Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2093/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THIẾT KẾ MÔ HÌNH THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ ĐIỆN CẠNH TRANH

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án Thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 3. Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng Cục trưởng, Cục trưởng có liên quan thuộc Bộ, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các đơn vị phát điện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- PTTg Trịnh Đình Dũng (để b/c);
- Lưu: VT, ĐTĐL.

BỘ TRƯỞNG




Trần Tuấn Anh

 

ĐỀ ÁN

THIẾT KẾ MÔ HÌNH THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ ĐIỆN CẠNH TRANH
(Kèm theo Quyết định số 2093/QĐ-BCT ngày 07 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Chương 1

CẤU TRÚC TỔNG THỂ THỊ TRƯỜNG ĐIỆN TRONG CẤP ĐỘ BÁN LẺ ĐIỆN CẠNH TRANH

Điều 1. Tên gọi

1. Tên tiếng Việt: Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh Việt Nam;

2. Tên tiếng Anh: Vietnam Retail Electricity Market;

3. Tên viết tắt: VREM.

Điều 2. Phạm vi thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện

Thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh bao gồm các nội dung sau:

1. Các mô hình, hình thức lựa chọn mua điện của khách hàng sử dụng điện.

2. Vai trò, chức năng và mối quan hệ giữa các đơn vị thành viên thị trường điện theo từng mô hình cụ thể.

3. Các cơ chế vận hành thị trường bán lẻ điện, bao gồm: Các cơ chế, hình thức thực hiện giao dịch mua bán điện; cơ chế giá điện, cơ chế cung cấp và sử dụng dịch vụ phân phối điện và các nội dung có liên quan khác.

4. Các giải pháp, điều kiện tiên quyết, kế hoạch thực hiện xây dựng và vận hành thị trường bán lẻ điện.

Điều 3. Các phân khúc cạnh tranh trong cấp độ thị trường bán lẻ điện

Khi chuyển sang cấp độ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, trong dây chuyền từ sản xuất đến tiêu thụ điện năng của hệ thống điện sẽ bao gồm 02 phân khúc cạnh tranh mua bán điện như sau:

1. Cạnh tranh trong khâu bán buôn điện:

a) Thực hiện các giao dịch mua bán điện giữa các đơn vị phát điện và các đơn vị mua buôn điện thông qua thị trường điện giao ngay;

b) Sử dụng lưới điện điện trong hệ thống điện quốc gia để truyền tải điện từ nhà máy điện (bên bán điện) đến các điểm giao nhận điện đầu nguồn của đơn vi mua buôn điện (thuộc phạm vi của thị trường điện giao ngay theo Quy định vận hành thị trường điện do Bộ Công Thương ban hành).

2. Cạnh tranh trong khâu bán lẻ điện:

a) Thực hiện các giao dịch mua bán điện giữa đơn vị bán lẻ điện và khách hàng sử dụng điện;

b) Sử dụng lưới điện trong hệ thống điện quốc gia để phân phối điện năng nhận từ điểm giao nhận đầu nguồn tại điểm b Khoản 1 Điều này đến địa điểm tiêu thụ điện của khách hàng sử dụng điện.

Điều 4. Các mô hình lựa chọn mua điện của khách hàng sử dụng điện

Tùy thuộc quy mô và cấp điện áp đấu nối, khách hàng sử dụng điện lựa chọn mua điện theo các mô hình sau:

1. Mua điện trên thị trường giao ngay.

2. Mua điện từ đơn vị bán lẻ điện.

Chương 2

MÔ HÌNH KHÁCH HÀNG SỬ DỤNG ĐIỆN MUA ĐIỆN TRÊN THỊ TRƯỜNG GIAO NGAY

Điều 5. Đối tượng và hình thức tham gia

1. Đối tượng tham gia: Các khách hàng sử dụng điện đáp ứng các tiêu chí về quy mô tiêu thụ điện, cấp điện áp đấu nối theo Quy định vận hành thị trường điện cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành.

2. Hình thức tham gia: Khách hàng sử dụng điện tham gia mua điện trên thị trường điện giao ngay bằng một trong hai hình thức sau:

a) Trực tiếp đăng ký tham gia thị trường điện giao ngay;

b) Tham gia thông qua một đơn vị đại diện được ủy quyền.

3. Khách hàng sử dụng điện phải đáp ứng các đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường điện giao ngay theo quy định do Bộ Công Thương ban hành.

Điều 6. Các nguyên tắc vận hành

1. Khách hàng sử dụng điện (hoặc đơn vị đại diện được ủy quyền) tham gia mua điện trên thị trường điện giao ngay với vai trò là đơn vị mua điện.

2. Điểm giao dịch mua điện của khách hàng sử dụng điện lớn này sẽ được quy đổi (theo tổn thất điện năng) từ điểm đo đếm điện năng đến điểm giao nhận đầu nguồn thuộc ranh giới của thị trường bán buôn điện cạnh tranh tại điểm b Khoản 1 Điều 3 Đề án này.

3. Các nguyên tắc vận hành, giao dịch mua điện trên thị trường điện giao ngay: Khách hàng sử dụng điện (hoặc đơn vị được ủy quyền) tuân thủ theo Quy định vận hành thị trường điện cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành.

Điều 7. Cơ chế hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch và các hợp đồng dịch vụ

1. Cơ chế hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch: Khách hàng sử dụng điện và đơn vị phát điện ký kết hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch, cam kết thực hiện một giao dịch tài chính có kỳ hạn trong tương lai nhằm quản lý rủi ro về biến động giá trên thị trường điện giao ngay. Trong hợp đồng này, hai bên sẽ cam kết dài hạn về việc thanh toán khoản chênh lệch giữa giá thị trường điện giao ngay và giá cam kết tại hợp đồng cho một mức sản lượng điện cụ thể trong từng chu kỳ giao dịch trong tương lai.

2. Cơ chế hợp đồng dịch vụ: Khách hàng sử dụng điện (hoặc đơn vị được ủy quyền) ký kết hợp đồng sử dụng các dịch vụ truyền tải điện, phân phối điện, vận hành hệ thống điện và thị trường điện với các đơn vị cung cấp dịch vụ nêu trên theo quy định do Bộ Công Thương ban hành.

Chương 3

MÔ HÌNH KHÁCH HÀNG LỰA CHỌN ĐƠN VỊ BÁN LẺ ĐIỆN

Mục 1. CÁC ĐƠN VỊ THÀNH VIÊN

Điều 8. Phân loại các đơn vị thành viên

1. Các đơn vị bán lẻ điện: Tham gia với vai trò bên bán điện trong thị trường điện, bao gồm các đơn vị bán lẻ điện cạnh tranh và các đơn vị bán lẻ điện mặc định (theo quy định tại Điều 9 Chương này).

2. Các khách hàng sử dụng điện: Tham gia với vai trò bên mua điện trong thị trường bán lẻ điện, bao gồm các khách hàng tham gia thị trường bán lẻ điện và các khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện (theo quy định tại Điều 10 Chương này).

3. Các đơn vị phân phối điện: Cung cấp dịch vụ phân phối điện trong thị trường bán lẻ điện (theo quy định tại Điều 11 Chương này).

Điều 9. Đơn vị bán lẻ điện

1. Các đơn vị bán lẻ điện tham gia cạnh tranh trong thị trường bán lẻ điện có các chức năng sau:

a) Tham gia mua buôn điện từ thị trường điện giao ngay theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Đề án này;

b) Cạnh tranh với các đơn vị bán lẻ khác để bán điện cho khách hàng sử dụng điện tham gia thị trường bán lẻ điện.

2. Các đơn vị bán lẻ điện mặc định:

Các đơn vị phân phối bán lẻ điện hiện đang sở hữu lưới phân phối điện, bao gồm 05 Tổng công ty điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị phân phối bán lẻ điện khác ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Thực hiện vai trò đơn vị bán lẻ điện mặc định trong phạm vi lưới phân phối của đơn vị, trong đó:

a) Bán điện cho các khách hàng sử dụng điện không tham gia thị trường điện quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 10 Chương này;

b) Cung cấp dịch vụ phân phối điện trong phạm vi lưới phân phối thuộc quyền sở hữu của đơn vị trong trường hợp khách hàng sử dụng điện đấu nối vào lưới phân phối này mua điện từ các đơn vị bán lẻ điện khác theo quy định tại Điều 11 Chương này.

Điều 10. Các khách hàng sử dụng điện

1. Khách hàng sử dụng điện tham gia thị trường bán lẻ điện:

a) Lựa chọn, mua điện từ đơn vị bán lẻ điện phù hợp để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện theo Quy định vận hành thị trường bán lẻ điện do Bộ Công Thương ban hành;

b) Trong giai đoạn đầu khi triển khai mô hình khách hàng sử dụng điện lựa chọn đơn vị bán lẻ điện, ưu tiên lựa chọn khách hàng có sản lượng điện năng tiêu thụ đủ lớn được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện. Khi các điều kiện cần thiết được đáp ứng, thực hiện mở rộng đối tượng khách hàng sử dụng điện tham gia thị trường bán lẻ điện đến các khách hàng có sản lượng điện năng tiêu thụ ít hơn.

2. Khách hàng sử dụng điện không tham gia thị trường điện:

a) Các khách hàng sử dụng điện không tham gia thị trường điện bao gồm:

- Các khách hàng chưa đáp ứng đủ điều kiện để tham gia thị trường bán lẻ điện;

- Các khách hàng đủ điều kiện tham gia thị trường bán lẻ điện nhưng chưa lựa chọn được đơn vị bán lẻ điện phù hợp.

b) Các khách hàng sử dụng điện này sẽ mua điện từ đơn vị bán lẻ điện mặc định để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của khách hàng.

Điều 11. Đơn vị phân phối điện

1. Quản lý, vận hành và phát triển lưới phân phối điện theo quy hoạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Cung cấp dịch vụ phân phối điện cho các đơn vị bán lẻ điện, khách hàng sử dụng điện tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh trên nguyên tắc công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử.

3. Đầu tư lắp đặt hệ thống đo đếm điện năng theo quy định tại Luật Điện lực; thực hiện thu thập số liệu đo đếm điện năng và cung cấp cho đơn vị bán lẻ điện, khách hàng sử dụng điện để phục vụ thanh toán các giao dịch mua bán điện năng trong thị trường bán lẻ điện.

Mục 2. CÁC CƠ CHẾ VẬN HÀNH TRONG MÔ HÌNH KHÁCH HÀNG LỰA CHỌN ĐƠN VỊ BÁN LẺ ĐIỆN

Điều 12. Giao dịch mua bán điện giữa đơn vị bán lẻ điện và khách hàng sử dụng điện

1. Mua bán điện năng giữa đơn vị bán lẻ điện và khách hàng sử dụng điện được thực hiện thông qua hợp đồng mua bán điện có thời hạn.

2. Đối với khách hàng sử dụng điện tham gia thị trường điện

a) Khách hàng sử dụng điện lựa chọn đơn vị bán lẻ điện phù hợp, ký kết hợp đồng mua bán điện với đơn vị bán lẻ điện này;

b) Giá mua điện của khách hàng sử dụng điện được xác định trên nguyên tắc thỏa thuận, thống nhất trong hợp đồng mua bán điện ký kết với đơn vị bán lẻ điện;

c) Khách hàng sử dụng điện được chuyển đổi sang đơn vị bán lẻ điện khác:

- Sau khi đã hoàn thành các nghĩa vụ của khách hàng theo cam kết trong hợp đồng mua bán điện đã ký kết với đơn vị bán lẻ điện trước đây;

- Phối hợp với đơn vị bán lẻ điện mới, đơn vị bán lẻ điện trước đây, đơn vị phân phối điện thực hiện các thủ tục chuyển đổi đơn vị bán lẻ điện theo Quy định vận hành thị trường bán lẻ điện do Bộ Công Thương ban hành.

3. Đối với khách hàng sử dụng điện không tham gia thị trường điện: Thực hiện ký kết hợp đồng mua bán điện với đơn vị bán lẻ điện mặc định.

Điều 13. Cơ chế giá điện

1. Giá bán lẻ điện cho khách hàng khi lựa chọn đơn vị bán lẻ điện bao gồm:

a) Giá phát điện của các nhà máy điện, bao gồm:

- Các nhà máy điện phát điện lên hệ thống điện quốc gia.

- Các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo quy định của Bộ Công Thương.

b) Giá truyền tải điện: Theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Giá điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện: Theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Giá phân phối điện (tính đến cấp điện áp đấu nối của khách hàng sử dụng điện): Theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Các thành phần chi phí khác, bao gồm:

- Các khoản chi phí, lợi nhuận của đơn vị bán lẻ điện;

- Các khoản thuế, phí, lệ phí... theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện tham gia thị trường điện: dựa trên thỏa thuận, thống nhất giữa khách hàng sử dụng điện và đơn vị bán lẻ điện.

3. Giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện không tham gia thị trường điện: Theo biểu giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Điều 14. Cơ chế thanh toán tiền điện

1. Khách hàng sử dụng điện thực hiện thanh toán tiền điện cho đơn vị bán lẻ điện theo quy định trong hợp đồng mua bán điện đã ký kết.

2. Khách hàng sử dụng điện có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm hợp đồng mua bán điện (bảo lãnh thanh toán) theo quy định tại Luật Điện lực và các văn bản pháp lý có liên quan.

Điều 15. Cung cấp và sử dụng dịch vụ phân phối điện

1. Cung cấp, sử dụng dịch vụ phân phối điện trong thị trường bán lẻ điện được thực hiện thông qua hợp đồng cung cấp dịch vụ phân phối điện ký kết giữa đơn vị phân phối và đơn vị bán lẻ điện.

1. Thỏa thuận đấu nối vào lưới phân phối điện giữa khách hàng sử dụng điện và đơn vị phân phối điện được thực hiện theo quy định trong hợp đồng mua bán điện tuân thủ theo các quy định pháp luật có liên quan.

Chương 4

CÁC GIẢI PHÁP VÀ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ ĐIỆN CẠNH TRANH

Điều 16. Các giải pháp triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh

1. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật phù hợp với các giai đoạn phát triển, mở rộng của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, cụ thể:

a) Nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung các quy định về giá phân phối điện, giá điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện vào Luật Điện lực và Luật Giá;

b) Xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đảm bảo cơ cấu tổ chức ngành điện được điều chỉnh phù hợp với mô hình thiết kế thị trường bán lẻ điện;

c) Hoàn thiện các quy định pháp lý phục vụ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

2. Tiếp tục thực hiện cải cách giá điện theo lộ trình để chuyển đổi sang thị trường bán lẻ điện:

a) Đảm bảo thực hiện giá điện minh bạch, xác định theo nguyên tắc thị trường, không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền theo đúng Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực hiện điều tiết giá điện hợp lý thông qua các công cụ thị trường và chính sách an sinh xã hội phù hợp;

b) Thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ điện theo đúng các quy định hiện hành, theo lộ trình phù hợp, nhằm phản ánh đúng và đầy đủ tất cả các chi phí đầu vào hợp lý, hợp lệ. Xử lý khoản chi phí phát sinh do chênh lệch tỷ giá trong các năm trước đây khi chuyển đổi hoàn toàn sang thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

3. Hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh:

a) Thành lập Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện độc lập theo mô hình công ty TNHH MTV theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 và Quyết định số 168/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo tính công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các thành viên tham gia thị trường điện;

b) Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế vận hành của thị trường điện giao ngay và các cơ chế hỗ trợ vận hành thị trường giao ngay theo đúng mô hình thiết kế đã được phê duyệt tại Quyết định 8266/QĐ-BCT ngày 10 tháng 8 năm 2015 của Bộ Công Thương;

c) Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường bán buôn điện để đảm bảo vận hành thị trường bán buôn điện theo đúng mô hình thiết kế đã được phê duyệt tại Quyết định 8266/QĐ-BCT ngày 10 tháng 8 năm 2015 của Bộ Công Thương.

4. Xây dựng lộ trình phù hợp để từng bước đưa các nhóm khách hàng tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh:

a) Đánh giá, thiết lập tiêu chí phù hợp để phân loại từng nhóm khách hàng sử dụng điện (sản lượng điện năng tiêu thụ, cấp điện áp…);

b) Xây dựng lộ trình phù hợp để mở rộng các khách hàng tham gia thị trường bán lẻ điện.

5. Thực hiện tách bạch chi phí phân phối điện với chi phí kinh doanh bán lẻ điện trong các đơn vị phân phối bán lẻ điện.

6. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng hệ thống điện đáp ứng các yêu cầu vận hành thị trường bán lẻ điện an toàn, tin cậy, liên tục, chất lượng và hiệu quả:

a) Hoàn thiện hệ thống SCADA/DMS, hệ thống đo đếm từ xa cho lưới điện phân phối được đầu tư hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh;

b) Hoàn thiện hệ thống thông tin phục vụ quản lý vận hành thị trường điện, đáp ứng yêu cầu của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh;

c) Xây dựng Trang thông tin điện tử tổng hợp, cập nhật tất cả các gói bán điện của đơn vị bán lẻ điện, tạo điều kiện cho khách hàng có thể tìm hiểu đầy đủ thông tin để lựa chọn các gói bán điện của các đơn vị bán lẻ điện trong vùng để có lựa chọn phù hợp;

d) Xây dựng cơ sở dữ liệu về khách hàng sử dụng điện: Quản lý thông tin về mã định danh của khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, cập nhật thông tin khi khách hàng sử dụng điện chuyển đổi sang đơn vị bán lẻ điện khác (trong khi vẫn giữ nguyên công-tơ đo đếm).

7. Bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng điện:

a) Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về việc triển khai thị trường bán lẻ điện và những quyền lợi của khách hàng sử dụng điện khi tham gia thị trường bán lẻ điện;

b) Ban hành các quy định pháp luật hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các bên có liên quan khi khách hàng sử dụng điện chuyển đổi từ đơn vị bán lẻ điện này sang đơn vị bán lẻ điện khác;

c) Thực hiện các chính sách hỗ trợ giá bán lẻ điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách theo các quy định của Nhà nước;

d) Quy định chi tiết về đơn vị bán lẻ điện mặc định có trách nhiệm đảm bảo cung ứng điện cho các khách hàng sử dụng điện không tham gia thị trường điện hoặc chưa lựa chọn được đơn vị bán lẻ điện.

Điều 17. Kế hoạch thực hiện

1. Giai đoạn 1 (đến hết năm 2021): Giai đoạn chuẩn bị

- Triển khai thực hiện chuyển đổi Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện theo quy định tại Quyết định số 168/QĐ-TTg và Quyết định số 852/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh trong năm 2020;

- Rà soát, sửa đổi, hoàn thiện Quy định vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh và các văn bản pháp luật có liên quan để thí điểm cho phép các đơn vị phát điện sử dụng năng lượng tái tạo ký hợp đồng trực tiếp cho các khách hàng sử dụng điện (theo mô hình tại Chương 2 Đề án này).

2. Giai đoạn 2 (từ năm 2022 đến năm 2024): Khách hàng sử dụng điện tham gia mua điện trên thị trường điện giao ngay

a) Các điều kiện tiên quyết:

- Triển khai nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về giá phân phối điện, giá điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện trong Luật Điện lực, Luật Giá;

- Ban hành quy định về việc tính toán chi phí phân phối, chi phí dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện để khách hàng sử dụng điện mua điện từ thị trường điện giao ngay;

- Hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về quy định vận hành thị trường điện phù hợp với việc đưa khách hàng sử dụng điện mua điện trên thị trường điện giao ngay. Tách bạch giữa dòng thanh toán trên thị trường giao ngay với dòng thanh toán theo hợp đồng song phương giữa bên mua và bên bán.

- Công ty TNHH MTV vận hành hệ thống điện và thị trường điện được thành lập và thực hiện các chức năng điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện theo đúng quy định;

- Tách chi phí phân phối và chi phí kinh doanh bán lẻ điện trong các đơn vị phân phối bán lẻ điện;

- Khách hàng sử dụng điện tham gia mua điện trên thị trường giao ngay trang bị hệ thống công nghệ thông tin theo Quy định vận hành thị trường điện do Bộ Công Thương ban hành, có đủ nguồn nhân lực thực hiện các giao dịch mua bán điện hàng ngày trên thị trường điện giao ngay.

b) Cơ chế vận hành:

- Thực hiện chương trình thí điểm cơ chế khách hàng sử dụng điện lớn ký hợp đồng trực tiếp với các đơn vị phát điện sử dụng năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) theo quy định do Bộ Công Thương ban hành. Căn cứ kết quả thí điểm, xây dựng kế hoạch và chính thức triển khai mô hình khách hàng sử dụng điện mua điện trên thị trường điện giao ngay;

- Các khách hàng sử dụng điện chưa tham gia thị trường điện tiếp tục mua điện từ các đơn vị phân phối bán lẻ điện theo biểu giá bán lẻ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

3. Giai đoạn 3 (từ sau năm 2024): Khách hàng lựa chọn mua điện từ đơn vị bán lẻ điện

a) Các điều kiện tiên quyết:

- Thực hiện tính toán, áp dụng giá phân phối điện, giá điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện theo các quy định pháp luật có liên quan;

- Thực hiện tách chi phí phân phối điện và chi phí kinh doanh bán lẻ điện trong các đơn vị phân phối bán lẻ điện;

- Cải cách giá bán lẻ điện: giá bán lẻ điện đã được điều chỉnh phù hợp phản ánh đúng và đầy đủ tất cả các chi phí đầu vào hợp lý, hợp lệ; không thực hiện bù chéo giữa các nhóm khách hàng;

- Ban hành hệ thống các Thông tư, quy định phục vụ công tác vận hành thị trường bán lẻ điện cho phép các khách hàng sử dụng điện lựa chọn đơn vị bán lẻ điện;

- Đơn vị bán lẻ điện tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đáp ứng các yêu cầu về nhân lực và trang bị các hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp, đáp ứng yêu cầu vận hành thị trường bán buôn điện và bán lẻ điện;

- Khách hàng sử dụng điện được cung cấp đầy đủ thông tin về lộ trình của thị trường bán lẻ điện, quyền lợi và nghĩa vụ trong việc lựa chọn đơn vị bán lẻ điện; các quyền lợi và nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán điện đã ký kết.

b) Cơ chế vận hành:

- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế cho khách hàng sử dụng điện mua điện trên thị trường điện giao ngay;

- Các khách hàng sử dụng điện được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện theo lộ trình phù hợp với quy mô tiêu thụ điện và cấp điện áp đấu nối của khách hàng sử dụng điện do Bộ Công Thương ban hành trong từng giai đoạn.

Điều 18. Tổ chức thực hiện

1. Giao Cục Điều tiết điện lực

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện các công tác chuẩn bị cho vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo kế hoạch được phê duyệt tại Quyết định này;

b) Xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh báo cáo Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2020;

c) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật cần thiết cho từng giai đoạn phát triển của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh;

d) Chủ trì rà soát, hoàn thành các điều kiện về cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện các giải pháp cần thiết để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

2. Giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam

a) Triển khai thực hiện tái cấu trúc Tập đoàn theo các quy định, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Phối hợp với Cục Điều tiết điện lực trong công tác xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh;

c) Thực hiện tách bạch chi phí khâu phân phối điện và chi phí khâu kinh doanh bán lẻ điện trong các Tổng công ty Điện lực thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam.

3. Các Tổng công ty Điện lực và các đơn vị phân phối, bán lẻ điện khác

a) Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tái cấu trúc phù hợp với mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh;

b) Triển khai thực hiện tách bạch chi phí khâu phân phối điện và chi phí khâu kinh doanh bán lẻ điện;

c) Triển khai đào tạo nhân lực của đơn vị về chủ trương phát triển thị trường bán lẻ điện, mô hình thiết kế và cơ chế vận hành của thị trường bán lẻ điện;

d) Triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, nhân lực đáp ứng yêu cầu vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2093/QĐ-BCT năm 2020 về phê duyệt Đề án Thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 2093/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/08/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Trần Tuấn Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản