Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2564/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 21 tháng 12 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG NHIỆM VỤ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT (MỞ RỘNG) GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2045.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20/11/2018;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;

Căn cứ Luật Xây dựng sửa đổi ngày 17/06/2020;

Căn cứ Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị;

Căn cứ Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị;

Căn cứ Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị;

Căn cứ Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045;

Căn cứ Thông tư số 12/2017/TT-BXD ngày 30/11/2017 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn xác định và quản lý chi phí liên quan đến đầu tư phát triển đô thị;

Căn cứ Thông tư số 06/2023/TT-BXD ngày 08/9/2023 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn một số nội dung về chương trình phát triển đô thị;

Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 10/7/2023 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc sắp xếp các Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 3134/TTr-SXD ngày 13/12/2023 về việc đề nghị phê duyệt đề cương nhiệm vụ Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Lạt (mở rộng) giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 và hồ sơ, tài liệu kèm theo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề cương nhiệm vụ Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Lạt (mở rộng) giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, với nội dung chính như sau:

1. Tên chương trình: Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Lạt (mở rộng) giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.

a) Chủ đầu tư: UBND thành phố Đà Lạt. 

b) Nguồn vốn: Ngân sách Nhà nước.

2. Sự cần thiết:

a) Đảm bảo mục tiêu Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 10/7/2023 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, phù hợp quy định về trình tự và tiến độ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh theo thời gian tại Nghị quyết 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (gọi tắt là ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 (hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính trong năm 2024), do đó việc lập Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Lạt (mở rộng) giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 là cần thiết. Chương trình được phê duyệt là cơ sở triển khai công tác công nhận đô thị đối với thành phố Đà Lạt (mở rộng), công nhận đạt tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập phường.

b) Từng bước chuẩn bị triển khai, cụ thể hóa quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận. Kịp thời đề ra lộ trình, kế hoạch đầu tư hạ tầng khung và xây dựng các giải pháp, danh mục đầu tư mang tính trọng điểm, tập trung, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển đô thị và xác định lộ trình nâng loại đô thị đối với thành phố Đà Lạt (mở rộng) giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.

c) Xây dựng kế hoạch đầu tư và danh mục thu hút đầu tư hàng năm và giai đoạn  đến năm 2030; trong đó dự trù vốn đầu tư phát triển đô thị từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác ngoài ngân sách.

3. Mục tiêu: Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Lạt (mở rộng) giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Chương trình) đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp Chương trình phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng, phù hợp Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; đảm bảo định hướng phát triển thành phố Đà Lạt (mở rộng) theo Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045.

4. Phạm vi: Toàn bộ phạm vi hành chính của thành phố Đà Lạt hiện hữu và toàn bộ phạm vi hành chính của huyện Lạc Dương. Trong đó khu vực nội thị bao gồm các phường của thành phố Đà Lạt hiện hữu và thị trấn Lạc Dương (dự kiến hình thành phường của thành phố Đà Lạt (mở rộng)).

5. Thành phần:

5.1. Phần mở đầu: (a) Các căn cứ pháp lý; (b) Lý do, sự cần thiết; (c) Mục tiêu phát triển đô thị; (d) Phạm vi lập Chương trình; (đ) Thực trạng phát triển đô thị.

5.2. Nội dung:

a) Cụ thể hóa chỉ tiêu phát triển đô thị theo từng năm đến 2030, định hướng đến 2045, bao gồm:

- Mật độ dân số toàn đô thị; mật độ dân số tính trên diện tích đất xây dựng đô thị khu vực nội thành, nội thị;

- Tỉ lệ đất xây dựng đô thị trên diện tích đất tự nhiên toàn đô thị;

- Diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực nội thành, nội thị;

- Diện tích cây xanh toàn đô thị bình quân đầu người;

- Tỷ lệ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị khu vực nội thành, nội thị;

- Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật khu vực nội thành, nội thị;

- Các tiêu chuẩn thấp hơn mức tối thiểu và các tiêu chuẩn đạt nhưng ở mức thấp theo tiêu chuẩn phân loại đô thị tại thời điểm lập chương trình và theo tiêu chuẩn phân loại đô thị dự kiến thực hiện phân loại trong từng giai đoạn phát triển;

- Số lượng phường dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính hoặc thành lập mới.

b) Chương trình, dự án đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên và kiến trúc cảnh quan đô thị đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị.

c) Chương trình, kế hoạch phát triển các khu vực được xác định theo quy hoạch đô thị, các khu vực phát triển đô thị để tập trung đầu tư hình thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và kiến trúc cảnh quan đô thị theo từng giai đoạn:

- Danh mục các khu vực được xác định theo quy hoạch đô thị và lộ trình triển khai xây dựng, gồm: Khu hiện có hạn chế phát triển; khu cần bảo tồn, tôn tạo; khu chỉnh trang, cải tạo; khu phát triển mới, khu vực dự kiến mở rộng, thành lập mới phường; các khu vực trung tâm chuyên ngành từ cấp đô thị trở lên, các khu vực dự kiến xây dựng công trình ngầm...;

- Đề xuất các kế hoạch để phát triển đô thị (lập, phê duyệt riêng theo nhu cầu thực tế của địa phương), trong đó dự kiến sơ bộ nhu cầu kinh phí, giai đoạn thực hiện, cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

d) Các chương trình, đề án trọng tâm để từng bước thực hiện phát triển bền vững đô thị:

- Chương trình, đề án về phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển đô thị tăng trưởng xanh, giảm phát thải, phát triển đô thị thông minh; các chương trình, đề án cấp đô thị để cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển bền vững đô thị;

- Dự kiến sơ bộ nhu cầu kinh phí tổng thể và trong khung thời gian của chương trình, giai đoạn thực hiện.

đ) Nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực, giải pháp, danh mục thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư phát triển đô thị sử dụng nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, kết quả dự kiến theo khung thời gian hàng năm và đến năm 2030:

- Các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khung, công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối và các dự án khác thuộc phạm vi đô thị đã được xác định trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị;

- Các dự án đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và các dự án khác để hoàn thiện, nâng cao các tiêu chuẩn toàn đô thị và khu vực nội thị.

e) Trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình phát triển đô thị.

6. Hồ sơ sản phẩm:

6.1 Thành phần hồ sơ:

- Báo cáo thuyết minh tổng hợp, báo cáo tóm tắt;

- Các bản vẽ tỷ lệ phù hợp, không vượt quá khổ giấy A0, thể hiện đầy đủ ký hiệu, chú thích và màu sắc để phân biệt các giai đoạn phát triển trên nền bản vẽ quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt, gồm: Sơ đồ hiện trạng sử dụng đất và hiện trạng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp đô thị; Sơ đồ khu vực thực hiện đợt đầu; Sơ đồ xác định các dự án ưu tiên về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị; Sơ đồ phân bố các khu vực dự kiến hình thành phường đến năm 2030;

- Các phụ lục gồm: Bảng lộ trình và kế hoạch thực hiện phân loại đô thị, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đô thị theo từng giai đoạn,  cụ thể hóa theo từng năm trong giai đoạn 05 năm đầu của chương trình; Bảng danh mục các chương trình, kế hoạch, đề án trọng tâm để từng bước thực hiện phát triển bền vững đô thị (nếu có); Bảng danh mục thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư phát triển đô thị quy định; Các văn bản và bảng, biểu số liệu có liên quan.

6.2. Số lượng sản phẩm: Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Lạt (mở rộng): Thuyết minh và bản vẽ - 20 bộ; đĩa CD lưu trữ nội dung: 05 đĩa.

7. Dự toán kinh phí và nguồn vốn thực hiện: 

- Nguồn vốn: Ngân sách UBND thành phố Đà Lạt.

- UBND thành phố Đà Lạt chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán kinh phí lập Chương trình làm cơ sở triển khai thực hiện.

8. Thời gian lập và trình duyệt Chương trình dự kiến không quá 03 tháng kể từ ngày ký hợp đồng đến lúc hoàn thành và trình thẩm định.

9. Tổ chức thực hiện:

- Cơ quan tổ chức lập: UBND thành phố Đà Lạt.

- Cơ quan thẩm định: Sở Xây dựng.

- Hình thức thẩm định: Lấy ý kiến bằng văn bản các đơn vị có liên quan.

- Cơ quan phê duyệt: UBND tỉnh Lâm Đồng.

- Lựa chọn đơn vị tư vấn: Thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông vận tải; Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương và Giám đốc/Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Ngọc Hiệp

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2564/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt đề cương nhiệm vụ Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng (mở rộng) giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045

  • Số hiệu: 2564/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/12/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Võ Ngọc Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản