Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1495/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU VẬN TẢI HÀNG KHÔNG ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 ngày 29/06/2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 61/2014/QH13 ngày 21/11/2014;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 04/03/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 3177/QĐ-BGTVT ngày 20/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu vận tải hàng không đến năm 2020” với các nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Tái cơ cấu vận tải hàng không phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013; Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành giao thông vận tải và chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

2. Tái cơ cấu vận tải hàng không phải phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết của Đảng; chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh, bền vững, ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hàng không, củng cố an ninh - quốc phòng và thúc đẩy hội nhập quốc tế.

3. Phù hợp với định hướng phát triển hài hòa, bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức vận tải nhằm nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ, giảm chi phí vận tải, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

4. Gắn nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải hàng không với tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, nhằm tăng năng lực của cả hệ thống làm cơ sở cơ cấu lại thị phần vận tải giữa các lĩnh vực.

5. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nâng cao năng lực trong việc hoạch định chính sách, tư vấn, tổ chức quản lý vận tải hàng không.

II. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu tổng quát

a) Phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý và phát triển bền vững, nâng thị phần đảm nhận của vận tải hàng không.

b) Nâng cao vị trí, vai trò của vận tải hàng không trong hệ thống giao thông vận tải Việt Nam và trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo.

c) Nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí vận tải và đảm bảo an toàn, an ninh và môi trường.

d) Phát triển vận tải đa phương thức, logistics và kết nối hiệu quả các phương thức vận tải với vận tải hàng không.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tăng tỷ trọng vận tải hàng không trong cơ cấu chung của ngành giao thông vận tải (GTVT), đặc biệt trên các hành trình đường dài, quốc tế.

Đến năm 2020, vận tải hành khách nội địa chiếm tỷ trọng 3,23%; vận tải hàng hóa nội địa chiếm khoảng 0,04% trong tổng thể ngành GTVT; tăng thị phần vận tải hành khách quốc tế đối với hàng không Việt Nam lên 45,9%.

b) Đẩy mạnh phát triển thị trường vận tải hàng không. Đến năm 2020, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN.

c) Vận tải hàng không trở thành loại hình giao thông phổ biến, có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo.

Phấn đấu đến năm 2020, có hoạt động khai thác quốc tế thường lệ đến toàn bộ các cảng hàng không quốc tế được công bố; tăng tần suất trên các đường bay hiện tại đến toàn bộ các cảng hàng không nội địa với tối thiểu 07 chuyến/tuần, tất cả các hãng hàng không đều có hoạt động khai thác thường lệ trên tất cả các đường bay phục vụ kinh tế - xã hội.

d) Nâng cao năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không Việt Nam, thông qua việc hiện đại hóa đội tàu bay, mở rộng mạng đường bay, tăng cường chất lượng dịch vụ.

Đến năm 2020, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đạt từ 190- 210 chiếc; các hãng hàng không truyền thống xếp hạng 4-5 sao theo tiêu chí đánh giá của Skytrax, các hãng chi phí thấp có chất lượng ngang bằng với các hãng hàng không cùng loại trong khu vực; tăng cường các biện pháp kiểm soát giảm tỷ lệ chậm chuyến, hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam; giảm tỷ lệ không hài lòng của hành khách đối với dịch vụ hàng không qua các năm.

e) Tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh cho hoạt động của các hãng hàng không. Đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các hãng hàng không Việt Nam, nâng cao trách nhiệm xã hội của các hãng hàng không Việt Nam.

g) Đảm bảo 100% các vụ việc liên quan đến tranh chấp về quyền và lợi ích chính đáng của hành khách được xử lý theo quy định của pháp luật.

h) Đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đổi mới thể chế, chính sách và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

a) Tập trung vào công tác rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

b) Thực hiện chính sách mở cửa bầu trời đối với thị trường vận tải hàng không quốc tế đi/đến Việt Nam với nội dung tại Phụ lục 02 kèm theo Quyết định này. Tiếp tục thực hiện chính sách tự do hóa đối với thị trường hàng không nội địa, đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong kinh doanh vận chuyển hàng không, thiết lập cơ chế chỉ định khai thác bắt buộc đối với các hãng hàng không Việt Nam trên các đường bay phục vụ kinh tế - xã hội.

c) Xây dựng cơ chế quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không và giá, phí tại cảng hàng không, sân bay và đảm bảo hoạt động bay hợp lý, bảo đảm hài hòa giữa hiệu quả khai thác vận chuyển hàng không và lợi ích của hành khách, tạo điều kiện cho các hãng hàng không đa dạng hóa các mức giá (triển khai thực hiện quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam).

d) Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế phối hợp hàng không - quân sự trong việc quản lý, phát triển loại hình kinh doanh hàng không chung. Đến năm 2020, hoàn thiện cơ sở pháp lý và điều kiện khai thác cho hoạt động kinh doanh hàng không chung.

e) Xây dựng chính sách, tạo cơ chế để tạo điều kiện về cấp đất, mặt bằng tại các cảng hàng không cho hoạt động vận tải, bảo dưỡng tàu bay, logistics.

g) Hoàn thành việc đạt được Phê chuẩn mức 01 về an toàn hàng không của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA).

h) Triển khai thực hiện các nội dung sau theo Đề án Đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hàng không dân dụng của Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) và các Cảng vụ hàng không đến năm 2020, trong đó:

- Rà soát, đánh giá lại chức năng, nhiệm vụ của Cục HKVN, các cơ quan, đơn vị thuộc Cục HKVN để có phương án điều chỉnh phù hợp;

- Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đáp ứng nhu cầu hoạt động HKDD. Hoàn thiện hệ thống tài liệu, sổ tay hướng dẫn trong tất cả các lĩnh vực chuyên ngành hàng không, đảm bảo các thủ tục hành chính được hướng dẫn thực hiện chính xác, công khai, minh bạch;

- Đẩy mạnh đào tạo nội bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên, đặc biệt là giám sát viên hàng không của Cục HKVN và các Cảng vụ hàng không.

i) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính một cách triệt để; tiếp tục cập nhật, hoàn thiện các quy trình ISO.

2. Nâng cao hiệu quả vận tải hàng không, tăng cường kết nối, phát triển vận tải đa phương thức và logistics

a) Phát triển đội tàu bay theo hướng sử dụng các thế hệ tàu bay áp dụng công nghệ mới, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường.

Đến năm 2020, tổng số tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đạt từ 190-210 chiếc, trong đó Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) có 140 - 150 chiếc (sở hữu 70 - 80 chiếc), các hãng hàng không khác dự kiến có thêm 50 - 60 chiếc; tàu bay tầm ngắn khoảng 60 - 70 chiếc (sở hữu 30 - 35 chiếc), tàu bay tầm trung 30 - 35 chiếc (sở hữu 17-20 chiếc), tàu bay tầm xa 20 - 24 chiếc (sở hữu 10-12 chiếc), tàu bay chở hàng khoảng 8-10 chiếc (sở hữu 3-5 chiếc).

b) Mở rộng khai thác thị trường hàng không, tiếp tục phát triển vận tải hàng không trở thành phương thức vận tải an toàn và thuận tiện theo hướng thị trường mở, gắn liền với thị trường vận tải hàng không khu vực và thế giới, cụ thể:

- Giai đoạn 2015-2020, Vietnam Airlines mở các đường bay mới đến Hoa Kỳ (San Francisco, Los Angeles), Ấn Độ (New Delhi, Mumbai), UAE (Dubai), Qatar (Doha), điểm thứ 3 tại Úc (Brisbane, Perth); các đường bay quốc tế thường lệ đi/đến Phú Bài, Cần Thơ;

- Giai đoạn 2015-2020, Vietnam Airlines và VietJet Air khai thác đội tàu bay chở hàng khai thác các đường bay quốc tế thường lệ, không thường lệ đi/đến từ Việt Nam tới các điểm tại Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nam Á và châu Âu có thương quyền 5.

c) Tăng thị phần vận chuyển của loại hình vận chuyển hàng không chi phí thấp.

d) Các hãng hàng không tiếp tục giảm chi phí/giá thành, đặc biệt là chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả vận tải hàng không.

e) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong việc tối ưu hóa các đường bay không lưu, tạo điều kiện cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không.

g) Triển khai hoạt động của Hội đồng điều phối giờ hạ/cất cánh (Slot) nhằm đảm bảo tối ưu và minh bạch hóa công tác điều phối Slot.

h) Nghiên cứu, phát triển vận tải đa phương thức trong đó có vận tải hàng không, tăng cường vai trò của vận tải hàng không trong dây chuyền logistics Việt Nam, ưu tiên kết nối vận tải đa phương thức đối với vận chuyển hàng hóa; tăng cường phát triển các kho hàng hóa, các bãi chứa container. Đẩy mạnh khả năng kết nối vận tải hàng không với các loại hình vận tải khác.

Phấn đấu đến năm 2020, đảm bảo các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng đều có kết nối với hệ thống vận tải đường bộ và dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng, phát triển hoàn chỉnh hệ thống kho vận tại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất đáp ứng nhu cầu của dây chuyền logistics.

i) Xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để đảm bảo việc bay đúng giờ, bao gồm việc đảm bảo nguồn lực, tàu bay, công tác sửa chữa, bảo dưỡng và lập lịch bay. Kiểm soát chặt chẽ việc lập kế hoạch khai thác của các hãng hàng không trên cơ sở phù hợp với thực tế về kết cấu hạ tầng cảng hàng không, năng lực khai thác và bảo dưỡng của các hãng.

k) Thực hiện quyết liệt việc kiểm tra, giám sát việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng dịch vụ vận tải hàng không của Thông tư số 36/2014/TT-BGTVT ngày 29/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không, bảo vệ quyền lợi của hành khách, nghĩa vụ của nhà vận chuyển và phong trào 4 xin, 4 luôn. Thực hiện việc khảo sát, đánh giá sự hài lòng của hành khách về dịch vụ hàng không hàng năm.

l) Phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch trong các hoạt động quảng bá phát triển du lịch, phát động thị trường, quảng bá điểm đến, visa du lịch.

m) Đổi mới công tác cấp các loại giấy phép năng định cho nhân viên hàng không.

3. Nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch

a) Đảm bảo thực hiện quy hoạch phát triển hàng không theo Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 08/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ; định kỳ rà soát, báo cáo Bộ GTVT.

b) Thực hiện quy hoạch các cảng hàng không, sân bay, rà soát đánh giá việc thực hiện quy hoạch. Nâng cao chất lượng xây dựng, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển hàng không.

c) Thực hiện thành công Đề án nghiên cứu, chuẩn bị và triển khai kế hoạch nâng cấp các khối hệ thống hàng không (ASBU) nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.

4. Khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có

Triển khai quyết liệt thực hiện thành công Đề án Nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không ban hành tại Quyết định số 2985/QĐ-BGTVT ngày 30/09/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Quyết định số 996/QĐ-CHK ngày 01/7/2014 của Cục trưởng Cục HKVN.

5. Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách

a) Đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không phù hợp với Nghị quyết số 13-NQ/TW, Quy hoạch phát triển hàng không và các đề án, kế hoạch, chương trình liên quan.

b) Triển khai thực hiện quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

c) Tổng kết thực hiện Kế hoạch 2011-2015 và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch 2016-2020 về đầu tư công.

d) Triển khai thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp của Đề án Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không tại Quyết định số 4908/QĐ-BGTVT ngày 24/12/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT.

6. Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và cổ phần hóa các doanh nghiệp

Đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện thành công các Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty đã được phê duyệt, cụ thể:

- Hoàn thành việc cổ phần hóa Tổng công ty Hàng không Việt Nam;

- Tiếp tục đẩy mạnh việc tái cơ cấu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nhằm tạo ra một doanh nghiệp có năng lực mạnh, đảm bảo thực hiện đầy đủ, thống nhất và đồng bộ các chiến lược, quy hoạch của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực đầu tư, quản lý, khai thác hệ thống cảng hàng không; thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

7. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ

a) Tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ vào các khâu đặt chỗ, bán vé; làm thủ tục hàng không cho các chuyến bay (web check-in, kiosk check-in và mobile check-in).

b) Tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế trong công tác điều phối giờ cất hạ cánh (Slot).

c) Xây dựng và triển khai Đề án Hiện đại hóa công tác quản lý hành chính nhà nước của Cục HKVN.

8. Tăng cường công tác hợp tác quốc tế

a) Tăng cường công tác đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế song phương, đa phương trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo hướng mở cửa bầu trời, tự do hóa thương quyền 3, thương quyền 4, mở rộng tự do hóa thương quyền 5, đồng thời kiên quyết đấu tranh đòi quyền lợi cho các hãng hàng không Việt Nam trong việc dỡ bỏ các rào cản kỹ thuật (Slot, đường không lưu).

b) Tiếp tục chủ động và tích cực hội nhập quốc tế về hàng không dân dụng trong khu vực và trên thế giới.

9. Phát triển nguồn nhân lực

Tích cực triển khai thực hiện Đề án Phát triển đào tạo nguồn nhân lực ngành HKVN giai đoạn đến năm 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 4375/QĐ-BGTVT ngày 27/12/2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Vụ trực thuộc Bộ, Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp triển khai các nhiệm vụ tại Phụ lục 01 của Đề án nhằm đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu lĩnh vực vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020.

2. Vụ Vận tải chủ trì tham mưu, theo dõi việc triển khai thực hiện Đề án, định kỳ 6 tháng báo cáo Bộ trưởng; tổng hợp, báo cáo và đề xuất với Lãnh đạo Bộ giải quyết vướng mắc phát sinh.

3. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện Đề án, có trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện và định kỳ hàng quý báo cáo Bộ GTVT (qua Vụ Vận tải); tổng hợp, đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án và chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung trong quá trình triển khai thực hiện;

b) Chỉ đạo các hãng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện Đề án này và các Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Định kỳ hàng quý, tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành HKDD;

d) Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án hàng năm. Trong đó đảm bảo về thời gian:

- Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Đề án năm thứ nhất: xây dựng và phê duyệt sau 30 ngày tính từ ngày Đề án được phê duyệt;

- Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Đề án hàng năm (từ năm thứ hai trở đi): xây dựng và phê duyệt trước ngày 15/12 của năm trước để thực hiện năm tiếp theo.

4. Các hãng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có trách nhiệm:

a) Xây dựng Kế hoạch thực hiện các nội dung liên quan của Đề án này;

b) Thực hiện các Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Trung tâm CNTT, Báo GT;
- Lưu: VT, VTải (10b).

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1495/QĐ-BGTVT năm 2015 về Đề án Tái cơ cấu vận tải hàng không đến năm 2020 do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 1495/QĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/04/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản