Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 2150/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 7 năm 1978

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ KỶ LUẬT GIÁ TRONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chánh các cấp ngày 27-10-1962;
Theo đề nghị của đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá thành phố,
Trong khi chờ Chánh phủ ban hành quy định về kỷ luật giá,
Xét cần cho công tác đấu tranh quản lý thị trường, ổn định vật giá ở thành phố,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban kèm theo quyết định này bản quy định về kỷ luật giá trong thành phố.

Điều 2. Bản quy định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Điều 3. Các đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Văn Đại

 

QUY ĐỊNH

VỀ KỶ LUẬT GIÁ TRONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

(Ban hành kèm theo quyết định số 2150/QĐ-UB ngày 31-7-1978 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)

Giá cả là biểu hiện tổng hợp các hoạt động kinh tế - tài chánh và nhiều mối quan hệ lớn trong xã hội, có ý nghĩa rất lớn về kinh tế và chánh trị. Cho nên, việc thực hiện đúng đắn các chánh sách, chế độ quản lý giá và hệ thống giá chỉ đạo của Nhà nước có tác dụng quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng hàng hóa, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, giải quyết đúng đắn các mối quan hệ lớn trong xã hội và tăng cường công tác quản lý kinh tế.

Quy định này nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm túc chánh sách, chế độ quản lý giá và các hệ thống giá chỉ đạo của Nhà nước.

I. VỀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ GIÁ

Điều 1. Các ngành, các cấp, các đơn vị kinh tế cơ sở quốc doanh, tập thể và cá thể trong thành phố đều phải chịu sự quản lý giá của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Điều 2. Tất cả các đơn vị kinh tế cơ sở quốc doanh, hợp doanh, tập thể và cá thể, khi tiến hành sản xuất, kinh doanh, phải theo đúng những quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành về việc chiết tính giá thành và lập phương án giá. Các bảng chiết tính giá thành và phương án giá đó phải gởi đến Ủy ban Vật giá thành phố để nghiên cứu trình Ủy ban Nhân dân thành phố xét duyệt giá.

Thủ trưởng cơ quan quản lý sản xuất, kinh doanh và các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, phải lập các bảng chiết tính giá thành và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác và trung thực của các tài liệu và số liệu nêu trong bảng chiết tính giá thành và các phương án giá đó. Khi sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ đã thay đổi về tiêu chuẩn, phẩm chất so với trước, thì phải xây dựng lại bảng chiết tính giá thành và lập phương án giá mới, báo cáo với Ủy ban Vật giá thành phố để nghiên cứu và trình Ủy ban Nhân dân thành phố duyệt giá mới.

Điều 3. Ủy ban Vật giá thành phố và các sở, ty, công ty, các Ủy ban Nhân dân quận, huyện được Ủy ban Nhân dân thành phố phân cấp quy định giá, phải đề cao trách nhiệm trong việc nghiên cứu, thẩm tra, xét duyệt và công bố giá để bảo đảm kịp thời, chính xác và bí mật.

Đối với những giá do Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định, Ủy ban Vật giá thành phố có trách nhiệm thẩm tra các bảng chiết tính giá thành và phương án giá do các cơ sở gởi đến và trình Ủy ban Nhân dân thành phố xét duyệt.

Điều 4. Việc công bố và phổ biến giá chỉ đạo, phải tiến hành bằng văn bản và do cơ quan có thẩm quyền quy định.

Văn bản công bố và phổ biến giá phải được ghi đầy đủ với nội dung sau đây:

Đối với vật tư, hàng hóa: phải ghi rõ tên gọi (hàng nhập cảnh phải phiên âm tiếng Việt), đơn vị, ký hiệu, mã hiệu, quy cách phẩm chất, số lượng, màu sắc, điều kiện bao bì, phụ tùng, phụ kiện, mức giá, địa điểm và cách giao nhận, phương thức phân phối và thời gian thi hành.

Đối với cước vận tải, xếp dỡ: phải ghi rõ cự ly, khối lượng, điều kiện an toàn, quy chế của mỗi loại cước, mức giá theo từng loại đường và thời gian thi hành.

Đối với dịch vụ và cho thuê tiện ích: phải ghi rõ tên dịch vụ và tiện ích, quy ước phục vụ, mức giá và thời gian thi hành.

Điều 5. Tất cả các cửa hàng, quầy hàng, các sạp mua bán trong và ngoài chợ, các cơ sở phục vụ và cho thuê tiện ích như khách sạn, rạp hát, xe chuyên chở công cộng, sân bóng đều phải niêm yết giá chỉ đạo hiện hành ở nơi khách dễ nhìn thấy nhất.

Giá niêm yết phải rõ ràng, ghi bằng tiền Ngân hàng Nhà nước, có ghi rõ ký hiệu, mã hiệu từng loại hàng theo đơn thương mại thông dụng: thước, lít, kilogam,…cách niêm yết là:

Ghi giá trên từng mặt hàng,

Có một bản ghi giá các mặt hàng mà cơ sở có kinh doanh.

Điều 6. Các ngành, các cấp, các đơn vị kinh tế cơ sở quốc doanh, hợp doanh, tập thể và cá thể đều phải chịu sự kiểm tra giá và báo cáo định kỳ tình hình giá thành, giá cả với cơ quan có thẩm quyền theo định kỳ của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Thủ trưởng các ngành, các cấp, các đơn vị kinh tế cơ sở quốc doanh, hợp doanh, tập thể và các chủ hộ sản xuất, kinh doanh cá thể là người chịu trách nhiệm, trước pháp luật về tình hình chấp hành giá của đơn vị mình.

Điều 7. Giá chỉ đạo là giá do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước quy định. Mọi sự thanh toán, mua bán sản phẩm, trả công dịch vụ và trả tiền thuê tiện ích đều phải theo giá chỉ đạo.

Cơ quan Ngân hàng và tài chánh được quyền từ chối không cho vay hoặc thanh toán nếu không theo đúng giá chỉ đạo. Người tiêu thụ có quyền đòi người bán phải chấp hành đúng giá chỉ đạo.

Trường hợp do yêu cầu sản xuất riêng biệt và cấp bách của khách hàng, chưa có điều kiện để xây dựng giá, bên sản xuất có nhiệm vụ yêu cầu thủ trưởng cơ quan khách hàng xác nhận và kiến nghị mức giá tạm tính, báo cáo với Ủy ban Vật giá thành phố. Trong vòng 15 ngày, sau khi có giá tạm tính, bên sản xuất phải báo cáo với Ủy ban Vật giá thành phố bảng chiết tính giá thành và lập phương án để xin duyệt giá chính thức. Trong vòng 15 ngày, sau khi nhận được bảng chiết tính giá thành và phương án giá do bên sản xuất báo cáo, Ủy ban Vật giá thành phố phải quy định giá chỉ đạo để làm cơ sở thanh toán; phải hết sức hạn chế việc sử dụng giá tạm tính quá lâu.

Điều 8. Các ngành, cách cấp, các đơn vị kinh tế cơ sở quốc doanh, hợp doanh, tập thể và các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể phải kịp thời tổ chức thực hiện giá chỉ đạo theo đúng thời gian công bố ghi trong văn bản chỉ đạo (kể cả giá mới công bố và giá điều chỉnh). Do trường hợp nào đó không thể thực hiện đúng thời gian đã công bố, thì phải báo cáo lý do xin hoãn và phải được sự đồng ý của cơ quan công bố giá. Báo cáo xin hoãn và trả lời chấp thuận của cơ quan công bố giá cho hoãn việc thực hiện, phải tiến hành bằng văn bản và trong thời gian ngắn nhất.

Điều 9. Chỉ có thủ trưởng cơ quan, đơn vị sản xuất, kinh doanh quốc doanh, hợp doanh, tập thể và các chủ hộ sản xuất kinh doanh cá thể là người quyết định việc cung cấp các loại tài liệu và số liệu cần thiết cho việc nghiên cứu giá, kiểm tra giá. Tài liệu cung cấp phải kịp thời, đầy đủ và trung thực. Người được cung cấp phải tài liệu, số liệu về giá phải tuyệt đối giữ bí mật, nếu để lộ bí mật phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

II. NHỮNG HÀNH ĐỘNG VI PHẠM KỶ LUẬT GIÁ

Điều 10. Những hành động dưới đây được coi như vi phạm kỷ luật giá:

1. Không niêm yết giá hoặc niêm yết giá không đúng thủ tục quy định, niêm yết giá mập mờ để tìm cơ hội nâng giá, dìm giá.

2. Tự định giá trái với quy định phân cấp quản lý giá của Ủy ban Nhân dân thành phố.

3. Tự ý thay đổi giá chỉ đạo, hoặc bán theo giá chỉ đạo những vật tư, hàng hóa đã kém phẩm chất, hoặc nâng giá, dìm giá dưới hình thức trá hình như ép cấp, nâng cấp, gian lận trong cân, đong, đo, đếm, pha trộn, tráo đổi nguyên liệu, làm sai quy cách phẩm chất, bán kèm vật tư, hàng hóa ế đọng.

4. Từ chối và hạn chế bán ra, không khai báo tồn kho để đầu cơ tích trữ, lũng đoạn thị trường, đảo lộn giá cả.

5. Khi hàng hóa có sẵn, nhưng tự hạn chế giờ bán trong khi tiệm vẫn mở cửa bán các thứ hàng khác.

6. Khách hàng và chủ hàng thỏa hiệp với nhau làm sai chánh sách, chế độ quản lý giá và giá chỉ đạo.

7. Cố tình gây khó khăn, tìm cách trì hoãn hoặc cung cấp tài liệu, số liệu không kịp thời, không trung thực làm cản trở việc kiểm tra giá.

8. Bao che, trì hoãn việc tố giác và xử lý vi phạm kỷ luật giá.

III. VIỆC KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ CÁC VỤ VI PHẠM KỶ LUẬT GIÁ

Điều 11. Những đơn vị, cá nhân có công phát hiện đúng những hành động vi phạm kỷ luật giá sẽ được khen thưởng thích đáng.

Điều 12. Đơn vị và cá nhân nào vi phạm những điều khoản ghi trong bản quy định này sẽ tùy theo đối tượng, tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý phê bình, cảnh cáo bằng một hoặc nhiều hình thức sau đây:

a) Phê bình, cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến tối đa là 500đ;

c) Thu hồi có thời hạn hoặc vĩnh viễn giấy phép đăng ký kinh doanh;

d) Trong trường hợp phạm pháp nghiêm trọng, người phạm tội sẽ bị truy tố trước tòa án để trừng trị theo pháp luật hiện hành.

Điều 13. Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá thành phố và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện được Ủy ban Nhân dân thành phố ủy quyền xử lý những hành động vi phạm kỷ luật giá đối với đơn vị hoặc cá nhân ở tại quận, huyện thuộc thành phố.

Điều 14. Người hoặc đơn vị vi phạm kỷ luật giá có quyền khiếu nại lên Ủy ban Nhân dân thành phố (Ủy ban Vật giá thành phố) trong vòng 7 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử lý. Đơn khiếu nại sẽ được xét giải quyết trong vòng 7 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại. Trong khi chờ xét đơn khiếu nại, đương sự vẫn phải chấp hành quyết định xử lý.

Sau 10 ngày, kể từ ngày quyết định xử lý có hiệu lực, nếu người vi phạm không có khiếu nại hoặc có khiếu nại mà đơn bị bác, người vi phạm có trách nhiệm thi hành quyết định xử lý nói trên.

Trường hợp người vi phạm vẫn không thi hành quyết định xử lý sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Ủy ban Vật giá thành phố có nhiệm vụ phối hợp với các ngành chủ quản, và là cơ quan chủ trì, trong việc tổ chức kiểm tra chấp hành giá.

Mỗi ngành quản lý sản xuất, kinh doanh chịu trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành giá ở các cơ sở trong ngành mình, có sự giúp đỡ của Ủy ban Vật giá thành phố.

Điều 16. Ủy ban Vật giá thành phố phối hợp với Sở Tài chánh, Sở Thuế, Ngân hàng thành phố nghiên cứu và trình Ủy ban Nhân dân thành phố xét duyệt quy định cụ thể về thủ tục thu nộp các khoản tiền phạt, bồi thường, bội thu do chấp hành sai giá chỉ đạo.

Điều 17. Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá thành phố chịu trách nhiệm phối hợp với các ngành hữu quan hướng dẫn và tổ chức thi hành điều lệ này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2150/QĐ-UB năm 1978 về kỷ luật giá trong thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 2150/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/07/1978
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Văn Đại
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/07/1978
  • Ngày hết hiệu lực: 12/04/1986
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản