Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3088/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BỘ TIÊU CHÍ BỆNH VIỆN AN TOÀN PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 VÀ CÁC DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Bộ Tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp”.

Điều 2. “Bộ Tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” áp dụng cho các bệnh viện công lập và ngoài công lập”; góp phần bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh an toàn và hiệu quả của bệnh viện trong dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp.

Điều 3. Giao Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi, giám sát việc triển khai Bộ tiêu chí; tổng hợp kết quả tự đánh giá của các bệnh viện, báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 5. Các Ông, Bà: Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Phó Thủ tướng CP. Vũ Đức Đam (để b/cáo);
- Q.Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long (để b/cáo);
- Các đ/c Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Cổng TTĐT Bộ Y tế, Trang TTĐT Cục QLKCB;
- Các Vụ, Cục, TTrB, VPB, Viện CLCSYT;
- Các Sở Y tế, Y tế các Bộ, ngành (để t/hiện);
- BV trực thuộc BYT, BV thuộc trường ĐH (để t/hiện);
- Lưu: VT, KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trường Sơn

 

BỘ TIÊU CHÍ

BỆNH VIỆN AN TOÀN PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 VÀ CÁC DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP

 

GIỚI THIỆU

Từ tháng 12/2019, bệnh viêm phổi do vi rút corona chủng mới gây ra đã xuất hiện và lây lan nhanh chóng tới hầu hết các nước ở mọi châu lục trên thế giới. Bệnh COVID-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu. Tính đến ngày 30/6/2020, trên thế giới đã có trên 11 triệu ca mắc và trên nửa triệu người tử vong do COVID-19. Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới khống chế được số lượng người mắc thấp và chưa có trường hợp tử vong.

Trong cuộc chiến chống COVID-19, bệnh viện là nơi phát hiện sớm, điều trị các ca bệnh, giúp ngăn chặn khống chế dịch bệnh. Bệnh viện cũng là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viện không chỉ đối phó với dịch bệnh COVID-19 mà còn đối mặt với các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác đang tiềm ẩn trong cộng đồng như bệnh cúm, bệnh sởi, bệnh ho gà, bệnh bạch hầu, bệnh do não mô cầu... Chính vì vậy, bệnh viện cần quan tâm ưu tiên đối phó với dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn trước mắt và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác về mặt lâu dài, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, chất lượng.

Bộ tiêu chí “Bệnh viện An toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” được xây dựng và ban hành để chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện đánh giá thực trạng công tác chuẩn bị, ứng phó với COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác, giúp bảo vệ người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế phòng ngừa lây nhiễm. Trên cơ sở thực hiện hoạt động đánh giá theo Bộ tiêu chí này, bệnh viện sẽ xác định được những vấn đề ưu tiên để bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh an toàn trong bối cảnh xảy ra dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác.

 

MỤC LỤC

Chương & Tiêu chí

NỘI DUNG

Trang

CHƯƠNG 1

THÀNH  LẬP BAN CHỈ ĐẠO VÀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG DỊCH

 

TC 1.1

Xây dựng, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và các Tổ công tác của bệnh viện

 

TC 1.2

Chuẩn bị chi tiết kế hoạch ứng phó khi dịch bệnh xảy ra trong bệnh viện

 

TC 1.3

Chuẩn bị đầy đủ các phương án ứng phó với tình huống dịch bệnh khi có công bố dịch

 

TC 1.4

Thực hiện mua sắm dự trữ trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch bệnh

 

TC 1.5

Chuẩn bị khu vực cách ly cho nhân viên y tế

 

CHƯƠNG 2

ĐÀO TẠO VÀ TẬP HUẤN

 

TC 2.1

Tập huấn cho toàn bộ nhân viên về các quy trình phòng chống dịch bệnh phù hợp với vị trí làm việc

 

TC 2.2

Tập huấn đào tạo nhân lực dự bị trong trường hợp thiếu hụt nhân lực chính do dịch bệnh

 

CHƯƠNG 3

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA CHUNG

 

TC 3.1

Quy định kiểm soát việc đeo khẩu trang trong bệnh viện

 

TC 3.2

Mức độ tuân thủ việc đeo khẩu trang

 

TC 3.3

Vệ sinh tay trong bệnh viện

 

CHƯƠNG 4

SÀNG LỌC VÀ PHÂN LUỒNG

 

TC 4.1

Hệ thống biển báo sàng lọc, phân luồng

 

TC 4.2

Bàn tiếp nhận và phân loại

 

TC 4.3

Phương pháp kiểm tra thân nhiệt phân luồng người bệnh

 

TC 4.4

Hệ thống phân luồng cho người đi khám

 

TC 4.5

Buồng khám sàng lọc

 

TC 4.6

Buồng cách ly cho ca bệnh nghi ngờ

 

CHƯƠNG 5

PHÒNG NGỪA LÂY NHIỄM TẠI MỘT SỐ KHU VỰC TẬP TRUNG ĐÔNG NGƯỜI

 

TC 5.1

Áp dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động khám chữa bệnh

 

TC 5.2

Khu vực chờ, xếp hàng khám bệnh

 

TC 5.3

Hoạt động lấy mẫu xét nghiệm

 

TC 5.4

Chẩn đoán hình ảnh

 

TC 5.5

Thăm dò chức năng

 

TC 5.6

Nhà thuốc

 

TC 5.7

Quầy bán hàng

 

TC 5.8

Nhà ăn, căng-tin

 

TC 5.9

Quầy thu viện phí

 

CHƯƠNG 6

QUẢN LÝ AN TOÀN NGƯỜI BỆNH VÀ NGƯỜI NHÀ NGƯỜI BỆNH

 

TC 6.1

Quy định hạn chế người nhà người bệnh

 

TC 6.2

Chuẩn bị khu vực cách ly cho người bệnh chuyển đến từ vùng dịch

 

TC 6.3

Vận chuyển người bệnh trong bệnh viện

 

TC 6.4

Bố trí buồng bệnh điều trị nội trú tại các khoa

 

TC 6.5

Chăm sóc người bệnh nội trú

 

TC 6.6

Quản lý người bệnh nội trú

 

TC 6.7

Tăng cường hoạt động tư vấn và khám chữa bệnh từ xa

 

CHƯƠNG 7

QUẢN LÝ AN TOÀN NHÂN VIÊN Y TẾ

 

TC 7.1

Hội chẩn giữa các khoa, họp liên khoa và giao ban bệnh viện

 

TC 7.2

Theo dõi sức khỏe nhân viên y tế

 

TC 7.3

Quản lý nguy cơ nhân viên dịch vụ thuê ngoài

 

CHƯƠNG 8

VỆ SINH BỆNH VIỆN

 

TC 8.1

Quản lý khu vực nhà vệ sinh

 

TC 8.2

Vệ sinh các bề mặt thường xuyên tiếp xúc

 

 

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

 

 

BỘ TIÊU CHÍ BỆNH VIỆN AN TOÀN PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 VÀ CÁC DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP

Chương & Tiêu chí

NỘI DUNG

Điểm tối đa

Điểm chấm

CHƯƠNG 1

THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO VÀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG DỊCH

 

 

TC 1.1

Xây dựng, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và các Tổ công tác của bệnh viện (5 điểm)*

 

 

 

Đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch ngay khi có dịch.

1

 

 

Đã thành lập Ban chỉ đạo và xác định rõ vai trò lãnh đạo:

- Giám đốc làm Trưởng ban

- Phó Giám đốc chuyên môn: Tổ trưởng Tổ chuyên môn.

1

 

 

Đã thành lập Ban chỉ đạo, xác định rõ vai trò lãnh đạo với các tổ giúp việc:

- Tổ Chuyên môn (Điều trị, Kiểm soát nhiễm khuẩn...)

- Tổ Điều tra dịch tễ

- Tổ Truyền thông

- Tổ Tài chính - Hậu cần

- Tổ Giám sát

1

 

 

Đã thành lập Ban chỉ đạo với đầy đủ quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ của các Tổ giúp việc và các thành viên.

1

 

 

Tổ giúp việc và các thành viên triển khai công việc đầy đủ theo phân công của Ban chỉ đạo.

1

 

TC 1.2

Chuẩn bị chi tiết kế hoạch ứng phó khi dịch bệnh xảy ra trong bệnh viện (5 điểm)*

 

 

 

Có kế hoạch ứng phó khi dịch xảy ra trong bệnh viện.

1

 

 

Kế hoạch được xây dựng chi tiết, đầy đủ các nội dung phân công công việc, khung thời gian hoàn thành, quá trình thực hiện, dự trù kinh phí, giám sát thực hiện.

1

 

 

Có kế hoạch chi tiết phân ca kíp, chia nhóm làm việc, chuyển viện, chuyển tuyến.

1

 

 

Có kế hoạch chi tiết duy trì điều trị người bệnh mạn tính, chạy thận nhân tạo.

1

 

 

Có kế hoạch chi tiết ứng dụng kết nối trực tuyến để họp, giao ban, hội chẩn.

1

 

TC 1.3

Chuẩn bị đầy đủ các phương án ứng phó với tình huống dịch bệnh khi có công bố dịch (7 điểm) *

 

 

 

Có kịch bản ứng phó bệnh dịch.

1

 

 

Kịch bản có các tình huống theo cấp độ dịch.

1

 

 

Kịch bản có tình huống cách ly một đơn nguyên (đơn nguyên thiết yếu, đơn nguyên không thiết yếu).

1

 

 

Kịch bản ổ dịch trong bệnh viện có cách ly nhiều đơn nguyên (đơn nguyên thiết yếu, đơn nguyên không thiết yếu).

1

 

 

Kịch bản ổ dịch trong bệnh viện có cách ly toàn bộ bệnh viện.

1

 

 

Đã tổ chức diễn tập những tình huống có thể diễn tập.

1

 

 

Đã tiến hành rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịch bản sau diễn tập.

1

 

TC 1.4

Thực hiện mua sắm dự trữ trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch bệnh (3 điểm)*

 

 

 

Có dự trù và mua sắm trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch.

1

 

 

Dự trữ đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân thiết yếu theo Quyết định (QĐ) 1259 và 1460 (hoặc theo QĐ hiện hành).

1

 

 

Dự trữ đầy đủ trang thiết bị, vật tư tiêu hao và thuốc thiết yếu theo QĐ 941 và 1533 (hoặc theo QĐ hiện hành).

1

 

TC 1.5

Chuẩn bị khu vực cách ly cho nhân viên y tế (4 điểm) *

 

 

 

Bố trí sẵn sàng địa điểm khu vực sẽ sử dụng để cách ly nhân viên y tế khi dịch xảy ra.

1

 

 

Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện phòng hộ trong khu vực dự kiến sẽ cách ly nhân viên y tế.

1

 

 

Chuẩn bị sẵn sàng quy chế quản lý hoạt động của khu vực cách ly cho nhân viên y tế.

1

 

 

Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch hậu cần duy trì trong khu vực cách ly cho nhân viên y tế.

1

 

CHƯƠNG 2

ĐÀO TẠO VÀ TẬP HUẤN

 

 

TC 2.1

Tập huấn cho toàn bộ nhân viên về các quy trình phòng chống dịch bệnh phù hợp với vị trí làm việc (3 điểm)*

 

 

 

Có tổ chức tập huấn Hướng dẫn của Bộ Y tế về khám sàng lọc, chẩn đoán và điều trị COVID-19 hoặc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác.

1

 

 

Tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn và kỹ năng sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân.

1

 

 

Tập huấn kỹ năng hồi sinh tim phổi cho người bệnh có bệnh đường hô hấp.

1

 

TC 2.2

Tập huấn đào tạo nhân lực dự bị trong trường hợp thiếu hụt nhân lực chính do dịch bệnh (3 điểm)

 

 

 

Có kế hoạch huy động nhân lực dự bị, trong đó có danh sách nhân lực dự bị.

1

 

 

Có kế hoạch tập huấn, đào tạo cho nhân lực dự bị.

1

 

 

Đã tiến hành tập huấn, đào tạo lĩnh vực chuyên môn cần huy động trong tình huống dịch (sử dụng máy thở, lấy mẫu và vận chuyển bệnh phẩm).

1

 

CHƯƠNG 3

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA CHUNG

 

 

TC 3.1

Quy định kiểm soát việc đeo khẩu trang trong bệnh viện (3 điểm) *

 

 

 

Có hướng dẫn dưới các hình thức truyền thông khác nhau như áp- phích, băng rôn, ti-vi nhắc mọi người phải đeo khẩu trang trong bệnh viện.

1

 

 

Có phân công bộ phận chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát, giám sát mọi người tuân thủ đeo khẩu trang ở bệnh viện.

1

 

 

Tất cả nhân viên đều có trách nhiệm nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang trong bệnh viện nếu gặp người bệnh, người nhà người bệnh không tuân thủ.

1

 

TC 3.2

Mức độ tuân thủ việc đeo khẩu trang (5 điểm) *

(cho điểm theo kết quả đánh giá các mức độ tuân thủ khác nhau: 90% người bệnh tuân thủ được 1 điểm, 10% người bệnh còn lại tuân thủ được thêm 1 điểm; 100% được 1+1 = 2 điểm)

 

 

 

100% nhân viên tại các khu vực có tiếp xúc người bệnh.

1

 

 

≥ 90% người bệnh khi đến khám bệnh.

1

 

 

100% người bệnh khi đến khám bệnh.

1

 

 

≥ 90% người nhà người bệnh và khách thăm.

1

 

 

100% người nhà người bệnh và khách thăm.

1

 

TC 3.3

Vệ sinh tay trong bệnh viện (5 điểm) *

 

 

 

Những vị trí rửa tay bằng nước luôn sẵn có xà phòng.

1

 

 

Có khăn lau dùng 1 lần tại những vị trí rửa tay bằng nước.

1

 

 

Những vị trí đông người (sảnh chờ...), vị trí có nhiều người qua lại (cổng, cửa, cầu thang, hành lang...) đều được lắp đặt bình chứa dung dịch nước sát khuẩn tay nhanh.

1

 

 

Có phân công bộ phận kiểm tra thường xuyên các bình chứa bảo đảm cung cấp đầy đủ, thường xuyên dung dịch nước sát khuẩn tay nhanh.

1

 

 

Những vị trí có nhiều người qua lại như cổng, cửa ở tiền sảnh có lắp đặt bình chứa dung dịch nước sát khuẩn tay nhanh loại cảm ứng tự động.

1

 

CHƯƠNG 4

SÀNG LỌC VÀ PHÂN LUỒNG

 

 

TC 4.1

Hệ thống biển báo sàng lọc, phân luồng (4 điểm) *

 

 

 

Có các biến báo về sàng lọc, phân luồng người đến khám bệnh.

1

 

 

Hệ thống biến báo có nội dung đầy đủ, đúng như hướng dẫn của Công văn 1385/CV-BCĐQG ngày 19/3/2020.

1

 

 

Có hệ thống biến báo đầy đủ ở các vị trí cần hướng dẫn sàng lọc, phân luồng.

1

 

 

Có hệ thống biển báo có chiếu sáng phản quang hoặc có hộp đèn buổi tối.

1

 

TC 4.2

Bàn tiếp nhận và phân loại (6 điểm) *

 

 

 

Có bàn tiếp nhận và phân loại.

1

 

 

Hướng dẫn, kiểm tra người đến bệnh viện thực hiện khai báo y tế điện tử.

1

 

 

Bàn tiếp nhận và phân loại bố trí trong vòng 10m từ cổng bệnh viện (trường hợp do hạn chế về cơ sở hạ tầng nếu bố trí bàn xa trên 10m cần có luồng đi riêng được chăng dây từ cổng và không đi qua khối nhà).

1

 

 

Bàn tiếp nhận và phân loại bảo đảm điều kiện thông khí (mở cửa, quạt gió hoặc bố trí ở nơi thông thoáng).

1

 

 

Có bình sát khuẩn tay, có thùng/túi thu gom rác thải và nhân viên được phân công có mặt thường xuyên.

1

 

 

Sẵn có khẩu trang phát (hoặc bán) cho người bệnh đến khám (nếu người bệnh không mang).

1

 

TC 4.3

Phương pháp kiểm tra thân nhiệt phân luồng người bệnh (tối đa 3 điểm) *

 

 

 

Đo thân nhiệt bằng máy (máy đo cầm tay, máy quét...).

1

 

 

Đo thân nhiệt bằng máy quét (máy quét thường hoặc máy quét ghi hình).

1

 

 

Đo thân nhiệt bằng máy quét có ghi hình.

1

 

TC 4.4

Hệ thống phân luồng cho người đi khám (4 điểm) *

 

 

 

Có tiến hành phân luồng người đến khám bệnh.

1

 

 

Người có nguy cơ được bố trí đi cổng riêng, có lối đi phân luồng riêng dành cho đối tượng nguy cơ.

1

 

 

Lối đi phân luồng dành cho đối tượng nguy cơ không đi xuyên qua hoặc đi dọc hành lang các tòa nhà có đông người.

1

 

 

Lối đi phân luồng được chăng dây hoặc rào chắn, bảo đảm nguyên tắc đường đi một chiều.

1

 

TC 4.5

Buồng khám sàng lọc (5 điểm) *

 

 

 

Có buồng khám sàng lọc.

1

 

 

Buồng khám sàng lọc tách biệt hẳn với khu vực điều trị nội trú hoặc nơi tập trung đông người, thông khí tốt.

1

 

 

Buồng khám sàng lọc có chuẩn bị sẵn phương tiện phòng hộ cá nhân.

1

 

 

Buồng khám sàng lọc có phòng đệm, bồn rửa tay, nhà vệ sinh.

1

 

 

Buồng khám sàng lọc nối liền với khu vực lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và chiếu chụp hoặc thực hiện ngay tại buồng khám sàng lọc.

1

 

TC 4.6

Buồng cách ly cho ca bệnh nghi ngờ (3 điểm) *

 

 

 

Có buồng cách ly thông khí tốt, không sử dụng chung hệ thống điều hòa trung tâm.

1

 

 

Buồng cách ly thông khí tốt, tách biệt hẳn với khu vực điều trị nội trú hoặc tập trung đông người.

1

 

 

Buồng cách ly thông khí tốt có đủ phòng đệm, bồn rửa tay, nhà vệ sinh.

1

 

CHƯƠNG 5

PHÒNG NGỪA LÂY NHIỄM TẠI MỘT SỐ KHU VỰC TẬP TRUNG ĐÔNG NGƯỜI

 

 

TC 5.1

Áp dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động khám chữa bệnh (2 điểm)

 

 

 

Có bộ phận nhận đặt lịch hẹn khám bằng điện thoại.

1

 

 

Có đặt lịch hẹn khám qua mạng.

1

 

TC 5.2

Khu vực chờ, xếp hàng khám bệnh (3 điểm) *

 

 

 

Có thông báo, hướng dẫn hạn chế người nhà đưa người bệnh đi khám.

1

 

 

Có giải pháp tăng cường thông khí tại khu vực chờ (mở thêm cửa sổ tận dụng thông khí tự nhiên, lắp đặt thêm quạt thông gió...).

1

 

 

Các ghế ngồi chờ khám được bố trí với mật độ thông thoáng; ghế ngồi chờ bố trí phù hợp với tình hình dịch.

1

 

TC 5.3

Hoạt động lấy mẫu xét nghiệm (5 điểm) *

 

 

 

Phòng lấy mẫu bảo đảm thông khí tốt, làm sạch các bề mặt bằng dung dịch khử khuẩn phù hợp hàng ngày.

1

 

 

Thực hiện đúng quy định giãn cách khi lấy mẫu xét nghiệm theo tình hình dịch.

1

 

 

Bố trí riêng rẽ khu vực lấy các loại mẫu bệnh phẩm khác nhau.

1

 

 

Nhân viên lấy mẫu rửa tay (và thay găng tay nếu cần sử dụng găng tay) ngay sau lấy mẫu cho mỗi người bệnh.

1

 

 

Nhân viên y tế trực tiếp tiếp xúc người nghi nhiễm bệnh đường hô hấp khi lấy mẫu được trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân.

1

 

TC 5.4

Chẩn đoán hình ảnh (4 điểm) *

 

 

 

Phòng chụp bảo đảm thông khí tốt, làm sạch các bề mặt bằng dung dịch khử khuẩn phù hợp hàng ngày.

1

 

 

Có hướng dẫn và không để 2 người bệnh đồng thời vào một buồng chụp X quang, CT, MRI hoặc siêu âm.

1

 

 

Bố trí buồng chụp X quang, CT, MRI và siêu âm riêng cho những người đến khám nghi viêm đường hô hấp cấp tính. Nếu sử dụng chung buồng chụp X quang, CT, MRI và siêu âm thì thực hiện khử khuẩn các bề mặt theo quy định sau mỗi lần sử dụng.

1

 

 

Nhân viên y tế trực tiếp tiếp xúc người nghi viêm đường hô hấp cấp tính khi làm chẩn đoán hình ảnh được trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân.

1

 

TC 5.5

Thăm dò chức năng (4 điểm) *

 

 

 

Phòng thăm dò chức năng bảo đảm thông khí tốt, làm sạch các bề mặt bằng dung dịch khử khuẩn phù hợp hàng ngày.

1

 

 

Có hướng dẫn và không để 2 người bệnh đồng thời vào một phòng thăm dò chức năng.

1

 

 

Nhân viên y tế trực tiếp tiếp xúc người nghi viêm đường hô hấp cấp tính khi làm thăm dò chức năng, người thực hiện các thăm dò có sinh khí dung như nội soi phế quản được trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân theo quy định.

1

 

 

Bố trí riêng rẽ khu vực thực hiện từng loại thăm dò chức năng không xâm nhập và xâm nhập, trong đó tách riêng thủ thuật sinh khí dung như nội soi phế quản.

1

 

TC 5.6

Nhà thuốc (4 điểm) *

 

 

 

Khu vực nhà thuốc bảo đảm thông thoáng, thông khí tự nhiên hoặc nhân tạo (quạt gió...).

1

 

 

Có dung dịch sát khuẩn tay cho khách hàng đến quầy thuốc.

1

 

 

Có tấm ngăn giữa nhân viên nhà thuốc và khách hàng.

1

 

 

Có tủ cực tím khử khuẩn tiền mặt hoặc triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

1

 

TC 5.7

Quầy bán hàng (3 điểm - không áp dụng đối với bệnh viện không có quầy bán hàng)

 

 

 

Khu vực quầy bán hàng bảo đảm thông thoáng, thông khí tự nhiên hoặc nhân tạo (quạt gió...).

1

 

 

Có dung dịch sát khuẩn tay cho khách hàng đến quầy bán hàng.

1

 

 

Có tủ cực tím khử khuẩn tiền mặt hoặc triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

1

 

TC 5.8

Nhà ăn, căng-tin (5 điểm - không áp dụng đối với bệnh viện không có nhà ăn, căng-tin)

 

 

 

Có bồn rửa tay ngay bên ngoài hoặc trong nhà ăn, căng-tin; có xà-phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

1

 

 

Có phục vụ các suất ăn đóng gói cho khách mang về.

1

 

 

Các bàn ăn và chỗ ngồi được bố trí thông thoáng theo tình hình dịch, có thông khí tự nhiên hoặc nhân tạo (quạt gió).

1

 

 

Các bề mặt nhà ăn cần lau sạch hằng ngày bằng dung dịch khử khuẩn.

1

 

 

Có vách ngăn (bằng kính, mi-ca hoặc nhựa...) giữa các bàn ăn.

1

 

TC 5.9

Quầy thu viện phí (4 điểm) *

 

 

 

Khu vực quầy thu viện phí bảo đảm thông thoáng, thông khí tự nhiên hoặc nhân tạo.

1

 

 

Có dung dịch sát khuẩn tay cho người nộp tiền.

1

 

 

Có tấm ngăn giữa nhân viên thu viện phí và người nộp tiền.

1

 

 

Có tủ cực tím khử khuẩn tiền mặt hoặc triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

1

 

CHƯƠNG 6

QUẢN LÝ AN TOÀN NGƯỜI BỆNH VÀ NGƯỜI NHÀ NGƯỜI BỆNH

 

 

TC 6.1

Quy định hạn chế người nhà người bệnh theo tình hình dịch (3 điểm) *

 

 

 

Có quy định hạn chế số lượng người nhà người bệnh (mỗi người bệnh chỉ có 1 người nhà đi cùng).

1

 

 

Quy định về việc hạn chế số lượng người nhà người bệnh đã phổ biến cho nhân viên thực hiện và giám sát.

1

 

 

Quy định về việc hạn chế số lượng người nhà người bệnh đã niêm yết công khai cho người bệnh, người nhà người bệnh thực hiện.

1

 

TC 6.2

Chuẩn bị khu vực cách ly cho người bệnh chuyển đến từ vùng dịch (3 điểm) *

 

 

 

Trên 80% khoa lâm sàng bố trí ít nhất 1 buồng cách ly tạm thời theo quy định.

1

 

 

Toàn bộ khoa lâm sàng bố trí sẵn sàng ít nhất 1 buồng cách ly tạm thời theo quy định.

1

 

 

Bệnh viện sẵn sàng có khu vực cách ly riêng biệt hoặc khoa điều trị riêng cho các ca bệnh nghi ngờ COVID-19 hoặc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác, ngăn cách hoàn toàn không cho người không có nhiệm vụ vào khu vực này.

1

 

TC 6.3

Vận chuyển người bệnh trong bệnh viện (5 điểm) *

 

 

 

Có bố trí ít nhất 1 xe lăn dành cho người nghi nhiễm/người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp, xe lăn có đánh dấu phân biệt rõ ràng.

1

 

 

Có bố trí ít nhất 1 cáng có bánh xe dành cho người nghi nhiễm/người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp, cáng có đánh dấu phân biệt rõ ràng.

1

 

 

Có khu vực để xe lăn/cáng có bánh xe riêng và ghi rõ: “khu vực để phương tiện vận chuyển phục vụ người nghi nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp”. Xe lăn không phục vụ đối tượng khác.

1

 

 

Có quy trình khử khuẩn sau mỗi lần sử dụng phương tiện. Các phương tiện vận chuyển người bệnh sau khi kết thúc sử dụng phải xử lý ngay theo đúng quy trình trước khi sử dụng cho người bệnh tiếp theo.

1

 

 

Nhân viên y tế tham gia vận chuyển người bệnh được trang bị đủ phương tiện phòng hộ cá nhân; trình bày và thực hành đúng quy trình xử lý khử khuẩn phương tiện vận chuyển người bệnh.

1

 

TC 6.4

Bố trí buồng bệnh điều trị nội trú tại các khoa (6 điểm) *

 

 

 

Buồng điều trị thông thoáng, tăng cường thông khí (thông khí tự nhiên như mở cửa sổ nhưng không mở ra hành lang, lối đi, thông khí nhân tạo như quạt gió..).

2

 

 

Trong mỗi buồng bệnh lắp đặt cố định ít nhất 1 bình xịt cồn sát khuẩn tay nhanh, bảo đảm luôn có dung dịch cồn sát khuẩn trong bình.

1

 

 

Khoảng cách giữa các giường ít nhất 1m, không nằm ghép; khoảng cách giữa các giường ít nhất 2m theo mức độ dịch tăng.

2

 

 

Có rèm che bằng vật liệu chống thấm ngăn cách giữa các giường bệnh trong toàn bộ các buồng bệnh.

1

 

TC 6.5

Chăm sóc người bệnh nội trú (5 điểm) *

 

 

 

Nhân viên y tế được cấp phát đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp khi điều trị, chăm sóc người bệnh nghi nhiễm COVID-19 hoặc các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác.

1

 

 

Bố trí người bệnh có bệnh đường hô hấp ở những buồng bệnh riêng, hạn chế tối đa 2 giường bệnh trong các buồng bệnh điều trị người bệnh có bệnh đường hô hấp.

1

 

 

Triển khai chăm sóc toàn diện người bệnh ít nhất tại các khoa hồi sức cấp cứu và khoa hô hấp, hạn chế việc yêu cầu người nhà người bệnh cùng chăm sóc.

1

 

 

Triển khai chăm sóc toàn diện cho toàn bộ người bệnh chăm sóc cấp I tại toàn bộ các khoa.

1

 

 

Triển khai chăm sóc toàn diện cho toàn bộ người bệnh tại bệnh viện.

1

 

TC 6.6

Quản lý người bệnh nội trú (4 điểm) *

 

 

 

Yêu cầu người bệnh thông báo ngay khi mới xuất hiện biểu hiện viêm đường hô hấp.

1

 

 

Yêu cầu người bệnh thông báo ngay khi biết người nhà người bệnh được chẩn đoán COVID-19 hoặc các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác.

1

 

 

Bảo đảm quản lý chặt chẽ người bệnh tại các khoa điều trị, không phát hiện thấy có người bệnh viêm đường hô hấp cấp đi lại tự do trong và ngoài bệnh viện.

1

 

 

Bảo đảm cung cấp suất ăn, nước uống đầy đủ cho người bệnh viêm đường hô hấp cấp tại các khoa trong quá trình nằm viện.

1

 

TC 6.7

Tăng cường hoạt động tư vấn và khám chữa bệnh từ xa (5 điểm) *

 

 

 

Thiết lập và ban hành quy chế hoạt động đường dây nóng tư vấn về COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác cho người dân.

1

 

 

Lập kế hoạch và thực hiện định kỳ hội chẩn, thảo luận ca bệnh trực tuyến với các bệnh viện khác.

1

 

 

Bảo đảm tất cả các trường hợp người bệnh chuyển đến/chuyển đi đều được thảo luận và thông báo trước qua điện thoại hoặc ứng dụng công nghệ thông tin cho cơ sở chuyển đi/chuyển đến.

1

 

 

Lập kế hoạch và thành lập bộ phận/đơn vị phụ trách khám, chữa bệnh từ xa.

1

 

 

Triển khai, duy trì hoạt động thường xuyên bộ phận/đơn vị phụ trách khám, chữa bệnh từ xa cho tối thiểu 2 đối tượng (ví dụ người bệnh mạn tính đang được quản lý tại bệnh viện).

1

 

CHƯƠNG 7

QUẢN LÝ AN TOÀN NHÂN VIÊN Y TẾ

 

 

TC 7.1

Hội chẩn giữa các khoa, họp liên khoa và giao ban bệnh viện (4 điểm) *

 

 

 

Có quy trình hội chẩn giữa các khoa, họp liên khoa và giao ban bệnh viện trong tình huống phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác.

1

 

 

Có quy định hình thức giao ban, hội chẩn, họp trực tuyến trong tình huống phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác.

1

 

 

Có đầy đủ thiết bị hình ảnh, âm thanh, đường truyền... phục vụ hình thức giao ban, hội chẩn, họp trực tuyến tại các khoa, phòng liên quan. Các thiết bị bảo đảm hoạt động tốt và trong trạng thái sẵn sàng kích hoạt.

1

 

 

Nhân viên bệnh viện thực hiện hội chẩn giữa các khoa, họp liên khoa và giao ban bệnh viện theo quy trình đã được bệnh viện phê duyệt, trong đó sử dụng hình thức giao tiếp trực tuyến trong bối cảnh có nguy cơ dịch bệnh.

1

 

TC 7.2

Theo dõi sức khỏe nhân viên y tế (4 điểm) *

 

 

 

Có quy định yêu cầu nhân viên y tế tự giác theo dõi sức khỏe bản thân, gia đình và các triệu chứng bệnh đường hô hấp. Khi xuất hiện triệu chứng viêm đường hô hấp cấp, nhân viên y tế báo cáo ngay với người quản lý trực tiếp.

1

 

 

Có hệ thống theo dõi, quản lý tình hình báo cáo bệnh viêm đường hô hấp cấp của nhân viên y tế trên phạm vi toàn bệnh viện (kể cả các bộ phận dịch vụ bảo vệ, nhà ăn.).

1

 

 

Có hệ thống quản lý bằng công nghệ thông tin để ghi nhận tình hình báo cáo bệnh viêm đường hô hấp của nhân viên y tế.

1

 

 

Nhân viên y tế có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp được khám sàng lọc COVID-19 hoặc các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác.

1

 

TC 7.3

Quản lý nguy cơ nhân viên dịch vụ thuê ngoài (3 điểm) *

 

 

 

Tất cả nhân viên dịch vụ thuê ngoài đều được tập huấn về các yếu tố dịch tễ, nguy cơ bệnh truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân.

1

 

 

Tất cả nhân viên dịch vụ thuê ngoài được trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp với tính chất công việc (ví dụ bảo vệ được cung cấp khẩu trang).

1

 

 

Có phân công cho đơn vị và cá nhân cụ thể thực hiện quản lý giám sát việc tuân thủ quy định kiểm soát nhiễm khuẩn của nhân viên dịch vụ thuê ngoài.

1

 

CHƯƠNG 8

VỆ SINH BỆNH VIỆN

 

 

TC 8.1

Quản lý khu vực nhà vệ sinh (3 điểm) *

 

 

 

Có quy định các bề mặt nhà vệ sinh được lau sạch bằng dung dịch khử khuẩn hàng ngày theo các khung giờ nhất định.

1

 

 

Nhân viên thực hiện đầy đủ việc lau sạch bằng dung dịch khử khuẩn hàng ngày cho các bề mặt nhà vệ sinh theo đúng quy định. Nếu phát sinh chất thải bẩn trên bề mặt nhà vệ sinh đều được lau sạch kịp thời trong vòng 15 phút.

1

 

 

Nhân viên thu dọn nhà vệ sinh mang đầy đủ khẩu trang y tế và các phương tiện phòng hộ cá nhân như ủng, găng tay cao su.

1

 

TC 8.2

Vệ sinh các bề mặt thường xuyên tiếp xúc (3 điểm) *

 

 

 

Có bố trí đầy đủ dung dịch khử khuẩn tại các vị trí người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, thang máy.).

1

 

 

Có quy định vệ sinh bề mặt bằng các biện pháp thích hợp hoặc phun xịt dung dịch khử khuẩn vào các bề mặt thường xuyên tiếp xúc (ít nhất 1 buổi/lần trong thời điểm dịch bệnh và ít nhất 1 ngày/lần ngoài thời điểm dịch bệnh).

1

 

 

Thực hiện vệ sinh bề mặt hoặc phun xịt dung dịch khử khuẩn các bề mặt thường xuyên tiếp xúc theo đúng quy định.

1

 

 

ĐIỂM TỔNG CỘNG

150

 

 

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

QUAN ĐIỂM CHỦ ĐẠO

Bệnh viện cần bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh an toàn, hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tiềm ẩn trong cộng đồng.

1. MỤC TIÊU

1.1. Mục tiêu chung

Hướng dẫn bệnh viện triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh COVID-19 và dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, đáp ứng tốt với các yếu tố nguy cơ dịch bệnh.

1.2. Mục tiêu cụ thể

1. Cung cấp công cụ và đánh giá thực trạng công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp của bệnh viện.

2. Định hướng cho bệnh viện xác định vấn đề ưu tiên để hoạt động khám chữa bệnh an toàn, phòng chống lây nhiễm cho người bệnh, nhân viên y tế.

3. Bảo vệ người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế phòng ngừa lây nhiễm dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp từ cộng đồng và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

4. Bảo đảm duy trì cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trong và sau khi tiếp nhận người nghi nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp hoặc dương tính với SARS- CoV-2.

2. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

2.1. Thời gian đánh giá

Bệnh viện xem xét, đối chiếu các nội dung của Bộ tiêu chí và tự thực hiện đánh giá sau khi Bộ tiêu chí được ban hành, định kỳ hằng tháng hoặc sau khi bệnh viện thực hiện cải tiến chất lượng, an toàn.

2.2. Thành phần đoàn đánh giá

Đại diện Ban Giám đốc (Trưởng đoàn)

Đại diện lãnh đạo khoa/phòng/ban sau:

+ Phòng Quản lý chất lượng (Thư ký)

+ Phòng Kế hoạch tổng hợp

+ Phòng Điều dưỡng

+ Phòng Hành chính - Quản trị

+ Phòng Vật tư - Trang thiết bị

+ Khoa Khám bệnh

+ Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

+ Các khoa/phòng/ban khác nếu bệnh viện xét thấy cần thiết.

2.3. Quy trình bệnh viện triển khai tự đánh giá

Bước 1: Trước khi đánh giá: thành viên đoàn đánh giá nghiên cứu nội dung tiêu chí để hiểu rõ ý nghĩa và phương pháp đánh giá.

Bước 2: Họp thống nhất quy trình đánh giá: trưởng đoàn đánh giá chủ trì tổ chức một cuộc họp để các thành viên trao đổi và thống nhất nội dung và phương pháp đánh giá.

Bước 3: Thực hiện đánh giá.

Bước 4: Họp sau đánh giá: sau khi hoàn thành đánh giá, trưởng đoàn tổ chức họp với đầy đủ thành viên đoàn đánh giá để thống nhất kết quả đánh giá và khuyến nghị.

Bước 5: Bệnh viện cần triển khai các hoạt động sau khi đánh giá:

- Lập kế hoạch nâng cao năng lực phòng chống dịch của bệnh viện.

- Trình bày kết quả đánh giá và kế hoạch nâng cao năng lực phòng chống dịch của bệnh viện tới toàn bộ cán bộ công chức, viên chức của bệnh viện.

- Gửi báo cáo định kỳ cho Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế.

- Rà soát các vấn đề không an toàn và các nguy cơ tiềm ẩn được phát hiện trong quá trình đánh giá.

- Xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề tồn tại.

- Thực hiện các giải pháp can thiệp nhằm tăng cường năng lực phòng chống dịch của bệnh viện, bảo đảm cho bệnh viện khám chữa bệnh an toàn trong tình huống dịch bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng.

2.4. Phương pháp đánh giá

- Bộ tiêu chí có 37 tiêu chí, được chia làm 8 chương. Điểm tối đa 150 điểm.

- Mỗi tiểu mục được chấm là đạt hoặc không đạt.

- Mỗi tiểu mục nếu đạt sẽ được chấm 1 điểm, riêng 2 tiểu mục được chấm 2 điểm.

- Điểm của mỗi tiêu chí bằng tổng điểm của các tiểu mục. Khi không có tiểu mục nào được điểm thì điểm của tiêu chí bằng 0.

- Nếu bệnh viện không có tiêu chí (ví dụ quầy bán hàng) thì không chấm điểm tiêu chí đó. Mẫu số để tính % bằng tổng điểm 150 trừ điểm tối đa của tiêu chí không chấm: mẫu số bằng 150 - (TCx + Tcy + TCz...). TCx,y,z là các tiêu chí không áp dụng cho bệnh viện.

- Phân loại kết quả:

+ Bệnh viện an toàn: tổng điểm đạt ≥ 75% điểm tối đa và không có tiêu chí * nào ở mức 0 điểm.

+ Bệnh viện an toàn ở mức thấp: tổng điểm đạt từ ≥ 50% đến < 75% điểm tối đa và không có tiêu chí * nào ở mức 0 điểm.

+ Bệnh viện không an toàn: tổng điểm đạt < 50% hoặc bất kỳ tiêu chí * nào 0 điểm.

Bệnh viện tự đánh giá và nhập điểm trên phần mềm trực tuyến theo đường dẫn: http//covid19.chatluongbenhvien.vn

Trong quá trình thực hiện tự đánh giá, nếu có ý kiến góp ý, đề xuất về nội dung, quy trình thực hiện đánh giá và những vấn đề liên quan, đề nghị các bệnh viện gửi ý kiến về cho Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế trực tiếp trên phần mềm trực tuyến. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ tổng hợp, nghiên cứu các ý kiến góp ý, kiến nghị để hoàn thiện hơn nội dung cũng như phương pháp đánh giá, góp phần tăng cường ý nghĩa thực tiễn của hoạt động này.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3088/QĐ-BYT năm 2020 về Bộ Tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 3088/QĐ-BYT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/07/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Trường Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản