Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1439/QĐ-BCT | Hà Nội, ngày 10 tháng 03 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2008
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị quyết số 02/2008/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của ngành công thương thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008.
Điều 2. Thủ trưởng các đơn vị được giao chủ trì các nhiệm vụ nêu trong Chương trình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện bảo đảm đúng thời gian quy định.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Viện trưởng các Viện: Nghiên cứu chiến lược Chính sách công nghiệp và Nghiên cứu Thương mại, Tổng Giám đốc các Tập đoàn, Tổng công ty, công ty thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2008
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1439/QĐ-BCT ngày 10 tháng 3 năm 2008)
I. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
Mục tiêu của Chương trình nhằm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 02/2008/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008.
Yêu cầu của Chương trình là các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thuộc ngành công thương chủ động và tích cực góp phần công sức của mình vào sự nghiệp chung của toàn ngành, thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2008 với nhiệm vụ trọng tâm là phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) từ 8,5 - 9% và phấn đấu đạt trên 9%; chủ động hội nhập trong việc thực hiện các cam kết và lộ trình hội nhập kinh tế thế giới và đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng.
Thực hiện tốt Chương trình hành động có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch năm 2008, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của ngành công thương trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006 – 2010 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2001 – 2010.
II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
1.1. Các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ tập trung triển khai xây dựng các văn bản trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 ban hành kèm theo Quyết định số 752/QĐ-BCT ngày 30 tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và các văn bản nêu trong Chương trình này.
1.2. Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với các Vụ, Cục, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền đã ban hành; kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ kịp thời những quy định không còn phù hợp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
- Phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thương mại, nghiên cứu sửa đổi một số quy định phi thuế quan cần thiết.
1.2. Cục Quản lý cạnh tranh: Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Cạnh tranh.
1.3. Vụ Thị trường trong nước: Ban hành các quy chuẩn và hướng dẫn phát triển các mô hình tổ chức hoạt động thương mại (bán buôn, bán lẻ).
1.4. Vụ Năng lượng nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí. Thời hạn hoàn thành và thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo UBTVQH trong tháng 3/2008.
1.5. Vụ Xuất nhập khẩu và Cục Quản lý cạnh tranh: Phối hợp để rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thương mại.
2. Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
2.1. Các Vụ, Cục: Tiếp tục rà soát và bổ sung, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch đã được phê duyệt, bảo đảm cho các quy hoạch đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch trong kế hoạch 2008.
Tăng cường công tác theo dõi, quản lý, kiểm tra giám sát việc thực hiện các chiến lược, quy hoạch được phê duyệt. Vụ Kế hoạch chủ trì phối hợp với các Vụ, Cục xây dựng và triển khai Chương trình kiểm tra giám sát Chiến lược, Quy hoạch trong năm 2008.
- Các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty, doanh nghiệp tổ chức thực hiện tốt những giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng đã đề ra trong báo cáo tổng kết năm 2007 và kế hoạch 2008 của ngành để đảm bảo phát triển sản xuất công nghiệp với tốc độ cao trên 17,5% xuất khẩu trên 22%, gắn liền với nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; thúc đẩy phát triển dịch vụ; tập trung chỉ đạo các dự án đầu tư hoàn thành đúng tiến độ, sớm huy động vào sản xuất.
2.2. Vụ Tài chính phối hợp Vụ Tổ chức cán bộ, Ban đổi mới doanh nghiệp của Bộ xây dựng kế hoạch cổ phần hóa năm 2008, đẩy mạnh công tác sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ.
- Chủ trì, tham gia với các cơ quan của Bộ Tài chính xây dựng và công bố tình hình thực hiện giá thị trường đối với các hàng hóa và dịch vụ nhà nước còn kiểm soát định giá như điện, than, xăng dầu…
2.3. Cục Công nghiệp địa phương phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn các Sở Công Thương tham gia thực hiện Công trình phát triển ngành nghề nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
2.4. Vụ Kế hoạch: Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu của nền kinh tế và những sản phẩm công nghiệp chủ yếu, như: khí, than, điện, thép xây dựng, xăng dầu, phân bón, xi măng trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất trong nước. Thời hạn hoàn thành và báo cáo Bộ trong quý II năm 2008.
- Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2007/TT-BTM ngày 17 tháng 7 năm 2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 2 năm 2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Thời hạn hoàn thành trong quý III năm 2007.
- Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng chương trình thực hiện những nội dung có liên quan ngành công thương trong Chiến lược biển.
2.5. Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp:
- Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan và các đơn vị chức năng thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu các cơ chế, chính sách thích hợp và các biện pháp cụ thể để khuyến khích đầu tư sản xuất các nguyên vật liệu quan trọng, công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ. Thời hạn hoàn thành và báo cáo Bộ trong quý III năm 2008.
- Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường liên kết, hợp tác trong ngành, giữa các ngành và giữa các thành phần kinh tế để phát triển và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp. Thời hạn hoàn thành và báo cáo Bộ trong quý III năm 2008.
- Phối hợp với Viện Nghiên cứu thương mại, Cục Công nghiệp địa phương xây dựng Đề án đề xuất các cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thời hạn báo cáo: Quý IV năm 2008.
2.6. Vụ Năng lượng: Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển ngành lọc hóa dầu, năng lượng. Thời hạn hoàn thành và báo cáo Bộ trong quý III năm 2008.
2.7. Văn phòng Bộ chủ trì phối hợp với các Vụ chức năng rà soát để loại bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục cấp phép và các quy trình giải quyết công việc không còn phù hợp, gây cản trở tới hoạt động của doanh nghiệp.
2.8. Vụ Thị trường trong nước: Nghiên cứu xây dựng các chính sách nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý và tổ chức hệ thống phân phối theo ngành hàng, phát triển đồng bộ các loại hình dịch vụ phân phối trên thị trường nội địa, bán buôn, bán lẻ, đại lý; kiểm soát chặt chẽ độc quyền đi đôi với tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia và cạnh tranh bình đẳng trên thị trường dịch vụ. Báo cáo Bộ trong tháng 10 năm 2008.
- Chủ trì nghiên cứu xây dựng để trình Bộ ban hành hoặc để Bộ trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách nhằm tạo bước phát triển vượt bậc cho khu vực dịch vụ hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
2.9. Vụ Xuất nhập khẩu: Chủ trì phối hợp các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư và các đơn vị liên quan nghiên cứu các giải pháp, chính sách để tận dụng cơ hội và điều kiện từ hội nhập kinh tế, quốc tế nhằm mở rộng thị trường, phát huy lợi thế, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, hạn chế nhập siêu. Thời hạn hoàn thành và gửi báo cáo về Bộ trong quý III năm 2008 để trình Chính phủ.
- Chủ trì xây dựng các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu năm 2008 theo mục tiêu kế hoạch đã đề ra, báo cáo Bộ trong quí II/2008.
- Rà soát và báo cáo Bộ các giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc về chính sách và thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động xuất khẩu để bộ giải quyết (nếu thuộc thẩm quyền) hoặc kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. Chú ý đến các giải pháp để minh bạch hóa quy trình cấp phép nhập khẩu và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho hàng nhập khẩu; giảm các chi phí dịch vụ xuất khẩu để tăng cường năng lực và khả năng xuất khẩu của hàng hóa. Thời hạn hoàn thành và gửi báo cáo trong tháng 4 năm 2008.
- Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ xây dựng các chính sách khuyến kích xuất khẩu phù hợp với các định chế của WTO báo cáo Bộ trong quý II năm 2008.
- Nghiên cứu đề xuất cơ chế thưởng trực tiếp đến các hộ nông dân làm hàng xuất khẩu phù hợp với các quy định của WTO, báo cáo Bộ trong quý III năm 2008.
2.10. Cục Xúc tiến thương mại: Xây dựng các giải pháp, chính sách nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến thương mại năm 2008, thời hạn hàn thành và gửi báo cáo về Bộ trong tháng 11/2008.
2.11. Cục Quản lý cạnh tranh: Xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong các vụ kiện bán phá giá để hạn chế thấp nhất các thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam.
2.12. Cục Quản lý thị trường: Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường; kiểm soát chi phí sản xuất, chi phí lưu thông những mặt hàng thiết yêu nhằm hạn chế đến mức tối đa sự tăng giá của các mặt hàng.
2.13. Văn phòng Ủy ban quốc gia hợp tác kinh tế quốc tế: Đề xuất các giải pháp và hình thức hỗ trợ nông dân đẩy mạnh hàng xuất khẩu mà không vi phạm các cam kết WTO.
3. Cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế, tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả đầu tư.
3.1. Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính Kế toán, Vụ Khoa học và Công nghệ hoàn thành việc phân bổ vốn từ nguồn sách năm 2008 theo đúng tiến độ, bảo đảm tập trung vốn cho các dự án có hiệu quả, kịp thời điều chỉnh khi thấy dự án triển khai không đáp ứng yêu cầu; nghiên cứu đề xuất các hình thức và cơ chế huy động các nguồn vốn phục vụ cho phát triển giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
3.2. Các Vụ quản lý ngành (Năng lượng, Công nghiệp nhẹ, Công nghiệp nặng) tổ chức rà soát tiến độ triển khai các dự án đầu tư quan trọng, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia, tập trung chỉ đạo và thực hiện các giải pháp để đảm bảo tiến độ của các dự án trong tháng 4 năm 2008 và gửi báo cáo tổng hợp cuối năm theo thời hạn quy định chung của Chương trình hành động.
- Định kỳ tổ chức giao ban công trường để kịp thời giải quyết các ách tắc, đảm bảo tiến độ của các dự án. Tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng tháng tình hình thực hiện các dự án về Bộ để phục vụ cho các cuộc họp giao ban Chính phủ.
- Tăng cường công tác chuẩn bị và thẩm định đánh giá, giám sát đầu tư để bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích, bảo đảm tính khả thi của dự án.
3.3. Các Trường, đơn vị, Tổng công ty thực hiện việc sắp xếp lại và tăng cường chất lượng các Ban quản lý dự án theo hướng phù hợp và có hiệu quả.
3.4. Vụ Năng lượng phối hợp với đơn vị chức năng thuộc Bộ Xây dựng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai xây dựng các dự án quan trọng quốc gia về điện lực và dầu khí và báo cáo những khó khăn, vướng mắc, các giải pháp đảm bảo tiến độ của các dự án về Bộ vào cuối quý I, II, III năm 2008 và gửi báo cáo tổng hợp cuối năm theo thời hạn quy định chung của Chương trình hành động.
3.5. Vụ Hợp tác quốc tế:
- Chủ trì phối hợp với các Vụ liên quan cập nhật Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2006 – 2010, báo cáo bộ trong tháng 6 năm 2008.
- Phối hợp với các cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát trình Chính phủ ban hành cơ chế để tăng cường năng lực quản lý và sử dụng vốn ODA nói chung và các dự án trong Bộ nói riêng.
- Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách thu hút nước ngoài đầu tư vào các sản phẩm công nghiệp quan trọng mà các thành phần kinh tế khác không có khả năng đầu tư như dự án khai thác quặng sắt và luyện thép, bô xít nhôm – alumin, lọc hóa dầu, cơ khí chế tạo, hóa chất cơ bản, hóa dược … Hoàn thành và báo cáo Bộ trong tháng 6 năm 2008 để trình Chính phủ ban hành.
4. Đổi mới và tăng cường quản lý tài chính.
4.1. Các Vụ Tài chính, Kế hoạch, Khoa học và công nghệ; trên cơ sở thỏa thuận của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai thông báo kế hoạch sử dụng vốn ngân sách năm 2008 cho các đơn vị theo quy định.
4.2. Các đơn vị được phân bổ vốn ngân sách năm 2008 thực hiện ngay việc phê duyệt hoặc trình phê duyệt dự toán và triển khai các công tác tiếp theo đảm bảo ngân sách được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.
4.3. Vụ Tài chính chủ trì xây dựng Chương trình kiểm tra và kiểm toán việc sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước ở các đơn vị sử dụng vốn ngân sách; xây dựng quy chế và tiêu chuẩn đầu tư, như mua sắm và sử dụng tài sản công của Bộ Công Thương.
4.4. Cục Công nghiệp địa phương: Quản lý và sử dụng có hiệu quả, đúng mục tiêu nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2008.
4.5. Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, doanh nghiệp trong ngành tăng cường công tác quản lý tài chính, thực hiện kiểm toán mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.
5. Sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Vụ Công nghiệp nặng chủ trì xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các tập đoàn, tổng công ty trong ngành để bảo đảm đúng quy trình, quy phạm khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên.
Xây dựng quy hoạch chế biến, khai thác, cho phép xuất khẩu khoáng sản theo hướng chế biến sâu, hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô, Xây dựng lộ trình tiến tới ngừng xuất khẩu một số khoáng sản chủ yếu khai thác trong nước như: than, quặng sắt, dầu khí ….
6. Chủ động thực hiện các cam kết quốc tế.
6.1. Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng Ủy ban quốc gia hợp tác kinh tế quốc tế;
- Phối hợp hỗ trợ các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các cam kết quốc tế về thương mại, đầu tư, dịch vụ và các lĩnh vực khác có liên quan.
6.2. Vụ Xuất nhập khẩu: tổ chức rà soát, điều chỉnh bổ sung Đề án xuất khẩu giai đoạn 2006 – 2010 cho phù hợp yêu cầu và tình hình mới.
6.3. Vụ Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp định chế quốc tế đối với hàng nhập khẩu để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước, góp phần hạn chế nhập siêu.
6.4. Các doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành hàng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý để tạo sự thống nhất trong công tác chỉ đạo điều hành và tổ chức mạng lưới thông tin dự báo tình hình thị trường, giá cả, cung cầu hàng hóa ở thị trường trong nước và nước ngoài, nhằm cung cấp những thông tin có lợi đi đôi với việc kiểm soát những thông tin sai lệch gây nhiễu thị trường cho các doanh nghiệp trong ngành. Quan tâm đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu đi đôi với việc đề cao chữ “tín” trong thương mại quốc tế.
6.5. Vục Chính sách thương mại đa biên: Căn cứ theo các cam kết và lộ trình hội nhập chủ trì xây dựng kế hoạch hành động thực hiện hội nhập một cách chủ động, hạn chế tối đa tác động xấu của hội nhập đối với phát triển ngành công thương. Thời hạn báo cáo trong Quý II/2008.
6.6. Các đơn vị thuộc Bộ căn cứ Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 16 trình Bộ các Đề án được giao theo đúng tiến độ.
6.7. Các Vụ quản lý ngành theo dõi và đảm bảo cho các dự án ODA triển khai theo đúng những cam kết đã ký.
7. Phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, tài nguyên và môi trường.
7.1. Các doanh nghiệp có chương trình, kế hoạch, nguồn kinh phí để tổ chức tự đào tạo hoặc cử người đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong nước cũng như ở nước ngoài để đáp ứng nhu cầu lao động, nâng cao tay nghề, trình độ khoa học công nghệ, trình độ quản lý, chú trọng đào tạo các kỹ thuật viên, các nhà thiết kề, các nhà quản lý có trình độ cao phù hợp với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu cạnh tranh.
7.2. Các doanh nghiệp có cơ chế thu hút và sử dụng những nhà khoa học, các chuyên gia, các kỹ thuật viên giỏi, các thợ bậc cao, các đề tài nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả từ các Viện nghiên cứu trong và ngoài nước để đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ và quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hình thành được đội ngũ doanh nhân giỏi của đất nước.
7.3. Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ cần chủ động bám sát yêu cầu của các doanh nghiệp, của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài có những dự án đầu tư lớn, yêu cầu lực lượng lao động nhiều, trình độ cao để tổ chức đào tạo theo địa chỉ nhằm gắn công tác đào tạo với nhu cầu xã hội.
7.4. Các cơ sở nghiên cứu chủ động gắn hoạt động nghiên cứu với thực tế sản xuất, chuyển hướng nghiên cứu giải quyết những vấn đề do sản xuất đặt ra, chấm dứt tình trạng nghiên cứu theo khả năng mình có để vừa nâng cao hiệu quả của công tác nghiên cứu, vừa góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ, thiết bị, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển có hiệu quả và bền vững.
7.5. Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích nâng cao năng lực, chất lượng các cơ sở đào tạo thuộc Bộ, nhất là đào tạo nghề; cơ chế liên kết đào tạo, dạy nghề giữa cơ sở dạy nghề với cơ sở sản xuất kinh doanh; các biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại cơ quan Bộ và cơ quan quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
8. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước; thực hiện kiên quyết và đồng bộ các biện pháp chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
8.1. Vụ Tổ chức cán bộ: Chủ trì phối hợp với các đơn vị để hoàn thiện các văn bản pháp luật quy định việc hợp nhất Sở Công nghiệp và Sở Thương mại thành Sở Công Thương, xây dựng Quyết định quy định tiêu chuẩn Giám đốc Sở Công Thương để sớm đưa bộ máy quản lý đi vào hoạt động ổn định.
8.2. Các Cục, Vụ, Viện và các đơn vị trực thuộc Bộ: Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2006 – 2010 và xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2008 báo cáo Bộ trong quý I năm 2008. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong các lĩnh vực quản lý đất đai, chi tiêu ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, đề bạt và bố trí cán bộ.
8.3. Văn phòng Bộ xây dựng kế hoạch cải cách hành chính năm 2008 trình Bộ ban hành trong quý I/2008; chủ trì theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các trình tự, thủ tục của các quy trình công tác theo tiêu chuẩn ISO; định kỳ tổ chức đánh giá, chấm điểm thi đua.
- Chủ trì xây dựng Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2008 – 2010 của Bộ Công Thương, báo cáo cuối năm 2008.
8.4. Vụ Pháp chế chủ trì rà soát các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính không còn phù hợp để bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản hóa thủ tục và tăng cường phân cấp trong các lĩnh vực gắn liền với xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn trong các lĩnh vực; theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện đúng tiến độ Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và cơ chế “một cửa”.
8.5. Các cơ quan thuộc Bộ thực hiện tốt quy chế công khai, minh bạch mọi cơ chế quản lý, quy trình tác nghiệp có liên quan tới doanh nghiệp và người dân, công khai kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước năm 2008 trên mạng nội bộ của Bộ.
8.6. Tranh tra Bộ: Cải tiến và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp trong toàn ngành công thương theo đúng pháp luật, phát triển đúng chiến lược và quy hoạch.
8.7. Thủ trưởng các doanh nghiệp có kế hoạch tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền một cách kịp thời, đúng luật; bảo đảm thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy công tác giám sát của các đoàn thể;
8.8. Các vụ chức năng lập kế hoạch kiểm tra năm 2008 việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, quản lý sử dụng tài sản công, quản lý sử dụng đất đai, quản lý thu chi ngân sách, quản lý đầu tư xây dựng của các doanh nghiệp thuộc Bộ, báo cáo Bộ trong tháng 3/2008.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tổ chức thực hiện những nhiệm vụ và nội dung công tác thuộc lĩnh vực được giao.
Các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ, các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ nhiệm vụ và yêu cầu công tác đề ra trong Chương trình này, xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với từng đơn vị, hàng tháng, hàng quý có kiểm điểm đánh giá kết quả và báo cáo về Bộ trước ngày 20/11 để tổng hợp Báo cáo Chính phủ trong phiên họp tháng 12/2008.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Nghị quyết số 03/2008/NQ-CP về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2007 - 2011 do Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 4226/QĐ-BCT ban hành Chương trình hành động Ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020
- 1Nghị định 189/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương
- 2Nghị quyết số 02/2008/NQ-CP về việc những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 do Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết số 03/2008/NQ-CP về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2007 - 2011 do Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 4226/QĐ-BCT ban hành Chương trình hành động Ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020
Quyết định 1439/QĐ-BCT năm 2008 về chương trình hành động của ngành Công thương thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- Số hiệu: 1439/QĐ-BCT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 10/03/2008
- Nơi ban hành: Bộ Công thương
- Người ký: Bùi Xuân Khu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra