Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2243/QĐ-BNN-KH

Hà Nội, ngày 27 tháng 09 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG HỆ THỐNG THÔNG TIN AN NINH LƯƠNG THỰC”

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 và Nghị định số 75/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 23/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia;

Xét đề nghị của Giám đốc Trung tâm Tin học và Thống kê tại Tờ trình số 233/TTr-TH, ngày 12/9/2011;

Theo đề nghị của Vụ trưởng các Vụ: Kế hoạch, Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xây dựng hệ thống thông tin an ninh lương thực” với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu của Đề án

2.1. Mục tiêu tổng quát: Xây dựng Hệ thống thông tin về an ninh lương thực hoàn chỉnh nhằm cung cấp số liệu đầy đủ, chính xác và kịp thời, phục vụ quá trình xây dựng và thực thi các chính sách an ninh lương thực quốc gia.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

- Giám sát chặt chẽ diễn biến sản xuất lương thực, thực phẩm nhằm cung cấp kịp thời và chính xác các thông tin phục vụ dự báo sản lượng một số loại lương thực, thực phẩm chính trên phạm vi toàn quốc.

- Cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về nhu cầu, về thị trường lương thực, thực phẩm  trong nước và quốc tế phục vụ chỉ đạo và điều hành sản xuất nông nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

- Xây dựng các mô hình dự báo sản xuất, dự báo thị trường nhằm hỗ trợ quá trình xây dựng chính sách đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

- Tạo dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về nội dung thông tin cũng như hình thức thể hiện đáp ứng nhu cầu xây dựng chính sách về an ninh lương thực quốc gia.

2. Nội dung của Đề án

2.1. Thiết lập hệ thống thông tin liên quan đến cung cấp lương thực, thực phẩm

- Thu thập các thông tin về thời tiết khí hậu hạn hán, úng lụt, xâm nhập mặn, …); thủy lợi (khả năng tưới, tiêu, …); dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; vật tư phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ dịch bệnh,….); hệ thống chế biến, lưu thông lương thực (quy mô nhà máy chế biến, khả năng dự trữ bảo quản lượng hàng giao dịch, ….).

- Thu thập các thông tin về biến động tài nguyên phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm; đặc biệt là đất trồng lúa và mặt nước nuôi trồng thủy sản.

- Theo dõi tiến độ gieo cấy và thu hoạch lúa; số liệu được thu thập từ cấp huyện, tỉnh tới cấp Bộ định kỳ (tuần/lần).

- Tình hình sản xuất lương thực, thực phẩm trong nước: bao gồm các chỉ tiêu về diện tích, năng suất, sản lượng một số cây trồng chính; quy mô đàn, sản lượng sản phẩm một số vật nuôi chính.

- Xây dựng mô hình dự báo một số cây trồng, vật nuôi chính. Đối với một số sản phẩm như sản xuất lúa gạo có tầm đặc biệt đối với an ninh lương thực quốc gia cần có mô hình dự báo tiên tiến.

2.2. Thiết lập hệ thống thông tin liên quan đến nhu cầu lương thực, thực phẩm

- Nhu cầu về một số mặt hàng lương thực thực phẩm chính trên thế giới; đặc biệt là các mặt hàng lương thực thực phẩm có thế mạnh của Việt Nam.

- Nhu cầu lương thực thực phẩm trong nước: trên cơ sở nhu cầu về dinh dưỡng phục vụ đời sống người dân, xác định nhu cầu về lương thực, thực phẩm trên phạm vi toàn quốc.

2.3. Thiết lập hệ thống thông tin liên quan đến thị trường và chính sách lương thực, thực phẩm

- Thông tin về giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm chính trên thế giới và trong nước, bao gồm: giá bán buôn, bán lẻ tại các tỉnh trong nước; giá xuất khẩu tại một số quốc gia có mặt hàng lương thực, thực phẩm cạnh tranh với Việt Nam; giá nhập khẩu lương thực, thực phẩm tại các thị trường chính trên thế giới.

- Thông tin về chính sách an ninh lương thực quốc gia, bao gồm quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, chính sách hỗ trợ người trồng lúa, chính sách thu mua nông sản, chính sách tài chính tín dụng, …

- Thông tin về chính sách an ninh lương thực của một số quốc gia trên thế giới.

3. Giải pháp thực hiện

3.1. Hoàn thiện hệ thống cung cấp thông tin an ninh lương thực, thực phẩm từ Trung ương đến địa phương

- Ở Trung ương: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đầu mối về thông tin an ninh lương thực, thực phẩm.

- Ở địa phương: thiết lập hệ thống cung cấp thông tin an ninh lương thực, thực phẩm từ cấp huyện đến cấp tỉnh.

3.2. Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hệ thống cung cấp thông tin an ninh lương thực, thực phẩm

Trên cơ sở hệ thống cung cấp thông tin an ninh lương thực, thực phẩm được thiết lập ở Trung ương và địa phương, hàng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ trong hệ thống.

3.3. Đầu tư kinh phí cho hệ thống thông tin an ninh lương thực

Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện Đề án giai đoạn 2012 - 2020 khoảng 35 tỷ đồng để thực hiện 04 dự án:

- Dự án “Hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ thông tin an ninh lương thực quốc gia”: nhu cầu vốn dự kiến 15 tỷ đồng.

- Dự án “Đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin an ninh lương thực quốc gia”: nhu cầu vốn dự kiến 10 tỷ đồng.

- Dự án “Thiết lập hệ thống cung cấp thông tin an ninh lương thực quốc gia”: nhu cầu vốn dự kiến 5,0 tỷ đồng.

- Dự án “Xây dựng mô hình dự báo sản lượng một số cây trồng, vật nuôi chính”: nhu cầu vốn dự kiến 5,0 tỷ đồng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Đối với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1.1. Trung tâm Tin học và Thống kê

Là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện các nội dung của Đề án: xây dựng các Dự án trình Bộ phê duyệt; tổ chức thu thập thông tin; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu; báo cáo số liệu về thông tin an ninh lương thực, …

1.2. Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính

Căn cứ kế hoạch ngân sách hàng năm, cân đối nguồn vốn để triển khai các dự án theo tiến độ được phê duyệt.

1.3. Vụ Tổ chức cán bộ

Chủ trì, thẩm định và phê duyệt nội dung chương trình, tài liệu giảng dạy, đào tạo đội ngũ cán bộ trong hệ thống thông tin an ninh lương thực. Phối hợp với Trung tâm Tin học và Thống kê và các địa phương trong việc thiết lập hệ thống thông tin an ninh lương thực toàn ngành.

1.4. Các đơn vị chuyên ngành

Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Thủy lợi và các Cục: Trồng trọt; Bảo vệ thực vật; Chăn nuôi; Thú y; Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối; Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp với Trung tâm Tin học và Thống kê thiết lập hệ thống thông tin an ninh lương thực.

2. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh

- Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn địa phương.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thiết lập hệ thống thông tin an ninh lương thực, cập nhật thông tin, quản lý thông tin, … phục vụ công tác chỉ đạo điều hành sản xuất trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Chánh văn phòng Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- VPCP;
- Các Bộ KH&ĐT, Bộ TC;
- UBND các tỉnh;
- Sở NN&PTNT các tỉnh;
- Lưu: VT, KH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Bá Bổng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2243/QĐ-BNN-KH năm 2011 phê duyệt Đề án Xây dựng hệ thống thông tin an ninh lương thực do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 2243/QĐ-BNN-KH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/09/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Bùi Bá Bổng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản