Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 181/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 8 năm 1985

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ NGÀNH MỘC TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30-6-1983;
Căn cứ Quyết định số 111/HĐBT ngày 25-8-1984 của Hội đồng Bộ trưởng quy định những mặt hàng Nhà nước độc quyền kinh doanh, và Nghị định số 160/HĐBT ngày 10-12-1984 của Hội đồng Bộ trưởng về thống nhất quản lý các loại đặc sản rừng;
Theo đề nghị của các đ/c Trưởng Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh, Giám đốc Sở Lâm nghiệp, Giám đốc Sở Thương nghiệp, Trưởng Ban quản lý thị trường thành phố, Trưởng ban tổ chức chính quyền,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định tạm thời về tổ chức và quản lý ngành mộc tại thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2: Các Sở, Ban, Ngành và Ủy ban Nhân dân các quận huyện, căn cứ chức năng nhiệm vụ đã được quy định để hướng dẫn và tổ chức thực hiện quyết định này.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quyết định trước đây trái với những điều trong bản quy định kèm theo quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 4: Các đ/c ChánhVăn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Lâm nghiệp và Giám đốc các Sở, Ban, Ngành thuộc thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Lê Văn Triết

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ CẢI TẠO TỔ CHỨC LẠI SẢN XUẤT VÀ QUẢN LÝ NGÀNH MỘC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 181/QĐ-UB ngày 14-8-1985 của Ủy ban Nhân dân Thành phố)

Nhằm từng bước quy hoạch ngành sản xuất đồ mộc sử dụng nguyên liệu gỗ hợp lý, tiết kiệm, bảo đảm nâng chất lượng sản phẩm một ngày càng cao và sử dụng ngày càng tăng của nhân dân và tham gia xuất khẩu.

Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành bản quy định tạm thời về việc cải tạo tổ chức sản xuất ngành mộc trên địa bàn thành phố như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1: Ngành sản xuất đồ gỗ là một ngành kinh tế kỹ thuật do Sở Lâm nghiệp là cơ quan được Ủy ban Nhân dân thành phố phân công phân cấp với các ngành và quận, huyện có cơ sở sản xuất theo nội dung sau đây:

- Quy hoạch và kế hoạch sản xuất.

- Các định mức kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng.

-  Các chánh sách khuyến khích sản xuất.

Điều 2: Tất cả các cơ sở sản xuất đồ mộc do các ngành và các quận huyện quản lý được cải tạo và tổ chức lại theo các hình thức:

- Xí nghiệp quốc doanh

- Xí nghiệp công tư hợp doanh

- Hợp tác xã

- Cơ sở gia đình nghệ nhân sản xuất đồ mộc cao cấp có truyền thống.

Điều 3: Ngành sản xuất đồ mộc được sắp xếp lại theo 4 nhóm sản phẩm chủ yếu:

- Mộc dân dụng (tủ, bàn ghế, bao bì… kể cả mộc xuất khẩu)

- Mộc kỹ nghệ và đồ chơi trẻ em

- Mộc chuyên dùng (đóng ghe, tàu, chân tay giả, dụng cụ thể thao, dụng cụ dạy học, nhạc cụ…)

II. VỀ CHÁNH SÁCH

Điều 4:

1. Đối với các xí nghiệp quốc doanh, xí nghiệp hợp doanh sản xuất đồ mộc của các ngành, các quận, huyện cần tổ chức lại theo bước có phương án sản phẩm sát với nhu cầu xã hội củng cố, tăng cường năng lực sản xuất, từng bước đầu tư chiều sâu bổ sung thiết bị mới hiện đại, cải tiến quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để tận dụng các loại gỗ, cành, ngọn, phụ phẩm, phế phẩm gỗ có sự phân bố hợp lý dần dần các xí nghiệp trên địa bàn phường, xã, quận, huyện và toàn thành phố, đưa dần ngành mộc thành phố đi vào sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, có chất lượng cao.

- Xí nghiệp hợp doanh được tổ chức và hoạt động theo Quy định tạm thời số 80/QĐ ngày 18-5-1985 của Ủy ban Nhân dân thành phố.

- Xí nghiệp quốc doanh được phép vận dụng chánh sách huy động vốn trong và ngoài nước để đổi mới kỹ thuật sử dụng những nghệ nhân có tay nghề độc đáo sản xuất những mặt hàng tham gia xuất khẩu và hưởng chánh sách khuyến khích xuất khẩu theo quy định của Nhà nước.

2. Đối với hợp tác xã, tổ hợp sản xuất đồ mộc:

- Các hợp tác xã sản xuất đồ mộc hiện có phải được củng cố theo đúng điều lệ của Nhà nước đã ban hành. Những tổ hợp sản xuất, được đưa lên hợp tác xã để hoàn chỉnh quan hệ sản xuất trong khu vực tập thể.

- Các hợp tác xã đã có trên địa bàn từng quận, huyện được tổ chức lại theo 1 nhóm sản phẩm, vận dụng các chánh sách huy động vốn để ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến đổi mới kỹ thuật tích cực sản xuất những mặt hàng tham gia xuất khẩu và được hưởng các điều quy định trong chánh sách khuyến khích, tham gia xuất khẩu như các xí nghiệp quốc doanh.

- Các hợp tác xã có thể làm vệ tinh cho xí nghiệp quốc doanh, xí nghiệp hợp doanh.

- Việc phát triển thêm các hợp tác xã hay xí nghiệp hợp doanh sản xuất đồ mộc ngoài số đã có hiện nay, Ủy ban Nhân dân các quận huyện sẽ căn cứ vào yêu cầu của thị trường và khả năng tự cân đối được vật tư nguyên liệu để quyết định.

3. Đối với gia đình nghệ nhân sản xuất đồ mộc:

Những nghệ nhân có tay nghề truyền thống được hưởng các điều quy định ưu đãi đối với nghệ nhân, được ưu tiên cung ứng gỗ để sản xuất, được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm theo giá thỏa thuận với thương nghiệp xã hội chủ nghĩa hoặc với các công ty cung ứng xuất khẩu.

4. Đối với các cơ sở kinh doanh đồ mộc hoặc mang danh hợp tác xã, tổ hợp đi gia công đặt hàng, thu mua sản phẩm mộc, để bán lại cho người tiêu dùng và những cơ sở kinh doanh gỗ thành khí cũ và mới phục vụ cho việc sửa chữa nhà nhân dân được cải tạo tổ chức theo Quyết định số 290/QĐ-UB ngày 08-11-1984 của Ủy ban Nhân dân Thành phố.

III. VỀ QUẢN LÝ

Điều 5: Các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh và xí nghiệp hợp doanh sản xuất đồ mộc được quyền ký và thực hiện hợp đồng kinh tế trực tiếp với các ngành, các tỉnh có nguyên liệu. Các hợp đồng kinh tế được thông qua Sở Lâm nghiệp để thực hiện việc quản lý ngành về định mức kinh tế kỹ thuật và nguồn gốc gỗ.

Điều 6: Nhu cầu về vật tư kỹ thuật cho cơ sở sản xuất đồ mộc do Sở Lâm nghiệp tổng hợp trình Bộ Lâm nghiệp và Ủy ban kế hoạch thành phố xét duyện cấp theo kế hoạch sản xuất đồ mộc hàng năm cho các cơ sở sản xuất.

Những xí nghiệp quốc doanh, xí nghiệp hợp doanh, hợp tác xã, hộ gia đình nghệ nhân được vận dụng chánh sách huy động vốn trong và ngoài nước, chánh sách đầu tư thiết bị, vật tư kỹ thuật nhập để bảo đảm tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới kỹ thuật và nâng cao chất lượng mặt hàng tích cực tham gia xuất khẩu.

Điều 7: Đối với sản phẩm đồ mộc:

- Sản phẩm sản xuất theo kế hoạch cũng như sản xuất theo hợp đồng kinh tế được giao nộp đủ theo chỉ tiêu hoặc cho khách hàng có hợp đồng.

- Sản phẩm sản xuất theo kế hoạch tự cân đối, kể cả đối với xí nghiệp sản xuất đồ mộc để cải thiện đời sống cho công nhân viên chức đều tiêu thụ qua công ty kinh doanh đồ mộc hoặc qua thương nghiệp – hợp tác xã.

- Những mặt hàng thương nghiệp xã hội chủ nghĩa không tiêu thụ xí nghiệp hoặc hợp tác xã được tự tổ chức tiêu thụ.

Điều 8: Về giá:

Ủy ban Vật giá thành phố cùng Sở Lâm nghiệp, Sở Thương nghiệp và Ủy ban Nhân dân quận huyện nghiên cứu một khung giá hợp lý đối với nguyên liệu gỗ, sản phẩm đồ mộc, mặt hàng tham gia xuất khẩu và chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện.

Điều 9: Sở Lâm nghiệp được thành lập Công ty kinh doanh lâm sản để tạo nguồn nguyên liệu gỗ cung cấp cho nhu cầu sản xuất đồ mộc và sữa chữa của nhân dân.

Điều 10: Sở Lâm nghiệp và Ủy ban Nhân dân quận huyện được phép tổ chức Công ty kinh doanh đồ mộc – Công ty được quyền ký hợp đồng gia công hoặc thu mua sản phẩm được ký hợp đồng gia công tiêu thụ với các ngành các tỉnh bạn và các Công ty xuất khẩu.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11: Sở Lâm nghiệp có trách nhiệm xây dựng quy chế cụ thể để quản lý chuyên ngành mộc và cùng quận huyện hướng dẫn việc thi hành thống nhất trong toàn thành phố.

Điều 12: Bản quy định tạm thời này có hiệu lực kể từ ngày ký.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ