Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1931/QĐ-CTUBND

Bình Định, ngày 25 tháng 8 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG BỆNH TAY - CHÂN - MIỆNG CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Công điện số 1439/CĐ-TTG ngày 18/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ đạo công tác phòng chống bệnh tay - chân - miệng;

Căn cứ Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 18/8/2011 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh tay - chân - miệng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 267/TTr-SYT ngày 24/8/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai công tác phòng chống bệnh tay - chân - miệng của tỉnh Bình Định.

Điều 2. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố căn cứ nội dung Kế hoạch được duyệt tại Điều 1 để tổ chức triển khai thực hiện đúng mục đích, có hiệu quả.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa Thể thao và Du lịch; Tổng Biên tập Báo Bình Định; Giám đốc Đài Phát thanh - truyền hình Bình Định; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Bình Định và Thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Thanh Thắng

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG BỆNH TAY – CHÂN – MIỆNG CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1931/QĐ-CTUBND ngày 25/8/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Bệnh dịch tay - chân - miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ em dưới 5 tuổi, đang có tốc độ lây lan nhanh, gây nguy hại rất lớn đến sức khoẻ và tính mạng của trẻ nhỏ. Hiện nay, bệnh dịch TCM vẫn đang tiếp tục lan rộng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam. Từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước đã ghi nhận 32.588 trường hợp mắc TCM tại 52 tỉnh, thành phố, trong đó có 81 trường hợp tử vong tại 17 tỉnh, thành phố.

Tại Bình Định, từ cuối tháng 6/2011 đến nay, đã ghi nhận 105 trường hợp mắc TCM, rải rác ở 9/11 huyện, thành phố (An Nhơn: 21, Hoài Ân: 16, Quy Nhơn 16, Hoài Nhơn: 15, Phù Mỹ: 13, Tuy Phước: 12, Phù Cát: 09, Vân Canh: 02, An Lão 01 ). Mặc dù ở tỉnh ta chưa xuất hiện ổ dịch bệnh TCM, nhưng nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới là rất cao.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số l439/CĐ- TTg ngày 18/8/2011; chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Chỉ thị số 06/CT- BYT ngày 18/8/2011 về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh tay - chân - miệng; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác phòng chống bệnh tay - chân - miệng của tỉnh Bình Định, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, sự tham gia của các sở, ngành, hội, đoàn thể đối với công tác phòng chống dịch bệnh TCM.

2. Thường xuyên cung cấp thông tin về triệu chứng bệnh và các biện pháp phòng, chống để nhân dân kịp thời phát hiện sớm ca bệnh, đưa trẻ em bị bệnh đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

3. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh, bao vây xử lý kịp thời không để phát thành dịch lây lan ra diện rộng.

4. Tổ chức thu dung, cách ly và điều trị ca bệnh sớm, đúng theo phác đồ, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp bệnh nhân tử vong.

II. NHỮNG HOẠT ĐỘNG ĐÃ TRIỂN KHAI TRONG THỜI GIAN QUA:

Trước tình hình bệnh TCM đã xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Bình Định; UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế, các sở, ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh triển khai khẩn cấp các biện pháp để phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

1. Văn bản chỉ đạo:

- Công văn số 2200/UBND-VX ngày 15/7/2011 về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh tay - chân - miệng trên địa bàn tỉnh.

Công văn số 2502/UBND-VX ngày 10/8/2011 về việc tăng cường các biện pháp cáp bách phòng chống dịch bệnh tay - chân - miệng.

- Quyết định số 1909/QĐ-CTUBND ngày 24/8/2011 về việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh tay - chân - miệng tỉnh Bình Định năm 2011 (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo tỉnh).

2. Những công việc cụ thể:

Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Y tế và một số sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo các biện pháp phòng chống bệnh tay - chân - miệng như tập trung khống chế, không để bệnh lây lan trên diện rộng; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh dụng cụ, đồ chơi của trẻ tại các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác sẵn sàng thu dung, cấp cứu điều trị bệnh nhân... tại một số địa phương, đơn vị.

III. NHỮNG CÔNG VIỆC PHẢI TRIỂN KHAI TRONG THỜI GIAN ĐẾN:

1. Yêu cầu: Tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp tích cực để phòng chống dịch bệnh, hạn chế không để lây lan trên diện rộng, tăng cường công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các biến chứng và tử vong.

2. Nội dung công việc:

Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh TCM các cấp do đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm trưởng ban, y tế làm Phó Trưởng ban trực, các thành viên khác là đại diện các ngành giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông, tài chính, kế hoạch, các hội, đoàn thể cùng cấp . . .

Ban chỉ đạo các cấp có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với tình hình thực tế về dịch bệnh TCM của địa phương mình; giúp UBND triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch một cách hiệu quả, nhằm khống chế không để dịch bùng phát trên địa bàn.

- Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng chổng dịch như: vệ sinh cá nhân, vệ sinh dụng cụ, đồ chơi trẻ em, vệ sinh răng miệng, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ; các dấu hiệu phát hiện bệnh để đưa trẻ em mắc bệnh đến cơ sở y tế khám, chăm sóc và điều trị kịp thời.

- Củng cố hệ thống giám sát dịch bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã, nhất là tại các trường mẫu giáo, nhà trẻ, mầm non; giám sát, phát hiện, cách ly và xử lý ca bệnh triệt để; thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện, hạn chế thấp nhất các biến chứng và tử vong; đảm bảo đủ thuốc, vật tư, hóa chất và nhân lực huy động cho phòng chống dịch.

IV. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM:

1. Sở Y tế (cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo tỉnh) có trách nhiệm:

- Triển khai các biện pháp giám sát, phát hiện, cách ly và điều trị kịp thời tất cả các trường hợp bệnh TCM, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, hạn chế tối đa số trường hợp mắc và tử vong.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các biện pháp phòng chống dịch; hướng dẫn thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi trẻ em; hướng dẫn việc thường xuyên rửa tay trong các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ và trong các hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi bằng nước xà phòng, hóa chất khử khuẩn thông thường hoặc Chloramin B; tăng cường kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh trong chế biến thức ăn, nước uống cho trẻ; hướng dẫn người dân khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh thì phải đến ngay cơ quan y tế gần nhất để được theo dõi, cách ly và xử lý kịp thời.

- Đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện, nhân lực cho phòng chống dịch và cấp cứu, diều trị bệnh nhân; tổ chức tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị để kịp thời tiếp nhận điều trị sớm bệnh nhân, hạn chế tối đa biến chứng và tử vong; đảm bảo khu vực cách ly theo qui định, hạn chế tối đa sự lây lan dịch bệnh.

- Bảo đảm công tác thông tin kịp thời, báo dịch theo đúng qui định hiện hành của Nhà nước.

- Tổ chức giải quyết các trường hợp tử vong (nếu có) theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Định có trách nhiệm: Chủ động phối hợp với Sở Y tế, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thông tin, giáo dục truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú, nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức về nguy cơ và tác hại của dịch bệnh TCM; đồng thời chủ động, tự giác, thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có hiệu quả; nghiêm cấm đưa tin sai sự thật gây hoang mang trong cộng đồng, xã hội.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm: Chỉ đạo các trường học phối hợp với y tế địa phương tổ chức tập huấn cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên làm việc ớ các nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non về cách phát hiện bệnh để kịp thời đưa trẻ em đến các cơ sở y tế khám, điều trị, về các biện pháp phòng chống bệnh TCM trong trường học và cộng đồng.

4. Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm: Phối hợp với Sở Y tế dự toán nguồn kinh phí và khẩn trương cân đối, bổ sung kinh phí kịp thời cho công tác phòng chống dịch TCM đạt hiệu quả.

5. UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm:

- Chỉ đạo ngành giáo dục đào tạo và các ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương trong công tác giám sát, phát hiện và tuyên truyền cho nhân dân cách phòng bệnh, hướng dẫn vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, tham gia các đợt chiến dịch tổng vệ sinh môi trường.

- Cân đối, bố trí hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch bệnh theo quy định cho y tế địa phương để triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện, khống chế, dập tắt dịch và tổ chức cấp cứu, điều trị bệnh nhân trên địa bàn.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các hội, đoàn thể tỉnh chỉ đạo các cấp hội, đoàn thể trực thuộc phối hợp chặt chẽ, tích cực cùng với ngành Y tế để thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện, hướng dẫn hội viên tham gia các phong trào vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh cá nhân và đến cơ sở khám bệnh khi có các biểu hiện nghi ngờ.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

1. Giao Giám đốc Sở Y tế cân đối trong nguồn ngân sách phòng chống dịch và nguồn kinh phí sự nghiệp đã được tỉnh giao dự toán để phục vụ cho các hoạt động phòng chống dịch TCM. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh, cần thiết phải bổ sung kinh phí thì lập kế hoạch cụ thể, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh xem xét, quyết định kịp thời.

2. Yêu cầu các địa phương, các sở, ngành cân đối, bố trí hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch TCM đế thực hiện tốt các hoạt động phòng chống dịch theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc tổ chức thực hiện nội dung Kế hoạch này, báo cáo các vướng mắc, khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh TCM và kết quả thực hiện về Sở Y tế (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tỉnh) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo kịp thời./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1931/QĐ-CTUBND năm 2011 ban hành Kế hoạch triển khai công tác phòng chống bệnh tay - chân - miệng trên địa bàn tỉnh Bình Định

  • Số hiệu: 1931/QĐ-CTUBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/08/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Mai Thanh Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/08/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản