Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2097/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 17 tháng 8 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Quyết định số 3625/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc phê duyệt Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2018 trên địa bàn thành phố Cần Thơ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thông qua phương án đơn giản hóa 04 thủ tục hành chính trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ (Phụ lục đính kèm).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ dự thảo văn bản thực thi phương án đơn giản hóa, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính này sau khi được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện Quyết định này.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Cục KSTTHC - VPCP;
- Sở Tư pháp;
- VP UBND TP (2A,3G);
- Lưu: VT,PM.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Thanh Dũng

 

PHỤ LỤC

PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2097/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

1. Thủ tục Cấp mới Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất ôxy hóa, các hợp chất ô xít hữu cơ (thuộc loại 5) và các chất ăn mòn (thuộc loại 8) bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy và thủ tục Cấp bổ sung Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất ôxy hóa, các hợp chất ô xít hữu cơ (thuộc loại 5) và các chất ăn mòn (thuộc loại 8) bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa1

1.1. Nội dung đơn giản hóa:

a) Bỏ nội dung “Người điều khiển phương tiện” và “Người áp tải hàng nguy hiểm” tại Bảng kê khai các thông tin về hàng nguy hiểm (Mẫu 2. DMHNH-LT-PT-NDKAT ban hành kèm theo Thông tư số 09/2016/TT- BKHCN ngày 09 tháng 6 năm 2016 quy định trình tự, thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất ôxy hóa, các hợp chất ô xít hữu cơ (thuộc loại 5) và các chất ăn mòn (thuộc loại 8) bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa);

b) Bỏ thành phần hồ sơ: “Giấy phép Điều khiển phương tiện vận chuyển còn thời hạn hiệu lực của người Điều khiển phương tiện vận chuyển phù hợp với loại phương tiện dùng để vận chuyển hàng nguy hiểm”;

c) Bỏ thành phần hồ sơ: “Chứng chỉ huấn luyện an toàn lao động - vệ sinh lao động còn thời hạn hiệu lực của những người tham gia vận chuyển hàng nguy hiểm được cấp theo quy định tại Thông tư số 27/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động”;

d) Bỏ thành phần hồ sơ: “Giấy chứng nhận đã tham gia, hoàn thành khóa đào tạo và huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất còn thời hạn hiệu lực do Sở Công Thương cấp cho người Điều khiển phương tiện vận chuyển, người áp tải và người tham gia vận chuyển hàng nguy hiểm”.

Lý do: Thực tế nhân sự của tổ chức đề nghị cấp phép vận chuyển có thể thay đổi trong quá trình công tác. Do đó, nếu đăng ký tên của người điều khiển phương tiện và người áp tải hàng nguy hiểm có thể gây phiền hà cho tổ chức đề nghị trong trường hợp đề nghị cấp phép thời gian dài. Do đó đề xuất bãi bỏ quy định về “Người điều khiển phương tiện” và “Người áp tải hàng nguy hiểm” tại Bảng kê khai các thông tin về hàng nguy hiểm (Mẫu 2. DMHNH-LT-PT- NDKAT); các thành phần hồ sơ liên quan đến “Người điều khiển phương tiện” và “Người áp tải hàng nguy hiểm” cũng như “Người tham gia vận chuyển hàng nguy hiểm”.

đ) Bãi bỏ thành phần hồ sơ: “Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc Phiếu kết quả thử nghiệm, kết quả kiểm định đối với vật liệu bao gói, phương tiện chứa hàng nguy hiểm theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư số 44/2012/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Công Thương quy định danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa và các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa”.

Lý do: Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất “Vật chứa, bao bì phải đảm bảo kín, chắc chắn, có độ bền chịu được tác động của hóa chất, thời tiết và các tác động thông thường khi bốc, xếp vận chuyển”, không yêu cầu vật chứa, bao bì phải có “Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc Phiếu kết quả thử nghiệm, kết quả kiểm định…”. Do đó quy định thành phần hồ sơ này là không phù hợp.

e) Bãi bỏ nội dung phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền đối với thành phần hồ sơ: “Phương án ứng cứu khẩn cấp sự cố hóa chất trong vận chuyển hàng nguy hiểm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 44/2012/TT-BCT đối với hàng hóa bắt buộc phải lập phương án ứng cứu khẩn cấp theo quy định”;

Lý do: Tại Điều 9 Thông tư số 44/2012/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Công Thương không quy định Phương án ứng cứu khẩn cấp sự cố hóa chất trong vận chuyển hàng nguy hiểm phải được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền, nên Sở Công Thương không có căn cứ hoặc chịu trách nhiệm phê duyệt nội dung Phương án ứng cứu khẩn cấp sự cố hóa chất do tổ chức, cá nhân xây dựng. Do đó, yêu cầu thành phần hồ sơ này phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là không phù hợp, gây trở ngại cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm.

g) Bãi bỏ nội dung phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền đối với thành phần hồ sơ: “Phương án làm sạch thiết bị và bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau khi kết thúc vận chuyển đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường theo Mẫu 3. PALSTB quy định tại Phụ lục Thông tư số 09/2016/TT-BKHCN.

Lý do: Hiện nay các cơ quan chuyên môn có liên quan chưa quy định cụ thể việc phê duyệt thành phần hồ sơ này, nên quy định thành phần hồ sơ này như hiện nay gây nhiều khó khăn cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép.

h) Sửa đổi “Giấy chứng nhận đã tham gia, hoàn thành khóa đào tạo và huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất còn thời hạn hiệu lực do Sở Công Thương cấp” thành “Giấy chứng nhận đã tham gia, hoàn thành khóa đào tạo và huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất còn thời hạn hiệu”.

Lý do: Tại khoản 1, 2 Điều 31 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có trách nhiệm tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất hoặc cử các đối tượng được quy định tại Điều 32 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP tham gia các khóa huấn luyện của các tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất. Như vậy, Giấy chứng nhận đã tham gia, hoàn thành khóa đào tạo và huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất không nhất thiết phải do Sở Công Thương cấp như trước đây. Do đó, quy định các thành phần hồ sơ này phải do Sở Công Thương cấp là không phù hợp.

1.2. Kiến nghị thực thi:

a) Sửa đổi Mẫu 2. DMHNH-LT-PT-NDKAT ban hành kèm theo Thông tư 09/2016/TT-BKHCN, như sau: Bỏ nội dung “Người điều khiển phương tiện” và “Người áp tải hàng nguy hiểm”;

b) Bãi bỏ điểm d, e, g, i khoản 1 Điều 4 Thông tư số 09/2016/TT- BKHCN;

c) Sửa đổi điểm k khoản 1 Điều 4 Thông tư số 09/2016/TT-BKHCN, như sau: “Phương án ứng cứu khẩn cấp sự cố hóa chất trong vận chuyển hàng nguy hiểm có chữ ký, đóng dấu xác nhận của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 44/2012/TT- BCT đối với hàng hóa bắt buộc phải lập phương án ứng cứu khẩn cấp theo quy định”;

d) Sửa nội dung điểm l khoản 1 Điều 4 Thông tư số 09/2016/TT-BKHCN, như sau: “Phương án làm sạch thiết bị và bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau khi kết thúc vận chuyển theo Mẫu 3. PALSTB quy định tại Phụ lục Thông tư này và cam kết tuân theo các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường”;

đ) Sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 8 Thông tư số 09/2016/TT-BKHCN, như sau: “Phải có Giấy phép Điều khiển phương tiện vận chuyển còn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp phù hợp với phương tiện vận chuyển trong Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm; phải có Giấy chứng nhận đã tham gia, hoàn thành khóa đào tạo và huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất còn thời hạn hiệu lực; phải có Chứng chỉ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động”;

e) Sửa đổi điểm a khoản 4 Điều 8 Thông tư số 09/2016/TT-BKHCN, như sau: “Phải có Giấy chứng nhận đã tham gia, hoàn thành khóa đào tạo và huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất còn thời hạn hiệu lực; phải có Chứng chỉ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động còn thời hạn hiệu lực theo quy định hiện hành”;

g) Sửa đổi điểm a khoản 5 Điều 8 Thông tư số 09/2016/TT-BKHCN, như sau: “Phải có Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo và huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất còn thời hạn hiệu lực; phải có Chứng chỉ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động còn thời hạn hiệu lực;”.

1.3. Lợi ích của phương án đơn giản hóa:

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 16.659.600 đồng.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 9.844.400 đồng.

- Chi phí tiết kiệm: 6.775.200 đồng.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 40.67%.

2. Thủ tục Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lần đầu cho tổ chức khoa học và công nghệ

2.1. Nội dung đơn giản hóa:

Đề nghị giảm số lượng hồ sơ đăng ký từ “02 bộ” còn “01 bộ”.

Lý do: Trong quá trình quản lý, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho tổ chức khoa học và công nghệ, cơ quan quản lý chỉ cần 01 bộ hồ sơ để xem xét thẩm định đủ hay không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận.

2.2. Kiến nghị thực thi: Sửa đổi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 của Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ, như sau: “a) Hồ sơ đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ được lập thành 01 (một) bộ và gửi đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại Điều 8 Nghị định này bằng đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp;”.

2.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa:

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa là: 14.950.800 đồng.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa là: 12.607.200 đồng.

- Chi phí tiết kiệm: 2.343.600 đồng.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 16,67%.

3. Thủ tục Bổ nhiệm Giám định viên tư pháp

3.1. Nội dung đơn giản hóa:

Cắt giảm thành phần hồ sơ: “Sơ yếu lý lịch” quy định tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 35/2014/TT-BKHCN ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ.

Lý do: Trong quá trình quản lý đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp, cơ quan quản lý chỉ cần thành phần hồ sơ là “Phiếu lý lịch tư pháp” của cá nhân muốn được bổ nhiệm trở thành giám định tư pháp để thẩm định xem xét đủ điều kiện đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp. Vì vậy việc quy định thành phần hồ sơ “Sơ yếu lý lịch” là không cần thiết khi thực hiện thủ tục này.

3.2. Kiến nghị thực thi: Sửa đổi Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 35/2014/TT-BKHCN ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về giám định tư pháp trong hoạt động khoa học và công nghệ, như sau: “3. Phiếu lý lịch Tư pháp”.

3.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa:

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 6.632.500 đồng.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 6.379.500 đồng.

- Chi phí tiết kiệm: 253.000 đồng.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 3,81%.



1 02 thủ tục hành chính có cùng thành phần hồ sơ, trình tự giải quyết và cùng kết quả rà soát, đơn giản hóa, kiến nghị thực thi.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2097/QĐ-UBND năm 2018 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ

  • Số hiệu: 2097/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/08/2018
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Nguyễn Thanh Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản