Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 208/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 12 năm 1986

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG MUA BÁN CỦA CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TẠI THỊ TRƯỜNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1983 ;
- Căn cứ vào quyết định số 76-HĐBT ngày 26-6-1986 của Hội đồng Bộ trưởng về việc ban hành các bản quy định tạm thời về bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở và Thông tư hướng dẫn số 06/NT ngày 16-7-1986 của Bộ Nội thương ;
- Căn cứ Quyết định 117/HĐBT ngày 04-10-1986 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thực hiện kết luận của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương và kết luận của hội nghị Bộ Chánh trị bàn những biện pháp cấp bách về giá lương tiền.
- Căn cứ đề án của Ủy ban nhân dân thành phố đã được Thường vụ Thành ủy thông qua về việc lập lại trật tư xã hội chủ nghĩa trong phân phối lưu thông trên địa bàn thành phố trong những tháng cuối năm 1986.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành bản quy định về hoạt động mua bán của các tổ chức kinh tế xã hội chủ nghĩa tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những điều quy định trước đây trái với bản quy định kèm theo quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Thủ trưởng các ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận, Huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Phan Văn Khải

 

QUY ĐỊNH

VỀ HOẠT ĐỘNG MUA BÁN CỦA CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TẠI THỊ TRƯỜNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 208/QĐ-UB ngày 03-12-1986 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Nhằm lập lại trật tự mua bán và dịch vụ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, thống nhất quản lý kinh doanh thương nghiệp – dịch vụ xã hội chủ nghĩa và thị trường nội địa, các tổ chức kinh tế xã hội chủ nghĩa có chức năng hoạt động kinh doanh thương nghiệp đều phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định sau đây :

A. PHẠM VI HOẠT ĐỘNG MUA BÁN CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP TẠI THÀNH PHỐ

Điều 1: Các tổ chức kinh tế có hoạt động kinh doanh thương nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh kể ccả của trung ương và các tỉnh, thành phố bạn đều phải chấp hành nghiêm chỉnh đăng ký kinh doanh theo đúng thông tư số 06/NT ngày 16-7-1986 của Bộ Nội thương và quyết định 138/QĐ-UB ngày 16-9-1986 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh..

Điều 2: Các tổ chức kinh tế xã hội chủ nghĩa được cấp giấy phép kinh doanh thương nghiệp đều phải chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ, thể lệ đã được trung ương và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quy định về việc quản lý phân phối lưu thông và dịch vụ như phương thức và đối tượng mua bán, các chính sách về giá, thuế, tiền mặt, các chế độ về thanh toán, hạch toán kinh tế trong thương nghiệp dịch vụ xã hội chủ nghĩa và các điều khoản đã được quy định trong giấy phép kinh doanh. Các đơn vị kinh doanh sai chức năng hoặc sai giấy phép đăng ký kinh doanh, tùy theo mức độ vi phạm và căn cứ pháp luật hiện hành mà áp dụng các hình thức xử lý như: tịch thu hàng hóa, thu hồi giấy phép kinh doanh, phạt tiền, thi hành kỷ luật đối với cán bộ nhân viên vi phạm, truy tố ra Tòa án nhân dân xét xử theo Bộ luật Hình sự.

Điều 3: Các tổ chức có chức năng kinh doanh thương nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quy cách, phẩm chất, nhãn hiệu, thương phẩm hàng hóa thuộc đơn vị mình được phép kinh doanh. Các đơn vị của thành phố còn phải chịu sự chỉ đạo và quản lý tập trung thống nhất về tổ chức, kế hoạch và nghiệp vụ kỹ thuật kinh doanh của Sở Thương nghiệp và Ủy ban nhân dân quận, huyện.

Điều 4: Nghiêm cấm việc mua bán, trao đổi vật tư nguyên liệu do Nhà nước thống nhất quản lý ra thị trường “tự do” để thu chênh lệch giá.

Vật tư, nguyên liệu phải được bán thẳng từ đơn vị cung ứng vật tư, hoặc đơn vị xuất nhập khẩu cho cơ sở sản xuất, không được đi vòng quanh qua nhiều nấc trung gian làm tăng giá vật tư, nguyên liệu.

Ngành thương nghiệp xã hội chủ nghĩa cấp thành phố, quận, huyện phải có kế hoạch, biện pháp thu mua và tiêu thụ hàng hóa do các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sản xuất ra (quốc doanh, công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp doanh, tập thể, cá thể kinh tế giá đình, sản xuất phụ gia đình). Chỉ khi thương nghiệp xã hội chủ nghĩa khôn gthu mua và tiêu thụ, cơ sở sản xuất mới được bán ra thị trường (có xác nhận của cơ quan quản lý cấp trên, hoặc của Ủy ban nhân dân phường, xã, tổ hợp, cá thể, kinh tế gia đình).

Đối với sản xuất theo hợp đồng gia công, cấp quản lý trực tiếp cơ sản xuất phải kiểm tra chặt chẽ các định mức kinh tế - kỹ thuật.

B. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5: Các tổ chức kinh doanh thương nghiệp thuộc các ngành trung ương hoạt đoộng tại thành phố Hồ Chí Minh đều phải thực hiện đúng chức năng theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng và quyết định của các Bộ, Tổng cục chủ quản. Nếu có hoạt đoộng kinh doanh thương nghiệp ngoài chức năng đã quy đinh thì phải đăng ký kinh doanh tại Sở Thương nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (theo điều 4 Bản quy định kèm theo quyết định 138/QD-UB ngày 16 tháng 9 năm 1986 của Ủy ban nhân dân thành phố).

Các cơ quan thường trực hoặc trạm giao nhận hàng của các tỉnh đặt tại thành phố Hồ Chí Minh không được kinh doanh mua, bán trên thị trường thành phố như đã quy định trong quyết định 133/QĐ-UB ngày 06 tháng 9 năm 1986 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 6: Hoạt động của các ngành có chức năng kinh doanh thương nghiệm thuộc thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện đúng chức năng được quy định say đây

6.1. Các đơn vị ngành ngoại thương (bao gồm Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố, các đơn vị cung ứng hàng xuất khẩu quận, huyện) được thu mua hàng xuất khẩu ở những vùng sản xuất tập trung có đầu tư theo đúng sự phân công thu mua của Ủy ban nhân dân thành phố. Các loại hàng hóa không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, ngoại thương phải giao lại cho nội thương để tiêu thụ nội địa, không được phép tự đem bán ra thị trường.

Các xí nghiệp gia công, chọn lọc, chế biến hàng xuất khẩu cho ngành ngoại thương không được kinh doanh mua bán các loại hàng hóa, vật tư và nguyên liệu trên thị trường.

Ngành ngoại thương được mua bán trao đổi hàng hóa, vật tư, nguyên liệu với các tổ chức kinh tế Nhà nước, tập thể theo kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân thành phố cho phép, không được bán lẻ hàng hóa trên thị trường nội địa (trừ cửa hàng bán thu ngoại tệ và bán theo phương thức kiều hối được Ủy ban nhân dân thành phố cho phép).

Ngành nội thương có trách nhiệm thu mua hàng hóa nội địa, kể cả nguồn hàng nông sản thực phẩm phân tán và trôi nổi trên thị trường thành phố, lựa chọn hàng hóa đủ tiêu chuẩn giao cho ngành ngoại thương xuất khẩu (trừ những mặt hàng chuyên ngành như dược liệu, lương thực).

6.2. Ngành lương thực (bao gồm Công ty lương thực thành phố và các cửa hàng lương thực quận, huyện) được mua bán các mặt hàng lương thực và lương thực chế biến trên thị trường; được phép mua theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố một số mặt hàng, vật tư, nguyên liệu để tạo quỹ hàng hóa đối lưu cho việc mua lương thực và lương thực chế biến nhưng không được bán các mặt hàng này ra thị trường.

6.3. Ngành ăn uống khách sạn (gồm Công ty ăn uống khách sạn thành phố và các Công ty ăn uống quận, huyện) được mua các mặt hàng lương thực, thực phẩm (kể cả lương thực thực phẩm chế biến) trên thị trường để chế biến các sản phẩm ăn uống phục vụ trực tiếp cho khách tại các nhà hàng, cửa hàng trực thuộc.

6.4. Ngành nông nghiệp được kinh doanh mua bán các mặt hàng: thuốc thú y, dụng cụ thú y, thức ăn gia súc, các phụ tùng phục vụ cho sửa chữa máy móc nông nghiệp và các mặt hàng vật tư nông nghiệp.

6.5. Ngành y tế được mở mạng lưới các cửa hàng mua bán thuốc phòng chữa bệnh cho người, kinh doanh các loại dụng cụ y tế thông dụng trong gia đình, được tổ chức thu mua dược liệu phục vụ cho sản xuất và chế biến xuất khẩu.

6.6. Ngành văn hóa thông tin được kinh doanh các loại sách báo, ấn phẩm, các laọi hàng hóa chuyên dùng phục vụ cho ngành (nhạc cụ, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện phụ tùng kèm theo, các băng ghi âm và ghi hình không được kinh doanh mua bán các loại hàng hóa như radio, cát-xet, ti-vi, vi-đi-ô cát-xét, vải sợi, mỹ phẩm trên thị trường.

6.7. Ngành thể dục thể thao: được kinh doanh các loại dụng cụ, trang phục chuyên dùng cho các hoạt động thể dục thể thao.

6.8. Ngành lâm nghiệp: được kinh doanh các loại cây giống, hạt giống lâm nghiệp, các loại gỗ xây dựng, mây tre nứa, lá, củi, chất đốt cho ngành có chức năng sản xuất và tiêu thụ đã được quy định, kinh doanh các loại máy móc công cụ linh kiện phụ tùng chuyên dùng trong ngành lâm nghiệp, được tổ chức bán buôn cho các đơn vị thương nghiệp xã hội chủ nghĩa của thành phố hoặc bán lẻ trên thị trường các mặt hàng dân dụng bằng gỗ do các xí nghiệp trong ngành sản xuất ra, không được mua đi bán lại các mặt hàng bằng gỗ trên thị trường.

6.9. Ngành thủy hải sản: được kinh doanh ngư cụ, máy móc phụ tùng phục vụ cho nghề đánh bắt của các tổ chức quốc doanh tập thể và nhân dân. Các xí nghiệp đông lạnh xuất khẩu của thành phố được mua hàng thủy hải sản theo sự phân công địa bàn của Ủy ban nhân dân thành phố… để chế biến xuất khẩu. Nếu thừa công suất có thể liên kết với ngành nội thương thành phố và quận huyện, các đơn vị chuyên doanh để mua nông sản chế biến xuất khẩu.

6.10. Ngành đường sắt, hàng không, cảng: được kinh doanh ăn uống dịch vụ và các loại hàng hóa thông dụng, cao cấp, hàng lưu niệm trong phạm vi nhà ga, sân bay, bến cảng và trên các phương tiện giao thông để phục vụ hành khách.

6.11. Ngành giao thông vận tải: được kinh doanh các loại dịch vụ bán vé qua điện thoại đến tận cơ quan đơn vị và cá nhân có nhu cầu đi tàu xe, tổ chức phòng ngủ ở những bến tàu xe mà ngành ăn uống khách sạn chưa đảm trách nổi, được kinh doanh các loại phụ tùng, linh kiện phục vụ cho việc sửa chữa và đảm nhận sửa chữa các phương tiện giao thông vận tải đường bộ (xe ôtô, xe lam, xe chuyên dùng) và đường thủy.

6.12. Ngành du lịch cung ứng tàu biển: được kinh doanh những mặt hàng thông dụng, cao cấp, hàng lưu niệm, ăn uống đặc sản và dịch vụ sinh hoạt phục vụ cho khách du lịch, thủy thủ trong, ngoài nước, chỉ được phép hoạt động trong phạm vi các cơ sở thuộc ngành du lịch và cung ứng tàu biển.

6.13. Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp: được phép mở cửa hàng để nhận hàng ký gởi giới thiệu sản phẩm mới của các cơ sở thuộc Liên hiệp xã sản xuất và bán lẻ những sản phẩm đó, nhằm thăm dò các nhu cầu của thị trường; không được nhận bán ký gởi các sản phẩm hàng hóa từ cơ sở khác nhau mang tính chất mua bán thông thông, không được bán lẻ hàng ngoại nhập; không được bán buôn trên thị trường; không được tổ chức đại lý mua bán hàng tiểu thủ công nghiệp.

6.14. Ngành vật tư: (gồm Công ty vật tư tổng hợp thành phố và các công ty vật tư quận, huyện), được phép mở các cửa hàng, trạm thu mua các loại vật tư phế liệu và cung ứng bán buôn, bán lẻ các loại vật tư phế liệu cho sản xuất kinh doanh và đời sống theo đúng các đối tượng đã được Ủy ban nhân dân thành phố quy định.

Điều 7: Những quy định riêng cho hoạt động của ngành thương nghiệp xã hội chủ nghĩa (gồm tương nghiệp quốc doanh, thương nghiệp hợp tác xã thành phố, quận, huyện và phường, xã).

7.1. Các công ty thương nghiệp cấp thành phố: Thực hiện chức năng chuyên doanh theo ngành hàng hoặc tổng hợp như đã quy định trong quyết định thành lập, cùng với các công ty thương nghiệp tổng hợp quận, huyện thu mua nguồn hàng tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Trong điều kiện hiện nay, các công ty chuyên doanh cấp thành phố được phép mua theo quy định của Giám đốc Sở Thương nghiệp một số mặt hàng không thuộc mặt hành chuyên doanh của công ty mình, để làm quỹ hàng hóa đối lưu nhằm tạo trở lại mặt hành chuyên doanh cho đơn vị.

Sau khi có quỹ hàng hóa đã tạo được, các công ty chuyên doanh có trách nhiệm bán buôn cho tất cả các tổ chức bán lẻ của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa và được bán lẻ theo một tỷ lệ hợp lý do giám đốc Sở Thương nghiệp quy định.

Đối với các công ty thực phẩm tươi sống, được phép bán lẻ rộng rãi và có trách nhiệm cùng với các công ty thương nghiệp quận, huyện mở rộng mạng lưới bán lẻ trên khắp địa bàn thành phố, bảo đảm hàng hóa được bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng.

Công ty thương nghiệp tổng hợp hợp tác xã thành phố được phép mua bán chủ yếu những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống, không kinh doanh những mặt hàng cao cấp.

7.2. Các cửa hàng tổng hợp bán lẻ thành phố: Thực hiện bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng, bán thông qua các tổ chức căntin cơ quan, xí nghiệp, công, nông, lâm trường, hợp tác xã mua bán phường, xã. Được phép bán buôn theo tỷ lệ hợp lý do giám đốc Sở Thương nghiệp quy định.

Các cửa hàng tổng hợp bán lẻ thành phố tiếp nhận nguồn hàng theo kế hoạch từ các công ty bán hàng trung ương, thành phố và tự mua ở các cơ sở sản xuất ở các địa phương khác theo quy định của Giám đốc Sở Thương nghiệp, không được mua hàng trôi nổi trên thị trường.

7.3. Các Công ty Thương nghiệp tổng hợp quận, huyện:

Thực hiện chức năng bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng, bán qua căntin, hợp tác xã mua bán phường, xã, được phép bán buôn theo một tỷ lệ hợp lý do giám đốc Sở Thương nghiệp quy định.

Tiếp nhận nguồn hàng từ các công ty bán buôn thành phố, mua hàng tiểu thủ công nghiệp tại chỗ và ở các quận, huyện khác trong thành phố, mua qua liên kết kinh tế với các tỉnh (được sự cho phép của Sở Thương nghiệp) không được mua hàng nông sản thực phẩm trôi nổi ở địa bàn các quận, huyện khác.

Các mặt hàng chủ yếu mua được phải đưa về phục vụ cho sản xuất và đời sốn gnhân dân trong quận, huyện mình, nghiêm cấm mua nơi này đem bán nơi khác chạy theo lợi nhuận, trái với các quy định của Ủy ban nhân dân thành phố và của Sở Thương nghiệp.

Các công ty thương nghiệp tổng hợp hợp tác xã quận, huyện kinh doanh mua bán chủ yếu các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống không đuợc kinh doanh các mặt hàng cao cấp.

7.4. Các hợp tác xã mua bán phường, xã: Làm nhiệm vụ trực tiếp bán lẻ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho xã viên hợp tác xã và nhân dân lao động trong phường, xã không được bán buôn.

Tiếp nhận nguồn hàng từ các Công ty thương nghiệp tổng hợp quận, huyện, từ các công ty bán buôn, cửa hàng tổng hợp thành phố (thông qua phương thức mua đứt, bán đoạn và nhận bán đại lý). Các hợp tác xã mua bán tự sản xuất chế biến các mặt hàng phục vụ đời sống để bổ sung nguồn hàng và được phép mua hàng thiết yếu ở tất cả các phường, xã trong thành phố (mua để tự bổ sung nguồn hàng và mua ủy thác cho thương nghiệp quốc doanh). Nguồn hàng mua phải đưa về phục vụ trực tiếp cho nhân dân trong phường xã, nghiêm cấm mua nơi này đem bán nơi khác để thu chênh lệch giá.

7.5. Các công ty thương nghiệp tổng hợp chợ: được mua hàng hóa ở nhiều nguồn và đưa về bán lẻ tại chợ; được phép bán buôn những mặt hàng do những đơn vị thuộc quyền quản lý của mình sản xuất ra, không được bán buôn những mặt hàng thu mua ở nơi khác về, trừ công ty tổng hợp chợ Bình Tây (chợ đầu mối) được phép bán buôn một tỷ lệ do giám đốc Sở Thương nghiệp quy định.

C. CÁC ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8: Các ngành có chức năng kinh doanh thương nghiệp được quy định tại văn bản này, xây dựng đề án sắp xếp lại tổ chức kinh doanh của ngành và xây dựng quy chế hoạt động riêng cho nội bộ ngành trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

Điều 9: Giám đốc Sở, Ban, Ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm triển khai thực hiện bản quy định này.

ỦY BAN NHÂN DÂN TP. HỒ CHÍ MINH

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 208/QĐ-UB năm 1986 quy định hoạt động mua bán của các tổ chức kinh tế xã hội chủ nghĩa tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 208/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/12/1986
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản