Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3035/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 24 tháng 8 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI, HỎA HOẠN, SỰ CỐ NGHIÊM TRỌNG XẢY RA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp, tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;

Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

Căn cứ Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh về Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, một số mức trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số: 240/TTr-SLĐTBXH ngày 19 tháng 8 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế phối hợp thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Lao động Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và PTNT; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 783/QĐ-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2017 của UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn và sự cố nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai./.

 


Nơi nhận:
- TT. TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể tỉnh;
- Như điều 2 QĐ;
- TT. Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Lưu: VT, TH1, VX3, TNMT, NLN 1,3.

CHỦ TỊCH




Trịnh Xuân Trường

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI, HỎA HOẠN, SỰ CỐ NGHIÊM TRỌNG XẢY RA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3035/QĐ-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2021 của UBND tỉnh Lào Cai)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

a) Quy chế này quy định về một số nội dung phối hợp thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

b) Những nội dung không quy định trong quy chế này được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Đối tượng áp dụng: Quy chế này áp dụng đối với các sở, ban, ngành, cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Các hoạt động hỗ trợ, cứu trợ đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ; kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định.

2. Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng hỗ trợ, động viên nhân dân chủ động khắc phục đồng thời có trách nhiệm lồng ghép các nguồn lực để thực hiện hỗ trợ.

3. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai được thực hiện đảm bảo không chồng chéo, có hiệu quả.

4. Các sở, ban, ngành, cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm phối hợp thống nhất, chặt chẽ trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Điều 3. Hình thức phối hợp

1. Cập nhật theo dõi, nắm bắt việc thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

2. Xây dựng kế hoạch và báo cáo thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Điều 4. Nội dung phối hợp

1. Tổ chức kêu gọi, vận động đóng góp tiền, hàng cứu trợ.

2. Tổ chức tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ.

3. Xây dựng phương án và tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Chương 2

TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Điều 5. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

1. Phối hợp với các sở: Nông nghiệp và PTNT, Lao động Thương binh và Xã hội và các sở, ngành, đơn vị có liên quan theo dõi, tổng hợp tình hình thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai, báo cáo Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh về thành phần đoàn đi thăm hỏi, trợ giúp các đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Điều 6. Sở Nông nghiệp và PTNT

1. Chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

2. Phối hợp chỉ đạo Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau:

a) Tham mưu ban hành các văn bản, quyết định, chỉ thị, công điện, thông báo và các văn bản khác về công tác PCTT và TKCN trên địa bàn tỉnh.

b) Tổ chức thường trực, chỉ huy công tác ứng phó thiên tai và TKCN; phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai chỉ đạo điều hành và thực hiện nhiệm vụ PCTT và TKCN tại các địa phương.

c) Tham mưu cho Ban chỉ huy PCTT và TKCN biện pháp huy động nguồn lực, vật tư, phương tiện, để PCTT và TKCN; xử lý sự cố công trình PCTT.

d) Kiểm tra, đôn đốc, đề xuất biện pháp đầu tư, sửa chữa công trình bị ảnh hưởng do thiên tai; đào tạo, tập huấn, diễn tập, cấp các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCTN và TKCN tại các địa phương, đơn vị.

đ) Xây dựng kế hoạch, phương án, đề án PCTT và TKCN; triển khai thực hiện các chế độ, chính sách quy định về PCTN và TKCN.

e) Đầu mối xây dựng, tổ chức thực hiện các dự án hợp tác quốc tế về giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

g) Xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai; xây dựng cập nhật các loại bản đồ phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành PCTT và TKCN.

h) Tổ chức trực ban cập nhật kịp thời thông tin tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn, thiên tai; dự báo, cảnh báo các địa phương, đơn vị thực hiện các biện pháp phòng chống; tổng hợp báo cáo các thiệt hại gây ra và các nguồn cứu trợ, tài trợ cho công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

i) Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện tuyên truyền, phổ biến về Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên ngành.

k) Thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.

3. Chỉ đạo, nhanh chóng phục hồi sản xuất, tái định cư đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân.

Điều 7. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

1. Chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc công tác an toàn vệ sinh lao động, giảm nhẹ thiên tai tại các địa phương; tổng hợp tình hình thiệt hại về dân sinh; tham mưu, đề xuất thực hiện chính sách bảo trợ xã hội theo quy định.

2. Chủ trì tham mưu UBND tỉnh về thành phần đoàn đi thăm hỏi, trợ giúp các đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh. Chuẩn bị điều kiện phục vụ các đoàn của tỉnh đi thăm hỏi, tặng quà cho các cá nhân, gia đình bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng.

3. Phối hợp với UBMTTQ tỉnh, Hội Chữ thập đỏ và các ngành, đơn vị có liên quan tiếp nhận và phân bổ nguồn viện trợ, hỗ trợ cho các đối tượng đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và quy định.

Điều 8. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

1. Nắm chắc nguồn lực tài chính, vật tư, phương tiện, thiết bị của tất cả các ngành, Ban quản lý khu kinh tế, các doanh nghiệp, nhà máy đóng trên địa bàn và chịu trách nhiệm huy động theo lệnh điều động đến vị trí có yêu cầu sử dụng được nhanh nhất, kịp thời phục vụ xử lý các tình huống do thiên tai, hỏa hoạn.

2. Làm tốt công tác bảo đảm nguồn lực Tài chính chi thường xuyên và đột xuất phục vụ các tình huống thiên tai, thảm họa trên địa bàn. Đặc biệt khi xảy ra bão, lũ, lũ quét và sạt lở đất, đá.

3. Phối hợp với các sở, ngành địa phương thống kê, báo cáo thiệt hại do thiên tai thảm họa xảy ra, đề xuất với UBND tỉnh điều chỉnh ngân sách hỗ trợ, khắc phục hậu quả sau thiên tai, thảm họa xảy ra theo quy định.

Điều 9. Trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị có liên quan

1. Sở Y tế: Chỉ đạo các cơ sở y tế trong ngành chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện y tế phục vụ công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân và xử lý vệ sinh môi trường, phòng dịch. Xây dựng phương án cấp cứu nạn nhân trong mọi tình huống khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng. Các bệnh viện, cơ sở điều trị từ tuyến huyện trở lên bố trí các đội lưu động với đầy đủ cán bộ chuyên môn, cơ số thuốc thiết yếu, thiết bị y tế và các phương tiện đi lại, tổ chức ứng trực sẵn sàng nhiệm vụ trong mùa mưa bão. Bố trí các trạm cấp cứu bám sát các khu vực tạm cư nơi nhân dân sơ tán, di dời với đầy đủ cán bộ y tế, thuốc và phương tiện cấp cứu, triển khai kịp thời công tác vệ sinh môi trường và phòng dịch.

2. Sở Giao thông Vận tải- Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực ngành; Chỉ đạo xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; đặc biệt đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại các khu vực xảy ra bão lũ, thiên tai, sự cố nghiêm trọng. Kịp thời ứng cứu, khắc phục các sự cố công trình, cầu đường, cây xanh, đèn tín hiệu giao thông ngã đổ do thiên tai; có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo và giải quyết các công việc của Ban an toàn giao thông khi xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Chủ trì lập quy hoạch xây dựng phương án dự phòng trường hợp phải di dân khi thiên tai xảy ra.

3. Công an tỉnh: Tăng cường công tác quản lý an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội kịp thời phát hiện, kịp thời xử lý các đối tượng lợi dụng thiên tai, hỏa hoạn và sự cố nghiêm trọng xảy ra; phối hợp với lực lượng quân đội, các ngành, địa phương tham gia cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng.

4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

- Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Công an, Biên phòng, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các đơn vị của Quân khu 2, Bộ Quốc phòng đứng chân trên địa bàn khi được tăng cường và địa phương cơ động lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh;

- Tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu theo quy định;

- Khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn trên địa bàn nhanh chóng chỉ huy lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khắc phục hậu quả theo yêu cầu của thường trực UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh;

5. Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh

- Tăng cường công tác tuần tra, quản lý biên giới, không để kẻ địch lợi dụng tình hình mưa bão, thảm họa xâm nhập trái phép vào phá hoại, gây mất trật tự an ninh khu vực biên giới. Chủ động huy động lực lượng biên phòng, phương tiện tham gia giúp đỡ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nơi khu vực đóng quân. Tham gia cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh;

- Thông báo, phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới đối diện trong TKCN trên sông, suối biên giới, ngăn ngừa dịch bệnh qua biên giới;

6. Sở Giáo dục và Đào tạo: Có trách nhiệm phối hợp với các ngành, địa phương tuyên truyền công tác PCTT, tai nạn giao thông đến các trường học; Có phương án cụ thể sơ tán học sinh đến nơi an toàn khi thiên tai xảy ra bất ngờ và có phương án cho học sinh học tạm thời khi phải khắc phục hậu quả thiên tai dài ngày, để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý, giải quyết nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giáo viên, học sinh trong mùa mưa bão,...

7. Sở Công thương:

- Hướng dẫn và đôn đốc các địa phương trong tỉnh xây dựng Kế hoạch khai thác dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu; theo dõi diễn biến thị trường, nắm bắt tình hình sản xuất, phân phối, lưu thông để chủ động điều phối hàng hóa cho các địa phương; đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho địa bàn toàn tỉnh; chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối chủ động triển khai công tác chuẩn bị nguồn hàng cũng như phương án vận chuyển để sẵn sàng thực hiện điều tiết hàng hóa khi cần thiết.

- Phối hợp, huy động các phương tiện, máy móc, trang thiết bị của các đơn vị trực thuộc ngành đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phục vụ công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra.

8. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương xử lý môi trường sau mưa bão, đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống cho nhân dân.

9. Sở Thông tin và Truyền thông: Xây dựng kế hoạch đảm bảo thông tin truyền thông phục vụ công tác PCTT và TKCN hàng năm; tham mưu triển khai hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác PCTT & TKCN theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

10. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: Cơ động các đội bơi lặn đến địa bàn bị ngập úng theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để phục vụ công tác TKCN.

11. Điện lực Lào Cai: Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tổ chức sửa chữa, thay thế kịp thời đường dây và các Trạm biến thế khi có sự cố đảm bảo điện cho tiêu úng và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, phụ tùng dự phòng phù hợp với yêu cầu của công tác PCTT. Sẵn sàng triển khai đường điện dã chiến theo yêu cầu của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của tỉnh.

12. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai: Theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, hỏa hoạn trong khu vực và trên địa bàn. Thông báo kịp thời tình trạng mưa, bão, lũ giúp lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành chủ động chỉ huy, chỉ đạo phòng chống bão, lũ; có chế độ thông tin đặc biệt khi có tình huống bão, lũ khẩn cấp xảy ra.

13. Cơ quan Báo, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử của tỉnh: Phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng ứng phó thiên tai; kịp thời phản ánh diễn biến tình hình thời tiết, cảnh báo các trọng điểm nguy cơ xảy ra thiên tai và công tác chỉ đạo, điều hành PCTT & TKCN của tỉnh để người dân nắm bắt thông tin, chủ động phòng tránh.

14. Các sở, ngành, đoàn thể có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp tham mưu triển khai thực hiện các hoạt động về công tác khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Điều 10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

1. Tổ chức triển khai thực hiện công tác PCTT và TKCN tại địa phương; xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động của địa phương; phối hợp xác định vị trí đất để bố trí dân cư cho các hộ phải di chuyển khi thiên tai xảy ra.

2. Tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động tổ chức tốt công tác phòng chống thiên tai, hỏa hoạn.

3. Khi có thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra kịp thời báo cáo và chỉ đạo theo dõi sát mọi diễn biến của thời tiết, chủ động tổ chức phòng, tránh theo phương châm “4 tại chỗ”, phát huy tối đa vai trò của cộng đồng và chính quyền cơ sở. Tổ chức trực ban đảm bảo 24/24 giờ theo quy định, sẵn sàng tiếp nhận lực lượng tăng cường của tỉnh tham gia cứu hộ cứu nạn. Chủ động đề xuất xin ý kiến và chỉ đạo quân sự sẵn sàng huy động Trung đội Dân quân cơ động và đại đội Dự bị động viên huy động khẩn cấp của huyện tham gia cứu hộ cứu nạn khi có lệnh của cấp trên.

Thường xuyên khảo sát, nắm bắt tình hình khai thác dự trữ hàng hóa và cung cầu thị trường; rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó với thiên tai cho phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương; chuẩn bị phương án huy động lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các địa điểm sơ tán dân; đặc biệt lưu ý đảm bảo an toàn và đủ nguồn hàng tại các khu vực sơ tán người dân do thiên tai; phối hợp với chặt chẽ với Sở Công Thương và các doanh nghiệp, các đại lý cung ứng trên địa bàn sẵn sàng huy động nguồn hàng cho các khu vực tiềm ẩn nguy cơ bị chia cắt (cả phương án ngắn ngày và dài ngày).

4. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thống kê, rà soát, đánh giá nhanh, đầy đủ, chính xác và tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn xảy ra trên địa bàn.

5. Tổ chức động viên, thăm hỏi và thực hiện chính sách trợ giúp xã hội theo quy định.

6. Chủ động bố trí ngân sách, nhân lực để thực hiện; thường xuyên kiểm tra và nắm bắt tình hình diễn biến thiên tai, hỏa hoạn xảy ra trên địa bàn.

7. Thực hiện thu, nộp, quản lý, sử dụng, quyết toán Quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định.

Điều 11. Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phòng ngừa và khắc phục tình hình thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn, sớm ổn định đời sống.

2. Thống kê, rà soát, đánh giá nhanh, đầy đủ, chính xác và tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn xảy ra trên địa bàn.

3. Phối hợp với các cấp quản lý, cấp phát tiền, hàng cứu trợ đến địa phương, nhân dân vùng bị thiên tai, hỏa hoạn,... đảm bảo kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai và minh bạch.

Điều 12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh

1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc:

- Chủ trì, tổ chức phát động kêu gọi, vận động tiếp nhận và phân bổ các nguồn viện trợ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân theo quy định.

- Phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn viện trợ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.

- Thường xuyên kiện toàn Ban cứu trợ tỉnh; hướng dẫn, chỉ đạo kiện toàn Ban cứu trợ các cấp.

- Thành lập Ban vận động, cứu trợ các cấp; Sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban cứu trợ tỉnh Lào Cai cho phù hợp với các văn bản, chính sách hiện hành.

- Tham mưu, đề xuất phương án sử dụng nguồn đóng góp tiền, hàng cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng.

- Phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động cứu trợ, hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định.

2. Hội Chữ thập đỏ tỉnh: Phối hợp và chỉ đạo công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai của Hội; xây dựng kế hoạch vận động sự ủng hộ của các tổ chức trong nước và quốc tế khi thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra ở diện rộng, quy mô lớn.

3. Tỉnh đoàn: Phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền kỹ năng phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ưu tiên cho các đối tượng dễ bị tổn thương nhất là người già, phụ nữ và trẻ em; huy động lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia vào công tác phòng, chống ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai...; Phối hợp tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình, cá nhân bị thiệt hại...

Chương 3

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Tổ chức thực hiện

Căn cứ Quy chế này; các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về Sở Lao động Thương binh và Xã hội để phối hợp với các sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3035/QĐ-UBND năm 2021 về Quy chế phối hợp thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai

  • Số hiệu: 3035/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/08/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Trịnh Xuân Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/08/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản