Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 288/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 11 năm 1984 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC HỢP TÁC KINH DOANH TRONG NGÀNH ĂN UỐNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30.6.1983 ;
- Căn cứ văn bản số 127/V15-M của Hội đồng Bộ trưởng về công tác cải tạo công thương nghiệp tư doanh và quản lý thị trường ;
- Theo đề nghị của đồng chí Trưởng ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh thành phố, đồng chí Giám đốc Sở Ăn uống Khách sạn và đồng chí Trưởng Ban quản lý thị trường thành phố,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về tổ chức hợp tác kinh doanh trong ngành ăn uống tại thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2: Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận huyện – căn cứ chức năng nhiệm vụ đã được quy định để hướng dẫn và tổ chức thực hiện quyết định này.
Điều 3: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với những điều trong bản quy định kèm theo quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 4: Các đồng chí Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các sở, ban, ngành thuộc thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ VIỆC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA CỬA HÀNG HỢP TÁC KINH DOANH NGÀNH ĂN UỐNG TẠI THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 288/QĐ-UB ngày 08-11-1984 của UBND thành phố Hồ Chí Minh).
Để thực hiện tốt chủ trương và kế hoạch cải tạo, xây dựng ngành dịch vụ ăn uống của thành phố, Ủy ban nhân dân tàhnh phố tạm thời quy định việc tổ chức, hoạt động và quản lý đối với cửa hàng hợp tác kinh doanh ăn uống như sau :
I- NGUYÊN TẮC CHUNG :
Điều 1: Cửa hàng hợp tác kinh doanh ăn uống gồm một bên là Công ty kinh doanh ăn uống thuộc Sở Ăn uống Khách sạn thành phố hoặc Công ty ăn uống khách sạn thuộc UBND quận, huyện (Công ty ngành hàng) và một bên là cá nhân hoặc một số cổ đông của một cửa hàng tư đang hoạt động, cùng góp vốn và đưa cửa hàng vào hợp tác với Nhà nước cùng quản lý kinh doanh, lời cùng chia, lỗ cùng chịu.
Điều 2: Cửa hàng là đơn vị hạch toán định mức từng phần trực thuộc Công ty kinh doanh ăn uống thuộc Sở Ăn uống Khách sạn thành phố hặc Công ty kinh doanh ăn uống thuộc UBND quận, huyện. Cửa hàng được Nhà nước bảo trợ, hoạt động theo sự hướng dẫn của đơn vị chủ quản, phải chấp hành đầy đủ các chế độ hiện hành theo quy định của Nhà nước (Tài chánh, thuế, Ngân hàng, Giá, Quản lý thị trường…).
Điều 3: Người được tổ chức hợp tác kinh doanh với Nhà nước là người đang có giấy phép hành nghề, có quy mô kinh doanh với mức thuế doanh nghiệp loại A hoặc loại B (xấp xỉ A) có tay nghề và kinh nghiệm kinh doanh.
Điều 4: Quyền quyết định cho thành lập cửa hàng hợp tác kinh doanh và bộ máy nhân sự hoạt động của cửa hàng :
a) Đối với cấp thành phố, là Giám đốc Sở Ăn uống và Khách sạn.
b) Đối với cấp quận huyện, là Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận huyện.
II-VỀ VỐN GÓP VÀ CHIA LỜI :
Điều 5: Vốn góp là tiền mặt và hàng hóa được trị giá bằng tiền. Vốn góp không nhất thiết phân bổ đều nhau giữa tư nhân và Nhà nước. Nhà nước động viên, khuyến khích và tạo điều kiện dể tư nhân góp vốn, công sức trực tiếp tham gia xây dựng và phát triển ngành dịch vụ ăn uống công cộng của thành phố vì lợi ích chung cũa xã hội chủ nghĩa và bản thân người đóng góp.
Điều 6: Về phương tiện kinh doanh và cửa hàng :
a) Các phương tiện kinh doanh của chủ tư nhân đang sử dụng vào việc kinh doanh không tính là vốn hợp tác kinh doanh mà căn cứ vào giá trị sử dụng còn lại và chánh sách giá theo quy định của UBND thành phố hoàn trả dần cho người hợp tác kinh doanh. Tiền hoàn trả dần này trích trong tiền lãi dành cho quỹ phát triển kinh doanh (nói ở điều 7 dưới đây), được trả hàng tháng hay quý theo quyết toán cho đến khi trả hết.
b) Về cửa hàng, nếu là nhà mà chủ tư nhân có quyền sở hữu hợp pháp thì phần diện tích kinh doanh, cửa hàng hợp tác kinh doanh thanh toán tiền cho chủ tư nhân theo giá thỏa thuận.
Nếu nhà thuộc sở hữu Nhà nước, thì phần diện tích kinh doanh, cửa hàng thanh toán tiền cho cơ quan quản lý nhà đất quận, huyện hay thành phô theo giá Nhà nước quy định.
Nếu nhà thuộc loại chiếm dụng, mua bán, sang nhượng không hợp pháp, Nhà nước thu hồi. Nhà nứơc xét từng trường hợp cụ thể thu nhận chủ tư nhân và người làm công vào làm việc cho Nhà nước và hưởng lương.
Điều 7: Về lợi nhuận trong kinh doanh.
Hàng tháng, quý và năm cửa hàng hợp tác kinh doanh phải quyết toán.
Sau khi trừ các khoản chi phí kinh doanh, thuế và các nghĩa vụ khác theo quy định của Nhà nước, tiền thực lãi được phân bổ như sau :
- Quỹ phát triển kinh doanh để mua sắm phương tiện kinh doanh, xây dựng cơ sở vật chất mở rộng kinh doanh từ 10% đến 20%.
- Quỹ bảo hiểm xã hội 2%.
- Quỹ phúc lợi tập thể 3%.
- Quỹ khen thưởng 2%.
- Trích nộp lên ngành cấp trên trực thuộc 1%.
- Số lãi còn lại chia cho các cổ đông hợp tác kinh doanh căn cứ theo tỷ lệ vốn góp.
III- VỀ THUẾ CÔNG THƯƠNG NGHIỆP :
Điều 8: Căn cứ chế độ thuế hiện hành, đối với cửa hàng hợp tác kinh doanh, tạm thời được vận dụng như sau :
a) Thuế môn bài, thu theo quy định hiện hành.
b) Thuế doanh nghiệp thu theo:
- Thuế suất 8% tính trên doanh số bán đối với kinh doanh món ăn cao cấp.
- Thuế suất 6% tính trên doanh số bán đối với kinh doanh món ăn bình dân.
c) Thuế lợi tức :
- Nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước, phần lãi chia cho cổ phần thuộc Nhà nước.
- Đối với lãi chia cho cổ đông tư nhân, tư nhân phải nộp thuế lợi tức (tiền lương, tiền thưởng trả cho cổ đông tư nhân không tính gộp vào tiền lãi được chia và không chịu thuế lợi tức): nếu tiền lãi chia cho mỗi cổ đông có từ 8.000 đồng/tháng trở xuống, tạm thời không thu thuế lợi tức; số lãi chia vượt 8.000 đồng/tháng, thuế lợi tức chỉ tính thu vào phần vượt theo biểu thuế hiện hành, được giảm 10% số thuế phải nộp và chỉ áp dụng với thuế suất tối đa là 60%.
d) Thực hiện đầy đủ chế độ miễn giảm thuế công thương nghiệp đối với những trường hợp có khó khăn như điều lệ thuế quy định.
IV- VỀ LAO ĐỘNG VÀ TIỀN CÔNG
Điều 9: Lao động trong cửa hàng hợp tác kinh doanh bao gồm: những người góp vốn hợp tác và có lao động, quản lý trực tiếp trong cửa hàng : người làm công cho tư nhân trước đó tại cửa hàng và số cán bộ nhân viên được Công ty kinh doanh hoặc ngành chủ quản cử đến công tác tại cửa hàng hợp tác kinh doanh.
Điều 10: Mỗi cửa hàng hợp tác kinh doanh được điều hành bởi một Ban quản lý do đơn vị chủ quản chỉ định, bao gồm :
- Cửa hàng trưởng
- Cửa hàng phó
- Kế toán trưởng
Căn cứ vào trình độ và năng lực quản lý, người chủ cũ có thể được cửa làm cửa hàng trưởng hoặc làm phó. Trường hợp người chủ cũ được cử làm phó thì cơ quan chủ quản cử đến một phụ trách trưởng.
Kế toán trưởng do cơ quan chủ quản cử đến.
Ban quản lý cửa hàng hợp tác kinh doanh do Giám đốc Sở Ăn uống và Khách sạn bổ nhiệm nếu đơn vị kinh doanh thuộc cấp thành phố; hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện bổ nhiệm nếu đơn vị kinh doanh thuộc cấp quận, huyện.
Điều 11: Về tiền công
- Đối với chủ tư nhân góp vốn, trực tiếp lao động, quản lý, những người làm công có tay nghề như nhau được trả tiền công lao động như nhau. Những lao động khác, tùy tình hình, tính chất công việc, cửa hàng quy định theo hướng dẫn của Công ty chủ quản (cân đối tình hình chung trong cùng ngành).
- Đối với cán bộ, nhân viên Nhà nước công tác tại cửa hàng, tiền lương và các khoản phụ cấp theo quy định hiện hành của Nhà nước do cửa hàng thanh toán (được tính vào chi phí kinh doanh); ngoài ra còn được hưởng thêm khoản bồi dưỡng tùy theo hiệu quả kinh doanh, do Ban quản lý cửa hàng hợp tác kinh doanh định, được đơn vị chủ quản duyệt.
V – KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT
Điều 12: Để bảo đảm phát triển kinh doanh theo kế hoạch của đơn vị kinh doanh chủ quản và theo kế hoạch quản lý trên địa bàn quận huyện, cửa hàng trưởng được quyền phát huy khả năng, tay nghề và kinh nghiệm kinh doanh làm cho cửa hàng hợp tác kinh doanh ngày càng phát triển, vừa đảm bảo yêu cầu phục vụ, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Cửa hàng trưởng phải có phương án phát triển kinh doanh trình đơn vị kinh doanh chủ quản duyệt. Những phương án kinh doanh đúng hướng và có hiệu quả đều được khen thưởng.
Điều 13: Tất cả những người làm việc trong cửa hàng hợp tác kinh doanh (kể cả cán bộ, nhân viên Nhà nước cử đến) nếu vi phạm chế độ quản lý kinh doanh làm thiệt hại tài sản và hiệu quả kinh doanh tùy theo mức độ nặng nhẹ mà xử lý kỷ luật, phải bồi thường vật chất hoặc sa thải, mức cao nhất là truy tố trước pháp luật.
VI- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14: Quy định này thi hành tạm thời.
Sở Ăn uống và Khách sạn thành phố, các cơ quan quản lý kinh tế tổng hợp của thành phố, Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh thành phố có nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện cụ thể, Qua quá trình thực hiện, kịp thời kiến nghị bổ sung hoàn chỉnh, trình Ủy ban nhân dân thành phố xét ban hành quy định chánh thức.
Điều 15: Những cửa hàng đã hợp tác kinh doanh trước ngày ký ban hành quy định tạm thời này, đều phải tổ chức và hoạt động theo đúng các điều khoản của quy định.
| ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Quyết định 288/QĐ-UB năm 1984 quy định tạm thời về tổ chức hợp tác kinh doanh trong ngành ăn uống tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 288/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/11/1984
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Võ Danh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra