Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1575/QĐ-UBND | Hà Giang, ngày 11 tháng 08 năm 2014 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỒ ÁN QUY HOẠCH QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN VÙNG TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 04 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chất thải rắn;
Căn cứ Thông tư số 13/2007/TT-BXD ngày 31 tháng 12 năm 2007 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn một số Điều của Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;
Căn cứ Quyết định số 798/2011/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020;
Căn cứ Quyết định số 2149/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 2660/QĐ-UBND tỉnh Hà Giang ngày 01 tháng 12 năm 2011 về việc phê duyệt nhiệm vụ - dự toán đồ án quy hoạch quản lý chất thải vùng tỉnh Hà Giang đến năm 2025;
Căn cứ Công văn số 1752/UBND-CNGTXD ngày 13 tháng 6 năm 2014 của UBND tỉnh Hà Giang về việc thực hiện Kết luận số 283-KL/TU ngày 09/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đồ án quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh đến năm 2025;
Xét báo cáo số 103/BC-SXD ngày 15 tháng 7 năm 2014 của Sở Xây dựng về kết quả thẩm định Đồ án Quy hoạch Quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Hà Giang đến năm 2025,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đồ án Quy hoạch Quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Hà Giang đến năm 2025, với các nội dung chủ yếu như sau (chi tiết có hồ sơ bản vẽ và thuyết minh kèm theo):
1. Địa điểm, quy mô, phạm vi, đối tượng.
- Địa điểm: Địa bàn tỉnh Hà Giang.
- Quy mô, phạm vi: Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính tỉnh Hà Giang với diện tích 7.914,88 km2.
- Đối tượng quy hoạch: Chất thải rắn sinh hoạt; Chất thải rắn công nghiệp; Chất thải rắn y tế; Chất thải rắn xây dựng, bùn cặn.
a. Mục tiêu tổng quát:
- Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển đô thị bền vững.
- Xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn hiện đại, theo đó chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến và phù hợp.
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý tổng hợp chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Thiết lập các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, tài chính và nguồn nhân lực cho quản lý tổng hợp chất thải rắn.
b. Mục tiêu cụ thể:
- Xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống và phương thức phân loại chất thải rắn tại nguồn, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng khu vực.
- Nâng cao năng lực, tăng cường trang thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải rắn cho các đô thị, khu công nghiệp và điểm dân cư nông thôn.
- Xây dựng, hoàn chỉnh mạng lưới các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải rắn cho các đô thị, KCN và các điểm dân cư nông thôn theo hướng tăng cường tái chế các loại chất thải rắn, hạn chế chôn lấp, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường;
- Xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống cơ chế chính sách, bộ máy quản lý về chất thải rắn nhằm đẩy mạnh hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn của tỉnh.
- Giai đoạn từ nay đến năm 2015:
+ 85% tổng lượng chất thải sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý, trong đó 60% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ.
+ 80% tổng lượng chất thải công nghiệp không nguy hại và 85% tổng lượng chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý.
+ 85% lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom và xử lý.
+ 50% tổng lượng chất thải xây dựng phát sinh tại đô thị được thu gom xử lý, trong đó 30% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế.
+ 40% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 50% lượng chất thải rắn phát sinh tại các làng nghề được thu gom và xử lý.
- Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020:
+ 90% tổng lượng chất thải sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý, trong đó 85% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ.
+ 90% tổng lượng chất thải công nghiệp không nguy hại và nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý.
+ 100% lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom và xử lý.
+ 80% tổng lượng chất thải xây dựng phát sinh tại đô thị được thu gom xử lý, trong đó 50% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế.
+ 70% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 80% lượng chất thải rắn phát sinh tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
- Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025:
+ 100% tổng lượng chất thải sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 90% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ.
+ 100% tổng khối lượng chất thải công nghiệp không nguy hại và nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
+ 90% tổng lượng chất thải xây dựng phát sinh tại đô thị được thu gom xử lý, trong đó 60% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế.
+ 90% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 100% lượng chất thải rắn phát sinh tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
3.1. Dự báo lượng Chất thải rắn phát sinh đến năm 2025:
3.1.1. Chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn.
- Dự báo chất thải rắn sinh hoạt đô thị: Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của toàn tỉnh là 132,20 tấn/ngày (năm 2015); 151,45 tấn/ngày (năm 2020); 170,94 tấn/ngày (năm 2025).
- Dự báo chất thải rắn sinh hoạt nông thôn: chất thải rắn nông thôn phát sinh trong toàn tỉnh năm 2015 là 218,42 tấn/ngày, năm 2020 là 248,20 tấn/ngày, năm 2025 là 280,70 tấn/ngày.
- Chất thải rắn xây dựng và bùn thải.
+ Chất thải rắn xây dựng: Tổng khối lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh của toàn tỉnh là: 20,1 tấn/ngày (năm 2015); 31,1 tấn/ngày (năm 2020); 35,5 tấn/ngày (năm 2025). Khối lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại thành phố Hà Giang lớn nhất chiếm trên 40% của toàn tỉnh, (TP Hà Giang có quy mô lớn, dân số đông hơn các khu vực khác).
+ Bùn thải: Tổng khối lượng bùn thải phát sinh toàn tỉnh là: 35,0 tấn/ngày (năm 2015); 40,7 tấn/ngày (năm 2020); 46,6 tấn/ngày (năm 2025).
3.1.2. Chất thải rắn công nghiệp: Dự báo chất thải rắn công nghiệp của tỉnh phát sinh chủ yếu tại Khu công nghiệp Bình Vàng huyện Vị Xuyên, chiếm đến gần 70% của toàn tỉnh. Trong tổng khối lượng chất thải rắn có khoảng 20% là chất thải rắn công nghiệp nguy hại, khối lượng thành phần có thể tái chế khoảng hơn 50% của tổng phát sinh và là 65% của thành phần chất thải rắn công nghiệp thông thường.
3.1.3. Chất thải rắn y tế: Dự báo đến năm 2015, tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh trên toàn tỉnh là 4.214,54 kg/ngày, đến năm 2020 là 7.288,94 kg/ngày, đến năm 2025 là 8.047,58 kg/ngày.
3.2. Quy hoạch hệ thống phân loại - thu gom - vận chuyển CTR:
3.2.1. Quy hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn
- Phân loại chất thải rắn tại nguồn: chất thải rắn sinh hoạt cần được phân loại tại nguồn thành 03 loại:
- Chất thải hữu cơ, các chất thải loại này sẽ được chuyển tới nhà máy chế biến phân hữu cơ.
- Chất thải có thể tái chế sau khi qua phân tách cụ thể tại điểm trung chuyển, chất thải tái chế từng loại sẽ được tiếp tục chuyển tới các cơ sở tái chế.
- Chất thải khác: không còn khả năng tái chế, tái sử dụng bao gồm cao su, xỉ than, đất đá, sành sứ vỡ. Để lưu giữ loại chất thải này sẽ vận động nhân dân dùng chính các túi nylon phế thải hoặc các đồ chứa khác sẵn có trong dân. Những thành phần này sẽ được xử lý bằng biện pháp chôn lấp hợp vệ sinh.
- Thu gom, vận chuyển chất thải rắn:
+ Mô hình thu gom: Đề xuất 2 phương thức thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cho các đô thị như sau: (1) Hệ thống vận chuyển trực tiếp; (2) Hệ thống vận chuyển trung chuyển.
+ Phương tiện thu gom, vận chuyển gồm: Phương tiện lưu trữ chất thải rắn tại nguồn; Phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn.
3.2.2. Quy hoạch quản lý chất thải rắn xây dựng và bùn thải
a) Quy hoạch chất thải rắn xây dựng:
- Phân loại chất thải rắn tại nguồn: Khi chất thải rắn xây dựng phát sinh cần tiến hành phân loại tại nguồn sẽ mang lại hiệu quả cao trong quản lý chất thải. Đối với những đô thị lớn như thành phố Hà Giang cần chú trọng đến công tác phân loại tại nguồn như xây dựng cơ chế pháp lý, hỗ trợ thành phố Hà Giang thực hiện phân loại tại nguồn đối với những công trình xây dựng cao tầng vào năm 2015 và những đô thị khác tiến hành vào năm 2025.
- Thu gom, vận chuyển: Được nghiên cứu theo hai loại là: Mô hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn tại các công trình xây dựng cao tầng, các công trình lớn, các khu đô thị ... và mô hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng áp dụng cho các hộ gia đình.
- Xử lý chất thải rắn xây dựng: Do khối lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh không lớn, vì vậy chưa áp dụng công nghệ nghiền chất thải rắn xây dựng tại tỉnh Hà Giang, mà chỉ áp dụng công nghệ chôn lấp tại khu xử lý tập trung.
b) Quy hoạch bùn thải đô thị: Đảm bảo theo quy định và đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị.
c) Quy hoạch quản lý chất thải rắn công nghiệp:
- Phân loại chất thải rắn tại nguồn: Được phân loại thành những loại sau:
+ Chất thải rắn có thể tái chế.
+ Chất thải rắn có thể tái sử dụng.
+ Chất thải rắn khác (là các thành phần không thể tái chế): là những chất thải rắn không sử dụng được vào được mục đích nào khác, phải bỏ đi.
+ Chất thải rắn nguy hại: là những thành phần chất thải rắn được quy định theo danh mục chất thải nguy hại được ban hành tại Thông tư 12/2011/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Lộ trình áp dụng phân loại chất thải rắn tại nguồn:
Phương thức | Lộ trình thực hiện | |
Giai đoạn đến năm 2020 | Giai đoạn từ năm 2020 đến 2025 | |
Phân loại tại các nhà máy (phân loại sơ cấp). | - Tại các nhà máy đã và đang hoạt động tại KCN trong tỉnh Hà Giang. - Các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp. | Tất cả các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh. |
Phân loại tại các điểm tập kết, các khu phân loại tập trung (phân loại thứ cấp). |
| Các điểm tập kết, trung chuyển CTR công nghiệp của KCN/CCN đã và đang hoạt động. |
- Thu gom, vận chuyển chất thải rắn.
Phương thức thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp: Việc thu gom tập trung chất thải rắn công nghiệp được tiến hành theo 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn thu gom sơ cấp là giai đoạn chất thải rắn được thu gom từ các công đoạn sản xuất của từng nhà máy được vận chuyển đến khu vực chứa chất thải của nhà máy và phải đổ đúng vào các thiết bị lưu chứa chất thải rắn đã được chỉ định. Sau đó sau mỗi ca làm việc, mỗi ngày thì phải vận chuyển chất thải rắn từ các điểm tập kết của các nhà máy, cơ sở sản xuất đến các điểm tập kết, trạm trung chuyển của các KCN/CCN trong đó chất thải rắn được phân loại tập trung một lần nữa cũng như xử lý cơ học.
+ Giai đoạn thu gom thứ cấp (cần thực hiện từ năm 2020) vận chuyển chất thải rắn từ các trạm trung chuyển đến khu vực xử lý sao cho mỗi loại chất thải rắn được vận chuyển đến một khu vực xử lý riêng.
d) Quy hoạch quản lý chất thải rắn y tế.
- Phân loại chất thải rắn tại nguồn: Đảm bảo theo quy định và đúng quy trình của Bộ Y tế.
- Thu gom, vận chuyển chất thải rắn: Thu gom, vận chuyển và lưu giữ chất thải tại các cơ sở y tế là một phần quan trọng trong quy trình quản lý chất thải y tế. Việc thu gom chất thải rắn y tế phải được thực hiện ngay tại các khoa, phòng y tế.
- Mô hình thu gom:
+ Thành phố Hà Giang: Chọn mô hình thu gom, xử lý tập trung cấp thành phố.
+ Các huyện Bắc Quang, Yên Minh, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Bắc Mê, Xín Mần, Quang Bình, Vị Xuyên: Chọn mô hình thu gom tại chỗ.
- Xử lý chất thải rắn: Công nghệ xử lý chất thải rắn lựa chọn cho mỗi khu vực trong tỉnh như sau:
+ Tại thành phố Hà Giang: Mô hình thu gom, xử lý tập trung cấp thành phố. Để đạt hiệu quả kinh tế và kiểm soát ô nhiễm tốt, đề xuất áp dụng tổng hợp các phương pháp xử lý chất thải rắn y tế như sau:
Sau khi phân loại các chất thải có thể tái chế, tái sử dụng, những chất thải rắn lây nhiễm sẽ được xử lý bằng phương pháp triệt khuẩn;
Các chất thải nguy hại sau khi được thu gom, vận chuyển theo đúng quy trình, sẽ được đốt bằng lò đốt công suất lớn;
Chất thải rắn sinh hoạt và tro sau khi đốt chất thải rắn nguy hại sẽ được vận chuyển đến bãi chôn lấp của địa phương để chôn lấp hợp vệ sinh.
+ Các huyện như Bắc Quang, Yên Minh, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Bắc Mê, Xín Mần, Quang Bình, Vị Xuyên: Mô hình thu gom tập trung được áp dụng cho các thị trấn có địa hình bằng phẳng, giao thông thuận tiện. Mô hình thu gom tại chỗ được áp dụng đối với các xã miền núi, giao thông khó khăn. Để đạt hiệu quả kinh tế và kiểm soát ô nhiễm tốt đề xuất áp dụng tổng hợp các phương pháp xử lý chất thải rắn y tế như sau:
Các chất có thể tái chế, tái sử dụng sẽ được khử khuẩn ban đầu bằng sục rửa hóa chất hoặc hơi nóng;
Với chất thải rắn nguy hại thu gom tại chỗ cũng sẽ đốt tại chỗ bằng lò đốt công suất nhỏ;
Riêng đối với các xã miền núi, điều kiện giao thông khó khăn, trước mắt, chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh sẽ được khử khuẩn ban đầu hoặc được cô lập và sau đó đem chôn lấp hợp vệ sinh tại bãi chôn lấp của địa phương;
Chất thải rắn thông thường và tro sau khi đốt chất thải rắn nguy hại sẽ được thu gom và chôn lấp hợp vệ sinh tại các bãi chôn lấp của địa phương.
Ngoài ra, trong quá trình xử lý và tiêu hủy bơm kim tiêm có thể phối hợp việc tiêu hủy bằng máy hủy kim tiêm với máy khử khuẩn bằng nhiệt ướt đối với chất thải lâm sàng.
4. Lộ trình thực hiện quy hoạch:
4.1. Giai đoạn đến năm 2015:
- Đầu tư các trang thiết bị phục vụ công tác thu gom cho tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh Hà Giang.
- Đầu tư phương tiện vận chuyển chuyên dụng loại 2,5 - 3,5 tấn cho huyện Mèo Vạc và huyện Xín Mần.
- Tổ chức các khóa đào tạo tăng cường năng lực cho các cán bộ quản lý và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thu gom và xử lý chất thải rắn.
- Hoàn thiện cơ chế chính sách trong đó khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.
- Thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại một số phường nội thành thành phố Hà Giang và khu vực thị trấn các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên cũng như các khu vực thị trấn của các huyện khác (đặc biệt tập trung cho khu vực công viên địa chất).
- Thực hiện phân loại chất thải rắn xây dựng tại nguồn đối với những công trình xây dựng cao tầng.
- Đầu tư xây dựng lò đốt chất thải rắn y tế tại các huyện Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Bắc Mê và Xín Mần.
- Lập phương án đầu tư xây dựng khu xử lý tập trung liên vùng huyện tại Lũng Loét huyện Vị Xuyên nhằm xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, xây dựng, trong đó có lắp ráp lò đốt chất thải rắn công nghiệp với công suất 20 tấn/ngày.
- Xây dựng khu xử lý: Cầu Thủy - Bắc Quang; Lũng Loét - Vị Xuyên; Đồng Văn; Tùng Vài - Quản Bạ; Pả Vi - Mèo Vạc; Vinh Quang - Hoàng Su Phì; Cốc Coọc - Xín Mần; Bản Vàng - Yên Minh.
4.2. Giai đoạn 2016-2020:
- Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc phân loại chất thải rắn tại nguồn. Hướng dẫn người dân thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn.
- Triển khai nhân rộng phân loại chất thải rắn tại nguồn cho các phường trung tâm thành phố và các cụm dân cư của các phường xã khác trong thành phố Hà Giang.
- Thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn tại các thị trấn của các huyện.
- Đánh giá năng lực thu gom, vận chuyển chất thải rắn của các đơn vị làm công tác xử lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh.
- Tiến hành đầu tư lò đốt chất thải rắn công nghiệp nguy hại công suất 20 tấn/ngày tại khu xử lý chất thải rắn liên vùng Lũng Loét, huyện Vị Xuyên.
- Tiến hành đầu tư lò đốt chất thải rắn công nghiệp nguy hại công suất 7 tấn/ngày tại huyện Bắc Mê.
- Hoàn thiện nâng cấp mở rộng, hoàn thiện các khu xử lý tại các huyện, thành phố; Mở rộng khu xử lý thành phố Hà Giang; Xây dựng khu xử lý Giáp Trung-Bắc Mê; Hoàn thiện các khu xử lý (trong đó có lò đốt chất thải rắn công nghiệp nguy hại tại Lũng Loét - Vị Xuyên; Giáp Trung-Bắc Mê).
4.3. Giai đoạn 2021-2025:
- Triển khai thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn trên phạm vi toàn đô thị trong tỉnh, các khu vực nông thôn của xã vùng thấp.
- Tiếp tục đầu tư cho trang thiết bị thu gom; hoàn thiện đầu tư lò đốt chất thải rắn y tế tập trung tại khu xử lý thành phố Hà Giang.
- Kiểm soát toàn diện hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, nhằm thực hiện thu gom triệt để khối lượng chất thải rắn phát sinh.
5. Khái toán nhu cầu kinh phí:
Tổng nhu cầu vốn đầu tư: 314,78 tỷ đồng. Nguồn vốn: Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Trong đó:
- Giai đoạn đến 2015: 151,71 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2016 - 2020 là: 94,07 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2021 - 2025 là: 69 tỷ đồng.
1. Sở Xây dựng:
- Là cơ quan đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố trong quá trình thực hiện Quy hoạch này.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khi cần thiết, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch này.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cân đối bố trí kế hoạch vốn hàng năm cho các huyện, thành phố tham gia thực hiện Quy hoạch.
- Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn với các dự án thuộc phạm vi quy hoạch từ khâu lập kế hoạch đến tổ chức thực hiện.
3. Sở Tài chính:
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn cho các huyện, thành phố tham gia thực hiện Quy hoạch.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn với các dự án thuộc phạm vi quy hoạch từ khâu lập kế hoạch đến tổ chức thực hiện.
4. UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan
- Phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch này.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các sở, ngành có liên quan xác định các nguồn vốn đầu tư; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để đảm bảo tính khả thi của các dự án thực hiện theo Quy hoạch.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Kho bạc Nhà nước tỉnh Hà Giang; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 2474/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt đồ án Quy hoạch tổng thể quản lý - xử lý chất thải rắn tỉnh Bình Dương đến năm 2030
- 2Quyết định 2412/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt đề cương đề án Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2009 - 2020
- 3Quyết định 1900/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 4Quyết định 1393/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 5Quyết định 3892/QĐ-UBND năm 2014 về phân công trách nhiệm trong quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 1Nghị định 59/2007/NĐ-CP về việc quản lý chất thải rắn
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Luật xây dựng 2003
- 4Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng
- 5Thông tư 13/2007/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 59/2007/NĐ-CP về quản lý chất thải rắn do Bộ Xây dựng ban hành
- 6Luật Quy hoạch đô thị 2009
- 7Quyết định 2149/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Nghị định 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị
- 9Thông tư 12/2011/TT-BTNMT Quy định về quản lý chất thải nguy hại do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 10Quyết định 798/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 2474/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt đồ án Quy hoạch tổng thể quản lý - xử lý chất thải rắn tỉnh Bình Dương đến năm 2030
- 12Quyết định 2412/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt đề cương đề án Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2009 - 2020
- 13Quyết định 1900/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 14Quyết định 1393/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 15Quyết định 3892/QĐ-UBND năm 2014 về phân công trách nhiệm trong quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Quyết định 1575/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đồ án Quy hoạch Quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Hà Giang đến năm 2025
- Số hiệu: 1575/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 11/08/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
- Người ký: Nguyễn Văn Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra