Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ THÔNG TIN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1578/QĐ-BTTTT | Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2008 |
BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
- Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
- Căn cứ Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2008 của Thủ tưởng Chính phủ Phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008;
- Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng; Căn cứ ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính;
- Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Cục trưởng Cục ứng dụng công nghệ thông tin,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010 của tỉnh Sóc Trăng (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu chung đến năm 2010:
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước để chuyển dần thói quen làm việc dựa trên công văn, tài liệu giấy sang phong cách làm việc dựa trên công văn, tài liệu điện tử trong môi trường nối mạng và hệ thống thông tin trợ giúp.
- Tích cực sử dụng mạng máy tính và Internet để cung cấp thông tin phục vụ cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp.
- Cung cấp một số dịch vụ hành chính công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2010:
a) Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước:
Hướng đến xây dựng cơ quan điện tử:
- Bảo đảm 90% (năm 2009 là 60%) các thông tin chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo tỉnh được đưa lên cổng thông tin điện tử của tỉnh.
- Tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử cho công việc ở cấp tỉnh là 80% (dự kiến đến cuối năm 2008 đạt 30%, cuối năm 2009 đạt 50%), tới cấp huyện là 50% (dự kiến cuối năm 2008 đạt 10%, cuối năm 2009 đạt 20%).
- Triển khai sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng tại Văn phòng UBND tỉnh, tỷ lệ triển khai cho các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh trên địa bàn thành phố là 70% (dự kiến cuối năm 2008 đạt 20%, cuối năm 2009 đạt 50%), tỷ lệ triển khai cho Văn phòng UBND cấp huyện là 50% (dự kiến cuối năm 2008 đạt 20%, cuối năm 2009 đạt 30%).
- Nâng tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức ở các đơn vị cấp tỉnh đạt khoảng 60%-70% (dự kiến cuối năm 2009 là 40%-50%), các đơn vị cấp huyện đạt khoảng 40%-50%, các đơn vị cấp xã, phường, thị trấn đạt khoảng 20%-30%. Đa số các máy tính được kết nối mạng.
- Giảm thiểu việc sử dụng giấy tờ; hầu hết cán bộ, công chức nhà nước có điều kiện khai thác thông tin trên môi trường mạng phục vụ cho công việc.
- Đến năm 2010, thông tin liên lạc kết nối các cơ quan, đơn vị ở xa được thực hiện chủ yếu qua các hình thức truyền thông cơ bản như: Thư điện tử, Điện thoại, Fax, Hội nghị và họp truyền hình từ xa.
b) Phục vụ người dân và doanh nghiệp:
- Bảo đảm hoàn thiện cổng thông tin điện tử với đầy đủ thông tin theo Điều 28 Luật Công nghệ thông tin.
- Bảo đảm Cổng thông tin điện tử của tỉnh có cung cấp dịch vụ hành chính công mức độ 2 cho người dân và doanh nghiệp.
c) Xây dựng nền tảng cho Chính quyền điện tử:
Bảo đảm các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh từng bước được triển khai thống nhất, đồng bộ trên một kiến trúc chung của quốc gia, với một hạ tầng thông tin hiện đại, tốc độ cao và môi trường pháp lý phù hợp.
1. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước:
Kế thừa các kết quả đã đạt được, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các hệ thống thông tin số phục vụ sự chỉ đạo, điều hành và quản lý của HĐND, UBND tỉnh. Cố gắng hoàn thành các nội dung sau đây:
1.1. Triển khai Hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành cho các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố:
Mục tiêu:
- Trang bị đồng bộ các Hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành phục vụ các nhu cầu chung cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
- Từng bước nâng cao tỷ lệ trao đổi thông tin, văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước thông qua hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành chạy trên mạng chuyên dụng của tỉnh.
- Từng bước đưa công nghệ thông tin vào ứng dụng trong công tác quản lý, điều hành của các ngành, các cấp, tiến tới xây dựng cơ quan điện tử, chính quyền điện tử.
Nội dung:
- Cải tiến, chuẩn hóa, tổ chức rõ ràng, minh bạch các quy trình làm việc, thủ tục hành chính trong cơ quan nhà nước để có thể ứng dụng CNTT, trở thành những thủ tục hành chính điện tử. Chu trình “tin học hóa quy trình - cải tiến quy trình - đánh giá kết quả” cần được thực hiện định kỳ để không ngừng nâng cao năng lực điều hành, quản lý của các cơ quan nhà nước.
- Triển khai từng bước theo mô hình thí điểm, tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, cải tiến và từng bước triển khai nhân rộng.
- Số hóa các loại văn bản, giấy tờ chưa ở dạng số. Ưu tiên theo thời gian và mức độ quan trọng.
Phân công thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
- Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Thời gian thực hiện: 2009-2010.
Kinh phí dự kiến: 02 tỷ đồng.
1.2 Hoàn thiện, nâng cấp hệ thống thư điện tử cho cán bộ, công chức của tỉnh:
Mục tiêu:
- Đảm bảo cung cấp đủ địa chỉ thư điện tử cho 100% cán bộ công chức trên địa bàn tỉnh khi tham gia vào hệ thống mạng chuyên dụng của UBND tỉnh.
Nội dung:
- Xây dựng các hệ thống tên miền con cho các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, đảm bảo cho công tác quản lý và cung cấp địa chỉ thư điện tử cho cán bộ, công chức ở tất cả các đơn vị.
- Xây dựng các quy định về sử dụng thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
- Hoàn thiện, nâng cấp hệ thống máy chủ thư điện tử (Mail Server) đảm bảo khả năng cung cấp thư điện tử cho tất cả các cán bộ, công chức của các đơn vị tham gia vào hệ thống mạng chuyên dụng của UBND tỉnh.
Phân công thực hiện:
- Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
- Đơn vị phối hợp: Các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thành phố.
Thời gian thực hiện: Năm 2009-2010.
Kinh phí dự kiến: 500 triệu đồng.
1.3. Xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình từ UBND tỉnh đến UBND các huyện, thành phố:
Mục tiêu:
- Đảm bảo các cuộc họp, hội nghị, học tập,...có thể được tổ chức tại UBND tỉnh với UBND các huyện, thành phố bằng hình thức họp, hội nghị, học tập,... từ xa thông qua hệ thống hội nghị truyền hình được triển khai trên mạng chuyên dụng của UBND tỉnh.
- Có hiệu quả tương đương với các cuộc họp, hội nghị, học tập,… tập trung, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa triển khai dễ dàng, nhanh chóng, thường xuyên.
Nội dung:
- Triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trên nền IP mạng chuyên dụng của UBND tỉnh.
Do đây là dịch vụ đòi hỏi băng thông lớn (cả hai chiều lên và xuống - up/down) cho nên hệ thống này chỉ có thể triển khai khi đã xây dựng hoàn thiện mạng chuyên dụng của UBND tỉnh.
Phân công thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
- Cơ quan phối hợp: Văn phòng UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố.
Thời gian thực hiện: Năm 2010 (Hoàn thành mạng chuyên dụng).
Kinh phí dự kiến: 03 tỷ đồng.
2. Xây dựng ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp:
2.1. Xây dựng cổng thông tin điện tử của tỉnh để phục vụ người dân và doanh nghiệp
Mục tiêu:
- Đến cuối năm 2009 sẽ hoàn thiện trang thông tin điện tử địa phương cung cấp các thông tin chung về kinh tế, xã hội, tiềm năng, cơ hội đầu tư,... của tỉnh Sóc Trăng. Hình thành kênh tiếp nhận ý kiến góp ý trên môi trường mạng, chuyên mục hỏi đáp trực tuyến về hoạt động của các cơ quan nhà nước, triển khai tích hợp một số cổng thông tin thành phần của các đơn vị trọng điểm đồng thời sẵn sàng triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức 2. Đảm bảo cổng thông tin điện tử của tỉnh có thể tổ chức các cuộc đối thoại trực tuyến cho lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố với người dân và doanh nghiệp.
- Phấn đấu đến cuối năm 2010 có trên 60% các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh có cổng thông tin thành phần được tích hợp lên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Đảm bảo cổng thông tin điện tử của tỉnh sẵn sàng triển khai các dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức độ 3.
Nội dung:
- Xây dựng cổng thông tin điện tử của tỉnh (Portal) cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại điều 28 Luật Công nghệ thông tin tới tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
- Mở rộng băng thông đường truyền đảm bảo tốc độ truy cập. Tùy theo số lượng và mức độ dịch vụ hành chính công được triển khai, tùy theo số lượt truy cập sẽ có kế hoạch mở rộng cụ thể cho từng giai đoạn, đảm bảo khả năng đáp ứng và hiệu quả kinh tế.
- Nâng cấp, đầu tư trang thiết bị cho hệ thống, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cho hệ thống như: cơ chế bảo mật, khả năng sao lưu dự phòng, khả năng và thời gian phục hồi hoặc thay thế khi hệ thống có sự cố đảm bảo cho hệ thống vận hành hiệu quả và liên tục.
- Xây dựng quy trình nghiệp vụ cung cấp các dịch vụ hành chính công, kết hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các dịch vụ hành chính công lên cổng thông tin điện tử của tỉnh.
Phân công thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
- Cơ quan phối hợp: Văn phòng UBND tỉnh, các Sở, Ban, Ngành có liên quan.
Thời gian thực hiện: Năm 2009-2010.
Kinh phí dự kiến: 4 tỷ đồng.
2.2. Triển khai việc cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến đến mức độ 3:
Mục tiêu:
- Đến cuối năm 2009, sẽ triển khai một số dịch vụ hành chính công ở mức độ 1 lên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Lựa chọn một vài dịch vụ cấp thiết triển khai thí điểm lên cổng ở mức độ 2.
- Phấn đấu đến cuối năm 2010 có trên 10 dịch vụ hành chính công được triển khai lên cổng thông tin điện tử của tỉnh trong đó có một số dịch vụ đạt mức độ 2 và một số dịch vụ triển khai thí điểm ở mức độ 3.
Nội dung:
- Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng các cơ sở dữ liệu hoặc tích hợp các cơ sở dữ liệu hiện có vào cổng thông tin điện tử của tỉnh và triển khai các dịch vụ hành chính công trực tuyến lên cổng thông tin điện tử của tỉnh.
- Giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2010 sẽ ưu tiên phối hợp triển khai một số dịch vụ hành chính công trực tuyến như sau:
+ Đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp.
+ Cấp giấy phép đầu tư.
+ Cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh.
+ Cấp giấy phép xây dựng.
+ Cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng.
+ Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.
+ Đăng ký ô tô, xe máy.
+ Đăng ký tạm trú, tạm vắng.
+ Giải quyết khiếu nại, tố cáo.
+ Đăng ký hành nghề Y - Dược.
- Tùy theo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đến cuối năm 2009 lựa chọn ra một số dịch vụ cần thiết triển khai lên cổng thông tin điện tử của tỉnh thí điểm ở mức độ 2, đến cuối năm 2010 sẽ triển khai thí điểm ở mức độ 3.
Phân công thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố.
- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ.
Thời gian thực hiện: Năm 2009-2010.
Kinh phí dự kiến: 3 tỷ đồng.
3. Xây dựng nền tảng phục vụ Chính quyền điện tử:
3.1. Hoàn thiện mạng cục bộ (LAN) cho các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố:
Mục tiêu:
- Đầu tư thiết bị để hoàn thiện mạng máy tính cục bộ (LAN) cho các đơn vị chưa có mạng máy tính cục bộ.
- Trang bị bổ sung các thiết bị cần thiết, nâng cấp hệ thống mạng cục bộ cho các đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật của hệ thống mạng, kết nối vào mạng chuyên dụng của tỉnh.
- Trang bị thêm máy tính cho các Sở, Ban, Ngành đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng cho cán bộ, công chức.
- Phấn đấu đến năm 2010, tất cả các Sợ, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố đều có mạng LAN đạt chuẩn, tất cả các máy trong các đơn vị có mạng máy tính đều được tham gia kết nối mạng.
Nội dung:
- Tiến hành khảo sát, đánh giá chi tiết hiện trạng, nhu cầu đáp ứng đối với toàn bộ hệ thống máy tính hiện có tại các Sở, Ngành, UBND các huyện, thành phố, qua đó sẽ xây dựng phương án, kế hoạch thực hiện cụ thể.
- Xây dựng, nâng cấp, đầu tư bổ sung máy tính, bổ sung các thiết bị kết nối mạng cần thiết, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống đồng thời kết nối Internet cho tất cả các máy tính có nhu cầu sử dụng trong các hệ thống mạng ở các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trọng điểm. Song song với các việc làm trên, mỗi đơn vị phải chủ động xây dựng các quy định về sử dụng hệ thống mạng máy tính, các quy trình vận hành, sao chép, sao lưu dữ liệu để nâng cao mức độ bảo mật thông tin, an toàn cho hệ thống.
- Nguyên tắc đầu tư là phải ưu tiên tận dụng và phát triển trên nền các thiết bị hiện có tại đơn vị đồng thời phải đảm bảo sự tương thích về công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật khi kết nối với mạng chuyên dụng của UBND tỉnh. Mỗi đơn vị chủ động lập dự án đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện.
Phân công thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Các Sở, Ngành, UBND các huyện, thành phố.
- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông.
- Thời gian thực hiện: 2009-2010.
- Kinh phí dự kiến: 6 tỷ đồng.
3.2. Nâng cấp Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh:
Mục tiêu:
- Đầu tư thêm trang thiết bị cho Trung tâm tích hợp dữ liệu, đảm bảo khả năng kết nối đến tất cả các đơn vị trên địa bàn tỉnh, đảm bảo khả năng lưu trữ, sao lưu dữ liệu, khả năng xử lý thông tin. Nâng cao tính bảo mật cho toàn hệ thống, khả năng đáp ứng các dịch vụ cho mạng chuyên dụng của UBND tỉnh.
- Là địa điểm đặt Cổng thông tin điện tử của tỉnh, đầu mối để triển khai các dịch vụ hành chính công của tỉnh.
- Là Trung tâm an ninh mạng của tỉnh, là bộ phận trung tâm của toàn hệ thống mạng chuyên dụng của UBND tỉnh, có trách nhiệm quản trị vận hành và duy trì kết nối, duy trì và phát triển các ứng dụng triển khai trên mạng chuyên dụng của UBND tỉnh, đảm bảo an ninh, an toàn cho toàn hệ thống thông tin của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thông suốt liên tục cho hệ thống mạng chuyên dụng của UBND tỉnh.
- Là nơi lưu trữ, tích hợp các CSDL dùng chung của tỉnh, thực hiện các quy trình chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo sự toàn vẹn dữ liệu, có quy trình sao lưu dự phòng, khắc phục khi có sự cố xảy ra.
Nội dung:
- Tiến hành kiểm tra lại toàn bộ hệ thống các máy chủ (server), các hệ thống lưu trữ ngoài, các thiết bị bảo mật, các thiết bị mạng tại Trung tâm tích hợp dữ liệu qua đó sẽ xây dựng kế hoạch nâng cấp hoặc trang bị thêm cho từng giai đoạn, đảm bảo khả năng đáp ứng theo sự phát triển của chương trình ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh, đồng thời đảm bảo khai thác hiệu quả tài nguyên của hệ thống đã được đầu tư.
- Xây dựng lộ trình chi tiết cho kế hoạch triển khai các dịch vụ hành chính công lên cổng thông tin điện tử của tỉnh, từ đó có kế hoạch nâng cấp băng thông kênh thuê riêng cụ thể cho từng giai đoạn. Đảm bảo khả năng phục vụ cho người dân và doanh nghiệp đồng thời tiết kiệm chi phí đầu tư.
Phân công thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
Thời gian thực hiện: 2009 - 2010.
Kinh phí dự kiến: 1,5 tỷ đồng.
3.3. Xây dựng Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông:
Mục tiêu và nhiệm vụ:
- Là đơn vị trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông. Trực tiếp hỗ trợ cho Sở Thông tin và Truyền thông trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng:
+ Tư vấn, hỗ trợ, thực hiện triển khai cho các Sở, ban, ngành các giải pháp về triển khai các hệ thống mạng cục bộ (LAN), đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, các tiêu chuẩn về an ninh mạng nhằm tận dụng hiệu quả các thiết bị đã được đầu tư.
+ Nghiên cứu, cung cấp các giải pháp và dịch vụ đảm bảo an toàn dữ liệu, ứng cứu khẩn cấp các sự cố mạng máy tính, đảm bảo an toàn và liên tục cho các hệ thống của các Sở, ban, ngành trong tổng thể hệ thống mạng chuyên dụng của UBND tỉnh.
+ Nghiên cứu và phát triển các ứng dụng CNTT: Phần mềm, thiết kế và xây dựng các website,... Đáp ứng các nhu cầu về thiết kế, lắp đặt, bảo trì các hệ thống thuộc lĩnh vực CNTT-TT cho các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thành phố và theo yêu cầu của khách hàng.
+ Cung cấp các dịch vụ tư vấn, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn sử dụng trong các vấn đề thuộc chuyên ngành CNTT-TT nhằm kích thích nhu cầu ứng dụng CNTT-TT cho các đơn vị và ngoài xã hội.
+ Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT.
+ Thực hiện các nhiệm vụ về tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và người dân về hiệu quả của việc ứng dụng CNTT-TT trong công việc và trong đời sống xã hội.
+ Thực hiện các nhiệm vụ khác về chuyên ngành CNTT-TT do lãnh đạo Sở phân công hoặc theo nhu cầu khách hàng.
- Trung tâm CNTT-TT là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng theo tên gọi, có tài khoản riêng do Giám đốc Trung tâm phụ trách, có Phó giám đốc giúp việc quản lý, điều hành, có Kế toán trưởng phụ trách công tác kế toán thống kê, tài chính và các bộ phận quản lý giúp việc chuyên môn, nghiệp vụ. Quy mô và phương thức hoạt động của Trung tâm sẽ được điều chỉnh phát triển theo nhu cầu của các cơ quan nhà nước và nhu cầu xã hội.
Cơ quan thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông.
Thời gian thực hiện: 2009 - 2010.
Kinh phí dự kiến: 1,5 tỷ đồng.
4. Phát triển nguồn nhân lực CNTT:
Đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT ở các đơn vị còn rất yếu và thiếu trầm trọng. Để đẩy mạnh công cuộc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước theo các tiêu chí đặt ra ở Nghị định 64/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cần đặc biệt quan tâm xây dựng, đào tạo, có các chính sách thu hút nguồn nhân lực CNTT phục vụ cho cơ quan nhà nước.
- Quy hoạch và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT cho các đơn vị. Phấn đấu đến năm 2010 mỗi sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố có ít nhất một cán bộ chuyên trách có trình độ từ cao đẳng chuyên ngành CNTT trở lên.
- Quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT cho các đơn vị, đặc biệt là ở các huyện, đưa vào biên chế cán bộ chuyên trách về CNTT đến cấp huyện, có kế hoạch tuyển dụng, đãi ngộ xứng đáng để thu hút nguồn nhân sự.
- Có kế hoạch đào tạo, phổ cập cụ thể cho từng đối tượng tùy theo trình độ chuyên ngành CNTT.
- Phấn đấu đến năm 2010 có 100% cán bộ, công chức ở cấp tỉnh, huyện sử dụng thành thạo thư điện tử, khai thác thông tin trên Internet, biết sử dụng các phần mềm chuyên môn, nghiệp vụ, 50% cán bộ xã, phường, thị trấn sử dụng được thư điện tử.
- Để thực hiện thành công kế hoạch, đảm bảo các tiêu chí theo tinh thần Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày 10/04/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, theo tinh thần Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008, phải có sự tham gia trực tiếp, chỉ đạo chặt chẽ, theo dõi và đôn đốc của Lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh.
- Ban chỉ đạo CNTT tỉnh sẽ chỉ đạo điều phối đồng bộ các dự án chung, trọng tâm như Dự án về Hoàn thiện mạng cục bộ (LAN) cho các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thành phố; Dự án Cổng thông tin điện tử của tỉnh; Các dự án về cung cấp các dịch vụ hành chính công;... Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố phải quyết định tổ chức bộ máy hoạt động chuyên trách về CNTT cho đơn vị mình.
- Ứng dụng CNTT phải gắn với chương trình cải cách hành chính: Người đứng đầu cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động ứng dụng CNTT trong lĩnh vực, địa phương và tổ chức thuộc cơ quan mình quản lý, từ đó gắn ứng dụng CNTT với chương trình cải cách hành chính, ứng dụng CNTT phải gắn chặt chẽ với yêu cầu công việc của cơ quan; Lãnh đạo phải “vào cuộc” thực sự, phải chịu trách nhiệm về kết quả triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan mình.
- Đối với kế hoạch kinh phí, cần xác định “mức sàn” trong quá trình xây dựng kế hoạch để đảm bảo tính khả thi của chương trình.
- Có các giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước bằng ứng dụng CNTT: Ngoài những văn bản quy phạm pháp luật chung, cần xây dựng các văn bản pháp lý trong hoạt động ứng dụng CNTT trên địa bàn, phù hợp với đặc thù riêng của tỉnh và đẩy nhanh hơn tiến độ ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh nhà.
- Đầu tư cho ứng dụng CNTT phải đầy đủ và đồng bộ, tránh trường hợp đầu tư trang thiết bị phần cứng mà không có phần mềm sử dụng; Có phần mềm sử dụng mà không phù hợp với tình hình thực tế hoặc không có người vận hành khai thác. Đầu tư chú trọng vào chiều sâu để đảm bảo tận dụng tối đa hạ tầng CNTT hiện có, có biện pháp, chính sách thiết thực cho công tác vận hành, cập nhật, khai thác các hệ thống thông tin. Có biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp đủ năng lực và điều kiện tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước dưới các hình thức như xây dựng chuyển giao (BT) hoặc xây dựng, khai thác chuyển giao (BOT). Khuyến khích huy động các nguồn vốn đầu tư khác ngoài ngân sách hàng năm cho kế hoạch. Thực hiện triển khai mô hình thí điểm trước khi nhân rộng.
- Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức ở các cơ quan nhà nước. Lãnh đạo các đơn vị phải đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác xây dựng kế hoạch đào tạo CNTT cho cán bộ, công chức tại đơn vị mình, tạo điều kiện để mọi người được đào tạo về CNTT. Phấn đấu đến năm 2010 tất cả cán bộ, công chức đều được đào tạo và có khả năng ứng dụng tốt CNTT phục vụ cho công việc.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhận thức của người dân về hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong công việc và trong đời sống xã hội.
Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng có trách nhiệm cân đối, bố trí đủ kinh phí cho ứng dụng công nghệ thông tin theo Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước hàng năm của mình. Trong đó, nguồn vốn được hỗ trợ từ ngân sách trung ương được thực hiện theo Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng có trách nhiệm căn cứ vào Kế hoạch này xác định rõ những dự án, nhiệm vụ cụ thể cần triển khai trong giai đoạn 2009-2010 phù hợp với điều kiện thực tế của Tỉnh; Xây dựng Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước hàng năm; Xây dựng, thẩm định và phê duyệt các dự án cụ thể; Tổ chức triển khai đồng bộ với kế hoạch ngân sách; Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch; Báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện 6 tháng một lần và đột xuất (theo hướng dẫn và yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông) gửi Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục trưởng Cục ứng dụng công nghệ thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 472/QĐ-BTC năm 2012 phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giai đoạn 2011 - 2025 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 147/QĐ-BTTTT năm 2013 về Bộ tiêu chí đánh giá mức độ thực hiện thành công Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 1Luật Công nghệ thông tin 2006
- 2Nghị định 64/2007/NĐ-CP về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước
- 3Nghị định 187/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông
- 4Quyết định 43/2008/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 472/QĐ-BTC năm 2012 phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giai đoạn 2011 - 2025 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 6Quyết định 147/QĐ-BTTTT năm 2013 về Bộ tiêu chí đánh giá mức độ thực hiện thành công Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
Quyết định 1578/QĐ-BTTTT năm 2008 phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010 của tỉnh Sóc Trăng do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- Số hiệu: 1578/QĐ-BTTTT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 24/10/2008
- Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
- Người ký: Lê Doãn Hợp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra