Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 219/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 10 năm 1985 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC SẢN XUẤT VÀ QUẢN LÝ NGÀNH GIẤY
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1983;
Căn cứ quyết định số 111/HĐBT ngày 25-8-1984 của Hội đồng Bộ trưởng quy định những mặt hàng Nhà nước độc quyền kinh doanh;
Theo đề nghị của các đồng chí Trưởng Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh, Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Sở Thương nghiệp, Trưởng Ban quản lý thị trường thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1 : Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định tạm thời về tổ chức sản xuất và quản lý ngành giấy của thành phố.
Điều 2 : Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Sở Công nghiệp phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn việc thực hiện. Những quyết định trước đây trái với những điều trong bản quy định kèm theo quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3 : Các đồng chí ChánhVăn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành thuộc thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM.ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ TỔ CHỨC SẢN XUẤT VÀ QUẢN LÝ NGÀNH GIẤY CỦA THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 219/QĐ-UB ngày 24-10-1985 của UBND TP.Hồ Chí Minh)
“Giấy”, không thuần túy là sản phẩm trực tiếp của ngành giấy phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng; mà còn là “giấy nguyên liệu” cung ứng cho các ngàh sản xuất ra nhiều loại sản phẩm công nghiệp khác.
Nhằm phát triển ngành giấy, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ngành giấy được sắp xếp tổ chức lại sản xuất thành một ngành kinh tế kỹ thuật thống nhất và xuyên suốt từ xí nghiệp quốc doanh cấp thành phố đến các thành phần kinh tế khác hiện có cơ sở sản xuất bột giấy, xeo giấy trên địa bàn thành phố.
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1 : Liên hiệp xí nghiệp giấy thuộc Sở công nghiệp là cơ quan quản lý ngành giấy thành phố (gọi tắt là ngành), theo nguyên tắc quản lý ngành kết hợp với quản lý theo địa bàn quận, huyện.
Ngành có trách nhiệm thực hiện kế hoạch cải tạo sắp xếp lại tổ chức sản xuất đối với các cơ sở sản xuất bột giấy, cơ sở xeo giấy, thống nhất và xuyên suốt từ xí nghiệp quốc doanh thành phố đến xí nghiệp quốc doanh quận, huyện, xí nghiệp công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp doanh hợp tác xã, tổ hợp sản xuất, hộ sản xuất gia đình và cá thể trên địa bàn thành phố theo đề án đã được duyệt.
Điều 2 : Sau khi sắp xếp lại sản xuất, ngành giấy có các thành phần kinh tế sau:
- Xí nghiệp quốc doanh cấp thành phố và quận huyện.
- Xí nghiệp công tư hợp doanh.
- Xí nghiệp hợp doanh.
- Hợp tác xã
- Sản xuất gia đình.
Điều 3 : Các cơ sở sản xuất thuộc thành phần kinh tế ghi ở điều 2, được phân công sản xuất bột giấy và xeo giấy như sau:
a) Khuyến khích các cơ sở sản xuất bột giấy, khai thác mọi nguồn nguyên liệu, cải tiến công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng lực sản xuất bột giấy, từ công nghệ thủ công đến hiện đại (ngâm vôi, hóa chế thủ công và hóa chế áp lực), hoặc sản xuất bột giấy từ giấy vụn, giấy lề, giấy phế dùng lại.
b) Số cơ sở chuyên xeo giấy qua nguồn bột giấy thu mua của các cơ sở sản xuất, từ giấy vụn, giấy lề, giấy phế dùng lại, hoặc bằng nguyên liệu lồ ồ ngâm vôi, cây đay, nay được sắp xếp lại tổ chức để gắn với các cơ sở sản xuất bột giấy từ nguyên liệu kể trên thành cơ sở sản xuất có công nghệ khép kín từ sản xuất bột giấy đến xeo giấy ra thành phẩm giấy.
Các hợp tác xã cấp cao chuyên sản xuất vở học sinh, được tổ chức khép kín từ sản xuất bột giấy, xeo giấy, in kẻ hàng và đóng vở.
c) Để quản lý ngành in theo chế độ hiện hành, kể từ ngày ban hành quy định tạm thời này, các sở, ban, ngành, quận, huyện và các cơ quan thuộc Trung ương có cơ sở in trên địa bàn thành phố không được tổ chức xeo giấy khép kín với cơ sở, xí nghiệp in.
Số cơ sở in tổ chức khép kín với sản xuất bột giấy và xeo giấy hiện có, tạm thời được duy trì hiện trạng song phải chịu sự quản lý của ngành.
Điều 4 : Kể từ ngày ban hành quy định tạm thời này tạm ngưng cấp giấy phép sản xuất kinh doanh đối với cơ sở hành nghề xeo giấy theo công nghệ cũ kỹ, chất lượng không đảm bảo, hiệu quả kinh tế kém, hoặc xeo giấy một mặt láng.
Việc xét cấp giấy phép hành nghề sản xuất bột giấy, xeo giấy trên địa bàn thành phố phải có sự thống nhất giữa Ủy ban Nhân dân quận huyện với ngành, để bảo đảm quy hoạch và tính cân đối của kế hoạch toàn ngành.
Điều 5 : Ngành được phép liên doanh, liên kết kinh tế với các ngành kinh tế khác trong khu vực, với các tỉnh bạn để tạo vùng nguyên liệu sản xuất cho ngành giấy, tổ chức hợp đồng thu mua nguyên liệu theo quy chế của các tỉnh và của thành phố, bảo đảm phân phối thỏa đáng quyền lợi các bên.
- Khuyến khích các thành phần kinh tế thuộc ngành giấy, huy động vốn ngoại tệ, nguyên liệu, hóa chất để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh sản phẩm xuất khẩu. Thành phố sẽ miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu đối với số nguyên liệu hóa chất gởi từ nước ngoài về cho thân nhân sản xuất trong nước mà có hợp đồng bán sản phẩm lại cho Nhà nước theo giá thỏa thuận.
- Ngành được vận dụng các chính sách huy động vốn vay để đầu tư đổi mới kỹ thuật tạo điều kiện tăng số lượng và chất lượng sản phẩm.
Điều 6 : Ngành cần soạn thảo các văn bản sau đây trình Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành dưới dạng quy chế để quản lý ngành.
1. Quy hoạch và phương hướng phát triển dài hạn, chính sách đầu tư phát triển ngành đúng với phương hướng phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
2. Quy định về cách xây dựng và chỉ đạo thực hiện theo phương hướng làm kế hoạch từ cơ sở.
3. Quy định tiêu chuẩn chất lượng cho những mặt hàng chuẩn.
4. Định mức tiêu hao nguyên liệu.
5. Quy chế quản lý ngành đối với các xí nghiệp in có cơ sở sản xuất bột giấy, xeo giấy khép kín đang còn tạm được duy trì.
II. TỔ CHỨC QUẢN LÝ NGÀNH GIẤY
Điều 7 : Xí nghiệp liên hợp giấy trực thuộc Sở công nghiệp hiện nay được sắp xếp tổ chức lại thành liên hiệp xí nghiệp giấy thuộc Sở công nghiệp, bao gồm các xí nghiệp sau:
Xí nghiệp quốc doanh Giấy Vĩnh Huê.
Xí nghiệp quốc doanh 2 (Mai Lan).
Xí nghiệp công tư hợp doanh giấy số 1 (Tiến Đức).
Xí nghiệp công tư hợp doanh giấy số 3 (Xuân Đức).
Xí nghiệp quốc doanh giấy Linh Xuân (khi Bộ Công nghiệp nhẹ chuyển giao lại cho thành phố quản lý).
Các xí nghiệp giấy nói trên hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế đầy đủ, có tư cách pháp nhân theo quy định hiện hành của Nhà nước chịu sự quản lý trực tiếp của Liên hiệp xí nghiệp giấy.
Liên hiệp xí nghiệp giấy được tổ chức các đơn vị hậu cần phục vụ sản xuất như: xí nghiệp vật tư ngành giấy, phòng thí nghiệm và nghiên cứu khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, xí nghiệp sửa chữa và chế tạo phụ tùng, thiết bị cho ngành giấy.
Điều 8 : Ngành giấy thành phố được tổ chức các nhòm sản phẩm theo quy chế tổ chức và hoạt động của nhóm sản phẩm, ban hành kèm theo quyết định số 24/QĐ-UB ngày 18-2-1982 của Ủy ban Nhân dân thành phố.
Gồm 5 nhóm sau:
Nhóm 1 : Giấy in báo, in sách, giấy carton.
Nhóm 2 : Giấy pelure, giấy in ronéo.
Nhóm 3 : Giấy học sinh, giấy vệ sinh, giấy vấn thuốc, khăn ăn.
Nhóm 4 : Sản xuất bộ giấy các loại.
Nhóm 5 : Sản xuất giấy súc.
Nhóm sản phẩm được tổ chức theo nguyên tắc kết hợp theo chuyên môn hóa với quản lý trên địa bàn khu vực hợp lý. Xí nghiệp quốc doanh, xí nghiệp công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp doanh ngành hay thuộc quận huyện là xí nghiệp đầu đàn của từng nhóm sản phẩm.
Điều 9 : Kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và quản lý thị trường.
Kế hoạch sản xuất : Được xây dựng từng cơ sở sản xuất, trên địa bàn quận huyện và tổng hợp thành kế hoạch sản xuất toàn ngành khi kế hoạch được duyệt, cơ sở sản xuất trực thuộc quyền quản lý cấp nào do cấp đó chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện. Liên hiệp xí nghiệp giấy làm chức năng quản lý ngành theo quy chế.
Các cơ sở sản xuất đều được chủ động tìm khách hàng ký kết hợp đồng kinh tế trong gia công và các mối quan hệ hợp tác kinh tế trong khuôn khổ các quy định hiện hành của Ủy ban Nhân dân thành phố, đồng thời gởi các hợp đồng kinh tế và văn bản hợp tác đã ký kết về Liên hiệp xí nghiệp giấy thành phố.
Tiêu thụ sản phẩm và quản lý thị trường:
a) Sản phẩm sản xuất theo kế hoạch được giao cũng như hợp đồng gia công, đơn vị sản xuất giao nộp đầy đủ cho khách hàng theo hợp đồng.
b) Sản phẩm sản xuất từ kế hoạch tự cân đối, các cơ sở sản xuất tiêu thụ qua các hình thứ sau:
Qua Thương nghiệp quốc doanh
Đối lưu với các địa phương để lấy nguyên liệu
Qua Thương nghiệp hợp tác xã quận, huyện, phường, xã.
Được giữ một phần sản phẩm để đối lưu vật tư.
c) Các loại sản phẩm giấy và bột giấy không được mua đi bán lại trên thị trường tự do. Việc bán lẻ cho người tiêu dùng do hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa đảm trách.
d) Các cửa hàng và đại lý làm dịch vụ thu mua giấy vụn, giấy lề, giấy dùng lại thuộc quận, huyện, phường, xã đều được quyền tổ chức thu mua nguồn nguyên liệu đó trên địa bàn thành phố theo phương thức trả tiền mặt, hoặc đổi giấy nguyên phẩm v.v… Nguyên liệu thu mua cần được cung ứng trực tiếp đến cơ sở sản xuất, không được dùng nguồn giấy thu mua đó làm dịch vụ thương mãi.
Điều 10 : Về giá:
Ủy ban Nhân dân thành phố ủy quyền cho Ủy ban Vật giá thành phố cùng Liên hiệp xí nghiệp giấy thành phố, Sở Thương nghiệp, Ủy ban Nhân dân các quận huyện nghiên cứu vận dụng thống nhất giá bán buôn, bán lẻ sản phẩm giấy do Liên hiệp xí nghiệp giấy thành phố sản xuất trong khung giá chuẩn của Nhà nước.
Chính quyền các cấp, cùng các ngành có trách nhiệm phối hợp tổ chức quản lý, kiểm tra chặt chẽ việc thi hành giá và có hình thức xử lý thích đáng đối với các trường hợp vi phạm giá.
Điều 11 : Căn cứ bản quy định tạm thời về tổ chức sản xuất, quản lý kinh doanh ngành giấy. Ủy ban Nhân dân các quận huyện phối hợp với các ngành tiến hành cải tạo sắp xếp tổ chức lại các cơ sở sản xuất bột giấy, xeo giấy trên địa bàn theo quy định, có sự phân công phân cấp về tổ chức sản xuất và quản lý kinh doanh đối với phường, xã cho phù hợp với tình hình thực tế của quận huyện.
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:
Điều 12 : Sở Công nghiệp, Liên hiệp xã thành phố, Ủy ban Nhân dân các quận huyện, Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh thành phố, Liên hiệp xí nghiệp giấy, các sở, ban, ngành thành phố, các cơ quan Trung ương có cơ sở in, sản xuất bột giấy, xeo giấy khép kín tại thành phố và các ngành có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai việc thực hiện bản quy định tạm thời này.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Quyết định 219/QĐ-UB năm 1985 quy định tạm thời về tổ chức sản xuất và quản lý ngành giấy do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 219/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 24/10/1985
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Văn Triết
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra