Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 239/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 11 năm 1985

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ CẢI TẠO, TỔ CHỨC QUẢN LÝ NGÀNH CAO SU THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30-6-1983;
- Căn cứ Quyết định số 111/HĐBT ngày 25-8-1984 của HĐBT quy định những mặt hàng Nhà nước độc quyền kinh doanh;
- Theo đề nghị của các đ/c Trưởng Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh thành phố. Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Sở Thương nghiệp, Trưởng Ban Quản lý thị trường thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định tạm thời về cải tạo và tổ chức quản lý ngành cao su tại thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2: Sở Công nghiệp phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn việc thực hiện.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với những điều trong bản quy định kèm theo quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Các đ/c Chánh văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành thuộc Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT/CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Văn Triết

 

BẢN QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ CẢI TẠO, TỔ CHỨC LẠI SẢN XUẤT VÀ QUẢN LÝ NGÀNH CHẾ BIẾN CAO SU THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
(Được ban hành theo QĐ số 239/CT-UB ngày 22-11-1985 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Nhằm mục đích phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm từ nguyên liệu cao su thiên nhiên, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, UBND Thành phố ban hành quy định tạm thời về cải tạo, tổ chức lại sản xuất và quản lý ngành chế biến cao su thanh phố, như sau:

I- QUY ĐỊNH CHUNG:

Điều 1: Liên hiệp xí nghiệp công nghiệp cao su thuộc Sở Công nghiệp, là cơ quan quản lý ngành chế biến cao su thành phố (gọi tắt là ngành), theo nguyên tắc quản lý theo ngành và quản lý theo địa bàn quận, huyện.

Ngành có trách nhiệm thực hiện kế hoạch cải tạo sắp xếp tổ chức lại các cơ sở chế biến cao su thành một ngành kinh tế kỹ thuật thống nhất và xuyên suốt từ xí nghiệp quốc doanh thành phố và quận, huyện đến xí nghiệp công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp doanh, hợp tác xã, tổ sản xuất, sản xuất gia đình và cá thể trên địa bàn thành phố theo đề án đã được duyệt.

Điều 2: Sau khi sắp xếp lại sản xuất, ngành chế biến cao su thành phố có các thành phần kinh tế sau đây:

- Xí nghiệp quốc doanh cấp thành phố và quận, huyện.

- Xí nghiệp công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp doanh.

- Hợp tác xã.

- Cơ sở sản xuất gia đình.

Điều 3:

a) Tạm ngưng việc cho phép mở thêm cơ sở sản xuất mới, với trang thiết bị cũ kỹ, trình độ kỹ thuật kém, sản xuất các mặt hàng đã có nhiều cơ sở sản xuất, chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu quy định, hiệu quả kinh tế thấp.

b) Những cơ sở trang bị quá cũ kỹ, không còn khả năng tân trang sửa chữa để bảo đảm được chất lượng sản phẩm theo quy định, tốn kém nguyên liệu, năng lượng, hiệu quả kinh tế thấp thì cho ngừng sản xuất.

c) Những cơ sở chế biến cao su nằm trong các khu vực dân cư, mà gây ô nhiễm, làm hại sức khỏe nhân dân những không có biện pháp xử lý để bảo vệ môi sinh và vệ sinh môi trường thì không cho tiếp tục sản xuất.

- Khuyến khích các cơ sở thuốc các thành phần kinh tế huy động nguyên liệu, hóa chất phụ gia, trang thiết bị kỹ thuật mới hiện đại, sản xuất các mặt hàng cao su có chất lượng tốt thích hợp với nhu cầu trong nước nhất là sản phẩm cao su dùng cho công nghiệp và xuất khẩu. Các cơ sở sản xuất sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế quan đối với các hàng do thân nhân từ nước ngoài gởi về góp phần sản xuất ra sản phẩm theo hợp đồng kinh tế đối với Nhà nước, các chính sách về thuế, về tín dụng v.v… của UBND thành phố ban hành.

Điều 4:

a) Để bảo đảm chất lượng sản phẩm cuối cùng, trong quá trình sắp xếp lại tổ chức sản xuất, các xí nghiệp quốc doanh, xí nghiệp công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp doanh, hợp tác xã sản xuất cao su, được tổ chức khép kín từ công đoạn pha chế, cán luyện, định hình lưu hóa đến hoàn tất sản phẩm.

b) Trên địa bàn quận, huyện được tổ chức một xí nghiệp quốc doanh, hoặc xí nghiệp hợp doanh hay hợp tác xã chuyên làm nhiệm vụ pha chế, cán luyện thành cao su nguyên liệu theo các hợp đồng gia công cho các ngành, các tỉnh bạn có nhu cầu, và phân phối cho khu vực sản xuất gia đình theo kế hoạch sản xuất được giao, hoặc các hợp tác xã sản xuất nhưng chưa có công đoạn chế biến từ cao su nguyên liệu.

c) Không duy trì thành phần kinh tế cá thể, tổ hợp sản xuất và sản xuất gia đình chuyên làm nhiệm vụ pha chế cán luyện cao su nguyên liệu riêng lẻ.

Điều 5: Trong điều kiện hiện nay, ngành cao su thành phố được tổ chức thành 6 nhóm mặt hàng cao su như sau:

1. Nhóm sản xuất mới và đắp vỏ xe ô tô, máy kéo.

2. Nhóm sản xuất băng tải, dây courroie, vỏ ruột xe đạp, xe gắn máy.

3. Nhóm sản xuất giày dép, ủng cao su.

4. Nhóm sản xuất dụng cụ thể thao.

5. Nhóm sảo xuất cao su kỹ thuật (các loại ống, phụ tùng máy bằng cao su…)

6. Nhóm sản xuất sản phẩm nhúng từ mũ Latex sản phẩm bảo hộ lao động.

- Nội dung hoạt động của nhóm sản phẩm, mặt hàng theo bản quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động của nhóm sản phẩm ban hành theo quyết định số 24/QĐ-UB ngày 18/2/1982 của UBND Thành phố.

- Trong các nhóm sản phẩm, xí nghiệp quốc doanh ngành và xí nghiệp quốc doanh quận huyện giữ vai trò chủ đạo.

Điều 6: Ngành cần soạn thảo các văn bản sau đây trình Thường trực UBND thành phố ban hành dưới dạng quy chế để quản lý ngành:

1) Quy hoạch và phương hướng phát triển dài hạn và chính sách đầu tư bảo đảm phát triển ngành đúng với phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

2) Quy định về cách xây dựng và chỉ đạo thực hiện theo hướng làm kế hoạch từ cơ sở.

3) Quy định tiêu chuẩn chất lượng cho những mặt hàng chuẩn.

4) Định mức tiêu hao nguyên liệu.

5) Đề xuất những phương thức sản xuất kinh doanh và những chính sách cần thiết cho ngành thực hiện được quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh, tự chủ về tài chánh, bảo đảm cho sản xuất của ngành ổn định và phát triển.

II- MỘT SỐ ĐIỀU KHOẢN CỤ THỂ:

Điều 7: Xí nghiệp liên hợp công nghiệp cao su hiện nay được sắp xếp tổ chức lại thành Liên hiệp xí nghiệp công nghiệp cao su thuộc Sở Công nghiệp, là tổ chức sản xuất kinh doanh, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế, có tư cách pháp nhân.

- Các xí nghiệp quốc doanh, xí nghiệp công tư hợp doanh trực thuộc Liên hiệp xí nghiệp công nghiệp cao su được sắp xếp lại theo hướng chuyên môn hóa theo công nghệ với chuyên môn hóa theo mặt hàng, là những xí nghiệp có tư cách pháp nhân, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế.

* Đối với xí nghiệp công ty hợp doanh nào mà cổ đông tư nhân đã bỏ đi nước ngoài, không còn người được ủy quyền hợp pháp hoặc có mặt nhưng không còn thực sự tham gia quản lý xí nghiệp (do già yếu bệnh tật, hoặc bỏ ra ngoài làm ăn riêng lẻ) thì thực hiện chính sách hoàn vốn để chuyển xí nghiệp thành sở hữu quốc doanh.

* Các xí nghiệp công tư hợp doanh khác đang hoạt động củng cố và áp dụng chính sách công tư hợp doanh chia lãi. Ngoài các xí nghiệp sản xuất, Liên hiệp xí nghiệp được tổ chức các cơ sở hậu cần phục vụ sản xuất và nghiên cứu khoa học như xưởng cơ điện khuôn mẫu, phòng thí nghiệm và nghiên cứu khoa học kỹ thuật, được tổ chức một thương nghiệp để được sự giúp đỡ về nghiệp vụ cũng như các mặt quản lý.

(Xí nghiệp liên hợp cao su cần làm đề án và biện pháp triển khai chuyển thành Liên hiệp xí nghiệp)

Điều 8: Các cơ sở sản xuất cao su thuộc UBND quận huyện quản lý được tổ chức lại theo các thành phần kinh tế quy định ở điều 2 và theo các nhóm sản phẩm mặt hàng cao su quy định ở điều 5; tùy theo thực tế tình hình ở quận huyện để chia thành từng phân nhóm mặt hàng theo cần thiết, cần phân công phân cấp quản lý cho UBND phường xã một các hợp lý. Sản xuất gia đình được sắp xếp làm vệ tinh cho các xí nghiệp quốc doanh, xí nghiệp công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp doanh và hợp tác xã tùy theo trình độ trang bị khả năng hành nghề.

Điều 9: Các cơ sở sản xuất cao su trực thuộc Sở Giao thông vận tải, Sở xây dựng thuộc thành phố, tạm thời được duy trì hiện trạng để quản lý song phải chịu sự quản lý của Liên hiệp xí nghiệp công nghiệp cao su thành phố theo quy chế quản lý theo ngành kinh tế kỹ thuật.

Liên hiệp xí nghiệp cao su, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng cần bàn bạc thống nhất trình Thường trực UBND thành phố, những điều khoản cụ thể về quản lý ngành tránh sự chòng chéo trong lĩnh vực khai thác nguồn nguyên liệu, trùng lắp mặt hàng sản xuất, các tiêu chẩun kỹ thuật, giá cả và việc phân phối sản phẩm trên thị trường.

Điều 10:

a) Kế hoạch sản xuất và tiêu thụ của toàn ngành được xây dựng từ cơ sở sản xuất (trên tinh thành chủ động sản xuất kinh doanh, tự chủ về tài chánh, tự cân đối nguồn nguyên liệu theo các phương thức trong khuôn khổ Nhà nước cho phép) và theo địa bàn quận, huyện. Khi kế hoạch được UBND thành phố duyệt, cơ sở sản xuất thuộc cấp nào quản lý do cấp đó chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện. Liên hiệp xí nghiệp công nghiệp cao su làm chức năng quản lý ngành theo quy định.

b)Về tiêu thụ sản phẩm:

- Sản phẩm sản xuất theo kế hoạch được cân đối vật tư nguyên liệu và sản xuất theo hợp đồng gia công, đều được giao bán cho khách hàng được chỉ định và theo hợp đồng kinh tế.

- Sản phẩm do vật tư tự cân đối, các cơ sở sản xuất ưu tiên tiêu thụ qua thương nghiệp quốc doanh và Tổng công ty xuất nhập khẩu thành phố. Nếu cơ quan trên tiêu thụ không hết hoặc không tiếp nhận tiêu thụ, các cơ sở sản xuất được quyền chủ động đối lưu với các tỉnh, các ngành khác có nhu cầu để tái tạo ngoại tệ hoặc đối lấy nguyên liệu tái sản xuất. Với các sản phẩm thông dụng của các cơ sở sản xuất trên địa bàn quận huyện ngoài việc giao nộp theo kế hoạch sản xuất và gia công, còn lại đều tiêu thụ qua thương nghiệp hợp tác xã để tổ chức bán lẻ theo nhu cầu của nhân dân.

- Các cơ sở sản xuất được giữ lại một số sản phẩm trong kế hoạch tự cân đối để đối lưu lấy nguyên liệu theo số lượng được duyệt trong kế hoạch.

Điều 11: Các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế đều được quyền chủ động tìm khách hàng qua hợp đồng kinh tế, tạo nguyên liệu từ các nguồn hợp tác, liên doanh, liên kết, trong ngành, ngoài ngành, trong khu vực và các địa phương khác nhằm phát triển sản xuất trên nguyên tắc:

- Tuân theo các quy định của các thành phố về quy chế gia công, ký kết hợp đồng kinh tế và những quy định của ngành về các định mức kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

- Thông báo lại cho Liên hiệp xí nghiệp cao su các văn bản hợp đồng kinh tế và nội dung về hợp tác kinh tế mà các cơ sở sản xuất đã ký kết với các nơi để ngành làm chức năng quản lý theo quy định.

Điều 12: Ngành được vận dụng các chính sách ưu đãi của UBND thành phố ban hành trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

III- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

Điều 13: Sở Công nghiệp, Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp thành phố, Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh thành phố, UBND các quận, huyện, Liên hiệp xí nghiệp công nghiệp cao su, và các ban ngành thành phố có liên quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện bản quy định tạm thời này.

Điều 14: Bản quy định tạm thời này có hiệu lực từ ngày ký, những quy định trước đây trái với những điều trong bản quy định này đều bãi bỏ.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 239/QĐ-UB năm 1985 quy định tạm thời về cải tạo và tổ chức quản lý ngành cao su tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 239/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/11/1985
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Văn Triết
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản