Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2019/QĐ-UBND

Hòa Bình, ngày 18 tháng 6 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 42/2017/QĐ-UBND NGÀY 29/11/2017 CỦA UBND TỈNH HÒA BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Cãn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;

Căn cứ Thông tư số 13/2007/TT-BXD ngày 31/12/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số điều của Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 03/4/2015 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;

Căn cứ Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 1223/TTr-SXD ngày 17/5/2019.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định phân công, phân cấp quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ban hành kèm theo Quyết định số 42/2017/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, cụ thể như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quyết định này quy định về phân công, phân cấp quản lý chất thải rắn, bao gồm: Chất thải rắn sinh hoạt; chất thải rắn công nghiệp thông thường; chất thải rắn xây dựng và bùn thải trên địa bàn tỉnh Hòa Bình;

2. Quyết định này không quy định về phân công, phân cấp quản lý chất thải nguy hại và chất thải y tế; nội dung quy định về quản lý chất thải nguy hại và chất thải y tế được tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về Quản lý chất thải và phế liệu (sau đây gọi tắt là Nghị định 38/2015/NĐ-CP), Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại (sau đây gọi tắt là Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT) và Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định về quản lý chất thải y tế.”

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:

“Điều 3. Trách nhiệm của Sở Xây dựng

1. Chủ trì, phối hợp với các ngành xây dựng hoặc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xử lý chất thải rắn và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tổ chức công bố, công khai quy hoạch quản lý chất thải rắn, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện.

2. Chủ trì, phối hợp với các ngành thẩm định quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định; Chủ trì, phối hợp với các ngành thông báo kết quả thẩm định thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công, cấp giấy phép xây dựng các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn vốn ngoài ngân sách; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định.

3. Xây dựng các quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng về thu gom, vận chuyển và xử lý, suất vốn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải.

4. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn theo quy định.

5. Hướng dẫn thực hiện các quy định quản lý hoạt động phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn xây dựng, bùn thải từ bể tự hoại, bùn thải từ hệ thống thoát nước đô thị.

6. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc: Phục hồi, tái sử dụng diện tích, chuyển đổi mục đích sử dụng và quan trắc môi trường của các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi kết thúc hoạt động.

7. Kiểm tra, giám sát việc xây dựng các bãi chôn lấp và trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo đúng tiêu chuẩn đã đề ra.

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:

“Điều 5. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ

1. Chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan thẩm định dây chuyền công nghệ xử lý, tái chế, tái sử dụng đối với các dự án xử lý chất thải rắn được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

2. Đối với nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách và vốn khác, có ý kiến về dây chuyền công nghệ xử lý, tái chế, tái sử dụng các dự án xử lý chất thải rắn trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư và giai đoạn quyết định đầu tư; thực hiện thỏa thuận dây chuyền công nghệ áp dụng dự án trước khi chủ đầu tư phê duyệt dự án đầu tư.

3. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định các phương án tái chế và xử lý chất thải của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.

4. Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra việc triển khai đầu tư, lắp đặt dây chuyền công nghệ của dự án.”

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:

“Điều 12. Trách nhiệm của Sở Công thương

1. Chủ trì hướng dẫn việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong các chương trình, đề án, dự án của ngành Công thương;

2. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với chợ; siêu thị, trung tâm thương mại và các doanh nghiệp ngành Công thương.

3. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong thực hiện công tác quản lý chất thải rắn tại cụm công nghiệp, bao gồm các hoạt động: Triển khai công tác phân loại rác tại nguồn; truyền thông, tuyên truyền về quản lý chất thải; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về chất thải rắn và kiểm tra các hoạt động liên quan đến quản lý chất thải rắn trong các cụm công nghiệp.”

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2019. Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định số 42/2017/QĐ-UBND ngày 29/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Xây dựng;
- Cục kiểm tra VBQPPL-B Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- HĐND tỉnh; các ban của HĐND tỉnh; Đại biểu HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- TT tin học và Công báo:,
- Chánh, Phó VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, CNXD (Đ.60).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Quang