- 1Quyết định 01/2006/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 3Luật năng lượng nguyên tử 2008
- 4Quyết định 957/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 265/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 2012 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án "Tăng cường năng lực nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh" với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử
a) Mục tiêu
- Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của quốc gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đặc biệt là xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ với nhiều chuyên gia đẳng cấp quốc tế.
- Hỗ trợ tiếp thu, làm chủ, chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ, điện hạt nhân, an toàn bức xạ và môi trường, an toàn hạt nhân và bệnh nhiễm xạ theo lộ trình đặt ra của các quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành kinh tế - xã hội và Định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân đến năm 2030.
- Tạo ra nhiều công nghệ, sản phẩm và các hoạt động dịch vụ kỹ thuật trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử có khả năng thương mại hóa và hỗ trợ thúc đẩy hình thành ngành công nghiệp công nghệ hạt nhân.
b) Nội dung
- Nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong các lĩnh vực vật lý hạt nhân, vật lý lò phản ứng, công nghệ lò thế hệ mới, vật lý gia tốc, hóa phóng xạ, sinh học phóng xạ, y học hạt nhân, các hiệu ứng tương tác của bức xạ với vật chất và bệnh nhiễm xạ.
- Nghiên cứu công nghệ lò phản ứng hạt nhân và các thiết bị liên quan của nhà máy điện hạt nhân được chuyển giao vào Việt Nam, từng bước tiếp thu, làm chủ và chuyển giao công nghệ thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân.
- Nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất urani kỹ thuật từ quặng của Việt Nam, công nghệ chế tạo viên gốm UO2 từ bột UO2 làm giàu nhập khẩu, công nghệ chế tạo nhiên liệu hạt nhân, công nghệ xử lý chất phóng xạ và quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
- Nghiên cứu phát triển kỹ thuật kiểm tra chất lượng và bảo đảm chất lượng cho công trình và thiết bị nhà máy điện hạt nhân, an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, quan trắc phóng xạ và đánh giá tác động môi trường, ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.
- Nghiên cứu phát triển các kỹ thuật và công nghệ ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp và tài nguyên, môi trường.
- Nghiên cứu chế tạo một số loại chế phẩm, vật liệu bằng công nghệ bức xạ; thiết bị bức xạ, thiết bị ghi đo bức xạ, thiết bị điều khiển hạt nhân tự động và máy gia tốc thay thế nhập khẩu phục vụ nhu cầu thúc đẩy ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành kinh tế - xã hội.
c) Nhiệm vụ
Giai đoạn 2011 - 2015
- Xây dựng và triển khai các đề tài; dự án nghiên cứu phục vụ đào tạo cán bộ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ; xây dựng năng lực nghiên cứu bệnh nhiễm xạ; nâng cao năng lực đánh giá lựa chọn công nghệ điện hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân, xử lý chất thải phóng xạ, xây dựng và lắp đặt nhà máy điện hạt nhân, quản lý dự án điện hạt nhân; xử lý và chế biến tài nguyên quặng xạ hiếm; kiểm tra chất lượng và bảo đảm chất lượng cho công trình và thiết bị nhà máy điện hạt nhân; nâng cao năng lực kỹ thuật về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, đánh giá tác động môi trường hỗ trợ cho việc khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
- Tăng cường năng lực kỹ thuật và nhân lực cho các cơ sở nghiên cứu ứng dụng bức xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các Bộ, ngành; các cơ sở nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật về điện hạt nhân.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu triển khai, thông qua đó đào tạo nhân lực khoa học công nghệ cho các cơ quan nghiên cứu triển khai trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Giai đoạn 2016 - 2020
- Xây dựng và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu phục vụ chuyển giao công nghệ ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành kinh tế - xã hội, tạo ra các sản phẩm thay thế nhập khẩu, công nghệ chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm xạ; tiếp thu công nghệ điện hạt nhân, chế tạo nhiên liệu hạt nhân, xử lý chất thải phóng xạ và quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, công nghệ xây dựng và lắp đặt nhà máy điện hạt nhân, quản lý dự án điện hạt nhân; khai thác thương mại tài nguyên quặng phóng xạ; hỗ trợ kỹ thuật phục vụ việc đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành.
- Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân lực cho các cơ sở nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật về điện hạt nhân.
- Mở rộng quan hệ quốc tế, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với các đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân thông qua đó đào tạo nhân lực khoa học công nghệ, xây dựng đội ngũ chuyên gia trình độ cao trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Giai đoạn 2021 - 2030
Tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu, dự án đầu tư tăng cường năng lực kỹ thuật và đào tạo cán bộ phục vụ triển khai thực hiện Định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân đến năm 2030 và các quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ trong các ngành kinh tế - xã hội.
2. Phát triển Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam
a) Mục tiêu
Xây dựng và phát triển Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực đảm nhiệm chức năng:
- Cơ quan nghiên cứu - triển khai công nghệ kỹ thuật cao trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phục vụ thúc đẩy ứng dụng bức xạ, phát triển điện hạt nhân và đào tạo cán bộ.
- Cơ quan hỗ trợ kỹ thuật quốc gia độc lập về kiểm tra chất lượng và bảo đảm chất lượng, bảo đảm an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường cho phát triển điện hạt nhân.
b) Nhiệm vụ
- Phát triển các hướng nghiên cứu ứng dụng bức xạ hiện đại để triển khai và chuyển giao hiệu quả công nghệ ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ cho các ngành kinh tế - xã hội nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao thay thế nhập khẩu và bảo đảm tính cạnh tranh trong sản xuất và kinh doanh ở trong nước cũng như xuất khẩu đối với một số loại sản phẩm.
- Xây dựng và phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong lĩnh vực khoa học hạt nhân.
- Xây dựng và phát triển năng lực về tiếp thu, làm chủ và phát triển công nghệ lò phản ứng và các hệ thống thiết bị của đảo hạt nhân trong nhà máy điện hạt nhân, xử lý và chế biến quặng phóng xạ và nguyên tố hiếm, nhiên liệu hạt nhân, vật liệu sử dụng trong lò phản ứng, quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
- Xây dựng và phát triển năng lực hỗ trợ kỹ thuật về kiểm tra chất lượng và bảo đảm chất lượng cho công trình và thiết bị nhà máy điện hạt nhân, bảo đảm an toàn hạt nhân, an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ, chuẩn đo lường bức xạ và hạt nhân, quan trắc phóng xạ và đánh giá tác động môi trường, kỹ thuật ứng phó các sự cố bức xạ và hạt nhân đạt chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu của cơ quan hỗ trợ kỹ thuật quốc gia về điện hạt nhân.
- Xây dựng năng lực đào tạo cán bộ chuyên ngành năng lượng nguyên tử đảm bảo nhu cầu phát triển của Viện và các tổ chức liên quan.
- Phát triển hệ thống doanh nghiệp khoa học và công nghệ về ứng dụng bức xạ và dịch vụ kỹ thuật trong lĩnh vực điện hạt nhân.
c) Phát triển tổ chức
- Về công nghệ điện hạt nhân và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng: Xây dựng Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân để phục vụ tiếp thu công nghệ điện hạt nhân và triển khai các nghiên cứu trình độ cao trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đồng thời là đầu mối để hợp tác về công nghệ điện hạt nhân với các nước trong tương lai.
- Về hỗ trợ kỹ thuật: Phát triển Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân thành cơ quan hỗ trợ kỹ thuật về bảo đảm an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường cho phát triển điện hạt nhân; phát triển Trung tâm Đánh giá không phá hủy thành cơ quan hỗ trợ kỹ thuật về kiểm tra chất lượng và bảo đảm chất lượng cho công trình và thiết bị nhà máy điện hạt nhân.
- Về ứng dụng bức xạ: Tập trung xây dựng 4 viện ứng dụng bức xạ theo khu vực địa lý (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đà Lạt) phục vụ yêu cầu triển khai thực hiện các quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ trong các ngành kinh tế - xã hội theo các vùng, miền trong cả nước.
- Về đào tạo cán bộ: Phát triển Trung tâm Đào tạo hạt nhân tại Hà Nội là cơ sở đào tạo cán bộ chuyên ngành năng lượng nguyên tử cho Viện và cơ quan có liên quan.
- Về chuyển giao công nghệ và dịch vụ: Phát triển công ty Ứng dụng và phát triển công nghệ và hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ để thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ, sản xuất và dịch vụ trong lĩnh vực ứng dụng bức xạ, cung cấp thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân, nguồn phóng xạ, thiết kế lò phản ứng, cung cấp nhiên liệu hạt nhân, xử lý và chế biến tài nguyên quặng phóng xạ và đất hiếm, quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
d) Lộ trình thực hiện
Giai đoạn 2011 - 2015:
- Triển khai thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân trên cơ sở Hiệp định liên Chính phủ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga về xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam.
- Lập và tổ chức triển khai dự án đầu tư xây dựng các viện ứng dụng bức xạ ở Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.
- Tăng cường năng lực hỗ trợ kỹ thuật bảo đảm đáp ứng yêu cầu về kiểm tra chất lượng và bảo đảm chất lượng cho công trình và thiết bị nhà máy điện hạt nhân, thẩm định, phân tích, đánh giá an toàn hạt nhân và đánh giá tác động môi trường phóng xạ cho giai đoạn phê duyệt địa điểm, thiết kế và cấp giấy phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân; quản lý hoạt động Mạng an toàn hạt nhân châu Á của Việt Nam (Vietnam - ANSN); hỗ trợ kỹ thuật triển khai thực hiện Công ước an toàn hạt nhân, Công ước thông báo sớm về tai nạn hạt nhân và các điều ước quốc tế khác có liên quan.
- Tổ chức thực hiện Quy hoạch Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, lập và tổ chức thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành, các trạm vùng và Trung tâm dữ liệu quốc gia trong khuôn khổ Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT).
- Lập và tổ chức thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Đào tạo hạt nhân phục vụ nhiệm vụ đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ, đào tạo nâng cao và đào tạo cấp chứng chỉ theo quy định của Luật năng lượng nguyên tử.
- Triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nhân lực cho yêu cầu phát triển Viện, ưu tiên nhân lực phục vụ đánh giá, lựa chọn công nghệ, kiểm tra chất lượng và bảo đảm chất lượng cho công trình và thiết bị nhà máy điện hạt nhân, thẩm định, phân tích, đánh giá an toàn hạt nhân và đánh giá tác động môi trường phóng xạ cho giai đoạn phê duyệt địa điểm, thiết kế và cấp giấy phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
- Hình thành một số doanh nghiệp khoa học và công nghệ về ứng dụng bức xạ, dịch vụ kỹ thuật có liên quan về nhiên liệu hạt nhân và quản lý chất thải phóng xạ.
Giai đoạn 2016 - 2020:
- Hoàn thành xây dựng và đưa Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân vào hoạt động phục vụ nghiên cứu phát triển công nghệ điện hạt nhân, có lò phản ứng nghiên cứu mới công suất lớn, có phòng thí nghiệm đồng bộ về nghiên cứu thiết kế nhà máy điện hạt nhân, thiết kế nhiên liệu hạt nhân, xử lý chất thải phóng xạ, nghiên cứu vật liệu sử dụng trong lò phản ứng và các phòng thí nghiệm hiện đại về ứng dụng năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực khoa học vật liệu, công nghệ sinh học và y học.
- Tiếp tục đầu tư cho các viện ứng dụng bức xạ ở Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt và thành phố Hồ Chí Minh đạt trình độ tiên tiến.
- Tăng cường năng lực hỗ trợ kỹ thuật bảo đảm đáp ứng yêu cầu kiểm tra chất lượng và bảo đảm chất lượng cho công trình và thiết bị nhà máy điện hạt nhân, phân tích, thẩm định, đánh giá an toàn hạt nhân, an toàn bức xạ, chuẩn đo lường bức xạ, kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị, đánh giá tác động môi trường, ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân phục vụ cho việc đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành an toàn.
- Hoàn thiện và đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường và các trạm vùng bảo đảm quản lý hiệu quả hoạt động của Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia.
- Hoàn thiện đầu tư cho Trung tâm Đào tạo hạt nhân đạt trình độ tiên tiến, đủ năng lực thực hiện các chức năng nhiệm vụ đào tạo được giao. Tiếp tục thực hiện kế hoạch đào tạo nhân lực cho nhu cầu phát triển Viện, đồng thời đáp ứng yêu cầu nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, ưu tiên nhân lực phục vụ tiếp thu công nghệ điện hạt nhân được chuyển giao vào Việt Nam và thẩm định cấp giấy phép vận hành nhà máy điện hạt nhân.
- Tăng cường năng lực, mở rộng phát triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ nhằm tạo ra một số sản phẩm, công nghệ, thiết bị phục vụ ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ cho thị trường trong nước và xuất khẩu; thực hiện nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân và chuẩn bị năng lực tiếp thu dây chuyền công nghệ chế tạo nhiên liệu hạt nhân, tìm kiếm và khảo sát địa điểm cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia và từng bước tiếp cận về thiết kế nhà máy điện hạt nhân.
Giai đoạn 2021 - 2030:
- Tăng cường năng lực nghiên cứu thiết kế lò phản ứng hạt nhân, các thiết bị của đảo hạt nhân, cơ sở chôn cất và lưu giữ chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình của quốc gia để có khả năng tham gia cùng đối tác nước ngoài thiết kế nhà máy điện hạt nhân tiếp theo của Việt Nam.
- Xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm đồng bộ và hiện đại về xử lý chất thải phóng xạ, triển khai nghiên cứu quản lý chất thải phóng xạ hoạt độ cao sống dài.
- Tăng cường năng lực nghiên cứu về công nghệ sản xuất nhiên liệu hạt nhân từ urani nhập khẩu được làm giàu để có thể nhập khẩu dây chuyền sản xuất nhiên liệu hạt nhân vào Việt Nam.
- Tăng cường năng lực hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu phục vụ Định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân đến năm 2030 và các quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ trong các ngành kinh tế - xã hội của quốc gia.
- Tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ nhằm tạo ra một số sản phẩm, công nghệ, thiết bị phục vụ ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ cho thị trường trong nước và xuất khẩu, thiết kế nhà máy điện hạt nhân, chế tạo nhiên liệu hạt nhân và xây dựng cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia.
3. Xây dựng hệ thống cấp cứu và điều trị bệnh nhiễm xạ
a) Mục tiêu
Xây dựng hệ thống cơ sở chữa bệnh nhiễm xạ sẵn sàng đáp ứng cứu chữa tại chỗ nạn nhân bị tổn thương do bức xạ và tổ chức điều trị cơ bản theo phân tuyến từ tại chỗ đến tuyến khu vực và tuyến Trung ương.
b) Nhiệm vụ
- Nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ lên cơ thể con người và môi trường; nghiên cứu khoa học sự sống liên quan đến bức xạ; nghiên cứu về an toàn bức xạ và nghiên cứu y học phục vụ ứng phó tình trạng khẩn cấp về bức xạ.
- Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực về chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm xạ.
- Tổ chức hệ thống cấp cứu nạn nhân trong trường hợp xảy ra sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.
- Tham gia diễn tập kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.
- Huấn luyện, trang bị kiến thức cơ bản về y học bức xạ và công tác sơ cứu trong trường hợp xảy ra sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân cho các trạm y tế tại cơ sở hạt nhân.
c) Lộ trình thực hiện
Giai đoạn 2011 - 2015: Tăng cường năng lực nghiên cứu, triển khai và tổ chức các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm xạ. Xây dựng đề án thành lập và dự án đầu tư xây dựng Viện Y học bức xạ trung ương, có chức năng tiến hành nghiên cứu khoa học, đồng thời thực hiện chức năng của cơ sở chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm xạ của quốc gia và hỗ trợ cho tuyến dưới khi cần thiết.
Giai đoạn 2016 - 2020: Tổ chức thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Viện Y học bức xạ trung ương. Đầu tư các trang thiết bị chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm xạ cho Viện Y học bức xạ trung ương và Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn của các nước chuyển giao công nghệ điện hạt nhân cho Việt Nam.
Giai đoạn 2021 - 2030: Đầu tư các trang thiết bị chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm xạ cho các bệnh viện đa khoa các tỉnh phù hợp với Định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân đến năm 2030.
1. Về cơ chế chính sách
a) Hoàn thiện việc xây dựng và ban hành hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật phục vụ phát triển khoa học công nghệ, chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ, nhân viên làm việc trong các cơ sở nghiên cứu - triển khai, hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và các cơ sở y tế chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm xạ.
b) Các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, nhà khoa học công nghệ, doanh nhân và các tổ chức, cá nhân có các hoạt động nhằm phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được hưởng những chính sách ưu đãi cao nhất về vay vốn, tín dụng, mức đóng thuế, quyền sử dụng đất đai, chính sách kích cầu và các chính sách khác có liên quan theo quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Về đầu tư và tài chính
a) Tăng cường và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư để thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung của Đề án.
b) Huy động vốn ngân sách nhà nước từ các nguồn:
- Nguồn đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước và các nguồn vốn viện trợ nước ngoài để đầu tư xây dựng các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ, sự nghiệp y tế, sự nghiệp đào tạo liên quan đến thực hiện Đề án.
- Nguồn chi sự nghiệp hàng năm: Nguồn chi sự nghiệp khoa học và công nghệ để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, chương trình khoa học và công nghệ về năng lượng nguyên tử; nguồn chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo để đào tạo nguồn nhân lực về năng lượng nguyên tử; nguồn chi sự nghiệp y tế để chi cho hoạt động của hệ thống cấp cứu và điều trị bệnh nhiễm xạ.
3. Về nhân lực
a) Tuyển dụng và đào tạo đủ nhu cầu nhân lực cho phát triển của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, đặc biệt nhu cầu nhân lực cho nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật về điện hạt nhân.
b) Chú trọng sử dụng chuyên gia trình độ cao ở trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các chuyên gia quốc tế phục vụ cho việc đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
c) Tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc, đào tạo chuyên gia và nhân viên kỹ thuật trình độ cao.
4. Về hợp tác quốc tế
a) Mở rộng và tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
b) Chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, đề tài, dự án hợp tác quốc tế, nhất là với các nước có nền công nghiệp hạt nhân tiên tiến để tranh thủ sự giúp đỡ về kinh nghiệm, trí lực, tài lực và thu hút đầu tư nhằm phát triển nhanh, mạnh và bền vững khoa học công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam.
c) Gắn hợp tác quốc tế về xây dựng nhà máy điện hạt nhân với hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ trong lĩnh vực công nghệ điện hạt nhân.
1. Bộ Khoa học và Công nghệ
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan phê duyệt danh mục đề tài, dự án thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cho từng giai đoạn 5 năm và hàng năm; tổ chức tuyển chọn hoặc xét chọn đơn vị chủ trì đề tài, dự án; đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện; chuyển giao, triển khai ứng dụng các công nghệ, sản phẩm do Chương trình tạo ra; định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
b) Thành lập Ban điều hành liên ngành để tổ chức thực hiện "Chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử", do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Trưởng ban. Thành phần, quy chế hoạt động của Ban điều hành liên ngành và Văn phòng giúp việc do Trưởng Ban điều hành liên ngành quyết định.
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan phê duyệt các dự án đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu - triển khai cho các cơ sở nghiên cứu và đào tạo có liên quan.
d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật phục vụ phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
đ) Phê duyệt và chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư tăng cường năng lực hỗ trợ kỹ thuật quốc gia về kiểm tra chất lượng và bảo đảm chất lượng cho công trình và thiết bị nhà máy điện hạt nhân, bảo đảm an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường phục vụ phát triển điện hạt nhân theo 2 giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020 phù hợp với các yêu cầu đặt ra trong Định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân đến năm 2030.
e) Chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân.
g) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chế độ, chính sách ưu đãi đặc thù cho các cơ quan nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
h) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ phê duyệt chỉ tiêu biên chế của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
2. Bộ Công Thương
a) Đề xuất danh mục đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong công nghiệp, các ngành kinh tế - kỹ thuật và điện hạt nhân.
b) Chỉ đạo chủ đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân đưa nội dung nghiên cứu và đào tạo cán bộ về công nghệ điện hạt nhân vào hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân với các đối tác nước ngoài.
3. Bộ Y tế
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập và dự án đầu tư xây dựng Viện Y học bức xạ trung ương.
b) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan phê duyệt đề án thành lập và dự án đầu tư xây dựng các khoa chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm xạ tại bệnh viện đa khoa các tỉnh nơi dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
c) Đề án danh mục đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực y tế.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các cơ quan,nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
5. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện các nội dung của đề án theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
6. Các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan
Các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan đề xuất đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
- 1Thông báo 200/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp lần thứ II Ban Chỉ đạo Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 60/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt danh mục Dự án Tài trợ bổ sung dự án Phát triển năng lượng tái tạo và mở rộng, cải tạo lưới điện các xã vùng sâu, vùng xa do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Quyết định 01/2006/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 3Luật năng lượng nguyên tử 2008
- 4Quyết định 957/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Thông báo 200/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp lần thứ II Ban Chỉ đạo Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 60/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt danh mục Dự án Tài trợ bổ sung dự án Phát triển năng lượng tái tạo và mở rộng, cải tạo lưới điện các xã vùng sâu, vùng xa do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 265/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Đề án "Tăng cường năng lực nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 265/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 05/03/2012
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
- Ngày công báo: 16/03/2012
- Số công báo: Từ số 261 đến số 262
- Ngày hiệu lực: 05/03/2012
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực