Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 26/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 03 năm 1985

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG SỞ LƯƠNG THỰC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1983;
- Căn cứ vào quyết định số 27/QĐ-UB ngày 02/3/1985 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý ngành lương thực thành phố Hồ Chí Minh;
- Theo đề nghị của đồng chí Giám đốc Sở Lương thực và Trưởng Ban Tổ chức Chánh quyền thành phố;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.− Sở Lương thực là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Sở giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý Nhà nước đối với mọi hoạt động lưu thông phân phối lương thực, chế biến lương thực cải tạo thị trường lương thực trên địa bàn thành phố, bảo đảm sự thống nhất quản lý ngành lương thực từ Trung ương đến cơ sở; Sở chịu sự chỉ đạo theo ngành của Bộ Lương thực; Sở có con dấu riêng và có tài khoản ở Ngân hàng.

Điều 2.− Sở Lương thực có nhiệm vụ và quyền hạn chính dưới đây:

 1/− Giúp Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng quy hoạch phát triển ngành lương thực của thành phố.

 2/− Phối hợp với Ủy ban Kế hoạch thành phố, Sở Tài chánh, nghiên cứu giúp Ủy ban nhân dân thành phố cân đối toàn bộ nhu cầu lương thực trên địa bàn thành phố, tổng hợp và xét duyệt kế hoạch ngành lương thực toàn thành phố. Theo dõi tình hình giúp Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện thắng lợi kế hoạch này.

 3/− Giúp Ủy ban nhân dân thành phố có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ngành lương thực thành phố, từng bước phấn đấu bảo đảm cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh ngành lương thực thành phố có đủ điều kiện vật chất kỹ thuật để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 4/− Hướng dẫn việc ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào ngành lương thực thành phố; giúp Ủy ban nhân dân thành phố kiểm tra việc thực hiện các định mức kinh tế − kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh của ngành lương thực thành phố.

 5/− Giúp Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra theo định kỳ hoặc đột xuất việc chấp hành các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước, các quy định của Ủy ban nhân dân thành phố về công tác lương thực ở địa phương.

 6/− Phối hợp với các cơ quan chức năng tổng hợp của thành phố, giúp Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất quản lý các mặt kế hoạch, vốn, phí, tổ chức, lao động, hàng hóa tài sản của ngành lương thực thành phố.

 7/− Nghiên cứu cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện các quyết định, chỉ thị về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Lương thực đối với ngành lương thực trong phạm vi toàn thành phố.

 8/− Cùng ngành Tài chánh và các Huyện nghiên cứu các biện pháp thực hiện chánh sách thuế nông nghiệp và chánh sách huy động lương thực thừa trong dân.

 9/− Cùng với Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh thành phố nghiên cứu giúp Ủy ban nhân dân thành phố đề ra và chỉ đạo thực hiện chủ trương kế hoạch, chánh sách cụ thể về cải tạo, xây dựng tổ chức lại và quản lý thị trường ngành lương thực trên địa bàn thành phố.

 10/− Theo dõi tổng hợp tình hình tổ chức tổ chức hoạt động ngành lương thực thành phố, thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên định kỳ và đột xuất cho Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Lương thực.

 11/− Quản lý sử dụng có hiệu quả lao động, kinh phí, tài sản của Sở theo chế độ quy định của Nhà nước.

Điều 3.− Sở Lương thực do 1 Giám đốc lãnh đạo, có 1 Phó Giám đốc giúp việc Giám đốc.

Giám đốc Sở Lương thực do Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị và Bộ trưởng Bộ Lương thực ra quyết định bổ nhiệm (hoặc miễn nhiệm).

Phó Giám đốc Sở Lương thực do Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định bổ nhiệm, sau khi trao đổi thỏa thuận với Bộ trưởng Bộ Lương thực.

Tổ chức bộ máy của Sở Lương thực tinh gọn gồm 1 số bộ phận chuyên trách do Giám đốc Sở ấn định; thực hiện chế độ Giám đốc, Phó Giám đốc Sở làm việc trực tiếp với chuyên viên, cán bộ; có một phòng hành chánh quản trị.

Biên chế Sở Lương thực thuộc biên chế quản lý Nhà nước, được ấn định tối đa là 30 (ba mươi) người.

Giám đốc Sở Lương thực có trách nhiệm căn cứ vào quyết định này xây dựng quy chế cụ thể về tổ chức và hoạt động chức danh tiêu chuẩn nội bộ cơ quan Sở.

Điều 4.− Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố, Giám đốc Sở Lương thực và Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thành phố có liên quan có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4
- Bộ Lương thực – Ban TV/TU
- Ban TC của Chánh phủ để báo cáo
- Các Đ/c TTUB-VP/TU và các Ban của Thành ủy
- UBKH.TP, Sở TC, Ngân hàng NNTP, Cục TK.TP, Sở Lao động, CA.TP (1b)
- LDVPUB – Các TổNC + TM
- Lưu.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT/CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Võ Danh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 26/QĐ-UB năm 1985 về việc tổ chức và hoạt động Sở Lương thực thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 26/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/03/1985
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Võ Danh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản