Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2263/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 19 tháng 9 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BỘ TIÊU CHÍ VỀ XÃ NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2021-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 08 tháng 03 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1847/TTr-SNNPTNT ngày 12 tháng 8 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025.

Bộ tiêu chí này là căn cứ để đánh giá thực trạng và mức độ đạt các tiêu chí, chỉ tiêu; là cơ sở để xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch thực hiện và chỉ đạo xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố Huế; kiểm tra, đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiêu chí và đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; là cơ sở xét khen thưởng trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

Điều 2. Nhiệm vụ của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và huyện, thị xã, thành phố:

1. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh được giao phụ trách chỉ tiêu, tiêu chí:

- Căn cứ vào hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương; các sở, ban, ngành cấp tỉnh hướng dẫn, tiêu chuẩn chuyên ngành đối với các tiêu chí, chỉ tiêu theo phân công trong phụ lục của Bộ tiêu chí.

- Chủ trì xây dựng, hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ đánh giá, thẩm định tiêu chí do cơ quan, đơn vị được giao phụ trách theo hướng dẫn của các Bộ, ban, ngành Trung ương và căn cứ điều kiện thực tế triển khai tại địa phương.

- Thực hiện báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tỉnh (thông qua Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh).

2. Văn phòng Điều phối nông thôn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh

- Đôn đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh xây dựng hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu được giao phụ trách.

- Tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của các xã trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố Huế tổng hợp kết quả đánh giá các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu của các xã theo Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

- Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế trong công tác thẩm tra, thẩm định và hoàn thiện hồ sơ trình công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu hàng năm theo đúng quy định của Trung ương và của địa phương.

3. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế

- Căn cứ vào hướng dẫn của các sở, ban, ngành cấp tỉnh phụ trách tiêu chí để đánh giá từng tiêu chí của các xã trên địa bàn theo Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

- Hướng dẫn các xã rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí theo Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

- Hàng năm UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế đánh giá, thẩm tra tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của các xã. Hoàn chỉnh hồ sơ trình trình UBND tỉnh thẩm định, xét công nhận và công bố đối với các xã đạt chuẩn.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ NN&PTNT;
- VP Điều phối nông thôn mới TW;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- VP: LĐ và các CV;
- Lưu: VT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Hải Minh

 

PHỤ LỤC

BỘ TIÊU CHÍ QUỐC GIA VỀ XÃ NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Quyết định số 2263/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2022 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

XÃ NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2021-2025

1. Đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020, phải tập trung rà soát, chỉ đạo thực hiện, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

2. Thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu phải cao hơn từ 10% trở lên so với mức thu nhập bình quân đầu người áp dụng theo quy định đối với xã nông thôn mới nâng cao tại cùng thời điểm.

3. Có ít nhất 01 mô hình thôn thông minh, do UBND tỉnh quy định cụ thể.

4. Đạt tiêu chí quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu theo ít nhất một trong các lĩnh vực nổi trội nhất (về sản xuất, về giáo dục, về văn hóa, về du lịch, về cảnh quan môi trường, về an ninh trật tự, về chuyển đổi số,...) mang giá trị đặc trưng của địa phương, do UBND tỉnh ban hành.

I. QUY ĐỊNH CỦA UBND TỈNH VỀ MÔ HÌNH THÔN THÔNG MINH (Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, đánh giá)

1. Về hạ tầng số:

- Có thành lập và triển khai các nhóm/tổ công nghệ số cộng đồng tương tác, tương trợ lẫn nhau trong thôn;

- Có hạ tầng Internet cáp quang và thông tin di động 4G/5G bao phủ đến hộ gia đình.

- 100% nhà ở cá nhân, hộ gia đình trong thôn được gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số.

2. Về xã hội số:

- Cán bộ thôn có ứng dụng các nền tảng số để thông tin, tuyên truyền đến người dân trong thôn.

- Trên 60% người sử dụng smartphone được hướng dẫn, tập huấn, đào tạo các kỹ năng cài đặt, sử dụng các phần mềm, nền tảng số hỗ trợ cho việc tìm kiếm, tra cứu, trao đổi thông tin.

- Trên 80% hộ sản xuất, kinh doanh được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, kỹ năng quảng bá, giới thiệu, kinh doanh, mua bán các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, các nền tảng số (zalo, facebook, youtube,...), kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, thanh toán trực tuyến.

- Trên 50% người trưởng thành trong thôn có tài khoản thanh toán trực tuyến, có thể thanh toán được các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin, học phí, khám chữa bệnh....

3. Về kinh tế số:

- Có ít nhất một mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực như: an ninh trật tự, an toàn giao thông, sản xuất kinh doanh, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, năng lượng, chiếu sáng, môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển thương hiệu, thị trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, truyền thanh thôn,...

II. QUY ĐỊNH CỦA UBND TỈNH VỀ XÃ NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU THEO ÍT NHẤT MỘT TRONG CÁC LĨNH VỰC NỔI TRỘI NHẤT MANG GIÁ TRỊ ĐẶC TRƯNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG

1. Về sản xuất (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, đánh giá)

- Chăn nuôi: Chăn nuôi lợn An toàn sinh học, hữu cơ (môi trường chăn nuôi, khoảng cách chăn nuôi các trang trại, nông hộ phải đảm bảo theo quy định, chăn nuôi phát triển bền vững).

- Thủy sản: Mô hình theo chuỗi liên kết sản phẩm tiến đến xây dựng thương hiệu cá vùng đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế (các đối tượng bản địa có giá trị: nuôi chuyên cá dìa, cá nâu, cá kình vùng đầm phá).

- Trồng trọt:

Mô hình sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất: ≥1 mô hình.

Mô hình sản xuất lúa có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa với quy mô trên 10ha: ≥1 mô hình.

2. Về giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, đánh giá)

Xã có 100% trường học các cấp (mầm non, tiểu học, THCS, hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS) đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và có ít nhất 01 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2.

3. Về văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn, đánh giá)

a) Duy trì và nâng cao tiêu chí văn hóa

- Duy trì tốt các tiêu chí về văn hóa đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

- Đầu tư, nâng cấp hoàn thiện, nâng cao các chỉ tiêu 6.1, 6.2.6.3 của tiêu chí số 6, cụ thể:

Chỉ tiêu 6.1.

- Hệ thống thiết chế trên địa bàn được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hơn so với khi về đích nông thôn mới nâng cao. Cụ thể: Trung tâm văn hóa - Thể thao xã được đầu tư đầy đủ trang thiết bị hoạt động; cảnh quan môi trường xung quanh sáng, xanh, sạch đẹp; nguồn kinh phí bố trí cho duy trì hoạt động của Trung tâm văn hóa - Thể thao xã tăng 15-20% so với thời điểm về đích nông thôn mới nâng cao; xây dựng được 01 mô hình hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu đặc trưng của địa phương thu hút được trên 60% người dân tham gia;

- Nhà văn hóa thôn: Đầu tư, nâng cấp, xây mới đạt chuẩn, đảm bảo đủ diện tích, chỗ ngồi cho sinh hoạt thôn; sân các Nhà văn hóa được lát gạch, trồng cây xanh, bồn hoa và lắp đặt đầy đủ dụng cụ thể thao đơn giản phục vụ sinh hoạt cộng đồng; lắp đặt các trang thiết bị thông minh, kết nối internet, bố trí ít nhất 2- 4 máy vi tính phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Mỗi nhà văn hóa thành lập được các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao tiêu biểu, duy trì sinh hoạt thường xuyên. Tỷ lệ người dân đến sinh hoạt tại thiết chế cấp thôn đặt từ 40-45%.

Chỉ tiêu 6.2. Có 01 di sản văn hóa trên địa bàn được cấp có thẩm quyền công nhận theo quy định và được giới thiệu, quảng bá trên các trang thông tin điện tử và trang báo của tỉnh (nếu có).

Chỉ tiêu 6.3. Có 80% số thôn, bản trên địa bàn được công nhận danh hiệu văn hóa 3 năm liên tục, tại năm xét công nhận nông thôn mới kiểu mẫu tỷ lệ thôn, bản đạt danh hiệu văn hóa 85%: Có 80% hộ gia đình trên địa bàn được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa 3 năm liên tục, tại năm xét công nhận tỷ lệ danh hiệu gia đình văn hóa trên địa bàn đạt 87%. Tại thời điểm xét công nhận xã không để xảy ra các vụ khiếu kiện về di tích, vi phạm về công tác tu bổ tôn tạo di tích; không xảy ra các vụ bạo lực gia đình có tính chất trọng điểm; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; 100% thôn, bản thực hiện đảm bảo công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

b) Lĩnh vực nổi trội

- Các địa phương đăng ký về đích nông thôn mới kiểu mẫu có thể lựa chọn lĩnh vực nổi trội thuộc lĩnh vực văn hóa của địa phương mình. Cụ thể:

Nổi trội về cơ sở vật chất về văn hóa (100% cơ sở vật chất văn hóa cấp xã, thôn đạt trên chuẩn: Diện tích, công năng, trang thiết bị, cảnh quan, môi trường tại thiết chế khang trang, sạch sẽ, hiện đại, thân thiện, thực sự nổi trội).

Nổi trội về công tác bảo tồn, phát huy loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn (công tác kiểm kê, khai thác, quảng bá, giới thiệu loại hình di sản của địa phương; công tác quản lý, khai thác phát huy giá trị di sản; mô hình quản lý, phát huy, bảo tồn di sản trên địa bàn có nhiều kết quả nổi trội, được cơ quan quản lý đánh giá tốt...).

4. Về du lịch (Sở Du lịch hướng dẫn, đánh giá)

- Có triển khai quảng bá hình ảnh điểm du lịch của xã thông qua ứng dụng Internet, mạng xã hội.

- Có ít nhất 01 điểm du lịch được công nhận trên địa bàn xã theo quy định.

- Có mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái theo Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP.

5. Về môi trường khi đạt các yêu cầu sau (Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, đánh giá)

- 100% các hộ gia đình tham gia phong trào vệ sinh môi trường của thôn, xóm, xã, thị trấn.

- 100% các tổ chức, hộ gia đình đóng phí vệ sinh môi trường đầy đủ.

- 90% hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn.

- 100% hộ gia đình thực hiện thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt phù hợp, 70% cụm dân cư phải có hệ thống thoát nước và biện pháp xử lý nước thải phù hợp, không chăn, thả động vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng, thực hiện hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường.

- 100% chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng và tái chế thành nguyên liệu, nhiên liệu thân thiện với môi trường.

- 100% hộ gia đình phải đảm bảo nhà cửa, khuôn viên gia đình, công trình vệ sinh sạch đẹp, vườn tạp phải được cải tạo thành vườn rau, vườn cây ăn quả, vườn hoa, hàng rào ưu tiên trồng các loại cây bản địa.

- 30% các hộ gia đình thực hiện phong trào “mai vàng trước ngõ”, xây dựng các tuyến đường, vườn mai có quy mô phù hợp để tạo cảnh quan phục vụ du lịch; trồng hoa, trồng cây xanh (ưu tiên trồng các loài cây bản địa) tại các công trình công cộng, tại các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn, liên xóm.

- 90% tuyến đường, trục đường thôn xóm được lắp điện chiếu sáng vào ban đêm, camera an ninh ưu tiên sử dụng điện năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo đối với xã đồng bằng và 60% đối với xã miền núi.

- Xây dựng tuyến đường kiểu mẫu sáng - xanh - sạch: Tuyến đường chính của xã được trồng cây xanh tạo bóng mát cùng chủng loại, thẳng hàng, trồng hoa ở lề đường, có điện chiếu sáng vào ban đêm và được lắp camera an ninh.

- Có quy định về giữ gìn, bảo vệ cảnh quan cây xanh, ao hồ, hệ sinh thái nước mặt, nguồn nước và chế tài xử phạt.

6. Về an ninh trật tự khi đạt các yêu cầu sau (Công an tỉnh hướng dẫn, đánh giá)

- Có một trong các mô hình về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và có mô hình có sử dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động thường xuyên, hiệu quả và được ghi nhận, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh trở lên.

- Được xếp loại tốt trong công tác đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy và phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại nội dung Quyết định số 615/QĐ-UBND ngày 06/3/2020 của UBND tỉnh ban hành quy định đánh giá, xếp loại kết quả thực hiện tiêu chí “An toàn phòng cháy, chữa cháy” cấp xã trên địa bàn tỉnh.

7. Về chuyển đổi số khi đạt các yêu cầu sau (Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, đánh giá)

a) Về hạ tầng chính quyền số:

- Xây dựng mô hình công sở số, trong đó ưu tiên hạ tầng phòng họp số kết hợp với thiết chế phòng điều hành số.

- 100% dữ liệu quản lý của UBND xã được số hóa trên môi trường mạng.

b) Về xã hội số:

- Đơn vị cấp xã hoàn thành hệ thống trực tuyến cung cấp các dịch vụ thiết yếu.

- Đơn vị cấp xã hoàn thành hệ thống trực tuyến lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về chính quyền địa phương.

c) Về kinh tế số:

- Đơn vị cấp xã hoàn thiện chuyển đổi số trong quản lý, giám sát và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

- Đơn vị cấp xã áp dụng thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2263/QĐ-UBND năm 2022 Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 2263/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/09/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Hoàng Hải Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/09/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản