Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2534/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 16 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH LƯU VỰC SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 120/2008/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về quản lý lưu vực sông;

Căn cứ Thông tư số 15/2009/TT-BTNMT ngày 05 tháng 10 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Định mức kinh tế - kỹ thuật lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tài nguyên nước;

Căn cứ Quyết định số 3692/QĐ-UBND, ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí thực hiện “Nhiệm vụ Quy hoạch lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 355/TTr-STNMT ngày 26 tháng 9 năm 2013 và Công văn số 3183/STNMT-TNN ngày 26 tháng 9 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt “Nhiệm vụ Quy hoạch lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm

Định hướng giải quyết các vấn đề nổi cộm liên quan đến tài nguyên nước theo thứ tự ưu tiên, đặc biệt là khai thác sử dụng, hạn hán, lũ lụt và xâm nhập mặn.

Khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước bền vững; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, đáp ứng các nhu cầu nước cho phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo sự gắn kết, hài hòa giữa các ngành, các bên liên quan và sự phát triển chung giữa các vùng, lưu vực trong tỉnh, với các tỉnh trong khu vực.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát:

Xác định các vấn đề tồn tại cần tập trung giải quyết về tài nguyên nước, định hướng tổng thể và xây dựng các giải pháp thực hiện đảm bảo đến năm 2020 về cơ bản hoàn thiện khung pháp lý để quản lý khai thác, bảo vệ và phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

a) Xây dựng giải pháp quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên các vùng lưu vực sông, bảo đảm có thể khai thác hiệu quả, ổn định lâu dài nguồn nước mặt, nước dưới đất với tổng lượng khai thác không quá giới hạn về khả năng khai thác của nguồn nước và duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông. Đặc biệt, ưu tiên giải quyết đối với vùng có nguy cơ mất cân bằng về nhu cầu và khả năng đáp ứng của nguồn nước;

b) Xây dựng giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng các công trình về nước phục vụ quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;

c) Phân bổ tài nguyên nước hài hòa giữa các mục đích sử dụng, đảm bảo đáp ứng hiệu quả nhu cầu sử dụng nước, ưu tiên nước cho sinh hoạt và các ngành sản xuất có giá trị kinh tế cao.

3. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

3.1. Giải pháp chung về nguồn nước:

Đánh giá về tổng lượng nguồn nước mặt, nước dưới đất có thể khai thác, sử dụng bền vững, dự báo xu thế biến động tài nguyên nước mặt, nước dưới đất trên các vùng lưu vực sông, các khu vực tầng chứa nước; Khả năng đáp ứng của nguồn nước cho các nhu cầu sử dụng như: sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy điện, thủy sản, công nghiệp, giao thông, du lịch, các hoạt động kinh tế khác. Xác định phạm vi yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt đối với các vùng ven biển có nguồn nước dưới đất dễ bị nhiễm mặn, vùng tập trung dân cư, khu vực tập trung phát triển kinh tế dễ gây ô nhiễm nguồn nước; Đánh giá xác định các khu vực bị sạt, lở, sụt lún và nguy cơ sạt, lở, sụt lún, xâm nhập mặn, xác định nguyên nhân và phân vùng tác hại do nước gây ra trên phạm vi toàn tỉnh, với diện tích là 7.796 km2 thuộc vùng lưu vực và phụ cận các lưu vực sông: sông La Ngà, sông Lòng Sông, sông Phan, sông Cái Phan Thiết, sông Cà Ty, sông Dinh và sông Lũy.

3.2. Giải pháp về quy mô công trình:

Tính toán, đánh giá để xác định quy mô công trình, loại công trình cho phù hợp với từng vùng, từng lưu vực để có cơ sở quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

3.3. Giải pháp về quan trắc, giám sát tài nguyên nước:

Xây dựng và tổ chức vận hành mạng quan trắc tài nguyên nước đáp ứng mục tiêu kiểm soát, giám sát được dòng chảy tối thiểu trên sông, mực nước khai thác tại các tầng chứa nước trong các vùng lưu vực và đảm bảo sự phù hợp với quy hoạch mạng quan trắc tài nguyên nước quốc gia (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020); bảo đảm đúng trách nhiệm về khai thác tài nguyên nước đối với các hồ chứa đã được quy định (tại Nghị định số 112/2008/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi).

3.4. Giải pháp công nghệ, kỹ thuật trong lĩnh vực tài nguyên nước:

Xây dựng giải pháp về triển khai ứng dụng công nghệ kỹ thuật quan trắc tự động thu và truyền số liệu kỹ thuật số từ các trạm quan trắc tự động về trung tâm quản lý dữ liệu và các công cụ ứng dụng hệ thống thông tin địa lý trong quản lý dữ liệu, tính toán, đánh giá tài nguyên nước và phòng, chống các tác hại do nước gây ra.

4. Các giải pháp về quản lý

4.1. Tăng cường năng lực điều tra, đánh giá tài nguyên nước:

Xây dựng giải pháp, kế hoạch tăng cường điều tra, đánh giá, quan trắc, giám sát, dự báo để cung cấp đầy đủ dữ liệu, thông tin về nguồn nước phục vụ có hiệu quả công tác quản lý, quy hoạch việc khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước có hiệu quả, tập trung ở khu vực có nguy cơ ô nhiễm, xâm nhập mặn, cạn kiệt tài nguyên nước, với phạm vi toàn tỉnh, với diện tích là 7.796 km2 thuộc vùng lưu vực và phụ cận các lưu vực sông: sông La Ngà, sông Lòng Sông, sông Phan, sông Cái Phan Thiết, sông Cà Ty, sông Dinh và sông Lũy.

4.2. Tăng cường quản lý, cấp phép:

Đẩy mạnh công tác quản lý về tài nguyên nước, đặc biệt là công tác cấp phép, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định sau khi được cấp phép và việc thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn nước, trên phạm vi toàn tỉnh và các vùng lưu vực và phụ cận các lưu vực sông: sông La Ngà, sông Lòng Sông, sông Phan, sông Cái Phan Thiết, sông Cà Ty, sông Dinh và sông Lũy, trong đó quy hoạch tài nguyên nước dưới đất vùng cát ven biển với diện tích 2.740 km2 phân bố ở các vùng lưu vực sông Lòng Sông; lưu vực sông Phan; lưu vực sông Cái Phan Thiết; lưu vực sông Cà Ty; lưu vực sông Dinh và lưu vực sông Lũy.

4.3. Tăng cường công tác thể chế, năng lực quản lý ở các cấp:

Rà soát và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó tập trung vào cơ chế, chính sách trong việc khai thác, sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, bền vững dự trữ lâu dài; ưu tiên sử dụng nước dưới đất để cấp cho sinh hoạt và các lĩnh vực sản xuất quan trọng của tỉnh tại những vùng ít có điều kiện tiếp cận nguồn nước mặt; cơ chế chính sách cụ thể trong việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của các đối tượng khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước; các quy định cụ thể về khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước trên phạm vi tỉnh, mối quan hệ với các địa phương lân cận.

Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để bổ sung biên chế, tuyển dụng cán bộ có trình độ, năng lực và chuyên môn phù hợp, kết hợp với công tác đào tạo, tập huấn hoặc đào tạo lại để tăng cường năng lực của cán bộ quản lý tài nguyên nước ở các cấp, nhất là kỹ năng quản lý và giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Xây dựng và thực hiện chương trình tăng cường trang thiết bị, công cụ phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước ở cấp sở, trong đó chú trọng tới việc áp dụng và sử dụng các công cụ kỹ thuật số, các mô hình số phục vụ việc đánh giá, dự báo, các công cụ ứng dụng công nghệ GIS, xử lý, phân tích ảnh viễn thám và các thiết bị phục vụ kiểm tra tại hiện trường.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc khai thác, sử dụng tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước, huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát các quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

4.4. Tăng cường đầu tư cho công tác quản lý khai thác và bảo vệ tài nguyên nước, trước hết ưu tiên triển khai thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

- Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi toàn tỉnh, với diện tích là 7.796 km2;

- Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt trên phạm vi toàn tỉnh, với diện tích là 7.796 km2;

- Quy hoạch phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên phạm vi toàn tỉnh, với diện tích là 7.796 km2.

(Có đề cương quy hoạch kèm theo).

5. Thời gian thực hiện

Kế hoạch lập Quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh Bình Thuận được phân thành như sau:

- Giai đoạn 1: từ năm 2013 - 2015: thực hiện “Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất tỉnh Bình Thuận” diện tích thực hiện là 7.796 km2. Cụ thể như sau:

+ Từ năm 2013-2014: thực hiện “Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất vùng cát ven biển tỉnh Bình Thuận” diện tích 2.740 km2, với kinh phí là: 1.358.738.347 đồng.;

+ Năm 2015: thực hiện “Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất tỉnh Bình Thuận” diện tích 5.056 km2, với kinh phí là: 2.507.219.377 đồng.

- Giai đoạn 2: từ năm 2016 - 2017: thực hiện “Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt tỉnh Bình Thuận” diện tích 7.796 km2, với kinh phí là: 4.326.033.249 đồng và “Quy hoạch phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” diện tích 7.796 km2, với kinh phí là: 1.626.280.032 đồng.

(Kèm theo dự toán kinh phí chi tiết).

6. Vốn đầu tư: tổng vốn đầu tư thực hiện quy hoạch tài nguyên nước là: 9.818.270.724 (chín tỷ, tám trăm mười tám triệu, hai trăm bảy mươi nghìn, bảy trăm hai mươi bốn) đồng.

Nguồn vốn đầu tư: vốn ngân sách Nhà nước.

Điều 2: Tổ chức thực hiện:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Tổ chức thực hiện đề cương Quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với các nội dung: Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt và Quy hoạch phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;

b) Trong quá trình thực hiện, tận dụng tài liệu, kết quả các lưu vực đã có để hạn chế tối đa kinh phí và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống số liệu, nhất là số liệu quan trăc, khí tượng thủy văn, dòng chảy,…, mà các ngành ở tỉnh đã thực hiện;

c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Tài nguyên nước, các ngành liên quan ở Trung ương xem xét hỗ trợ một phần kinh phí từ các nguồn kinh phí môi trường hoặc chương trình mục tiêu có liên quan để bố trí vốn kịp thời cho đề án.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường bố trí kế hoạch vốn theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước để thực hiện có hiệu quả các nội dung nêu tại Khoản 1 Điều này. Đồng thời, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương về kinh phí môi trường hoặc chương trình mục tiêu có liên quan để bố trí cho đề án trong điều kiện ngân sách còn khó khăn.

3. Các sở, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường về các lĩnh vực chuyên môn do ngành mình phụ trách để thực hiện Quy hoạch này.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Tiến Phương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2534/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 2534/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/10/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Lê Tiến Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản