ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 320/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 12 năm 1984 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ LƯU THÔNG VẢI SỢI, CÁC LOẠI HÀNG VẢI MAY SẲN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30-06-1983 ;
- Căn cứ văn bản số 27/V15-m ngày 5-11-1983 của Hội đồng Bộ trưởng về công tác cải tạo công thương nghiệp tư doanh và Quyết định số 111-HĐBT ngày 25-8-1984 của Hội đồng Bộ trưởng về danh mục những hàng hoá Nhà nước độc quyền kinh doanh, cấm tư nhân buôn bán ;
- Theo đề nghị của đồng chí Trưởng Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh thành phố và đồng chí Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Sở Thương nghiệp thành phố.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này “Quy định tạm thời về tổ chức quản lý và lưu thông vải sợi, các loại hàng vải may sẳn tại Thành phố Hồ Chí Minh”
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3: Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được quy định để hướng dẫn và tổ chức thực hiện quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ LƯU THÔNG VẢI SỢI, CÁC LOẠI HÀNG VẢI MAY SẲN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 320/QĐ-UB ngày 29-12-1984 của Ủy ban Nhân dân thành phố).
Vải sợi và các loại hàng vải may sẳn là mặt hàng thiết yếu, thuộc nhu cầu tiêu dùng của toàn dân, một phần lớn nguyên liệu Nhà nước phải nhập khẩu, đồng thời là nguyên liệu của nhiều ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và cho quốc phòng. Trong điều kiện sản xuất vải ở nước ta chưa đáp ứng các nhu cầu, tổ chức tốt việc lưu thông vải sợi và các loại hàng vải may sẳn là một việc làm vừa cần thiết vừa cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hợp lý của các tầng lớp nhân dân, tiết kiệm nguồn vải sợi, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ nâng giá, góp phần ổn định giá cả thị trường và ổn định đời sống nhân dân.
Với mục đích đó, Ủy ban Nhân dân thành phố quy định về tổ chức quản lý, lưu thông vải sợi và các loại hàng vải may sẳn ở thành phố như sau :
Điều 1: Vải sợi và các loại hàng vải may sẳn là mặt hàng Nhà nước thống nhất quản lý kinh doanh, do thương nghiệp XHCN (bao gồm thương nghiệp quốc doanh, thương nghiệp hợp tác xã) tổ chức kinh doanh trên thị trường thành phố.
Những người chuyên mua buôn, bán buôn vải và các loại hàng vải may sẳn được sử dụng vào cửa hàng hợp tác kinh doanh với Công ty vải sợi quốc doanh cấp thành phố hay quận, huyện.
Những người bán lẻ được tổ chức lại làm đại lý bán lẻ vải, các loại hàng vải may sẳn của các cửa hàng hợp tác kinh doanh, hoặc của thương nghiệp quốc doanh quận, huyện.
Các cửa hàng hợp tác kinh doanh chịu sự chỉ đạo của Công ty ngành hàng (thành phố hoặc quận, huyện), được thu mua các nguồn vải do Công ty hướng dẫn. Nghiêm cấm mọi hành vi mọi hàng từ khu vực Nhà nước (xí nghiệp dệt hay thương nghiệp quốc doanh) và từ khu vực dệt tiểu thủ công nghiệp gia công. Cửa hàng hợp tác kinh doanh tổ chức bán vải và các loại hàng vải may sẳn cho các đại lý ; cho thương nghiệp XHCN các địa phương bạn (ngoài thành phố) theo hợp đồng; cho những người mua có nhu cầu tiêu dùng bình thường hoặc cưới, tang… Nếu là người mua buôn (của các tỉnh) thì phải có giấy phép của Thương nghiệp quốc doanh cấp tỉnh hoặc huyện.
Các đại lý bán lẻ vải và quần áo may sẳn chỉ được bán lẻ đại lý. Nghiêm cấm việc tư mua vải trái phép để kinh doanh.
Các cửa hàng hợp tác kinh doanh và các đại lý bán lẻ vải phải theo đúng sự hướng dẫn về giá cả, sổ sách của các cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban Vật giá, Thương nghiệp thành phố và quận, huyện).
Nhà nước khuyến khích những người buôn bán vải chuyển sang may đo, may sẳn, chế biến các mặt hàng vải tiêu dùng trong nước và xuất khẩu (làm phụ liệu, cổ côn, nút áo, dây kéo…) hay những người hành nghề khác theo sự huớng dẫn của Nhà nước.
Điều 2: Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ những người làm nghề may sẳn, chế biến các loại sản phẩm vải và may đo quần áo phục vụ cho khách hàng trong nước hoặc cho xuất khẩu. Những người này phải tuân thủ những quy định dưới đây :
- Người làm nghề may đo sẽ tổ chức lại. Những người có cửa hiệu, có tay nghề được tổ chức thành cửa hàng hợp tác kinh doanh với Nhà nước. Số còn lại sẽ tổ chức thành tổ ngành hàng. Tất cả phải nghiêm chỉnh chấp hành điều lệ đăng ký kinh doanh và giá công quy định của Nhà nước cho từng loại sản phẩm. Ủy ban Vật giá và Sở Thuơng nghiệp thành phố có khung giá thích hợp, có chiếu cố đến các loại kiểu cách, các loại tay nghề khác nhau.
- Người làm nghề may sẳn hoặc chế biến, cả tập thể và tư nhân, chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, phải quan hệ với thương nghiệp xã hội chủ nghĩa để được hướng dẫn và giúp đỡ với các hình thức :
Nhà nước cung ứng hoặc hướng dẫn nguồn mua nguyên liệu để sản xuất. Sản phẩm phải bán lại cho Nhà nước. Trường hợp thương nghiệp quốc doanh (hoặc thương nghiệp hợp tác xã) không mua mới được bán ra ngoài.
Tổ chức làm gia công cho Nhà nước.
Tổ chức thành cửa hàng hợp tác kinh doanh với Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa.
Tất cả không được may thuê cho số buôn lậu vải để bán lén lút ra thị trường.
Điều 3: Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa phải tổ chức tốt việc thu mua các nguồn vải, đảm bảo nhu cầu hợp lý của mọi người trong xã hội. Việc kinh doanh của Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa thực hiện theo những quy định sau đây :
- Chỉ có các đơn vị Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa từ cấp quận, huyện trở lên mới được kinh doanh vải và các loại hàng may sẳn. Thương nghiệp hợp tác xã phường, xã không được kinh doanh mà làm đại lý mua và làm đại lý bán lẻ các loại vải và hàng vải may sẳn cho Thương nghiệp quốc doanh và Hợp tác xã từ cấp quận, huyện trở lên.
- Các ngành không có chức năng kinh doanh vải và các loại hàng vải may sẳn không được buôn bán vải trên thị trường thành phố. Nếu có vải thì bán lại cho Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa từ cấp quận, huyện trở lên theo khung giá quy định thu mua của Nhà nước.
Các tổ chức thu mua phải trao đổi và đáp ứng nhu cầu (về tiền mặt, về thời gian…) của đơn vị bán, không được ép giá, ép cấp. Trường hợp Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa không mua mới được phép liên hệ nhượng lại cho cán bộ công nhân viên chức của cơ quan hoặc xí nghiệp cũng theo khung giá của Nhà nước.
- Các tổ chức Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa kinh doanh vải và quần áo may sẳn phải nghiên cứu ưu tiên trao đổi phân phối cho người thiếu vải, cho vùng thiếu vải, đặc biệt là khu vực ngoại thành, cho các nông trường, công trường, nông dân và ngư dân trực tiếp sản xuất.
Điều 4: Các cơ sở quốc doanh và Công tư hợp doanh dệt vải và sản xuất các loại hàng vải may sẳn phải thực hiện đầy đủ quy chế về quản lý sản xuất, phải bán toàn bộ sản phẩm cho Nhà nước. Những đơn vị có mặt hàng thuộc kế hoạch sản xuất phụ là vải và các sản phẩm từ vải sợi, cần bán, đều phải bán cho Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa từ cấp quận, huyện trở lên, không được bán ra thị trường. Trường hợp Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa không mua mới được liên hệ nhượng lại cho cán bộ công nhân viên chức của cơ quan, xí nghiệp, cũng theo khung giá quy định của Nhà nước.
Các cơ sở tiểu, thủ công nghiệp dệt gia công cho Nhà nước, phải nghiêm chỉnh chấp hành quy chế về quản lý gia công, phải giao nộp toàn bộ sản phẩm gia công cho Nhà nước. Trường hợp tiết kiệm được nguyên liệu do giảm được định mức hao hụt (nhưng không làm ảnh hưởng đấn chất lượng hàng dệt gia công) để dệt thành vải, phải bán cho Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa theo giá thoả thuận, không được bán ra thị trường. Trường hợp Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa không mua mới được liên hệ nhượng lại cho cán bộ công nhân viên chức các cơ quan xí nghiệp theo giá thoả thuận.
Điều 5: Các đơn vị xuất nhập khẩu của thành phố, của các tỉnh bạn và của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố, có nguồn vải sợi nhập phải chấp hành đầy đủ quy chế về quản lý hàng xuất nhập khẩu. Nếu có nguồn sợi đưa gia công dệt, phải chấp hành đầy đủ quy chế về quản lý gia công. Nguồn vải của các đơn vị này (kể cả vải nhập và vải dệt gia công) ngoài phần để lại đối lưu với các tỉnh lấy hàng tái xuất, phần còn lại phải bán cho Thương nghiệp XHCN từ cấp quận trở lên. Nguồn vải để lại đối lưu lấy hàng tái xuất, nếu không mang đi các tỉnh, cần tiêu thụ ngay tại thành phố để lấy tiền mặt thì phải bán cho Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa từ cấp quận, huyện trở lên hoặc ký gởi cho các cửa hàng Thương nghiệp XHCN bán, không bán trực tiếp ra thị trường.
Thương nghiệp XHCN của các tỉnh và Thương nghiệp các ngành khác (lương thực, vật tư, thủy hải sản…) có nguồn sợi gia công hoặc nguồn vải cần tiêu thụ tại thành phố cũng phải chấp hành đúng những quy định nói trên.
Thương nghiệp XHCN ở thành phố phải tổ chức thu mua nhanh và tiện lợi cho các đơn vị có vải cần bán. Mọi khó khăn trở ngại làm chậm trễ cho việc mua bán, gây ảnh hưởng tới sản xuất hoặc xuất nhập khẩu, giũa các ngành chủ quản đều phải chủ động giải quyết ; nếu có hợp đồng mà không chấp hành gây thiệt hại cho bên này hoặc bên kia thì tùy theo chức năng của từng ngành phải chịu trách nhiệm về mặt tổ chức hay trách nhiệm bồi thường vật chất theo quyết định của Hội đồng trọng tài kinh tế.
Điều 6: Thành phố khuyến khích những gia đình có thân nhân ở nước ngoài gởi vải và các loại hàng vải may sẳn về cho gia đình theo hình thức quà biếu. Thành phố sẽ ấn định mức để lại thoả đáng cho người nhận. Số vượt định lượng này thương nghiệp thành phố mua lại theo giá thoả thuận. Những gia đình nhận được vải và các loại hàng vải may sẳn từ nước ngoài gởi về, nếu muốn chỉ được bán cho các cửa hàng Thương nghiệp quốc doanh thành phố, hoặc ký gởi các cửa hàng thương nghiệp quốc doanh thành phố bán. Thương nghiệp quốc doanh thành phố phải tổ chức cửa hàng thu mua nguồn hàng này, theo giá thỏa thuận một cách thuận tiện cho người bán. Cấm tư nhân mua bán nguồn vải này.
Điều 7: Thương nghiệp XHCN ở thành phố phải tổ chức việc bán vải và các loại hàng vải may sẳn, để hàng đến tay người tiêu dùng với giá ổn định, hợp lý. Phải hình thành các trung tâm bán vải và các loại hàng vải may sẳn, đồng thời mở rộng mạng lưới bán lẻ ở các quận, huyện, phường, xã.
Điều 8: Nghiêm cấm nguồn vải nhập lậu qua đường biên giới, sân bay, hải cảng. Những người buôn lậu vải sợi và các loại hàng vải may sẳn đều bị trưng mua, hoặc tịch thu và tùy theo mức độ nặng nhẹ còn bị xử lý theo luật pháp Nhà nước.
Điều 9: Sở Thương nghiệp, căn cứ chủ trương về phân công, phân cấp kinh doanh của thành phố, có quy định cụ thể về tổ chức kinh doanh cho các đơn vị trong ngành thực hiện. Ban quản lý thị trường thành phố, lực lượng cảnh sát kinh tế, ngành Ngoại thương, Hải quan và các ngành quản lý tổng hợp cần phối hợp để kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những trường hợp vi phạm. Đối với tư nhân vi phạm những quy định này sẽ bị xử lý theo pháp luật. Các cơ quan đơn vị vi phạm, ngoài việc xử lý nghiêm khắc trong nội bộ, những trường hợp cố tình vi phạm đều bị xử lý theo luật pháp.
Quy định này được áp dụng trong tình hình trước mắt. Nếu xét cần thiết, sẽ có những bổ sung, thay đổi thích hợp.
Quyết định 320/QĐ-UB năm 1984 Quy định tạm thời về tổ chức quản lý và lưu thông vải sợi, các loại hàng vải may sẳn tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 320/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 29/12/1984
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Võ Danh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 29/12/1984
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực