Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
BAN TỔ CHỨC HỘI GIẢNG NHÀ GIÁO GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TOÀN QUỐC NĂM 2021
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 282/QĐ-BTCHGTQ

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TỔ CHỨC HỘI GIẢNG NHÀ GIÁO GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TOÀN QUỐC NĂM 2021

TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC HỘI GIẢNG NHÀ GIÁO
GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TOÀN QUỐC NĂM 2021

Căn cứ Quyết định số 29/2017/QĐ-TTg ngày 03 tháng 07 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Thông tư số 19/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 441/QĐ-LĐTBXH ngày 06 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập Ban tổ chức Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021; Quyết định số 680/QĐ-LĐTBXH ngày 16 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc bổ sung nội dung tại Điều 3 Quyết định số 441/QĐ-LĐTBXH;

Căn cứ Quyết định số 68/QĐ-TCGDNN ngày 08 tháng 02 năm 2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ban hành Chương trình công tác năm 2021 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Nhà giáo.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tổ chức Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, các ông (Bà) là thành viên Ban tổ chức Hội giảng và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Tổng cục trưởng (để báo cáo);
- Các Bộ, ngành; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh;
- Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng;
- Lưu. VT, NG.

TRƯỞNG BAN




Nguyễn Thị Việt Hương
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

 

QUY ĐỊNH

TỔ CHỨC HỘI GIẢNG NHÀ GIÁO GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TOÀN QUỐC NĂM 2021
(Ban hành kèm theo Quyết định số 282/QĐ-BTCHGTQ ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Trưởng Ban tổ chức Hội giảng)

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thời gian: Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 (sau đây gọi là Hội giảng) được tổ chức từ ngày 29 tháng 10 đến ngày 05 tháng 11 năm 2021.

2. Địa điểm:

Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh là nơi diễn ra các hoạt động chính của Hội giảng và tổ chức trình giảng các nghề thuộc nhóm ngành, nghề Công nghệ thông tin, Điện, Điện tử - điện lạnh, Cơ điện, Cơ khí, Dịch vụ, Du lịch, Kinh tế, Xây dựng, May, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Tổng hợp

Trường Cao đẳng nghề số 4, Bộ Quốc phòng tổ chức trình giảng các nghề gồm: Công nghệ ô tô, Lái xe ô tô; các nghề thuộc nhóm ngành, nghề Y tế, Du lịch, Dịch vụ, Văn hóa nghệ thuật.

3. Đối tượng: Nhà giáo đạt giải tại Hội giảng cấp tỉnh, cấp bộ tính từ kỳ Hội giảng toàn quốc năm 2018 được Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là địa phương) lựa chọn.

Trường hợp nhà giáo không tham gia Hội giảng cấp tỉnh, cấp bộ nhưng được Bộ, ngành, địa phương lựa chọn tham gia Hội giảng toàn quốc, đề nghị Bộ, ngành, địa phương có văn bản nêu rõ lý do (căn cứ, tiêu chí,...) lựa chọn trong Hồ sơ đăng ký tham gia quy định tại mục 1 Phần V của Quy định này để Ban tổ chức xem xét, quyết định.

4. Chỉ tiêu số lượng nhà giáo của các Bộ, ngành, địa phương tham gia trình giảng tại Hội giảng được xác định căn cứ vào quy mô của Hội giảng, số lượng nhà giáo và số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý đối với Bộ, ngành; cơ sở giáo dục nghề nghiệp đóng trên địa bàn đối với địa phương. Chỉ tiêu cụ thể Ban tổ chức sẽ thông báo sau khi tổng hợp.

5. Nhà giáo tham gia Hội giảng chuẩn bị ba bài giảng cùng loại hoặc khác loại bài giảng (bài giảng lý thuyết, bài giảng thực hành, bài giảng tích hợp) và đăng ký với Ban tổ chức Hội giảng trước ngày 30/7/2021.

6. Ban tổ chức Hội giảng tổ chức cho trưởng đoàn hoặc phó trưởng đoàn bốc thăm chọn bài giảng chính thức cho nhà giáo (01 trong 03 bài giảng đã đăng ký) trước ngày 25/10/2021 thông qua hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến

7. Ban tổ chức Hội giảng tổ chức cho nhà giáo bốc thăm thứ tự trình giảng trong mỗi tiểu ban trước ngày khai mạc Hội giảng 01 ngày. Danh sách nhà giáo thực hiện trình giảng được niêm yết tại phòng trình giảng của các tiểu ban và trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Trong trường hợp bất khả kháng, nhà giáo không thể thực hiện được bài giảng theo đúng thứ tự đã bốc thăm thì phải báo trước cho Ban tổ chức Hội giảng ít nhất là 1/2 ngày để xem xét, quyết định.

Căn cứ lịch trình thực hiện các bài trình giảng do Ban tổ chức công bố, nhà giáo tham gia trình giảng được kiểm tra thực tế các điều kiện phục vụ bài trình giảng và đề xuất bổ sung, điều chỉnh thiết bị (nếu phù hợp) trước 01 ngày trình giảng.

8. Các bài trình giảng đều được livestream trên mạng xã hội để nhà giáo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác tham khảo, chia sẻ, lưu trữ làm tài liệu giảng dạy. Hồ sơ bài giảng đạt giải tại Hội giảng được chia sẻ trên Website của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

9. Các hoạt động khác tại Hội giảng

a) Nhóm các hoạt động chuyên môn:

- Cuộc thi “Thiết kế dạy học trực tuyến”.

- Hội thảo về phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

- Triển lãm thiết bị giáo dục nghề nghiệp; triển lãm sản phẩm các dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

b) Nhóm các hoạt động tri ân; tôn vinh, động viên Nhà giáo

- Lễ dâng hương tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên.

- Thăm hỏi, động viên một số nhà giáo giáo dục nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

c) Nhóm các hoạt động giới thiệu giá trị văn hóa, lịch sử Nghệ An.

Kế hoạch chi tiết tổ chức các hoạt động khác tại Hội giảng Ban tổ chức sẽ thông báo sau.

II. CÔNG TÁC GIÁM KHẢO

1. Tiểu ban giám khảo gồm: Trưởng tiểu ban và các thành viên, trong đó có ít nhất 01 thành viên có chuyên môn phù hợp với chuyên môn của tiểu ban; ít nhất 01 thành viên có chuyên môn về sư phạm; được thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý giới thiệu bằng văn bản gửi Ban tổ chức Hội giảng. Mỗi Tiểu ban giám khảo có 01 thành viên Tổ thư ký Hội đồng giám khảo hỗ trợ về công tác hành chính của Tiểu ban.

2. Thành viên giám khảo là nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng các yêu cầu và nguyên tắc sau:

- Có uy tín, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có trình độ thạc sỹ trở lên và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm giảng dạy hoặc làm việc trong nghề tham gia chấm trình giảng, có năng lực nhận xét, đánh giá bài giảng

- Không có quan hệ ruột thịt (anh chị em ruột, bố mẹ, con cháu hoặc vợ, chồng) và không cùng đơn vị công tác với nhà giáo dự thi trong cùng tiểu ban.

Ưu tiên lựa chọn giám khảo là nhà giáo đạt giải nhất tại Hội giảng giáo viên dạy nghề hoặc Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc các kỳ trước.

3. Số lượng nhà giáo được đề xuất làm giám khảo tại mỗi tiểu ban có số dư ít nhất 50% số giám khảo cần có. Ban tổ chức sẽ lựa chọn và thông báo cho giám khảo trước ngày tổ chức Hội giảng ít nhất 07 ngày làm việc. Đối với các ngành, nghề có nhiều nhà giáo tham gia trình giảng được phân thành nhiều tiểu ban, Ban tổ chức sẽ tổ chức bốc thăm giám khảo vào các tiểu ban cho từng ngày trình giảng.

4. Giám khảo phải có mặt đúng giờ tại phòng trình giảng để làm nhiệm vụ. Trong mỗi buổi trình giảng, giám khảo không được mang các thiết bị thu phát thông tin và không được làm việc riêng. Thành viên Tổ thư ký Hội đồng giám khảo có trách nhiệm niêm phong và quản lý thiết bị thu phát thông tin của giám khảo (nếu có) và gửi lại các giám khảo sau khi kết thúc từng buổi trình giảng.

III. TỔ CHỨC TRÌNH GIẢNG

1. Trưởng tiểu ban giám khảo nhận Hồ sơ bài giảng của nhà giáo tham gia Hội giảng từ Tiểu ban thư ký tổng hợp và giao cho thành viên giám khảo nghiên cứu, đọc trước lịch trình giảng của nhà giáo ít nhất 01 ngày.

2. Thành viên Tổ thư ký Hội đồng giám khảo mời nhà giáo trình bày bài giảng, phát phiếu đánh giá cho các giám khảo; chủ động xử lý các vấn đề phát sinh trong buổi trình giảng theo nhiệm vụ được phân công.

3. Trưởng tiểu ban giám khảo điều hành phần trình giảng, nhận xét, đánh giá bài trình giảng của nhà giáo theo quy định.

4. Trước khi thực hiện bài trình giảng, nhà giáo có thời gian 05 phút giới thiệu về bản thân và về cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang công tác; đối tượng học sinh/sinh viên đang giảng dạy; vị trí bài giảng trong bài học, trong chương trình môn học, mô đun; ý tưởng sư phạm và phương pháp giảng dạy chủ đạo sử dụng trong bài giảng.

5. Thời gian giải lao, chuẩn bị giữa các bài giảng là 15 phút. Trong thời gian giải lao giữa các bài giảng, nhà giáo đã thực hiện xong bài trình giảng phải nhanh chóng thu dọn các phương tiện, đồ dùng dạy học của mình; nhà giáo có bài giảng tiếp theo khẩn trương chuẩn bị để tiến hành thực hiện bài trình giảng theo đúng kế hoạch Hội giảng.

Trường hợp, nội dung bài trình giảng có tính đặc thù, toàn bộ thiết bị phục vụ cho bài trình giảng do đoàn, nhà giáo chuẩn bị và có nhu cầu được sử dụng một phòng trình giảng khác để thực hiện trình giảng (gọi là phòng trình giảng dự phòng), đề nghị các đoàn tham gia Hội giảng có văn bản đề xuất Ban tổ chức Hội giảng trước ngày 25/10/2021 (sau khi rút thăm bài trình giảng chính thức).

IV. CHẤM ĐIỂM VÀ QUẢN LÝ KẾT QUẢ

1. Sau khi nhà giáo kết thúc bài trình giảng, các giám khảo cho điểm vào phiếu đánh giá. Thành viên Tổ thư ký Hội đồng giám khảo thu lại phiếu đánh giá đã được gấp kín để đảm bảo tính độc lập của các giám khảo, cho vào một phong bì riêng do Ban tổ chức chuẩn bị sẵn, trên phong bì ghi tên nhà giáo trình giảng, đơn vị công tác và tên tiểu ban; dán kín phong bì để chuyển cho các giám khảo ký niêm phong.

2. Cuối mỗi buổi trình giảng, thành viên Tổ thư ký Hội đồng giám khảo cho các phong bì lưu kết quả đánh giá bài trình giảng của các nhà giáo vào một phong bì chung do Ban tổ chức chuẩn bị sẵn, trên phong bì ghi tên tiểu ban, thời gian trình giảng, dán kín phong bì (phong bì được Trưởng tiểu ban và thành viên Tổ thư ký Hội đồng giám khảo ký niêm phong).

3. Thành viên Tổ thư ký Hội đồng giám khảo nộp phong bì kết quả đánh giá các bài trình giảng từng buổi cho Tiểu ban thư ký tổng hợp của Ban tổ chức Hội giảng. Kết quả đánh giá từng buổi trình giảng được lưu trữ tại một phòng riêng và được giám sát trong suốt thời gian tổ chức Hội giảng.

4. Thư ký tổng hợp của Ban tổ chức Hội giảng thực hiện nhập điểm thi vào máy tính đặt tại phòng làm việc riêng của Ban tổ chức. Quá trình nhập điểm được thực hiện và giám sát bởi ít nhất 03 người (gồm: thành viên Tiểu ban Thư ký tổng hợp, Tiểu ban giám sát, Ban tổ chức Hội giảng).

5. Biểu tổng hợp điểm của từng ngày có chữ ký xác nhận (sau khi đã kiểm tra, đối chiếu với Phiếu đánh giá) của ít nhất 03 người nêu trên và được niêm phong để lưu trữ trong hồ sơ Hội giảng. Kết quả tổng hợp được bảo mật và công bố tại Lễ Bế mạc Hội giảng.

V. YÊU CẦU ĐỐI VỚI CÁC ĐOÀN THAM GIA HỘI GIẢNG

1. Chuẩn bị Hồ sơ đăng ký tham gia Hội giảng và gửi về Ban tổ chức Hội giảng (qua Vụ Nhà giáo - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, 67A Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội) trước ngày 30/7/2021. Hồ sơ đăng ký tham gia Hội giảng gồm:

- Danh sách đoàn, danh sách nhà giáo tham gia trình giảng và đăng ký bài trình giảng theo Mẫu số 01 (kèm theo).

- Báo cáo công tác tổ chức và kết quả Hội giảng cấp tỉnh, cấp bộ, ngành tính từ Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018.

- Bản giới thiệu tóm tắt về công tác giáo dục nghề nghiệp của Bộ, ngành, địa phương (đặc điểm nổi bật có liên quan đến giáo dục nghề nghiệp của Bộ, ngành, địa phương; mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; quy mô đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp...).

2. Trưởng đoàn hoặc phó trưởng đoàn tham gia Hội giảng nộp hồ sơ bài trình giảng chính thức cho Tiểu ban thư ký tổng hợp trong ngày 28/10/2021. Hồ sơ bài giảng gồm:

- 05 bản giấy: Giáo án và Đề cương/nội dung chi tiết bài giảng được đóng chung một quyển, bìa theo Mẫu số 02 (kèm theo).

- 01 đĩa CD/DVD hoặc USB ghi nội dung Giáo án, Đề cương/nội dung chi tiết bài giảng, bìa theo Mẫu số 01 (kèm theo) và một file ghi thông tin cá nhân (họ và tên, ngày tháng năm sinh, trình độ đào tạo, ngành nghề giảng dạy, tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ảnh chụp kiểu chứng minh nhân dân 4x6), thông tin khái quát về cơ sở giáo dục nghề nghiệp nơi công tác.

3. Trưởng đoàn có trách nhiệm:

- Làm đầu mối liên hệ chặt chẽ với Ban tổ chức Hội giảng để nắm bắt đầy đủ, kịp thời các thông tin cần thiết, phổ biến đến các thành viên, đặc biệt là các nhà giáo của đoàn để thực hiện tốt chương trình Hội giảng, các quy định tại Hội giảng;

- Phản ánh với Ban tổ chức Hội giảng mọi vấn đề phát sinh liên quan đến Hội giảng để phối hợp giải quyết.

4. Các đoàn có trách nhiệm bố trí kinh phí (đi lại, ăn ở,...) cho các thành viên của đoàn tham dự Hội giảng; chuẩn bị nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị,... để phục vụ cho bài trình giảng của các nhà giáo trong đoàn; giúp nhà giáo trong đoàn chuẩn bị thực hiện trình giảng và thu dọn các thiết bị, đồ dùng dạy học sau khi thực hiện xong phần bình giảng.

5. Đại biểu, nhà giáo của các đoàn tham quan, dự giờ giảng không được làm ảnh hưởng đến tâm lý, hoạt động dạy - học của nhà giáo và học sinh/sinh viên trong giờ trình giảng.

VI. XẾP GIẢI VÀ KHEN THƯỞNG

1. Xếp giải

a) Giải tập thể

- Giải tập thể gồm: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba.

- Nguyên tắc xếp giải tập thể theo thứ tự ưu tiên các tiêu chí sau:

Số lượng nhà giáo đạt giải (theo thứ tự nhất, nhì, ba).

Tỷ lệ nhà giáo đạt giải (theo thứ tự nhất, nhì, ba) trong tổng số nhà giáo tham gia Hội giảng của đoàn (tính cho từng loại giải từ cao xuống).

Kết quả điểm đồng đội (điểm trung bình cộng của các nhà giáo trong đoàn tham dự thi) lấy từ cao đến thấp.

Nếu nhiều tập thể có các tiêu chí ưu tiên nêu trên bằng nhau thì xếp cùng một giải.

b) Giải cá nhân

- Giải cá nhân xếp theo tiểu ban nghề, mỗi tiểu ban có: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba và các giải khuyến khích, dựa trên khung điểm xếp giải quy định như sau:

Giải nhất: Bài giảng đạt từ 90 điểm trở lên

Giải nhì: Bài giảng đạt từ 85 điểm trở lên

Giải ba: Bài giảng đạt từ 80 điểm trở lên

Giải khuyến khích: Bài giảng đạt từ 75 điểm trở lên

- Nguyên tắc xếp giải cá nhân: Nhà giáo có bài giảng được xếp giải phải đạt điểm trong khung điểm quy định và được lấy từ cao đến thấp theo từng tiểu ban. Trường hợp nhiều bài giảng có điểm bằng nhau thì xét theo tiêu chí ưu tiên sau:

Điểm đánh giá về năng lực sư phạm.

Điểm đánh giá về năng lực chuyên môn.

Điểm đánh giá "Nhà giáo sử dụng thiết bị tự làm hiệu quả".

Điểm đánh giá về công tác chuẩn bị bài giảng.

Nếu bài giảng có điểm đánh giá theo các tiêu chí ưu tiên nêu trên bằng nhau thì xếp cùng một giải.

- Một số giải thưởng cá nhân khác:

Nhà giáo sử dụng thiết bị tự làm hiệu quả nhất: Mỗi tiểu ban có 01 giải.

“Thiết kế dạy học trực tuyến”: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 04 giải ba và các giải khuyến khích.

Các giải thưởng khác của tổ chức, nhà tài trợ (nếu có).

2. Khen thưởng

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng cho các nhà giáo đạt giải nhất, nhì, ba; các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc góp phần vào sự thành công của Hội giảng.

- Bằng khen của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng cho các giám khảo là viên chức hiện đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức Hội giảng.

- Bằng khen của Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng cho nhà giáo trẻ có thành tích xuất sắc tại Hội giảng.

- Giấy khen của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tặng cho nhà giáo đạt giải khuyến khích; nhà giáo sử dụng thiết bị tự làm hiệu quả nhất.

- Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp giấy chứng nhận “Có bài giảng tham gia Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021” cho nhà giáo không đạt giải tại Hội giảng.

Các tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Giấy khen của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp kèm theo mức tiền thưởng theo quy định hiện hành và trích từ nguồn ngân sách nhà nước chi cho Hội giảng năm 2021.

VII. MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHÁC

1. Trang phục tham gia Hội giảng

- Trang phục khi trình giảng: Trang phục phù hợp với nội dung bài dạy.

- Trang phục tại Lễ khai mạc và Lễ bế mạc Hội giảng: Trang phục lễ hội (nam: comple hoặc áo sơ mi trắng, cà vạt, quần âu; nữ: bộ áo dài truyền thống).

2. Phù hiệu của Hội giảng

Phù hiệu của Hội giảng quy định như sau:

- Ban Tổ chức: Phù hiệu màu đỏ.

- Giám khảo: Phù hiệu màu xanh.

- Nhà giáo: Hoa cài màu đỏ.

- Đại biểu (trưởng đoàn, phó trưởng đoàn và thành viên trong đoàn): Phù hiệu màu vàng.

Trên đây là Quy định tổ chức Hội giảng. Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác chuẩn bị tham gia Hội giảng theo đúng quy định./.

 

Mẫu số 01

Bộ, ngành, địa phương…………………………………

DANH SÁCH ĐOÀN THAM DỰ HỘI GIẢNG VÀ ĐĂNG KÝ BÀI GIẢNG TẠI HỘI GIẢNG NHÀ GIÁO GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TOÀN QUỐC NĂM 2021

Tổng số người trong đoàn………………………… Trong đó: nam: …………người; nữ: …………người.

1. Trưởng đoàn……………………………… Chức vụ………… số điện thoại di động:………….……; email:……………..……

2. Phó Trưởng đoàn………………………… Chức vụ………… số điện thoại di động:………….……; email:……………..……

3. Số người đăng ký tham dự để học tập kinh nghiệm:

4. Danh sách nhà giáo tham gia trình giảng:

TT

Họ và tên

Ngày tháng năm sinh

Đơn vị công tác

Trình độ chuyên môn

Trình độ kỹ năng nghề

Đạt giải tại HG cấp tỉnh

Số điện thoại di động

Địa chỉ email

Tên 03 bài giảng đăng ký

Loại bài giảng

Cấp trình độ đào tạo

Ngành, nghề đăng ký

Thuộc nhóm ngành, nghề

Ghi chú

Nam

Nữ

 

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)

(13)

(14)

(15)

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1…………

…………

…………

 

 

 

2…………

…………

…………

3…………

…………

…………

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

……, ngày    tháng     năm 2021
(Thủ trưởng cơ quan ký tên, đóng dấu)

Ghi chú

- Cột 10: Ghi đầy đủ tên 03 bài giảng

- Cột 11: Ghi rõ bài giảng lý thuyết, thực hành hay tích hợp tương ứng với tên từng bài giảng

- Cột 12: Ghi cấp trình độ đào tạo (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp).

 


Mẫu số 02

BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG……………
---------------

 

 

 

 

HỒ SƠ BÀI GIẢNG

 

 

Tên bài:……………………………………………………………………………………............

Môn học/Mô đun: ………………………………………………………………………..............

Ngành, nghề: ………………………………………………………………………....................

Cấp trình độ đào tạo: ………………………………………………………………………........

Họ và tên nhà giáo: ………………………………………………………………………...........

Tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp: ………………………………………………………………

 

 

 

 

 

 

Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 282/QĐ-BTCHGTQ quy định về tổ chức Hội giảng nhà giáo toàn quốc năm 2021 do Ban tổ chức Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 ban hành

  • Số hiệu: 282/QĐ-BTCHGTQ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/06/2021
  • Nơi ban hành: Ban tổ chức Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021
  • Người ký: Nguyễn Thị Việt Hương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản