Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3427/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 13 tháng 11 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN KIỆN TOÀN HỆ THỐNG TỔ CHỨC Y TẾ TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”;

Căn cứ Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Căn cứ Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

Triển khai Thông báo số 393-TB/TU ngày 18/10/2018 của Tỉnh uỷ về kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tại phiên họp ngày 11/10/2018 về việc cho chủ trương các đề án do Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh trình;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 1623/TTr-SYT ngày 22/10/2018 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1920/TTr-SNV ngày 25/10/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Đề án kiện toàn hệ thống tổ chức y tế tỉnh Quảng Nam (kèm theo Đề án).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Y tế (báo cáo);
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Các Sở, Ban, ngành;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, NC, KGVX.
D:\QUANG VX\Năm 2018\Quyết định\ban hanh DA he thong Y te 2018.doc

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đinh Văn Thu

 

ĐỀ ÁN

KIỆN TOÀN HỆ THỐNG TỔ CHỨC Y TẾ TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3427 /QĐ-UBND ngày 13 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG, ĐÁNH GIÁ, SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ

Thưc hiên Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 10/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; căn cứ Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Thông tư số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Thông tư số 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy dân số - kế hoạch hoá gia đình ở địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án kiện toàn hệ thống tổ chức y tế tỉnh Quảng Nam với nội dung sau:

I. THỰC TRẠNG HỆ THỐNG TỔ CHỨC Y TẾ TẠI TỈNH QUẢNG NAM

1. Về tổ chức bộ máy:

a) Cơ quan Sở Y tế:

- Lãnh đạo Sở Y tế: Gồm Giám đốc và 03 Phó Giám đốc;

- Các phòng chức năng: Có 07 phòng[1].

b) Các Chi cục:

- Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình;

- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

c) Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế:

- Tuyến tỉnh: gồm 18 đơn vị.

+ 03 Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh[2];

+ 05 Bệnh viện chuyên khoa[3];

+ 10 Trung tâm chuyên khoa[4].

- Tuyến huyện:

+ 18 Trung tâm Y tế[5] và Bệnh viện đa khoa thành phố Hội An trực thuộc Sở Y tế;

+ 18 Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh;

+ 13 Phòng khám đa khoa khu vực trực thuộc Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố hoặc Bệnh viện đa khoa khu vực.

- Tuyến xã, phường, thị trấn:

+ 244 Trạm Y tế trực thuộc Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố/244 xã, phường, thị trấn;

+ Mạng lưới y tế thôn, bản và cộng tác viên dân số: Có 1.590 nhân viên y tế thôn bản và 3.676 cộng tác viên dân số đang hoạt động tại 1.725 thôn, bản trong toàn tỉnh (đạt tỉ lệ 92% thôn, bản có nhân viên y tế thôn bản hoạt động).

d) Các đơn vị y tế công lập không trực thuộc Sở Y tế gồm:

- Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam, trực thuộc Bộ Y tế;

- Ban Bảo vệ sức khoẻ cán bộ, trực thuộc Ban Tổ chức Tỉnh uỷ;

- Trường Cao đẳng Y tế tỉnh Quảng Nam, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh;

- 18 Phòng Y tế, thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố.

2. Về biên chế và đội ngũ:

a) Tổng biên chế công chức:

- Được giao: 68 biên chế và 10 Hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP;

- Thực hiện: 69 (đã tuyển dụng: 56; hợp đồng chuyên môn trước ngày 31/12/2015 là 04 và hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP là 09);

- Chưa tuyển dụng: 09 (Trong đó có 08 biên chế và 01 hợp đồng Nghị định 68/2000/NĐ-CP).

b) Tổng biên chế sự nghiệp y tế:

- Được giao: 5.913 biên chế;

- Thực hiện: 4.604 (Trong đó: đã tuyển dụng: 4.264; hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: 340 người). Ngoài ra, các đơn vị đã hợp đồng: 1.751 người (các hợp đồng này có trước ngày 31/12/2015 và sử dụng nguồn thu của đơn vị) để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nhất là tại các bệnh viện.

II. ĐÁNH GIÁ

1. Ưu điểm:

Hệ thống tổ chức y tế được quản lý theo ngành dọc từ tuyến tỉnh đến cơ sở giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý y tế như : Trung tâm Y tế tuyến huyện được tổ chức chặt chẽ, trực thuộc Sở Y tế, thực hiện 02 chức năng khám chữa bệnh và công tác y tế dự phòng. Trạm Y tế trực thuộc Trung tâm Y tế tuyến huyện tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý về chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ tốt hơn cho công tác khám chữa bệnh ban đầu và y tế dự phòng cho nhân dân.

Với việc tổ chức hệ thống tại tỉnh như hiện nay còn giúp cho sự tăng cường, hỗ trợ (nhân lực, chuyên môn...) của tuyến trên xuống tuyến dưới; thống nhất được vấn đề đầu tư trọng điểm có tính chuyên sâu với đầu tư có tính chất cơ bản trong hệ thống các đơn vị y tế ... phù hợp với định hướng phát triển chung theo quy hoạch trong toàn ngành y tế.

2. Hạn chế:

a) Tuyến tỉnh:

Trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh nhiều đầu mối; một số chức năng, nhiệm vụ của ngành chưa được quản lý tập trung.

b) Tuyến huyện:

- Hoạt động của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tuyến huyện trực thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chưa đạt được hiệu quả cao, các dịch vụ về kế hoạch hóa gia đình chủ yếu vẫn do các Trung tâm Y tế tuyến huyện thực hiện. Vì vậy việc tồn tại cả hai đơn vị độc lập tại tuyến huyện gây lãng phí về nhân lực và cơ sở vật chất;

- Phòng Y tế thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố chưa phát huy hiệu quả trong công tác tham mưu cho UBND cấp huyện về lĩnh vực y tế trên địa bàn;

- Một số Phòng khám đa khoa khu vực không còn phát huy hiệu quả và trực thuộc các Bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện thành phố… chưa đúng theo quy định.

c) Tuyến xã:

Tại một số xã, phường, thị trấn còn tồn tại song song vừa Trạm Y tế và Phòng khám đa khoa khu vực gây lãng phí nhân lực và cơ sở vật chất;

Đội ngũ nhân viên y tế thôn bản và cộng tác viên dân số hoạt động độc lập, số lượng cộng tác viên dân số nhiều, hiệu quả hoạt động chưa cao và có sự chồng lấn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

III. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ

1. Sự cần thiết:

Đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy ngành y tế là nhiệm vụ rất quan trọng, là điểm xuất phát trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của ngành y tế. Thực hiện các quan điểm, chủ trương, chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện, trình Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng để đối mới, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy ngành y tế từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế nhằm đáp ứng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Tại tỉnh Quảng Nam, năm 2009, nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy, ngành y tế tỉnh Quảng Nam đã sáp nhập Trung tâm Y tế dự phòng vào Bệnh viện đa khoa tuyến huyện và thành lập Trung tâm Y tế tuyến huyện thực hiện 02 chức năng (khám chữa bệnh và phòng bệnh) giúp giảm 14 đầu mối trực thuộc Sở.

Đến năm 2014, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và năm 2015, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì mô hình tổ chức, bộ máy của ngành y tế tỉnh Quảng Nam đã được thực hiện theo đúng các quy định trên.

Tuy nhiên, hệ thống tổ chức bộ máy y tế trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều đầu mối, có sự chồng chéo trong quản lý, việc sử dụng các nguồn lực chưa đạt được hiệu quả cao.... Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của ngành theo hướng tinh gọn, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương sáu khóa XII là vô cùng cần thiết nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy để thực hiện tốt hơn việc tinh giản biên chế, phát huy tối đa hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực cho công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

2. Cơ sở pháp lý:

- Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

- Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

- Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

- Quyết định số 225/2006/QĐ-TTg ngày 09/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia y tế dự phòng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;

- Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước;

- Thông tư số 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy dân số - kế hoạch hóa gia đình ở địa phương;

- Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Y tế thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

- Công văn số 1619/BYT-TCCB ngày 26/3/2018 của Bộ Y tế về việc kiện toàn hệ thống tổ chức y tế ở địa phương theo Nghị quyết Trung ương sáu khoá XII.

Phần thứ hai

PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP, KIỆN TOÀN HỆ THỐNG TỔ CHỨC Y TẾ TẠI TỈNH QUẢNG NAM

I. MỤC TIÊU

Kiện toàn hệ thống tổ chức y tế ở tỉnh Quảng Nam theo Nghị quyết số 19- NQ/TW, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII nhằm thực hiện chủ trương cải cách hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn - hiệu lực - hiệu quả, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong quản lý nhà nước, kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành và lãnh thổ, theo quy định của pháp luật.

II. YÊU CẦU

1. Việc thực hiện sắp xếp, kiện toàn phải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; trong quá trình sắp xếp phải bảo đảm hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, các cơ quan, đơn vị không bị gián đoạn, xáo trộn; sau sắp xếp, kiện toàn lại hoạt động tốt hơn, hiệu quả cao hơn; tập trung huy động, phát huy tiềm năng đội ngũ và cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có. Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động sau khi sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đúng quy định và đảm bảo quyền lợi cho người lao động;

2. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của ngành phải được tuyên truyền, triển khai, phổ biến sâu rộng đến từng công chức, viên chức và người lao động để quán triệt về mục tiêu, ý nghĩa của việc tinh gọn bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; từ đó, thống nhất nhận thức và hành động trong tổ chức thực hiện;

3. Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp chủ yếu để các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp của ngành xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, bảo đảm đạt được mục tiêu, hiệu quả của công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành;

4. Bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh.

III. NGUYÊN TẮC

Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tổ chức tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả trên tinh thần xây dựng ngành y tế tỉnh Quảng Nam khoa học và đại chúng, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

IV. PHƯƠNG ÁN VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Đơn vị hành chính thuộc Sở Y tế:

a) Cơ quan Sở Y tế:

- Giải thể Phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân - Bảo hiểm y tế và giao chức năng, nhiệm vụ cho Phòng Nghiệp vụ Y, Nghiệp vụ Dược thuộc Sở thực hiện;

- Sáp nhập Phòng Tổ chức cán bộ và Văn phòng Sở thành Phòng Tổ chức - Hành chính thuộc Sở.

Việc giải thể, sáp nhập các Phòng nêu trên hoàn thành trong tháng 12/2018.

b) Tiếp tục giữ nguyên 02 Chi cục trực thuộc Sở Y tế:

- Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình;

- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

2. Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế:

a) Tuyến tỉnh:

- Sáp nhập 05 Trung tâm[6] thực hiện chức năng dự phòng thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) theo quy định tại Thông tư số 26/2017/TT -BYT ngày 26/6/2017 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Sáp nhập bộ phận kiểm nghiệm thực phẩm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh vào Trung tâm Kiểm nghiệm thành Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm;

- Nâng cấp Trung tâm Da Liễu Quảng Nam hiện nay lên thành Bệnh viện Da liễu;

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm và Bệnh viện Da liễu dự kiến đi vào hoạt động kể từ ngày 01/01/2019.

- Thành lập Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam trên cơ sở tổ chức lại Bệnh viện Nhi Quảng Nam.

b) Tuyến huyện:

- Sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện, thị xã, thành phố vào Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố và hoạt động theo mô hình Trung tâm Y tế tuyến huyện đa chức năng; bao gồm y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, dân số và các nhiệm vụ khác của ngành y tế. Dự kiến đi vào hoạt động kể từ ngày 01/01/2019;

- Xây dựng Bệnh viện đa khoa thành phố Hội An đạt chuẩn bệnh viện hạng II để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân của thành phố du lịch và thực hiện mô hình hoạt động theo đối tác công tư (PPP);

- Giải thể 04 Phòng khám đa khoa khu vực[7] không phát huy hiệu quả;

- Giữ nguyên và bàn giao Phòng khám đa khoa khu vực[8] về các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố quản lý theo đúng quy định và chuyển thành đơn nguyên điều trị nội trú để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân do các phòng khám đã và đang được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị;

- Nâng cấp Phòng khám đa khoa khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc thành Bệnh viện Điện Nam - Điện Ngọc trực thuộc Sở Y tế và thực hiện theo mô hình hoạt động đối tác y tế công tư (PPP).

c) Tuyến xã:

- Xây dựng và phát triển Trạm Y tế xã, phường, thị trấn hoạt động theo nguyên lý y học gia đình;

- Sáp nhập Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn vào Phòng khám đa khoa khu vực đóng trên địa bàn xã, phường, thị trấn đó; riêng đối với các Trạm Y tế tại các phường, thị trấn có Trung tâm Y tế tuyến huyện đóng trên địa bàn vẫn được giữ lại theo đúng quy định để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, quản lý sức khoẻ toàn diện, liên tục cho người dân trên địa bàn, công tác truyền thông - giáo dục sức khoẻ và y tế dự phòng;

- Xây dựng đề án kiện toàn, sắp xếp đội ngũ nhân viên y tế thôn bản , cộng tác viên dân số sau khi có quyết định sắp xếp lại thôn, bản, tổ dân phố theo định hướng: Mỗi tổ dân phố có 01 nhân viên và mỗi thôn , bản có 02 nhân viên thực hiện cả 03 nhiệm vụ: Cộng tác viên dân số + Gia đình và trẻ em + Y tế thôn bản.

3. Các cơ quan, đơn vị y tế khác:

Thực hiện ý kiến thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ:

a) Giao Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam về Sở Y tế, khi Bộ Y tế bàn giao cho tỉnh Quảng Nam quản lý;

b) Giao nhiệm vụ thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ của Ban Bảo vệ sức khoẻ cán bộ thuộc Ban Tổ chức Tỉnh uỷ về Bệnh viện đa khoa Quảng Nam trực thuộc Sở Y tế; dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2018;

c) Giải thể Phòng Y tế thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố và giao chức năng, nhiệm vụ cho Văn phòng Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân huyện, thị xã, thành phố thực hiện; dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2018;

d) Tiếp nhận và giao Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện các chức năng, nhiệm vụ về công tác y tế học đường, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thông qua Đề án sắp xếp mạng lưới trường, lớp gắn với bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam;

đ) Nghiên cứu sắp xếp các Trạm Y tế khác địa bàn xã, phường, thị trấn nhưng có trụ sở gần nhau, với lộ trình phù hợp.

(Sau khi Đề án kiện toàn hệ thống tổ chức y tế tỉnh Quảng Nam được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, giao Sở Y tế xây dựng các Đề án chi tiết về sắp xếp, kiện toàn các đơn vị nêu trên để triển khai thực hiện).

V. KẾT QUẢ SAU KHI SẮP XẾP, KIỆN TOÀN TỔ CHỨC MỘ MÁY

Sau khi kiện toàn hệ thống tổ chức, ngành y tế tỉnh Quảng Nam sẽ giảm được tổng cộng 36 đơn vị, 04 công chức (trong tổng số 07 biên chế công chức sẽ giảm theo Đề án vị trí việc làm và tinh giản biên chế đến năm 2021) và 93 biên chế sự nghiệp (trong tổng số 590 biên chế sự nghiệp sẽ giảm theo Đề án tinh giản biên chế đến năm 2021). Cụ thể như sau:

1. Đơn vị hành chính trực thuộc Sở Y tế:

Sau khi sắp xếp, kiện toàn còn 05 Phòng chuyên môn và 02 Chi cục trực thuộc Sở, giảm được 02 Phòng chuyên môn thuộc Sở và 04 biên chế hành chính[9].

2. Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế:

a) Tuyến tỉnh:

Sau khi sắp xếp, kiện toàn còn 15 đơn vị, giảm được 04 đơn vị và 18 biên chế, đạt 10,3%[10].

b) Tuyến huyện:

Sau khi sắp xếp, kiện toàn còn 18 đơn vị, giảm được 18 đơn vị và 40 biên chế[11].

c) Phòng khám đa khoa khu vực và tuyến xã:

Sau khi sắp xếp, kiện toàn sẽ có 236 Trạm Y tế và 08 Phòng khám đa khoa khu vực (trong đó, Phòng khám đa khoa khu vực kiêm nhiệm luôn chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế). Giảm 12 đơn vị đầu mối và 34 biên chế[12].

Riêng đội ngũ nhân viên y tế thôn bản và cộng tác viên dân số sẽ giảm từ 4.361 người xuống còn khoảng 3.000 người.

3. Các cơ quan, đơn vị y tế khác:

a) Giảm 01 đơn vị (Ban Bảo vệ sức khoẻ cán bộ) trực thuộc Ban Tổ chức Tỉnh uỷ;

b) Giảm được 18 Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế:

- Kế hoạch hóa gia đình. Tính đến năm 2021, Sở Y tế sẽ giảm 07 biên chế hành chính (10,3%), sau khi sáp nhập sẽ giảm 04 biên chế tương ứng với 5,9%, đạt 57% so với kế hoạch tinh giản biên chế hành chính.

Là cơ quan đầu mối, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án:

- Xây dựng các Đề án và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục việc giải thể, sáp nhập các đơn vị trực thuộc (gồm: thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm, Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện Da liễu; sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tuyến huyện vào Trung tâm Y tế tuyến huyện; tổ chức lại 02 Phòng khám Quân dân y kết hợp và Phòng khám đa khoa khu vực Điện Nam - Điện Ngọc; Đề án tổ chức lại đội ngũ nhân viên y tế thôn bản và cộng tác viên dân số) trình Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) xem xét quyết định theo thẩm quyền;

- Xây dựng Đề án và ban hành các Quyết định theo thẩm quyền về việc thành lập các Phòng chuyên môn thuộc Sở, tổ chức lại các Phòng khám đa khoa khu vực, sáp nhập một số Trạm Y tế vào Phòng khám đa khoa khu vực;

- Chỉ đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện Đề án trong phạm vi, thẩm quyền theo quy định;

- Thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng cho đội ngũ viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý; chủ động phối hợp xây dựng các phương án sử dụng nguồn lực, Đề án vị trí việc làm trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch được giao;

- Quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị sau khi sắp xếp, kiện toàn theo đúng quy định;

- Quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền việc bổ nhiệm, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cho cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định.

2. Sở Nội vụ:

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, thẩm định và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định sắp xếp, kiện toàn các đơn vị theo nội dung Đề án được ban hành.

3. Các cơ quan chức năng khác:

Các Sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Y tế tổ chức triển khai thực hiện Đề án, tổ chức thực hiện các giải pháp về nguồn lực để bảo đảm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trên địa bàn tỉnh.

4. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, trình cấp thẩm quyền về Phương án giải thể Phòng Y tế và triển khai thực hiện Phương án được duyệt;

- Phối hợp với Sở Y tế trong việc chỉ đạo và triển khai thực hiện Đề án sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tuyến huyện vào Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố;

- Chỉ đạo các phòng, ban và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với Trung tâm Y tế tuyến huyện (sau khi sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình) tổ chức lại đội ngũ nhân viên y tế thôn bản kiêm cộng tác viên dân số và triển khai thực hiện Đề án trong phạm vi, nhiệm vụ được giao.

Trên đây là Đề án kiện toàn hệ thống tổ chức y tế tỉnh Quảng Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện./.

 



[1] Theo quy định không quá 07 phòng, gồm: Phòng Nghiệp vụ Y , Phòng Nghiệp vụ Dược , Phòng Tổ chức cán bộ , Phòng Kế hoạch - Tài chính, Thanh tra, Văn phòng và Phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân - Bảo hiểm y tế.

[2] Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực và Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc

[3] Bệnh viện Nhi , Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Mắt và Bệnh viện Tâm thần.

[4] Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Truyên thông - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Bướu cổ , Trung tâm Phòng chống HIV /AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản , Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm Da liễu, Trung tâm Giám định Y khoa, Trung tâm Giám định Pháp y và Trung tâm Cấp cứu 115.

[5] TTYT Nam Trà My, TTYT Bắc Trà My, TTYT Tiên Phước, TTYT Phú Ninh, TTYT TP Tam Kỳ, TTYT Núi Thành, TTYT Thăng Bình, TTYT Hiệp Đức, TTYT Phước Sơn, TTYT Nông Sơn, TTYT Quế Sơn, TTYT Duy Xuyên, TTYT thị xã Điện Bàn, TTYT Đại Lộc, TTYT TP Hội An, TTYT Đông Giang, TTYT Tây Giang, TTYT Nam Giang.

[6] Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Bướu cổ, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản.

[7] PKĐKKV Sông Trà huyện Hiệp Đức , PKĐKKV Bình Trị huyện Thăng Bình , PKĐKKV Trà Nú huyện Bắc Trà My và PKĐKKV vùng B huyện Đại Lộc.

[8] PKQDY kết hợp xã đảo Tân Hiệp thành phố Hội An , PKĐKKV Phước Chánh huyện Phước Sơn , PKĐKKV Việt An huyện Hiệp Đức , PKĐKKV Đồng Quế Sơn huyện Quế Sơn , PKĐKKV vùng A huyện Đại Lộc , PKQDY kết hợp Axan huyện Tây Giang , PKĐKKV Chaval huyện Nam Giang , PKĐKKV Trà Giáp huyện Bắc Trà My.

[9] Giảm 02 phòng gồm: Phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân - Bảo hiểm y tế và Văn phòng Sở. Sau khi kiện toàn còn 05 phòng, gồm: Thanh tra Sở; Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Nghiệp vụ Y; Phòng Nghiệp vụ Dược; Phòng Kế hoạch - Tài chính và 02 Chi cục: Vệ sinh An toàn thực phẩm và Dân số

[10] Các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tuyến tỉnh sau khi sắp xếp, kiện toàn gồm 15 đơn vị, cụ thể: Bệnh viện đa khoa Quảng Nam; Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam; Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam; Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam; Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam; Bệnh viện Mắt Quảng Nam; Bệnh viện Da Liễu Quảng Nam; Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam; Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam; Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam; Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Quảng Nam; Trung tâm Giám định Y khoa Quảng Nam; Trung tâm Giám định Pháp y Quảng Nam; Trung tâm Cấp cứu 115 Quảng Nam.

[11] Tổng biên chế sự nghiệp Dân số được giao là: 355, sau khi sáp nhập giảm 40 biên chế đạt tỷ lệ 11,3%. Số biên chế giảm này chủ yếu là Dân số viên tuyến xã đang được hợp đồng, cho chấm dứt hợp đồng lao động và giao nhiệm vụ này cho Trạm Y tế mà không tăng thêm biên chế của ngành. Sau khi sắp xếp, kiện toàn tại tuyến huyện có các đơn vị sự nghiệp y tế công lập như sau: Bệnh viện đa khoa thành phố Hội An; Bệnh viện Điện Nam - Điện Ngọc (Hoạt động theo mô hình đối tác công tư); 18 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố (Hoạt động theo mô hình Trung tâm Y tế tuyến huyện đa chức năng);

[12] 08 PKĐKKV có lồng ghép Trạm Y tế gồm: PKQDY kết hợp xa đao Tân Hiê p thanh phô Hôi An , PKĐKKV Phước Chánh huyện Phước Sơn, PKĐKKV Việt An huyện Hiệp Đức, PKĐKKV Đồng Quế Sơn huyện Quế Sơn , PKĐKKV vùng A huyện Đại Lộc , PKQDY kết hợp Axan huyện Tây Giang , PKĐKKV Chàval huyện Nam Giang , PKĐKKV Trà Giáp huyện Bắc Trà My. Sau khi giải thể sẽ bàn giao nguyên trạng về Trung tâm Y tế, trong đó số biên chế của Phòng khám khu vực và Trạm Y tế sẽ cắt giảm trong tổng số biên chế của Trung tâm Y tế đến năm 2021 (nghỉ hưu không tuyển dụng thêm).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3427/QĐ-UBND năm 2018 về Đề án kiện toàn hệ thống tổ chức y tế tỉnh Quảng Nam

  • Số hiệu: 3427/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/11/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Đinh Văn Thu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/11/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản