thủ tục thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của quốc gia và vùng lãnh thổ có người được cách ly.

đ) Tiến hành các thủ tục cách ly y tế tại cơ sở y tế theo quy định đối với những người có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh phát hiện được tại cửa khẩu.

e) Phát khẩu trang y tế và hướng dẫn người được cách ly sử dụng khẩu trang đúng cách.

g) Đưa những người không có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh (sốt, ho, khó thở) đến cơ sở cách ly tập trung do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định.

h) Lái xe và người hỗ trợ vận chuyển phải đeo khẩu trang y tế và phòng hộ trong quá trình vận chuyển; rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sau khi kết thúc nhiệm vụ.

i) Khử trùng phương tiện vận chuyển bằng dung dịch khử trùng có chứa clo với nồng độ 0,5% clo hoạt tính ngay sau khi vận chuyển.

2. Tại cơ sở cách ly

2.1. Cán bộ y tế và nhân viên cơ sở cách ly

a) Tổ chức tiếp đón và lập danh sách người được đưa đến cách ly; ghi nhận thông tin về địa chỉ gia đình, nơi lưu trú, số điện thoại cá nhân; tên người và số điện thoại để liên hệ khi cần thiết.

b) Thông báo yêu cầu, mục đích, thời gian của việc cách ly cho người được cách ly; giải thích tạo sự đồng thuận, tình nguyện thực hiện cách ly.

c) Sắp xếp người được cách ly vào phòng cách ly, tốt nhất mỗi người một phòng; trong trường hợp phải cách ly theo nhóm, tốt nhất các giường cách ly phải đặt cách nhau tối thiểu 1 mét trở lên.

d) Phát tờ rơi khuyến cáo phòng bệnh và hướng dẫn người được cách ly các biện pháp tự phòng bệnh và phòng lây nhiễm cho người khác, bao gồm: cách sử dụng và tự đo thân nhiệt ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày, tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác; thông báo cho cán bộ y tế ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở.

đ) Hướng dẫn người được cách ly thu gom riêng khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có màu sắc và biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh (việc xử lý rác thải này được quy định tại phần VII của hướng dẫn này); đối với các rác thải sinh hoạt khác, thu gom vào các thùng đựng rác thải thông thường.

e) Báo cáo kết quả theo dõi hàng ngày cho Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hoặc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

g) Theo dõi tình trạng sức khỏe và đo thân nhiệt người được cách ly ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày. Ghi nhận kết quả vào mẫu theo dõi sức khỏe của người được cách ly.

h) Thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống lây nhiễm cho cán bộ y tế theo quy định của Bộ Y tế khi tiếp xúc với người được cách ly.

i) Thông báo cho người được cách ly về việc sẽ lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc nCoV để phân loại người được cách ly, trong đó nêu rõ: người có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ được chuyển đến cơ sở y tế để quản lý, điều trị, cách ly theo đúng quy định; người có kết quả xét nghiệm âm tính không có nghĩa là đã loại trừ nhiễm nCoV và vẫn cần phải tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú theo quy định cho tới khi đủ 14 ngày theo quy định.

k) Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hoặc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc nCoV cho đối tượng cách ly. Đối tượng cách ly có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ được chuyển đến cơ sở y tế để quản lý, điều trị, cách ly theo đúng quy định; đối tượng cách ly có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú cho đến khi đủ 14 ngày theo quy định.

l) Báo cáo ngay cho người phụ trách cơ sở cách ly, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hoặc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi có đối tượng cách ly có triệu chứng sốt, ho, khó thở trong quá trình cách ly. Có biện pháp chuyển những người có triệu chứng sốt, ho, khó thở đến cơ sở y tế để được quản lý, điều trị, và cách ly theo quy định.

m) Báo cáo kết quả theo dõi hàng ngày cho Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hoặc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

n) Ứng xử tận tình, chia sẻ, động viên và giúp đỡ người được cách ly khi thực hiện nhiệm vụ tạo tâm lý thoải mái, tin tưởng và cộng tác cho người được cách ly trong suốt quá trình theo dõi.

2.2. Người được cách ly

a) Chấp hành việc cách ly tập trung theo quy định và theo nội quy của cơ sở cách ly tập trung.

b) Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác.

c) Đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày và tự theo dõi sức khỏe hàng ngày.

d) Thông báo cho cán bộ y tế được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở.

đ) Hàng ngày thực hiện việc hạn chế ra khỏi phòng cách ly và tiếp xúc trực tiếp với người khác trong khu vực cách ly.

e) Thu gom riêng khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có màu sắc và biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh;

g) Thu gom các rác thải sinh hoạt khác vào các thùng đựng rác thải thông thường;

h) Phối hợp với cán bộ y tế lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm sàng lọc.

2.3. Cơ sở cách ly

a) Có nội quy khu vực cách ly.

b) Đảm bảo cơ sở vật chất thiết yếu cho nhu cầu sinh hoạt của người được cách ly. Cung ứng suất ăn cho từng người trong thời gian bị cách ly.

c) Không tổ chức ăn uống tập trung đông người trong khu vực cách ly.

d) Đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình cách ly.

đ) Tạo điều kiện, động viên, chia sẻ, giúp đỡ người được cách ly để người được cách ly yên tâm thực hiện việc cách ly trong suốt thời gian theo dõi.

e) Giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly và tiến hành cưỡng chế cách ly y tế nếu người được cách ly không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế.

g) Đảm bảo an ninh, an toàn tại khu vực cách ly.

2.4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức cách ly

a) Chỉ đạo, tổ chức việc thực hiện cách ly tập trung và huy động các nguồn lực để thực hiện việc cách ly chống dịch; tạo điều kiện, hỗ trợ để người được cách ly yên tâm thực hiện việc cách ly trong suốt thời gian theo dõi.

b) Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly và tiến hành cưỡng chế cách ly y tế nếu người được cách ly không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế.

VII. Phòng chống lây nhiễm tại cơ sở cách ly

1. Các cơ sở cách ly tập trung phải đảm bảo thực hiện phòng chống lây nhiễm tại cơ sở bằng việc thực hiện vệ sinh thông khí, thông thoáng phòng ở, không dùng điều hòa; hàng ngày lau rửa nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong phòng bằng các dung dịch sát khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường.

2. Phát khẩu trang y tế và hướng dẫn người được cách ly sử dụng khẩu trang đúng cách.

3. Tại các cửa phòng, khu vệ sinh, nơi ra vào, phòng ăn, nhà bếp phải bố trí nơi rửa tay với xà phòng, dung dịch sát khuẩn nhanh để thuận tiện sử dụng.

4. Tại cửa ra vào khu cách ly có thảm tẩm đẫm dung dịch khử trùng có chứa 0,5% Clo hoạt tính đặt trong khay nhựa hoặc khay kim loại để khử khuẩn đế giày dép. Bổ sung dung dịch khử trùng có chứa 0,5% Clo hoạt tính vào thảm khử trùng giày dép sau mỗi 4 tiếng.

5. Chất thải là khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng của người cách ly được thu gom, vận chuyển và xử lý như chất thải lây nhiễm, cụ thể như sau: túi đựng khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng được đựng vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có màu sắc và biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh phải được buộc kín miệng và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ hai, thu gom vào thùng đựng chất thải lây nhiễm. Thùng đựng chất thải lây nhiễm phải có thành cứng, có nắp đậy kín, có lắp bánh xe và được vận chuyển về nơi lưu giữ tạm thời trong cơ sở ít nhất 2 lần/ngày. Chất thải lây nhiễm phải được vận chuyển đi xử lý ngay trong ngày. Các thùng đựng chất thải lây nhiễm phải được khử khuẩn bằng dung dịch khử trùng có chứa 0,5% Clo hoạt tính ngay sau khi sử dụng.

6. Các chất thải sinh hoạt khác được thu gom, vận chuyển, xử lý như chất thải thông thường.

7. Phương tiện vận chuyển người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải được khử trùng bằng dung dịch khử trùng có chứa 0,5% Clo hoạt tính ngay sau khi sử dụng.

8. Vật dụng cá nhân như quần áo, chăn màn, bát đĩa, cốc chén được giặt, rửa bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

9. Hạn chế tối đa những người không phận sự vào khu vực cách ly.

VIII. Xử lý khi phát hiện trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh tại cơ sở cách ly

1. Báo cáo ngay cho người phụ trách cơ sở cách ly, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hoặc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chính quyền địa phương.

2. Chuyển những người cùng phòng với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sang khu vực riêng không cùng chỗ với những người đang được cách ly khác.

3. Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hoặc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều tra dịch tễ ca bệnh.

4. Vận chuyển người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh đến bệnh viện được chỉ định bởi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để quản lý, điều trị, và lấy mẫu bệnh phẩm.

5. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hoặc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành xử lý phòng bệnh nhân theo đúng quy định của Bộ Y tế. Phòng của bệnh nhân chỉ được sử dụng trở lại sau khi được khử trùng.

IX. Hoàn tất nhiệm vụ của cơ sở cách ly

Sau khi kết thúc nhiệm vụ, cơ sở cách ly tập trung tiến hành thực hiện các công việc sau:

1. Thực hiện các thủ tục hoàn tất nhiệm vụ theo quy định của các cấp có thẩm quyền.

2. Dọn dẹp chất thải, rác thải và thực hiện vệ sinh môi trường.

3. Tiến hành khử trùng lần cuối khu vực cách ly bằng phun dung dịch khử trùng có chứa clo 0,5% clo hoạt tính.

4. Thực hiện báo cáo tổng kết hoàn tất nhiệm vụ cách ly y tế.

5. Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện đến chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 344/QĐ-BYT năm 2020 ban hành "hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở tập trung để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV)" do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 344/QĐ-BYT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/02/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Đỗ Xuân Tuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/02/2020
  • Ngày hết hiệu lực: 12/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản