Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 147/2008/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA ĐẨY NHANH THỰC HIỆN CAM KẾT ĐỐI VỚI HIỆP ĐỊNH VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ KIỂM DỊCH ĐỘNG THỰC VẬT ĐÁP ỨNG NGHĨA VỤ THÀNH VIÊN WTO

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia đẩy nhanh thực hiện cam kết đối với Hiệp định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) đáp ứng nghĩa vụ thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

Tạo chuyển biến căn bản trong việc kiện toàn năng lực các cơ quan quản lý nhà nước hướng tới các mục tiêu:

1. Thực thi toàn diện Hiệp định SPS như cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới;

2. Giảm thiểu các tác động tiêu cực và khai thác tối đa những lợi thế khi Việt Nam là thành viên của WTO đối với các ngành sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và chế biến thực phẩm của Việt Nam;

3. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước thông qua việc cung cấp các sản phẩm nông sản thực phẩm có chất lượng tốt, không bị ô nhiễm bởi hóa chất và vi sinh vật gây hại;

4. Đẩy mạnh hơn nữa thương mại hóa các mặt hàng nông lâm sản và thủy sản, thực phẩm chế biến, tăng cường năng lực cạnh tranh và xâm nhập thị trường đối với các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế;

5. Bảo vệ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong nước không bị dịch sâu hại và dịch bệnh xâm nhập qua các sản phẩm nhập khẩu, bảo vệ môi trường sinh thái, sự đa dạng của các nguồn tài nguyên động thực vật của Việt Nam.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Nội dung thực chi các cam kết Hiệp định WTO/SPS

a) Tăng cường thể chế

- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với quy định và thông lệ quốc tế: sửa đổi, xây dựng mới và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện;

- Xây dựng các quy định kỹ thuật về thực hành trồng trọt tốt, chăn nuôi tốt và nuôi trồng thủy sản tốt theo tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế đảm bảo an toàn trong chuỗi thực phẩm;

- Xây dựng quy định kỹ thuật về phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, thức ăn chăn nuôi (bao gồm cả thức ăn thủy sản) theo đúng tiêu chuẩn và khuyến nghị quốc tế đảm bảo vệ sinh và an toàn trong sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản.

- Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các quy định kỹ thuật về an toàn sinh học trong sản xuất, chế biến và bảo quản thực phẩm, trong trồng trọt và chăn nuôi;

- Xây dựng quy chế điều phối giữa các cấp, các ngành trong điều tra, thông báo và phối hợp phòng trừ dịch bệnh trên động vật và thực vật dựa trên nguyên tắc giám sát chủ động.

- Xã hội hóa công tác thú y và giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Hoàn thiện về tổ chức và quy định trong việc thanh tra, kiểm tra và cấp chứng nhận về an toàn thực phẩm với các mặt hàng nông lâm và thủy sản, các mặt hàng thực phẩm tươi sống và chế biến.

b) Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác SPS

- Xây dựng Kế hoạch phát triển nhân lực có trình độ khoa học và kỹ thuật đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế trong việc thanh kiểm tra, giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật;

- Tăng cường năng lực cho cán bộ Văn phòng Hỏi đáp SPS quốc gia và các điểm hỗ trợ kỹ thuật tại các Bộ, ngành nhằm đáp ứng các yêu cầu trong nghĩa vụ minh bạch hóa thông tin về SPS;

- Đào tạo các cán bộ có trình độ và ngoại ngữ chuyên trách cho từng lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, thú y và bảo vệ thực vật kỹ năng trong giải quyết các vấn đề SPS liên quan tới thương mại;

- Tăng cường năng lực các cán bộ trong phân tích nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm và dịch bệnh trên động thực vật, trong chuẩn đoán, kiểm tra và giám sát dư lượng hóa chất, kháng sinh và dịch bệnh hại.

c) Đẩy mạnh công tác thông tin và tuyên truyền

- Phổ biến nội dung hiệp định SPS, tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định của Hiệp định trong thương mại tới tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan và đặc biệt là tới các hiệp hội, các doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất;

- Phổ biến nâng cao nhận thức cho các đơn vị, doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm các tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, uy tín trên thị trường trong nước và xuất khẩu khi vi phạm các quy định về SPS;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về SPS của Việt Nam và các nước là đối tác thương mại, bổ sung và cập nhật các thông tin cho Cổng thông tin điện tử SPS Việt Nam, in ấn tài liệu hướng dẫn sử dụng;

- Phổ biến, tập huấn nâng cao năng lực cho kỹ thuật viên, nông dân điển hình áp dụng phương thức sản xuất nông nghiệp tốt (GAPs), chăn nuôi tốt (GAHP) và phương thức nuôi trồng thủy sản tốt (GFPs), thực hành sản xuất tốt (GMP) và phân tích mối nguy hiểm và kiểm soát tại các khâu then chốt trong quá trình chế biến (HACCP), các kỹ năng xác định dịch hại và các biện pháp chủ đạo trong việc phòng chống dịch hại về thú y, thủy sản và bảo vệ thực vật (tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn, biên tập và in ấn tài liệu kỹ thuật, thiết lập hệ thống thông tin trực tuyên truyền, xây dựng các đĩa CD cơ sở dữ liệu về phương pháp điều tra, nhận dạng, các đặc điểm sinh học sinh thái cơ bản của dịch hại và các phương pháp phòng trừ);

- Phổ biến kiến thức cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm các công nghệ về chế biến và bảo quản nông lâm sản và thủy sản sau thu hoạch đảm bảo thực phẩm an toàn;

- Thiết lập, ứng dụng và khai thác mạng lưới thông tin tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng trừ dịch bệnh trên động thực vật.

d) Mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông, lâm và thủy sản

- Nghiên cứu thị trường và quy định kỹ thuật của các nước nhằm tăng tỷ lệ chế biến và giá trị các sản phẩm nông lâm và thủy sản, các sản phẩm thực phẩm tươi sống và chế biến xuất khẩu;

- Xây dựng chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại phù hợp với quy định của WTO (Hiệp định Nông nghiệp – AoA);

- Phổ biến nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp trong việc thực thi các cam kết Hiệp định SPS, việc tuân thủ các quy định về SPS của các nước là đối tác thương mại và phương thức giải quyết các vấn đề thương mại liên quan đến SPS;

- Xây dựng mô hình chuỗi cung ứng tổng hợp đối với một số mặt hàng nông sản sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật được quốc tế công nhận (GLOBAL GAP, Công bằng thương mại và các tiêu chuẩn chứng nhận tư được quốc tế công nhận).

2. Giải pháp thực hiện các nghĩa vụ Hiệp định WTO/SPS

a) Đảm bảo tính khoa học

- Xây dựng các hệ thống giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và các dịch bệnh truyền qua thực phẩm. Dự tính, dự báo khả năng ô nhiễm đối với các nhóm thực phẩm chính theo từng giai đoạn trong năm. Củng cố hệ thống thông tin tuyên truyền và báo cáo tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm;

- Xây dựng hệ thống quốc gia cảnh báo nhanh về vệ sinh an toàn thực phẩm và kết nối với hệ thống cảnh báo nhanh về vệ sinh an toàn thực phẩm của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Cộng đồng châu Âu (EU);

- Xây dựng mạng lưới và triển khai chương trình quốc gia dự tính dự báo sâu hại và dịch bệnh trên động thực vật và đưa ra biện pháp phòng trừ phù hợp giúp giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất dựa trên điều kiện sinh thái và địa lý, ưu tiên một số cây trồng và vật nuôi chủ đạo;

- Xây dựng chương trình ngăn chặn sự xâm nhập của các loài vi rút gây bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV), hội chứng Taura(TSV) và vi khuẩn gây hoại tử gan tụy (NHPB) trên tôm và loại trừ tận gốc bệnh đốm trắng (WSSV), đầu vàng (YHV) trên tôm và đốm đỏ trên cá da trơn;

- Tiến hành phân tích, đánh giá nguy cơ dịch hại trên các sản phẩm nông sản và thực phẩm nhập khẩu, giống cây trồng và vật nuôi, nguy cơ ô nhiễm đối với nguyên liệu phục vụ chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi trên cơ sở đó đưa ra các biện pháp SPS phù hợp;

- Đào tạo nâng cao năng lực cán bộ trong chuẩn đoán, thanh tra và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, trong phân tích và chuẩn đoán dịch bệnh trên động thực vật, tăng cường năng lực trang thiết bị và cán bộ cho các trạm kiểm dịch động thực vật vùng, cảng biển, cảng hàng không và tại các cửa khẩu;

- Nghiên cứu giải pháp xử lý sau thu hoạch các loại rau và hoa quả trước khi xuất khẩu phù hợp với các quy định Hiệp định SPS.

b) Xây dựng và hài hòa các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của Việt Nam với tiêu chuẩn của CODEX, OIE và IPPC.

- Rà soát, sửa đổi và ban hành các tiêu chuẩn thực phẩm theo tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị của CODEX. Xác định các nguồn lực chủ động tham gia các hoạt động của Ủy ban CODEX;

- Rà soát, sửa đổi và ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẫn kỹ thuật về kiểm dịch động vật (trên cạn và dưới nước) phù hợp với tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị của CODEX và OIE. Xác định các nguồn lực chủ động tham gia các hoạt động của Ủy ban CODEX và OIE;

- Rà soát, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về kiểm dịch thực vật phù hợp với tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị của IPPC. Xác định các nguồn lực chủ động tham gia các hoạt động của IPPC;

- Xây dựng đề án “Một tiêu chuẩn” cho sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

c) Đảm bảo tính tương đương

- Đánh giá hiện trạng, nâng cấp và xây dựng các phòng kiểm nghiệm trọng điểm ngành theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025. Các Bộ đề xuất các dự án xây dựng và nâng cấp phòng kiểm nghiệm chuyên ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Xây dựng quy chế đánh giá và công nhận sự tương đương về các biện pháp SPS của Việt Nam với các nước thành viên WTO trong khu vực và thế giới;

- Đàm phán, xây dựng các thỏa thuận song phương trong việc thanh kiểm tra và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật;

- Xây dựng và ban hành quy chế quản lý các tổ chức trong nước và nước ngoài trong việc thanh kiểm tra và chứng nhận tiêu chuẩn VSATTP;

- Triển khai áp dụng phương thức sản xuất nông nghiệp tốt (GAPs), chăn nuôi tốt (GAHP) và phương thức nuôi trồng thủy sản tốt (GFPs), thực hành sản xuất tốt (GMP) và phân tích nguy cơ và kiểm soát tại các khâu then chốt trong quá trình chế biến (HACCP), tất cả đảm bảo dựa trên nguyên tắc quản lý chất lượng từ trang trại tới bàn ăn;

- Đào tạo, tập huấn về quản lý sản xuất và cung ứng thịt gia súc, gia cầm phù hợp với yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của các quốc gia phát triển;

- Đào tạo, tập huấn về quản lý sản xuất và cung ứng thủy sản và hải sản phù hợp với yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của các quốc gia phát triển;

- Đào tạo, tập huấn áp dụng quy trình sản xuất và cung ứng rau, hoa quả tươi phù hợp với yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của các quốc gia phát triển;

- Nâng cao vai trò của hiệp hội ngành hàng trong việc xây dựng và thực thi các tiêu chuẩn riêng, kiểm tra và kiểm soát trong việc áp dụng các tiêu chuẩn nhằm đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Đẩy mạnh hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác và tổ chức của nông dân nhằm giáo dục nông dân ý thức sản xuất thực phẩm an toàn, chất lượng cao và đồng thời tăng cường mối liên kết giữa người sản xuất với các đơn vị kinh doanh, chế biến nhằm bình ổn giá của sản phẩm đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất và mang lại lợi nhuận cho người nông dân cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

d) Phân tích nguy cơ dịch bệnh

- Tiến hành phân tích, đánh giá nguy cơ đối với hàng nhập khẩu, áp dụng các phương pháp chuẩn được quốc tế công nhận trong chuẩn đoán, xác định các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm do hóa chất và vi sinh vật;

- Xây dựng chương trình phân tích, đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Đào tạo nâng cao năng lực cán bộ về phân tích, đánh giá nguy cơ ô nhiễm sinh học, hóa học và vi sinh vật đến thực phẩm;

- Xây dựng chương trình phân tích, đánh giá nguy cơ dịch bệnh thủy sản. Đào tạo nâng cao năng lực cán bộ về phân tích, đánh giá rủi ro dịch bệnh thủy sản;

- Xây dựng chương trình phân tích, đánh giá nguy cơ dịch bệnh động vật. Đào tạo nâng cao năng lực cán bộ về phân tích, đánh giá nguy cơ dịch bệnh động vật;

- Xây dựng chương trình phân tích, đánh giá nguy cơ sâu hại và dịch bệnh thực vật. Đào tạo nâng cao năng lực cán bộ phân tích, đánh giá nguy cơ sâu hại và dịch bệnh thực vật;

- Tăng cường năng lực giám định và quản lý sâu bệnh và dịch hại đối với cây trồng theo hướng hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng;

- Xây dựng chương trình trọng điểm quốc gia đẩy mạnh công tác nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng ngừa bệnh động vật (vắc xin nhược độc và vắc xin tái tổ hợp) và các chế phẩm sinh học phục vụ công tác bảo vệ thực vật (vi rút, vi khuẩn, nấm, côn trùng có ích v.v);

- Xây dựng chương trình phân tích nguy cơ dịch bệnh đối với việc nhập khẩu giống cây trồng, vật nuôi và giống vi sinh vật công nghiệp;

- Tăng cường năng lực các cơ quan quản lý và nhận thức cán bộ quản lý qua việc phân tích nguy cơ nhằm xây dựng các chính sách phù hợp trong quản lý rủi ro;

- Thiết lập hệ thống giám định chuyên sâu về virus và vi khuẩn gây ô nhiễm thực phẩm và dịch bệnh trên động thực vật, có phương án hợp tác với các trung tâm giám định ở nước ngoài;

- Đào tạo nâng cao năng lực chuẩn đoán và giám định côn trùng, cỏ dại, dịch bệnh thực vật và dịch bệnh động vật và đặc biệt là phương thức áp dụng các kỹ thuật chẩn đoán nhanh hiện đại;

- Xây dựng giáo trình và đưa nội dung đào tạo về phân tích, đánh giá nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm, thú y và bảo vệ thực vật bào chương trình giảng dạy tại các trường đại học chuyên ngành;

- Khôi phục và xây dựng bảo tàng mẫu cỏ dại, sâu hại và dịch bệnh trên động thực vật tại các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành phục vụ công tác nghiên cứu và đào tạo;

- Trong trường hợp khẩn cấp và hạn chế tối đa tác động xấu đến sức khỏe con người, kinh tế và xã hội các cơ quan chức năng quản lý thành lập nhóm đặc trách (có sự tham gia của Văn phòng SPS Việt Nam) hỗ trợ cho việc phân tích, đánh giá nguy cơ về hóa chất, vi sinh vật, các độc tố sinh học và sản phẩm có nguồn gốc cây chuyển gen nhằm đưa ra các biện pháp SPS;

- Nghiên cứu đề xuất chính sách thuế hoặc lệ phí đối với thuốc bảo vệ thực vật nhằm bù đắp một phần chi phí y tế và môi trường do việc sử dụng thuốc gây ra;

- Nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới trong kiểm tra và đánh giá mức độ ô nhiễm thực phẩm;

- Xây dựng và đưa nội dung đào tạo thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm vào chương trình đại học;

- Nâng cao năng lực quản lý cho các phòng kiểm nghiệm quốc gia, trung tâm kiểm nghiệm của các viện nghiên cứu chuyên ngành;

- Phổ biến và nâng cao năng lực quản lý các cấp trong triển khai áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAPs), chế biến tốt và chăn nuôi tốt (GAHP) và nuôi trồng thủy sản tốt (GFPs), phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát và cấp chứng nhận;

- Tăng cường năng lực Trung tâm đánh giá nguy cơ dịch hại thực vật thành một trung tâm đào tạo tổng hợp để hỗ trợ công tác bảo vệ sức khỏe cây trồng;

- Tiến hành phân tích nguy cơ và nghiên cứu khả thi nhằm thiết lập vùng sạch bệnh với một số loại sâu hại và dịch bệnh điển hình trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản;

- Tăng cường năng lực phân tích đánh giá nguy cơ thực vật chuyển gen nhằm kiểm soát có hiệu quả cây trồng và sản phẩm cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam;

- Trang bị phương tiện chẩn đoán hiện đại (hệ thống hình ảnh có độ phân giải cao) cho phép truyền phát hình ảnh sâu hại và dịch bệnh qua Internet giữa các phòng Thí nghiệm trung tâm và các trung tâm kiểm dịch trong nước;

- Mở rộng và củng số hệ thống giám sát chủ động hiện đang triển khai ở một số tỉnh đồng thời lồng ghép với hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm hiện nay đang thực hiện. Cần triển khai hệ thống giám sát này ở tất cả các tỉnh, thành phố sau khi nâng cao kỹ năng điều tra và tập huấn cho các cán bộ;

- Xây dựng chương trình phân tích nguy cơ dịch bệnh và an toàn vệ sinh đối với thức ăn chăn nuôi.

đ) Thích ứng với điều kiện khu vực

- Giám sát và thiết lập vùng sạch bệnh thủy sản, thú y và bảo vệ thực vật;

- Thiết lập vùng phi dịch hại phù hợp và vùng ít sâu hại và dịch bệnh với các tiêu chuẩn quốc tế thay thế cho biện pháp xử lý sau thu hoạch;

- Thiết lập và duy trì mạng lưới ứng phó khẩn cấp với các tình huống ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh đối với người, sâu bệnh và dịch hại đối với trồng trọt và chăn nuôi;

- Xây dựng chiến lược tiêm phòng đối với bệnh ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi và sản xuất như lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển, dịch lợn tai xanh và cúm gia cầm.

e) Minh bạch hóa

- Tăng cường năng lực cho Văn phòng SPS Việt Nam và các điểm hỗ trợ kỹ thuật tại các Bộ, ngành;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về các biện pháp SPS của Việt Nam, đưa lên cổng thông tin điện tử bằng tiếng Việt và tiếng Anh;

- Xây dựng kế hoạch và chủ động tham gia, hội nghị, hội thảo, các phiên họp chính thức và không chính thức về minh bạch hóa do Ủy ban SPS của WTO tổ chức.

g) Thanh tra, kiểm tra và thủ tục chấp thuận

- Thiết lập cơ chế quản lý, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, sâu hại và dịch bệnh động thực vật dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế được các bên liên quan chấp nhận;

- Xây dựng quy chế chung trong việc thanh kiểm tra và chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật;

- Thiết lập cơ chế quản lý các sản phẩm nông sản và thực phẩm xuất khẩu và nhập khẩu trên nguyên tắc thừa nhận lẫn nhau;

- Tiến hành phân tích nguy cơ và khả năng xâm nhập dịch bệnh và thiết lập cơ chế hợp tác kiểm soát dịch bệnh giữa các quốc gia, đặc biệt là với các nước có chung đường biên giới đường bộ với Việt Nam.

3. Kinh phí thực hiện

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí triển khai thực hiện bản Kế hoạch hành động quốc gia đẩy nhanh thực hiện các cam kết đối với Hiệp định về Vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật đáp ứng nghĩa vụ thành viên WTO theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Kinh phí cho việc thực hiện các hoạt động trong bản Kế hoạch hành động này được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước cho xây dựng cơ bản, đầu tư trang thiết bị khoa học và công nghệ, kinh phí cho hoạt động thường xuyên hàng năm của các Bộ, ngành và nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức, các nhà tài trợ quốc tế thông qua các dự án hợp tác, đầu tư, viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật thông qua hợp tác song phương, đa phương.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Trên cơ sở những nội dung chủ yếu của bản Kế hoạch hành động và căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành mình, Bộ trưởng các Bộ liên quan trực tiếp chỉ đạo và phân công các đơn vị chức năng thuộc lĩnh vực quản lý cụ thể hóa các hoạt động và bố trí kinh phí hàng năm để triển khai thực hiện. Đối với những hoạt động không triển khai theo các đề án hay các chương trình dự án, cần tổ chức triển khai ngay nhằm đáp ứng các nhu cầu thực tế và đảm bảo tính hiệu quả trong việc thực hiện các cam kết.

2. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương, Khoa học và Công nghệ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, theo dõi đôn đốc việc triển khai thực hiện bản Kế hoạch hành động và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ đảm bảo các nội dung và giải pháp của bản Kế hoạch hành động được thực hiện đồng bộ và hiệu quả.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN; các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu Văn thư, KTN (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 147/2008/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia đẩy nhanh thực hiện cam kết đối với Hiệp định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) đáp ứng nghĩa vụ thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 147/2008/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/11/2008
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 617
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản