Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 318-CT

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 1988

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC KINH DOANH BÁN BUÔN HÀNG TIÊU DÙNG Ở THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Để đổi mới tổ chức kinh doanh bán buôn hàng tiêu dùng ở thị trường trong nước;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội thương và thủ trưởng các ngành có liên quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về tổ chức kinh doanh bán buôn hàng tiêu dùng ở thị trường trong nước.

Điều 2. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Quyết định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

BẢN QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC KINH DOANH BÁN BUÔN HÀNG TIÊU DÙNG Ở THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 318-CT ngày 23-12-1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng)

Điều 1. Bán buôn hàng tiêu dùng là một khâu trong quá trình lưu thông hàng hoá nối sản xuất với bán lẻ. Việc đổi mới tổ chức bán buôn hàng tiêu dùng phải đạt các yêu cầu sau:

a) Làm cho hàng hoá vận động từ nơi sản xuất đến nơi bán lẻ được nhanh chóng, thông suốt và có hiệu quả.

b) Đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các đơn vị bán lẻ (cũng là yêu cầu của người tiêu dùng) về số lượng, chủng loại, chất lượng, giá cả, thời điểm tiêu thụ hàng hoá và về văn minh thương nghiệp.

c) Thông qua khâu bán lẻ, nắm vững nhu cầu thị trường mà chủ động đặt hàng với các cơ sở sản xuất, thúc đẩy và hỗ trợ các cơ sở sản xuất cải tiến và phát triển sản xuất, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu tiêu dùng của xã hội.

d) Các tổ chức kinh tế của Nhà nước có dự trữ hàng hoá cần thiết để chủ động điều hoà cung cầu và điều tiết thị trường.

Điều 2. Được bán buôn hàng tiêu dùng là:

a) Các đơn vị sản xuất thuộc các thành phần kinh tế.

b) Các tổ chức kinh tế của Nhà nước kinh doanh xuất nhập khẩu.

c) Các tổ chức thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán kinh doanh bán buôn hoặc vừa kinh doanh bán buôn vừa kinh doanh bán lẻ.

d) Các tổ chức hợp tác kinh doanh giữa thương nghiệp quốc doanh với tư nhân.

e) Thương nhân được tham gia kinh doanh bán buôn những mặt hàng mà pháp luật Nhà nước không cấm.

Điều 3. Các tổ chức và cá nhân nói ở điều 2 bản Quy định này có quyền liên doanh với nhau dưới nhiều hình thức trong kinh doanh bán buôn, hoặc giữa bán buôn với bán lẻ, trong phạm vi cả nước, từng miền hay từng vùng hẹp hơn trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện.

Điều 4. Tất cả các tổ chức và cá nhân kinh doanh bán buôn hàng tiêu dùng đều phải:

a) Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và các quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về lưu thông hàng hoá trên thị trường.

b) Đối với những mặt hàng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao kế hoạch sản xuất và địa chỉ tiêu thụ và được kế hoạch Nhà nước bảo đảm những điều kiện chủ yếu để sản xuất thì các tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh bán buôn trước hết phải bán những mặt hàng đó theo địa chỉ ghi trong kế hoạch Nhà nước.

Đối với những mặt hàng khác thì các tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh bán buôn bán hàng theo hợp đồng hoặc theo đơn đặt hàng trên cơ sở thuận mua vừa bán.

c) Tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị bán lẻ khi mua buôn hàng của mình.

d) Các đơn vị bán buôn thuộc kinh tế quốc doanh và hợp tác xã mua bán gửi Bộ Nội thương, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu (thông qua Sở thương nghiệp) kế hoạch bán buôn hàng tiêu dùng của mình ở thị trường trong nước và định kỳ gửi báo cáo cho các cơ quan nói trên về việc thực hiện kế hoạch đó theo hướng dẫn của Bộ Nội thương.

Điều 5. Quyền hạn của các tổ chức và cá nhân kinh doanh bán buôn được thực hiện theo những quy định của Nhà nước ban hành về chính sách và cơ chế quản lý đối với các cơ sở kinh tế quốc doanh và ngoài quốc doanh, và về kinh doanh thương mại và dịch vụ trên thị trường trong nước.

Điều 6. Trong quan hệ giữa các đơn vị bán buôn (kể cả các cơ sở sản xuất tự làm nhiệm vụ bán buôn) với các đơn vị bán lẻ, phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

a) Việc bán hàng cho các đơn vị bán lẻ phải xuất phát từ yêu cầu của đơn vị bán lẻ. Nếu do nhu cầu của thị trường đã biến đổi thì đơn vị bán lẻ được quyền yêu cầu đơn vị bán buôn sửa đổi hay huỷ bỏ hợp đồng. Ngược lại, trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực, nếu đơn vị bán lẻ không nhận hàng thì đơn vị bán buôn được chủ động điều phối hàng cho đơn vị bán lẻ khác. Những điều kiện về việc sửa đổi hay huỷ bỏ hợp đồng do hai bên thoả thuận ngay khi ký hợp đồng.

b) Đối với những mặt hàng mà cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước định giá bán lẻ kinh doanh thương nghiệp, trong đó đã xác định mức chiết khấu thương nghiệp, thì các đơn vị bán buôn và bán lẻ của Nhà nước mua bán với nhau theo giá lẻ Nhà nước quy định trừ lùi chiết khấu thương nghiệp.

Đối với những mặt hàng khác thì giá giao nhận do các đơn vị bán buôn và bán lẻ thoả thuận với nhau dưới sự giám sát của Nhà nước, bảo đảm cho giá bán lẻ không chênh lệch bất hợp lý giữa các vùng và có tác dụng bình ổn giá cả thị trường.

c) Đơn vị bán buôn giao hàng đến đơn vị bán lẻ hoặc đến địa điểm thuận tiện nhất cho đơn vị bán lẻ; khi tính chi phí lưu thông bán buôn thì theo nguyên tắc lấy gần bù xa. Nếu đơn vị bán lẻ về cơ sở sản xuất hoặc kho bán buôn nhận hàng thì cơ sở sản xuất hoặc tổ chức bán buôn phải thanh toán đủ chi phí vận tải cho đơn vị bán lẻ. Mọi hành vi tiêu cực, "cửa quyền" trong giao nhận, vận chuyển hàng hoá phải bị xử lý theo pháp luật.

d) Điều kiện bao bì, đóng gói, vận chuyển, kiểm tra chất lượng hàng hoá, thanh toán, đến bù hao hụt và tổn thất... do hai bên thoả thuận bằng hợp đồng.

Điều 7. Trước mắt, để hợp lý hoá sự vận động của hàng hoá bán buôn, cần sắp xếp lại các tổ chức kinh doanh bán buôn, từng bước xoá bỏ những tổ chức kinh doanh bán buôn theo cấp hành chính; áp dụng các hình thức liên doanh, liên kết giữa bán buôn với bán lẻ và tuỳ tính chất của mặt hàng và điều kiện cụ thể mà áp dụng phương thức đưa hàng thẳng từ cơ sở sản xuất đến điểm bán lẻ hoặc hộ tiêu dùng lớn; đặc biệt đối với các mặt hàng tươi sống, các mặt hàng đã lắp ráp hoàn chỉnh và đã phân loại rõ ràng cũng như các mặt hàng mà chủng loại đơn giản thì phải triệt để áp dụng phương thực đó. Đối với những mặt hàng khác chưa đủ điều kiện áp dụng phương thức đó thì vẫn phải loại bỏ những khâu trung gian vô ích, không để hàng hoá phải vận động vòng vèo qua nhiều khâu.

Các tổ chức bán buôn phải có phương án vững chắc với sự thoả thuận của đơn vị bán lẻ mà mình có quan hệ trước khi quyết định áp dụng hình thức vận động của hàng hoá.

Điều 8. Các đơn vị kinh tế quốc doanh được dự trữ lưu thông hàng hoá chủ yếu ở khâu bán buôn; ở khâu bán lẻ, chỉ dự trữ đủ mức cần thiết cho lưu chuyển hàng hoá bán lẻ trên từng khu vực.

Điều 9. Tuỳ theo điều kiện và yêu cầu cụ thể, các tổ chức thương nghiệp quốc doanh bán buôn được phép tổ chức các loại hội chợ bán buôn chuyên ngành hay tổng hợp về hàng tiêu dùng; trên phạm vi toàn quốc, từng miền hoặc từng vùng hẹp hơn; định kỳ hay đột xuất vào thời điểm trước khi các đơn vị kinh doanh bố trí kế hoạch hoặc điều chỉnh kế hoạch.

Các cơ sở (người) sản xuất và kinh doanh thương nghiệp thuộc thành phần kinh tế đều có quyền tham gia hội chợ bán buôn hàng tiêu dùng.

Nội dung hội chợ bán buôn hàng tiêu dùng chủ yếu là giới thiệu hàng hoá cần và có thể đưa ra lưu thông, và ký kết hợp đồng kinh doanh giữa cơ sở sản xuất với các tổ chức bán buôn, giữa các tổ chức bán buôn với các đơn vị bán lẻ hoặc giữa các đơn vị và tổ chức đó với nhau.

Tổ chức hội chợ bán buôn ở đâu phải được sự thoả thuận của Uỷ ban Nhân dân địa phương nơi đó.

Điều 10. Bộ Nội thương (và cơ quan cấp dưới của Bộ) có quyền:

a) Kiểm tra các cá nhân và tổ chức kinh doanh bán buôn do bất kỳ ngành và cấp nào quản lý, trong việc chấp hành chế độ, thể lệ của Nhà nước về kinh doanh thương nghiệp ở thị trường trong nước.

b) Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền khác của Nhà nước kiểm tra việc thực hiện chính sách giá cả, chế độ đăng ký nhãn hiệu và tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, chế độ đo lường, luật lệ về thuế, về kế toán và thống kê trong kinh doanh thương nghiệp.

Điều 11. Các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước trong khi thực hành chức năng quản lý Nhà nước đối với các cá nhân và tổ chức kinh doanh bán buôn cũng như đối với các cá nhân và tổ chức kinh doanh khác nhất thiết không được can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của họ.

Điều 12. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh thương mại và dịch vụ ở thị trường đều bị xử lý theo đúng pháp luật.

Điều 13. Quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1989. Những quy định trước đây trái với Quy định này đều bị bãi bỏ.

Điều 14. Bộ trưởng Bộ Nội thương chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành bản Quy định này.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 318-CT năm 1988 ban hành bản Quy định về tổ chức kinh doanh bán buôn hàng tiêu dùng ở thị trường trong nước của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng

  • Số hiệu: 318-CT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/12/1988
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản