Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 193/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 02 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2011-2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Tờ trình số 110/TTr-BTC ngày 31 tháng 10 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (sau đây gọi tắt là “Chiến lược”) bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU CỦA CHIẾN LƯỢC

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế - xã hội và tài chính quốc gia trong từng thời kỳ; bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tăng cường tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân; góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kinh doanh bảo hiểm và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách về kinh doanh bảo hiểm đầy đủ, minh bạch, bình đẳng và đồng bộ, tạo thuận lợi cho sự phát triển của thị trường, bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ cam kết quốc tế của Việt Nam.

b) Nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm. Phát triển các doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn mực quốc tế, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh tích cực trên thị trường trong nước và khu vực.

c) Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, bảo đảm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức và cá nhân. Tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp được tham gia bảo hiểm.

d) Đa dạng và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm, tạo cầu nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng.

đ) Tổ chức công tác quản lý, giám sát thị trường chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả; phát huy mạnh mẽ vai trò thành viên của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm tại Diễn đàn các cơ quan quản lý bảo hiểm Đông Nam Á và Hiệp hội quốc tế của các cơ quan quản lý bảo hiểm; từng bước tuân thủ các chuẩn mực quản lý, giám sát bảo hiểm do Hiệp hội quốc tế của các cơ quan quản lý bảo hiểm ban hành.

II. MỘT SỐ CHỈ TIÊU CỤ THỂ VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Tổng doanh thu ngành bảo hiểm đến năm 2015 đạt 2% - 3% GDP và đến năm 2020 đạt 3% - 4% GDP.

2. Quy mô các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhằm đáp ứng nghĩa vụ chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm cho khách hàng đến năm 2015 tăng gấp 2 lần và đến năm 2020 tăng gấp 4,5 lần so với năm 2010.

3. Tổng nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm đến năm 2015 tăng gấp 1,7 lần so với năm 2010; đến năm 2020 tăng gấp 3,5 lần so với năm 2010, tương đương 3 - 4% GDP.

4. Đóng góp vào ngân sách nhà nước của ngành bảo hiểm đến năm 2015 tăng gấp 2 lần và đến năm 2020 tăng gấp 4 lần so với năm 2010.

5. Cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm phấn đấu đến năm 2015 tuân thủ hoàn toàn 50% các nguyên tắc quản lý, giám sát bảo hiểm do Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế ban hành; đến năm 2020 sẽ tuân thủ hoàn toàn các nguyên tắc quản lý, giám sát bảo hiểm do Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế ban hành.

III. CÁC GIẢI PHÁP CƠ BẢN

1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

a) Từ nay đến năm 2015:

Sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 61/2010/QH12, nhằm đơn giản hóa và giảm bớt thủ tục hành chính; phù hợp với tình hình phát triển của thị trường bảo hiểm và các chuẩn mực quản lý, giám sát bảo hiểm quốc tế; bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng cho các chủ thể tham gia thị trường và nghĩa vụ thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Sửa đổi các quy định chồng chéo giữa hệ thống văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và các văn bản pháp luật khác, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

Nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các chính sách về thuế hiện hành nhằm hỗ trợ phát triển thị trường bảo hiểm; tập trung vào các chính sách khuyến khích sản phẩm bảo hiểm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và an sinh xã hội như bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp, bảo hiểm cho người nghèo.

b) Giai đoạn 2016-2020:

Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 61/2000/QH12 một cách tổng thể cùng các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng hệ thống văn bản pháp luật mới sẽ có phạm vi điều chỉnh rộng hơn và đồng bộ hơn hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong mối liên kết với các mảng thị trường dịch vụ tài chính.

2. Nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm

a) Từ nay đến năm 2015:

Tái cơ cấu các doanh nghiệp bảo hiểm theo hướng kiện toàn mô hình tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động yếu kém, không hiệu quả; từng bước nâng cao chất lượng công tác quản trị doanh nghiệp bảo hiểm theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Phối hợp với các cơ quan quản lý dịch vụ tài chính khác tạo lập công cụ đầu tư tài chính dài hạn cho các doanh nghiệp bảo hiểm và quản lý, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm trực thuộc các tập đoàn tài chính - ngân hàng.

Xóa bỏ hiện tượng khép kín, chia cắt thị trường bảo hiểm: Hoàn thiện các quy định bảo đảm sự công khai, minh bạch và bình đẳng trong việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm giữa các doanh nghiệp bảo hiểm chuyên ngành và các doanh nghiệp bảo hiểm khác; tuân thủ các nguyên tắc về đấu thầu và cạnh tranh trong lĩnh vực bảo hiểm; giám sát và xử lý nghiêm các biểu hiện can thiệp hành chính trong việc giao kết hợp đồng bảo hiểm; đa dạng hóa sở hữu và tiếp tục giảm tỷ lệ góp vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước trong các doanh nghiệp bảo hiểm chuyên ngành nhằm phòng ngừa biểu hiện khép kín, độc quyền trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Đánh giá toàn diện, phân loại chất lượng nguồn nhân lực của thị trường bảo hiểm; làm rõ tiêu chuẩn, điều kiện của từng vị trí; ban hành các quy định nhằm chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường công tác đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn đặt ra.

b) Giai đoạn 2016 - 2020: Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tăng cường năng lực quản trị và hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm trên 3 yêu cầu chủ yếu: an toàn vốn, quản trị rủi ro và minh bạch hóa thông tin, bao gồm:

Ban hành các quy định chặt chẽ về vốn pháp định và các mức độ an toàn khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.

Ban hành các quy định về quản lý rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm các quy trình quản trị rủi ro, vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, hệ thống thông tin và báo cáo phục vụ công tác quản lý.

Ban hành quy định chặt chẽ về công khai và minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm tần suất công khai, các loại thông tin công khai, mức độ chi tiết hóa của thông tin công khai.

3. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm

a) Từ nay đến năm 2015:

Chuẩn hóa điều kiện và quy trình phê chuẩn sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư nhằm tăng tính hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm này so với sản phẩm tài chính thay thế khác.

Tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chương trình thí điểm các loại hình bảo hiểm được Nhà nước hỗ trợ (bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu), trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tiếp theo cho phù hợp với thực tế.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ bảo hiểm bắt buộc theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm (bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc) cho phù hợp với điều kiện và thực tiễn phát triển kinh tế.

b) Giai đoạn 2016 - 2020:

Nghiên cứu ban hành các chế độ bảo hiểm bắt buộc mới phục vụ mục tiêu an sinh xã hội; chính sách hỗ trợ người có thu nhập thấp tham gia bảo hiểm; hỗ trợ phát triển các nhóm sản phẩm vì mục đích cộng đồng và an sinh xã hội; xây dựng cơ chế phối hợp cung cấp dịch vụ giữa các doanh nghiệp bảo hiểm đối với các loại hình bảo hiểm đặc thù (như bảo hiểm năng lượng nguyên tử).

4. Đa dạng và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm

a) Từ nay đến năm 2015:

Xây dựng các quy định nhằm chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; chuẩn hóa chương trình đào tạo và chứng chỉ môi giới phù hợp với đặc thù của loại hình sản phẩm bảo hiểm được thu xếp qua môi giới. Nghiên cứu ban hành quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp môi giới bảo hiểm.

Củng cố hệ thống đại lý bảo hiểm thông qua kiểm soát chặt chẽ việc thi cấp chứng chỉ đào tạo; xây dựng và áp dụng các chương trình đào tạo và chứng chỉ đại lý theo tính phức tạp của loại hình sản phẩm mà đại lý được tư vấn cho khách hàng.

b) Giai đoạn 2016 - 2020

Nghiên cứu, ban hành các chính sách khuyến khích phát triển các kênh phân phối khác phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam như kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, internet,…

5. Tăng cường hiệu quả quản lý của nhà nước về kinh doanh bảo hiểm

a) Giai đoạn 2011 - 2015

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo pháp luật.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống chỉ tiêu giám sát doanh nghiệp bảo hiểm phù hợp với các chuẩn mực quản lý, giám sát bảo hiểm quốc tế và đặc điểm của thị trường bảo hiểm Việt Nam;

Phát triển nguồn nhân lực cho cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm, làm rõ chức năng nhiệm vụ của từng vị trí, trên cơ sở đó bố trí lực lượng cán bộ quản lý, giám sát tương ứng với số lượng doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Xây dựng cơ chế thu hút cán bộ, chuyên gia có trình độ và kinh nghiệm thực tiễn làm việc trong cơ quan nhà nước về kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là các chuyên gia làm việc trong các lĩnh vực đặc thù như chuyên gia tính toán bảo hiểm.

b) Giai đoạn 2016 - 2020

Tăng cường phương thức quản lý, giám sát thông qua các chỉ tiêu về hoạt động của doanh nghiệp, xây dựng hệ thống phân tích tự động hỗ trợ công tác phân tích, đánh giá và cảnh báo sớm nguy cơ của doanh nghiệp bảo hiểm.

Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hoạt động quản lý, giám sát. Xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm với các doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, bao gồm cả các phần mềm quản lý, giám sát chuyên nghiệp và website của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê chung cho thị trường bảo hiểm, trong đó tập trung vào các sản phẩm bảo hiểm mang tính cộng đồng như bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới,…

6. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm

a) Xây dựng lộ trình hội nhập trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, trên cơ sở đó xác định mục tiêu, nguyên tắc định hướng và giải pháp hội nhập WTO, ASEAN và các Hiệp định thương mại song phương.

b) Chủ động, tích cực tham gia Diễn đàn các cơ quan quản lý bảo hiểm Đông Nam Á và Hiệp hội quốc tế của các cơ quan quản lý bảo hiểm; xây dựng cơ chế chính sách và chuẩn bị cơ sở vật chất nhằm thực hiện toàn bộ các chuẩn mực quản lý giám sát mà Hiệp hội quốc tế của các cơ quan quản lý bảo hiểm đề ra, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác song phương giữa các cơ quan quản lý bảo hiểm thông qua chương trình hợp tác, biên bản ghi nhớ, đào tạo cán bộ, hội thảo nghiệp vụ.

c) Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục nghiên cứu đầu tư ra các thị trường bảo hiểm nước ngoài để mở rộng cơ hội kinh doanh, trong đó tập trung vào các địa bàn có tiềm năng và thuận lợi trên nguyên tắc hiệu quả.

Điều 2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan trong tổ chức thực hiện Chiến lược

1. Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện Quyết định này, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ phục vụ việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 193/QĐ-TTg năm 2012 về Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 193/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/02/2012
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 173 đến số 174
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản