Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 288/QĐ-STNMT-CCBVMT

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 02 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ LẦN THỨ X VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIẢM Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 CỦA SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

GIÁM ĐỐC SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Quyết định số 121/2003/QĐ-UB ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Quyết định số 25/2016/QĐ-UBND ngày 11 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Sở Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Quyết định số 5927/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về Chương trình giảm ô nhiễm giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 58-NQ/ĐU ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Đảng ủy Sở Tài nguyên và Môi trường về lãnh đạo thực hiện các chương trình đột phá của Thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020;

Xét đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Sở, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, thủ trưởng các Phòng, Ban, đơn vị trực thuộc Sở và toàn thể công chức, viên chức Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (để báo cáo);
- Thành ủy (để báo cáo);
- Ủy ban nhân dân thành phố (để báo cáo);
- Ủy ban nhân dân Quận, Huyện;
- Phòng Tài nguyên - Môi trường Quận, Huyện;
- Ban Giám đốc Sở;
- Lưu: VT, VPS-CVP.

GIÁM ĐỐC




Nguyễn Toàn Thắng

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ LẦN THỨ X VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIẢM Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 CỦA SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 288/QĐ-STNMT-CCBVMT ngày 03 tháng 02 năm 2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường)

Nhằm triển khai đúng tiến độ và hiệu quả, đảm bảo đạt các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình hành động số 13-CTrHĐ ngày 25 tháng 10 năm 2016 của Thành ủy và Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 5927/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về Chương trình giảm ô nhiễm giai đoạn 2016-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng Kế hoạch thực hiện cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

Quyết tâm thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Chương trình hành động của Thành ủy và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố về Chương trình giảm ô nhiễm giai đoạn 2016-2020; trong đó, có những mục tiêu, chỉ tiêu hoàn thành trong năm 2019.

Lồng ghép với Kế hoạch thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường với các Kế hoạch liên quan khác của Sở Tài nguyên và Môi trường một cách phù hợp, khoa học; đảm bảo hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nhằm thực hiện đúng tiến độ Kế hoạch đề ra.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

- Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.

- Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường.

- Tiếp tục triển khai đầu tư, xây dựng và hoàn thiện các Khu xử lý chất thải rắn của thành phố.

- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

- Tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chú trọng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

III. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU (theo Phụ lục 1 đính kèm)

IV. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Giao Chi cục Bảo vệ môi trường

- Theo nội dung được giao chủ trì thực hiện tại phần III, theo dõi, triển khai Kế hoạch chi tiết đối với chỉ tiêu được phân công.

- Chủ trì, phối hợp Sở ngành và đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, công chức và nhân dân trong việc bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi ni-lông khó phân hủy, ứng phó biến đổi khí hậu với nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp cho từng đối tượng; triển khai các chương trình liên tịch về bảo vệ môi trường; tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền và xã hội hóa công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.

- Triển khai có hiệu quả Giải thưởng môi trường để kịp thời động viên, khuyến khích các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp đã có những đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Thực hiện công khai danh sách các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Duy trì và nâng chất tiêu chí môi trường trong Chương trình Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, hướng đến xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

- Triển khai hiệu quả, đúng tiến độ Kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 2916/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2015 về triển khai Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 21/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các quy hoạch, các dự án đầu tư có liên quan đến môi trường.

- Hoàn thành Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn thành phố đến năm 2030; Quy hoạch môi trường trên địa bàn thành phố đến năm 2030.

- Tham mưu lãnh đạo Sở trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các quy định về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền hoặc đề nghị Trung ương bổ sung các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường cho phù hợp thực tế, đáp ứng yêu cầu công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Tiếp tục rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về nguồn thải, chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý cơ sở dữ liệu về nguồn thải.

- Chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và đề xuất xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm của các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đặc biệt là kiểm soát, bắt buộc các nguồn thải công nghiệp phát sinh nước thải, khí thải phải đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo đúng quy định.

- Phối hợp Sở Công thương, Sở Y tế, Sở Xây dựng, Công an thành phố,... kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, y tế, dịch vụ trên địa bàn thành phố.

- Triển khai kế hoạch di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; phối hợp với Sở ngành, Ủy ban nhân dân quận 12 và các đơn vị liên quan hoàn thành triển khai Kế hoạch thí điểm xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường tại Khu phố 4 và khu phố 5, Phường Đông Hưng Thuận, Quận 12.

- Triển khai theo đúng tiến độ Kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 6781/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2015 về xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

- Tăng cường năng lực ứng phó sự cố môi trường, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường, chủ động ngăn ngừa, ứng cứu, khắc phục sự môi trường kịp thời.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, kiểm tra giám sát về lĩnh vực quản lý môi trường.

- Nâng cao hiệu quả phối hợp với địa phương bạn để giải quyết các vấn đề môi trường ở vùng giáp ranh, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

- Tăng cường chia sẻ và công khai thông tin, dữ liệu về môi trường nước lưu vực sông, đặc biệt giải quyết vấn đề ô nhiễm kênh rạch giáp ranh như kênh Ba Bò và kênh Thầy Cai - sông Cần Giuộc. Phối hợp cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) triển khai dự án “Tăng cường quản lý môi trường nước lưu vực sông”.

- Phối hợp các Phòng ban khác thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác theo Kế hoạch.

- Triển khai 14 Chương trình, đề án tại Phụ lục 2 đính kèm.

2. Giao Phòng Quản lý Chất thải rắn

- Theo nội dung được giao chủ trì thực hiện tại phần III, theo dõi, triển khai Kế hoạch chi tiết đối với chỉ tiêu được phân công.

- Hoàn thành các Quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, kiểm tra giám sát về lĩnh vực quản lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, bùn hầm cầu phù hợp mỹ quan đô thị.

- Trong giai đoạn 2017-2018, xem xét lựa chọn và triển khai các thủ tục đầu tư và xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt có công nghệ tiên tiến, hiện đại với công suất 1.000-2.000 tấn/ngày. Trong giai đoạn 2018-2019, đưa các dự án tái chế, xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại (có công suất khoảng 800 tấn/ngày tại các Khu liên hợp xử lý chất thải thành phố) và Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt vào vận hành để nâng cao khả năng tiếp nhận, xử lý chất thải cho thành phố. Đẩy mạnh tiến trình tự động và hiện đại hóa hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.

- Triển khai Chương trình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn các quận 1, 2, 3, 5, 6, 7, 12, Bình Thạnh và những quận tiên phong tham gia chương trình; sau năm 2017, triển khai Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn đáp ứng và phù hợp với các công nghệ, công suất của các Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.

- Thực hiện phương thức lựa chọn đấu thầu rộng rãi, lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ quét và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực trong xã hội tham gia vào bảo vệ môi trường nhằm nâng cao chất lượng vệ sinh, định hướng và đầu tư đồng bộ các trang thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố phù hợp với triển khai Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn thành phố; đầu tư các trạm trung chuyển rác theo công nghệ ép rác kín, có trang thiết bị xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.

- Rà soát cơ chế tổ chức quét dọn, thu gom, phân loại vận chuyển, xử lý, tái chế rác để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thành phố.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tái chế, xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại tại các Khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố. Có giải pháp, lộ trình xử lý, khắc phục nhanh, triệt để hạn chế của các khu xử lý chất thải rắn hiện nay; đồng thời có giải pháp trước mắt đảm bảo các điều kiện về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân sinh sống khu vực lân cận và chịu tác động môi trường của các khu xử lý chất thải. Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại (kể cả cải tạo các khu xử lý chất thải rắn đã ngưng tiếp nhận rác) với phương châm công khai, minh bạch.

- Hoàn thiện đề án mạng lưới nhà vệ sinh công cộng, đề án xây dựng mạng lưới thùng rác công cộng trên địa bàn thành phố để đến năm 2017-2018 mời gọi đầu tư các phương tiện vệ sinh công cộng (nhà vệ sinh, thùng rác,...) trên bộ, trên sông đáp ứng nhu cầu giữ gìn môi trường.

- Tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố trong việc thực hiện vớt rác trên các tuyến sông, kênh, rạch gồm Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Đôi - Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm.

- Phối hợp các Phòng ban khác thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác theo Kế hoạch.

- Triển khai 14 Chương trình, đề án tại Phụ lục 2 đính kèm.

3. Giao Phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Biển đảo

- Quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng nước ngầm, khai thác cát trên sông. Xây dựng và triển khai Quyết định cấm và hạn chế xây dựng mới các công trình khai thác nước dưới đất thành phố. Xây dựng và triển khai Kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác không sử dụng. Nghiên cứu xây dựng bản đồ tầng nước ngầm làm căn cứ đánh giá sự lan truyền ô nhiễm và bố trí các giếng khoan quan trắc chất lượng nước ngầm tại các khu liên hợp xử lý chất thải thành phố.

- Triển khai Quy chế quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa thành phố Hồ Chí Minh với Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang nhằm phối hợp, kết nối trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin liên quan trong hoạt động giám sát, quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường giữa các địa phương.

- Phối hợp các Phòng ban khác thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác theo Kế hoạch.

- Triển khai 01 Chương trình, đề án tại Phụ lục 2 đính kèm.

4. Giao Thanh tra Sở

- Tăng cường công tác thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường; xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường của các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Triển khai quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

- Tham mưu lãnh đạo Sở để trình Ủy ban nhân dân thành phố hoặc hoặc đề nghị Trung ương bổ sung, điều chỉnh các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường cho phù hợp thực tế.

- Chủ trì, đôn đốc các Phòng ban thuộc Sở trước ngày 31 tháng 12 hàng năm, có trách nhiệm gửi danh sách dự kiến kiểm tra năm sau cho Thanh tra Sở để tổng hợp lập kế hoạch kiểm tra chung cho cả Sở trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường để tránh chồng chéo trong quá trình giám sát, kiểm soát nguồn ô nhiễm phát sinh.

- Phối hợp các Phòng ban khác thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác theo Kế hoạch.

5. Giao Quỹ Bảo vệ môi trường

- Theo nội dung được giao chủ trì thực hiện tại phần III, theo dõi, triển khai Kế hoạch chi tiết đối với chỉ tiêu được phân công.

- Thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin, hỗ trợ, giới thiệu chương trình hỗ trợ tài chính của Quỹ Bảo vệ môi trường; phát huy hiệu quả nguồn vốn của Quỹ trong việc hỗ trợ tài chính cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có các chương trình, dự án, hoạt động bảo vệ môi trường như đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công suất các công trình kiểm soát ô nhiễm (chất thải rắn, nước thải, bụi và khí thải, tiếng ồn...) từ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh và dịch vụ; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao, các cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, làng nghề...

- Phối hợp các Phòng ban khác thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác theo Kế hoạch.

6. Giao Văn phòng Biến đổi khí hậu

- Theo nội dung được giao chủ trì thực hiện tại phần III, theo dõi, triển khai Kế hoạch chi tiết đối với chỉ tiêu được phân công.

- Triển khai hiệu quả các giải pháp, chương trình đề án đề ra theo Chương trình hành động số 34-CTrHĐ/TU ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

- Phối hợp các Phòng ban khác thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác theo Kế hoạch.

7. Giao Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường

- Theo nội dung được giao chủ trì thực hiện tại phần III, theo dõi, triển khai Kế hoạch chi tiết đối với chỉ tiêu được phân công.

- Mở rộng mạng lưới quan trắc các thành phần môi trường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu cho việc theo dõi, đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường để đề ra biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát và đề xuất thành phố các giải pháp kiểm soát chất lượng môi trường. Bao gồm: Quan trắc môi trường nước mặt (nước sông, nước kênh), thủy văn, nước biển ven bờ, nước dưới đất, môi trường không khí, môi trường phóng xạ, môi trường đất, lún mặt đất, nước thải tự động liên tục; Tiếp tục thực hiện chương trình quan trắc môi trường tại các bãi chôn lấp, các khu liên hợp xử lý chất thải rắn, chương trình quan trắc thủy sinh, chất lượng nước mặt sông Sài Gòn, kênh rạch trên địa bàn thành phố.

- Nâng cao năng lực và phát triển Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường với trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, từng bước tự động hóa mạng lưới quan trắc các thành phần môi trường trong giai đoạn 2016 - 2020. Bao gồm: Đầu tư các trạm quan trắc không khí tự động cố định và trạm quan trắc không khí tự động di động, trạm quan trắc nước mặt tự động cố định, trạm quan trắc nước dưới đất tự động, trạm quan trắc lún mặt đất và cải tạo các trạm quan trắc nước dưới đất hiện hữu.

- Duy trì, thiết lập hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải sau trạm xử lý tập trung tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên.

- Phối hợp các Phòng ban khác thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác theo Kế hoạch.

- Triển khai 06 Chương trình, đề án tại Phụ lục 2 đính kèm.

8. Giao Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải

- Triển khai theo đúng tiến độ việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng, vành đai cây xanh cách ly các Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh; Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi.

- Đầu tư trạm quan trắc tự động chất lượng không khí xung quanh và nước thải tại các khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố.

- Phối hợp các Phòng ban khác thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác theo Kế hoạch.

- Triển khai 06 Chương trình, đề án tại Phụ lục 2 đính kèm.

9. Giao Phòng Kế hoạch - Tài chính: thẩm định, tham mưu Ban Giám đốc Sở trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt kinh phí thực hiện Kế hoạch.

V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, KIẾN NGHỊ

1. Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở

- Tổ chức quán triệt Kế hoạch này đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

- Có trách nhiệm chủ động phối hợp các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở và với các sở, ngành liên quan thực hiện Chương trình hành động này theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao.

- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu, giải pháp, chương trình, đề án gửi về Chi cục Bảo vệ môi trường tổng hợp trình Ban Giám đốc Sở theo định kỳ hàng quý (trước ngày 01 của tháng cuối quý), hàng năm (trước ngày 01 tháng 11 hàng năm) và tổng kết chương trình (trước ngày 01 tháng 06 năm 2020).

2. Giao Chi cục Bảo vệ môi trường là cơ quan thường trực, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo từ các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở về việc thực hiện Kế hoạch này; đôn đốc, tổng hợp báo cáo từ các Sở ban ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện về nội dung được phân công thực hiện tại Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 5927/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố; tham mưu Ban Giám đốc Sở báo cáo định kỳ hàng quý, báo cáo sơ kết định kỳ vào quý 4 hàng năm; báo cáo tổng kết Chương trình trước ngày 01/07/2020 và thực hiện tổng hợp các báo cáo khác có liên quan.

3. Trong quá trình thực hiện, các phòng, ban, đơn vị nếu có vướng mắc cần thiết bổ sung, điều chỉnh chủ động phối hợp Chi cục Bảo vệ môi trường tổng hợp, đề xuất Ban Giám đốc Sở xem xét, quyết định.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 288/QĐ-STNMT-CCBVMT năm 2017 Kế hoạch thực hiện Nghị quyết về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 288/QĐ-STNMT-CCBVMT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/02/2017
  • Nơi ban hành: Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Toàn Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản