Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
*******

Số: 311-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 09  năm 1979

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC SƯU TẦM, THU THẬP, BẢO QUẢN VÀ KHAI THÁC CÁC TƯ LIỆU CHỮ HÁN, CHỮ NÔM

Trong những di sản do tổ tiên ta để lại, các sách và tài liệu ghi bằng chữ Hán, chữ Nôm là một kho tư liệu rất quý cho việc tìm hiểu lịch sử  về các mặt của dân tộc Việt Nam, từ đó mà khai thác và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đất nước.

Chấp hành chỉ thị số 117-TTg ngày 13/12/1963 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ và quản lý những sách và tài liệu văn hóa bằng chữ Hán, chữ Nôm, Bộ văn hóa đã có nhiều thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể công tác này. Các cơ quan nghiên cứu, các Sở, Ty văn hóa, các thư viện ở miền Bắc đã sưu tầm và thu thập được một khối lượng lớn tư liệu chữ Hán, chữ Nôm, bao gồm hàng vạn sách và tài liệu khác. Sau khi thống nhất đất nước, chúng ta lại tiếp quản một số sách và tài liệu chữ Hán, chữ Nôm trong các kho sách và thư viện ở các tỉnh miền Nam. Ban Hán – Nôm của Ủy ban Khoa học xã hội, được thành lập năm 1970, đã cố gắng tiến hành giám định các văn bản chữ Hán, chữ Nôm và biên dịch ra tiếng Việt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác.

Tuy nhiên, công tác giữ gìn và khai thác các tư liệu chữ Hán, chữ Nôm cũng còn nhiều thiếu sót. Khối lượng sách và tài liệu chữ Hán, chữ Nôm chưa được thu thập vẫn còn lớn, nhất là tại miền Nam, lại đang tiếp tục bị mất hoặc hư hỏng. Những sách và tài liệu chữ Hán, chữ Nôm đã thu thập cũng chưa được quản lý thống nhất, còn phân tán ở nhiều cơ quan và thư viện. Phần lớn tư liệu chữ Hán, chữ Nôm chưa được biên dịch và xuất bản; nhiều tư liệu chữ Hán, chữ Nôm chưa được giám định.

Để tăng cường công tác thu thập, bảo quản, giám định và khai thác các sách và tài liệu chữ Hán, chữ Nôm, Hội đồng Chính phủ quyết định.

1. Giao trách nhiệm cho Ủy ban khoa học xã hội thống nhất quản lý việc thu thập và giữ gìn các sách và tài liệu chữ Hán, chữ Nôm trong cả nước.

Những tư liệu chữ Hán, chữ Nôm trong cả nước, chép tay hay in từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đều coi là nguyên bản, và cần được tập trung vào kho chung của Nhà nước, do Ủy ban khoa học xã hội trực tiếp quản lý.

Ủy ban khoa học xã hội có nhiệm vụ tổ chức việc thu thập về kho tất cả các tư liệu chữ Hán, chữ Nôm hiện có trong các thư viện, các kho lưu trữ, các cơ quan, v.v… thuộc các ngành, các cấp, đồng thời có kế hoạch từng bước sao chụp nguyên bản để cung cấp cho các cơ quan, thư viện có nhu cầu về tư liệu chữ Hán, chữ Nôm.

Đối với những tư liệu chữ Hán, chữ Nôm còn rải rác trong nhân dân, Ủy ban khoa học xã hội, với sự giúp đỡ tích cực của Ủy ban nhân dân các cấp, có trách nhiệm tiếp tục sưu tầm, thu thập và quản lý; có thể vận động nhân dân tặng hoặc bán các tư liệu đó cho Nhà nước, hoặc để Nhà nước sao chụp lại. Việc thu thập này cần được hoàn thành trong vòng 10 năm tới.

Ủy ban khoa học xã hội cần có kế hoạch sưu tầm và thu thập bằng cách trao đổi hoặc sao chụp các tư liệu chữ Hán, chữ Nôm cần thiết hiện có trong các thư viện và kho lưu trữ của nước ngoài.

2. Ủy ban khoa học xã hội phải có kế hoạch tổ chức khai thác toàn hiện kho tàng tư liệu chữ Hán, chữ Nôm trong cả nước như giám định văn bản, làm thư mục giới thiệu, biên dịch (gồm cả chú giải) và xuất bản, v.v.

3. Cho phép Ủy ban khoa học xã hội chuyển Ban Hán, Nôm hiện nay thành Viện nghiên cứu Hán Nôm. Viện này vừa là trung tâm bảo tồn các nguyên bản chữ Hán, chữ Nôm, vừa là trung tâm khai thác các tư liệu chữ Hán, chữ Nôm. Nhiêm vụ cụ thể của Viện nghiên cứu Hán – Nôm là:

a) Bảo tồn và giám định các nguyên bản chữ Hán, chữ Nôm, sao các bản gốc thành nhiều bản để sử dụng hoặc cung cấp cho các thư viện và các cơ quan có nhu cầu;

b) Tổ chức biên dịch (gồm cả chú giải) và chính thức công bố các tài liệu chữ Hán, chữ Nôm; duyệt lại những bản dịch tư liệu chữ Hán, chữ Nôm đã được công bố trước đây;

c) Nghiên cứu văn bản học về tư liệu chữ Hán, chữ Nôm, biên soạn những sách, công cụ cần thiết cho công tác biên dịch và nghiên cứu tư liệu chữ Hán, chữ Nôm;

d) Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chữ Hán, chữ Nôm (phối hợp với các trường đại học).

4. Bộ Văn hóa và thông tin có trách nhiệm phối hợp và tích cực giúp đỡ Ủy ban khoa học xã hội trong việc sưu tầm và xuất bản tài liệu chữ Hán, chữ Nôm. Cụ thể là chỉ đạo tốt việc thực hiện chỉ thị số 117-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chú ý các tỉnh miền Nam, tổ chức việc in các tài liệu về chữ Hán, chữ Nôm, v.v.

5. Ủy ban kế hoạch Nhà nước cần lưu ý cấp vốn cho Ủy ban khoa học xã hội vào thời gian thích hợp để xây dựng tại Hà Nội một khu nhà có đầy đủ trang bị cần thiết dùng làm kho tư liệu chữ Hán, chữ Nôm của Nhà nước, và làm trụ sở của Viện nghiên cứu Hán – Nôm. Bộ xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm  giúp Ủy ban khoa học xã hội xây dựng khu nhà nói trên.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG



 
Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 311-CP năm 1979 về công tác sưu tầm, thu thập, bảo quản và khai thác các tư liệu chữ Hán - chữ Nôm do Hội đồng Chính phủ ban hành.

  • Số hiệu: 311-CP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/09/1979
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản