Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2023/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 21 tháng 8 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CÁC TIÊU CHÍ BẢO ĐẢM YÊU CẦU PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI ĐỐI VỚI HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN SỬ DỤNG CÔNG TRÌNH, NHÀ Ở THUỘC QUYỀN SỞ HỮU CỦA MÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 1547/TTr-SXD ngày 13 tháng 7 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2023.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Chính phủ;
- Bộ Xây dựng;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó CT.UBND tỉnh;
- Như điều 3/QĐ;
- Sở Tư pháp (tự kiểm tra văn bản);
- Trung tâm điều hành thông minh;
- Báo Yên Bái, Đài PTTH tỉnh;
- Chánh, Phó CVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TKTH, XD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Huy Tuấn

 

QUY ĐỊNH

CÁC TIÊU CHÍ BẢO ĐẢM YÊU CẦU PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI ĐỐI VỚI HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN SỬ DỤNG CÔNG TRÌNH, NHÀ Ở THUỘC QUYỀN SỞ HỮU CỦA MÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2023/QĐ-UBND ngày 21 tháng 8 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình trên địa bàn tỉnh Yên Bái theo quy định tại khoản 2, Điều 18a Luật Phòng, chống thiên tai (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

2. Cơ quan, tổ chức, các cá nhân có liên quan đến hoạt động phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.

2. Công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân (không phải nhà ở) là sản phẩm được xây dựng theo thiết kế, tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước.

3. Bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong sử dụng công trình, nhà ở là những công việc nhằm bảo đảm, duy trì tính ổn định của công trình, nhà ở trước, trong và sau thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra và không làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai mới.

Điều 4. Nguyên tắc sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai

1. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai được quy định tại Điều 4, Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013 và bảo đảm an toàn công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Trong quá trình quản lý, vận hành, sử dụng công trình, nhà ở cần bảo đảm an toàn trước thiên tai.

3. Phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả sự cố công trình và các hoạt động gia tăng rủi ro thiên tai.

4. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó thiên tai phù hợp để giảm thiểu rủi ro thiên tai gây ra.

5. Bảo đảm an toàn về người, trang thiết bị, an toàn công trình và khu vực lân cận do tác động của việc quản lý, vận hành và sử dụng công trình, nhà ở.

Điều 5. Các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình

1. Đối với công trình, nhà ở trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng:

a) Các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ, lũ quét (ven sông, hồ, suối; khu vực có địa hình, địa chất không an toàn đã được cơ quan có thẩm quyền xác định, khuyến cáo) nếu có xây dựng công trình, nhà ở phải đảm bảo an toàn; có biện pháp gia cố, giằng chống, xây dựng kè chắn đất tại các vị trí mái taluy có độ dốc lớn tại khu vực trên;

b) Các khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt: Công trình, nhà ở phải được thiết kế xây dựng theo tiêu chí nhà kiên cố hoặc bán kiên cố đảm bảo an toàn chống lũ, ngập lụt.

2. Đối với công trình, nhà ở đang thi công xây dựng: Phải lập và thực hiện phương án bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận, đặc biệt công tác bảo đảm an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị làm việc trên cao trong mùa mưa bão.

3. Đối với công trình, nhà ở hiện có:

a) Chủ sở hữu công trình, nhà ở thường xuyên kiểm tra, theo dõi biến dạng của công trình, nhà ở; kiểm tra hệ thống điện và đánh giá chất lượng công trình, bộ phận công trình, nhà ở; có biện pháp gia cố, giằng chống, đồng thời cắt, tỉa cây xanh để bảo đảm an toàn khi xảy ra các loại hình thiên tai như bão, lốc, sét, đặc biệt là nhà ở, công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn pano, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao;

b) Chủ động xây dựng, nâng cấp, bảo vệ công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình bảo đảm an toàn;

c) Định kỳ tổ chức nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước xung quanh khu vực nhà ở, công trình. Trước mùa mưa lũ phải kiểm tra, rà soát và có biện pháp khắc phục sự cố kịp thời;

d) Có phương án sơ tán người, tài sản khi xảy ra thiên tai; chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ hoạt động phòng, chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ của mỗi hộ gia đình, cá nhân “chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ” theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

4. Các khu vực thường xuyên xảy ra sét:

a) Đối với công trình đã lắp đặt hệ thống chống sét cần thường xuyên kiểm tra để đảm bảo kết cấu, điện trở thu sét;

b) Đối với công trình chưa thực hiện lắp đặt hệ thống chống sét cần tiến hành lắp đặt phù hợp với công trình, nhà ở đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

Điều 6. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân

1. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và báo cáo việc thực hiện Quyết định này; thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở; hướng dẫn, kiểm tra các địa phương thực hiện xây dựng công trình, nhà ở tuân thủ quy hoạch xây dựng, bảo đảm an toàn cho công trình, nhà ở.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh (Cơ quan Thường trực của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái):

a) Thường xuyên theo dõi, cập nhật các bản tin tình hình thời tiết nguy hiểm bão, lũ lụt và các thiên tai khác, kịp thời thông báo đến các cấp, ngành để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai hiệu quả;

b) Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước khác có liên quan về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai;

c) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, kiểm tra theo dõi việc triển khai thực hiện Quy định này của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị khác có liên quan;

d) Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao.

3. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Yên Bái cung cấp thông tin, cảnh báo, dự báo tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác; tăng thời lượng phát sóng các chương trình tuyên truyền quy định về các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong sử dụng công trình, nhà ở đối với hộ gia đình, cá nhân và các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai để nhân dân biết và tự chủ động phòng, tránh, ứng phó an toàn.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Tổ chức triển khai, thực hiện các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn quản lý;

b) Thông tin, tuyên truyền cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn quản lý nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình;

c) Tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với các hộ gia đình, cá nhân trong việc sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình;

d) Thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn quản lý.

5. Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn:

a) Tổ chức phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện Quy định này;

b) Tổ chức thường trực, chỉ huy việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đối với công trình, nhà ở; thống kê thiệt hại đối với công trình, nhà ở thuộc sở hữu hộ gia đình, cá nhân do thiên tai gây ra trên địa bàn quản lý;

c) Hàng năm trước mùa mưa lũ, tổ chức rà soát, đánh giá các công trình, nhà ở trên địa bàn có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố để đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời. Thống kê số lượng công trình, nhà ở (tạm, kiên cố), diện tích, số hộ dân, nhân khẩu trong khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai; xây dựng phương án cụ thể cho việc di dời, sơ tán bảo vệ dân ở vùng chịu ảnh hưởng của bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

6. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng, sở hữu công trình, nhà ở; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng công trình, nhà ở của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Yên Bái:

a) Có trách nhiệm thực hiện các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng chống thiên tai tại Điều 5 Quy định này;

b) Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện theo khả năng để phòng, chống, ứng phó, khắc phục thiên tai, đặc biệt là các loại hình thiên tai có thể xảy ra cho hộ gia đình, cá nhân;

c) Thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai tại địa phương; chấp hành sự hướng dẫn, chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan, người có thẩm quyền về sơ tán người, phương tiện ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm có nguy cơ xảy ra thiên tai;

d) Thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai và biện pháp hướng dẫn phòng, chống, ứng phó trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, phát thanh,...), trên các ứng dụng của điện thoại di động, qua tin nhắn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các trang Web của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (địa chỉ: http://www.nchmf.gov.vn) và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái để nắm rõ kế hoạch phòng, chống thiên tai, di dời sơ tán dân tại các khu vực thoát lũ ở hạ lưu các hồ chứa, kịp thời có biện pháp phòng, chống và ứng phó hiệu quả;

đ) Chấp hành việc kiểm tra, giám sát, xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện các tiêu chí được quy định tại Điều 5 Quy định này.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan hướng dẫn, tổ chức triển khai việc thực hiện Quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc, bất cập, các địa phương, đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Xây dựng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 21/2023/QĐ-UBND quy định về các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình trên địa bàn tỉnh Yên Bái

  • Số hiệu: 21/2023/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/08/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
  • Người ký: Trần Huy Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản