Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1619/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 08 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH KIỂM TRA VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 19-2016/NQ-CP NGÀY 28 THÁNG 4 NĂM 2016 CỦA CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, số 71/NQ-CP ngày 05 tháng 8 năm 2016 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2016;

Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, KGVX (3b). Q

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Đức Đam

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 19-2016/NQ-CP NGÀY 28 THÁNG 4 NĂM 2016 CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ)

Ngày 28 tháng 4 năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết).

Nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch kiểm tra các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tăng cường chất lượng, hiệu quả, bảo đảm tiến độ thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo đúng quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tổ chức thực hiện Nghị quyết.

2. Yêu cầu

a) Đánh giá chính xác, cụ thể, sát thực tiễn tình hình và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết tại một số bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

b) Xác định rõ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết tại bộ, ngành, địa phương, đề xuất các giải pháp xử lý và tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

c) Việc kiểm tra được tiến hành công khai, minh bạch, có nội dung và lộ trình cụ thể; có sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực hiện kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

II. NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG KIỂM TRA

1. Nội dung kiểm tra

a) Việc triển khai thực hiện Nghị quyết tại bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Tình hình và kết quả việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thuộc trách nhiệm thực hiện của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục không còn phù hợp, bảo đảm giảm ít nhất 10%/năm về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; việc thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả xử lý kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước.

c) Việc chấp hành chế độ báo cáo của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

2. Đối tượng kiểm tra

a) Các bộ, cơ quan ngang bộ: Công Thương, Tài chính, Xây dựng, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

b) Ủy ban nhân dân các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Long An, Kiên Giang, Cà Mau.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Văn phòng Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Đoàn kiểm tra., mời đại diện các bộ, ngành liên quan tham gia Đoàn kiểm tra, xây dựng chương trình, nội dung kiểm tra cụ thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và thông báo cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương về thời gian tiến hành và nội dung kiểm tra cụ thể tại từng bộ, cơ quan, địa phương.

Văn phòng Chính phủ tổng hợp kết quả kiểm tra và báo cáo Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ tháng cuối quý.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi quản lý của bộ, ngành và địa phương mình chủ động chuẩn bị báo cáo, thông tin phục vụ công tác kiểm tra của Đoàn kiểm tra của Thủ tướng Chính phủ./.